Hội nghị thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam 1957

Năm 1954 hoà bình lập lại không miền Bắc Việt Nam, tại Hà Nội giới Mỹ thuật đã được tập hợp từ nhiều nguồn với số lượng ngày càng lớn. Các Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1954 và năm 1955 được tổ chức. Năm 1955, Ban Trù bị Đại hội thành lập Hội Mỹ thuật VIệt Nam (Hội MTVN) đã được hình thành gồm các họa sĩ: Trần Văn Cẩn, Huỳnh Văn Thuận, Phan Kế An, Nguyễn Đỗ Cung, Lê Quốc Lộc, Mai Văn Hiến, Trần Đình Thọ, nhà điêu khắc Trần Văn Lắm, sau đó có bổ sung thêm một số các họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Kao Thương, Nguyễn Văn Mười và nhà điêu khắc Diệp Minh Châu.

Sau gần 2 năm chuẩn bị, từ ngày 26 tháng 3 đến ngày 29 tháng 3 năm 1957, Hội nghị thành lập Hội MTVN đã được tổ chức trọng thể tại Câu lạc bộ Hội Văn nghệ Việt Nam – số nhà 1 phố Bà Triệu – Hà Nội. Theo họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ: “Số họa sĩ và nhà điêu khắc tập trung ở Hà Nội khá đông, đến hơn 200 người, Hội viên dự định kết nạp lên tới 100 người. Qua nhiều cuộc họp, thảo luận sôi nổi, từ tổ chức Hội sang đường lối nghệ thuật… Nhân có tranh vẽ về Tây Nguyên, nổi lên vấn đề vẽ tranh khoả thân như thế nào. Hội họa Việt Nam thường vẫn giữ được tính khoa học và trung thực. Tuy lúc đó không bày tranh khoả thân như phương Tây nhưng trường Cao đẳng vẫn nghiên cứu mẫu khoả thân vẫn lấy mẫu người làm gốc để học tập…”

Hội nghị đã bầu BCH của Hội MTVN gồm 21 người trong đó có hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ, Mai Văn Hiến, Nguyễn Trọng Hợp, Lương Xuân Nhị, Trần Đình Thọ, Nguyễn Khang, Nguyễn Phan Chánh, Hoàng Kiệt, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Kao Thương, Nam Sơn, Lê Vinh và các nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, Trần Văn Lắm, Nguyễn Thị Kim.

Đại hội đại biểu Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014 – 2019

Hội nghị cũng đã uỷ nhiệm BCH gửi điện chào mừng và báo tin thành lập Hội MTVN lên Chính phủ, Trung ương Đảng, các Hội Mỹ thuật các nước anh em và các cơ quan trong nước…

BCH đã bầu họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ làm Tổng thư ký, Nguyễn Sỹ Ngọc làm Phó Tổng thư ký và Ban Thường vụ (BTV) gồm: Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sỹ Ngọc, Trần Văn Cẩn, Diệp Minh Châu, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Khang, Hoàng Kiệt. Sau đó một năm họa sĩ Trần Văn Cẩn đã được bầu làm Tổng thư ký (1958 – 1983); Phó Tổng thư ký là các họa sĩ Phan Kế An (1958 – 1963); họa sĩ Huỳnh Văn Thuận và nhà điêu khắc Trần Văn Lắm (1958 – 1983).

Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định Đảng đoàn Hội MTVN gồm các họa sĩ Huỳnh Văn Thuận làm Bí thư; họa sĩ Phan Kế An làm Phó Bí thư và các Uỷ viên: họa sĩ Lê Quốc Lộc, Mai Văn Hiến và nhà điêu khắc Trần Văn Lắm. Theo đề nghị của BCH Hội MTVN, ngày 4 tháng 4 năm 1957, Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong Nghị định số 295/ND – DC ngày 8 tháng 4 năm 1957 cho phép Hội MTVN thành lập và hoạt động.

Theo tài liệu đánh máy năm 1963 còn lưu giữ được thì những hội viên đầu tiên của Hội MTVN năm 1957  gồm có 123 người (xếp theo vần a,b,c): Phan Kế An, Nguyễn Bích, Nguyễn Văn Bình, Tạ Thúc Bình, Nguyễn Văn Bổng, Trần Văn Cẩn, Văn Cao, Ngô Minh Cầu, Nguyễn Phan Chánh, Diệp Minh Châu, Linh Chi, Trần Văn Chiêu, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Trang Chước, Nguyễn Đỗ Cung, Vũ Dương Cư, Phạm Đức Cường, Nguyễn Dung, Thu Dung, Trần Duy, Trần Dư, Ngô Tôn Đệ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Kim Đồng, Đặng Đức, Đào Đức, Huỳnh Văn Gấm, Phạm Gia Giang, Văn Giáo, Nguyễn Đình Hàm, Phạm Hậu, Nguyễn Hiêm, Mai Văn Hiến, Nguyễn Phú Hiếu, Trần Trung Hiếu, Lê Huy Hoà, Nguyễn Phi Hoanh, Nguyễn Như Hoành, Văn Hòe, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Huyến, Phạm Ngọc Khâm, Đinh Khang, Nguyễn Khang, Phạm Văn Khôi, Nguyễn Trọng Kiệm, Hoàng Kiệt, Nguyễn Thị Kim, Vũ Lai, Hồ Văn Lái, Lê Lam, Trần Văn Lắm, Dương Bích Liên, Ngọc Linh, Mai Long, Nguyễn Thành Long, Lê Quốc Lộc, Lê Nguyên Lợi, Trần Đông Lương, Tôn Đức Lượng, Nguyễn Văn Lý, Trần Viết Lý, Dương Hướng Minh, Đinh Minh, Nguyễn Văn Mười, Mai Văn Nam, Vũ Ngân, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sỹ Ngọc, Trịnh Hữu Ngọc, Hoàng Lập Ngôn, Hoàng Tuấn Nhã, Lưu Công Nhân, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Duy Nhất (Lê Năng Hiển), Lương Xuân Nhị, Nguyễn Trọng Niết, Nguyễn Đức Nùng, Lê Phả, Bùi Xuân Phái, Thang Trần Phềnh, Thục Phi, Nguyễn Quang Phòng, Trịnh Phòng, Nguyễn Đình Phúc, Hồ Quảng, Nguyễn Mạnh Quỳnh, Hùng Sanh, Nguyễn Sáng, Lưu Văn Sìn, Phạm Viết Song, Nam Sơn, Thân Trọng Sự, Phạm Thanh Tâm, Minh Tần, Hữu Thanh, Đào Thế, Phạm Xuân Thi, Nguyễn Văn Thiện, Trịnh Thiệp, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Thọ, Trần Đình Thọ, Phan Thông, Vũ Văn Thu, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Thuận, Nguyễn Kao Thương, Huy Toàn, Hoàng Trầm, Trần Quang Trân, Vương Trình, Công Văn Trung, Nguyễn Văn Trường, Đinh Văn Trữ, Trần Mạnh Tuyên, Hoàng Tuyển, Nguyễn Văn Tỵ, Song Văn, Lê Vinh, Nguyễn Thế Vỵ, Văn Xương.

Sau Hội nghị, trụ sở của Hội được đặt tại số nhà 38 Hai Bà Trưng, Hà Nội sau này mới chuyển về 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, các hoạt động về tổ chức, nhân sự, tài chính vẫn trực thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam.

Thời kỳ đầu thành lập Hội, nước ta đang bị chia cắt làm hai miền Nam – Bắc ở trong giai đoạn khôi phục kinh tế sau đó là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. BCH Hội MTVN khoá I đã triển khai công tác xây dựng Hội, tổ chức tập hợp vào đội ngũ của mình những người làm công tác mỹ thuật nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị và tổ chức sáng tác chủ yếu là hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc. Hội đã tổ chức các hoạt động sáng tác, đi thực tế, tổ chức triển lãm.

Ngoài xưởng sáng tác được tổ chức trước đó, Hội còn được giao quản lý và tổ chức triển lãm tại căn nhà số 10 phố Hàng Đào. Nhà triển lãm đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm như tranh cổ động, tranh đả kích, ký hoạ đến các tác phẩm của nhóm hoặc cá nhân.

Các họa sĩ lão thành tham dự Đại hội Hội Mỹ thuật lần thứ VIII, năm 2014

Hội đã tổ chức được nhiều triển lãm lớn, ta có thể kể tới các TLMTTQ năm 1958, năm 1960, năm 1962, Triển lãm mùa xuân 1967, Triển lãm điêu khắc 10 năm toàn quốc 1973, TLMT Quân đội 1974, Triển lãm chào mừng 30 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 1975, TLMTTQ 1976, năm 1980. Hội Mỹ thuật đã tổ chức được nhiều triển lãm ký hoạ đặc biệt là triển lãm ký hoạ của các họa sĩ miền Nam gửi ra, TLMT về đề tài quân đội. Bên cạnh các triển lãm ở trong nước, đã gửi nhiều tác phẩm MTVN tham gia các triển lãm ở nước ngoài như Triển lãm MTVN ở Mông Cổ, Trung Quốc, TLMT các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu; Triển lãm đồ hoạ quốc tế; Tranh cổ động quốc tế tại các nước Liên Xô, Cộng hoà Dân chủ Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc, Bulgari, Ấn Độ, Cuba… cùng với các triển lãm là các họa sĩ Việt Nam đi sáng tác, vẽ nhiều ký hoạ trưng bày tại nước bạn và trong nước. Nhiệm kỳ I của Hội MTVN đã tổ chức được nhiều chuyến đi thực tế như đi thực tế vùng mỏ Quảng Ninh, Nam Định, Tây Bắc, vùng tuyến lửa khu IV tổ chức nhiều đợt sáng tác tranh cổ động, cùng quần chúng xuống đường lên án Mỹ – Diệm ra luật 10/59 đưa những người kháng chiến ra ngoài vòng pháp luật, lên án các vụ đầu độc ở nhà tù Phú Lợi, thảm sát ở Hướng Điền, Duy Trinh… hợp tác hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá, bầu cử Quốc hội, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước…

Với các hoạt động có hiệu quả, sau 3 năm thành lập, đến năm 1960 Hội MTVN đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15.SL ngày 09 tháng 7 năm 1960 tặng Huân Chương Lao động Hạng Nhất vì “Đã có nhiều thành tích về sáng tác Nghệ thuật Tạo hình và giới thiệu ra nước ngoài nhiều tác phẩm nghệ thuật dân tộc.”

Hội đã tổ chức Tổ sáng tác tập hợp các họa sĩ và nhà điêu khắc có năng lực, các thành viên tổ sáng tác được hưởng lương và các chế độ của Nhà nước nhưng không phải đến cơ quan làm việc, tất cả thời gian đều dành cho sáng tác, vì vậy phần lớn thành viên đều trở thành những họa sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng, như các họa sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Lưu Công Nhân và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Hải, Lê Công Thành.

Do tình hình đất nước bị chia cắt làm hai miền, tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam sau ngày thống nhất đất nước nên nhiệm kỳ I của Hội MTVN đã kéo dài 26 năm từ 1957 đến 1983. Trong nhiệm kỳ I, BCH Hội MTVN đã bầu bổ sung Uỷ viên BCH và Ban Thường vụ. Cụ thể là năm 1958 bầu bổ sung họa sĩ Phan Kế An và họa sĩ Lê Quốc Lộc, năm 1963 bầu bổ sung họa sĩ Nguyễn Bích, năm 1968 bầu bổ sung họa sĩ Vũ Giáng Hương, Nguyễn Thế Vinh, Nguyễn Thụ, Quang Thọ; năm 1980 bầu bổ sung họa sĩ Dương Viên, Nguyễn Thanh Châu, Cổ Tân Long Châu, Huỳnh Phương Đông, Nguyễn Như Huân (Thái Hà), Đặng Thị Khuê, Xu Man, Vi Kiến Minh, Nguyễn Văn Mười, Quách Phong và nhà điêu khắc Nguyễn Phước Sanh và Lều Thị Phương.

BCH Hội cũng bổ sung vào BTV và giữ chức vụ Phó Tổng thư ký họa sĩ Phan Kế An (1958-1978), Huỳnh Văn Thuận, nhà điêu khắc Trần Văn Lắm (1958-1983), Dương Viên, (1982-1983); bổ sung vào BTV họa sĩ Mai Văn Hiến (1963-1983), họa sĩ Lê Quốc Lộc, Huỳnh Văn Gấm, Trần Đình Thọ (1968-1983), họa sĩ Dương Viên, Nguyễn Thanh Châu, Quách Phong, Đặng Thị Khuê và nhà điêu khắc Phước Sanh (1980-1983).

Năm 1977, Hội MTVN thành lập Tạp chí Mỹ thuật và phát hành số đầu tiên do họa sĩ Huỳnh Văn Gấm làm Tổng biên tập. Hội đã thành lập Chi nhánh phía Nam trên cơ sở các họa sĩ của Phòng Mỹ thuật Giải phóng trở về Tp. Hồ Chí Minh, các họa sĩ ở thành phố và các họa sĩ từ miền Bắc vào ngày càng đông đảo, để tổ chức tốt các hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, hai tổ chức được hình thành đó là Hội Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh để tập hợp các nghệ sĩ tạo hình trong thành phố và Chi nhánh phía Nam của Hội MTVN trụ sở của Chi nhánh được đặt tại 98 Sương Nguyệt ánh – Quận I để quản lý các hoạt động mỹ thuật, hội viên sinh sống và sáng tác tại các tỉnh Đông Nam Bộ, Tp. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long.

Nếu ngày đầu thành lập Hội có 123 hội viên đầu tiên thì đến cuối nhiệm kỳ số hội viên của Hội là 574 người.

Nhiệm kỳ I (1957-1983) của Hội MTVN là nhiệm kỳ có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cả nước, là thời kỳ Mỹ thuật hiện đại Việt Nam phát triển mạnh mẽ theo Chủ nghĩa hiện thực XHCN. Nghệ thuật Tạo hình Cách mạng Việt Nam đã kiên định phương pháp sáng tác hiện thực XHCN – thể hiện đậm đà bản sắc dân tộc và mang tính hiện đại rõ nét – Đội ngũ phát triển – ba thế hệ nối tiếp nhau, hợp sức và hình thành đội ngũ nghệ sĩ tạo hình Cách mạng, thế hệ thứ nhất có công đi đầu xây dựng nền móng cho Nghệ thuật Tạo hình cách mạng Việt Nam và đào tạo đội ngũ nghệ sĩ kế tục phục vụ Cách mạng. Những vấn đề cơ bản như nghệ thuật và chính trị, nghệ sĩ là chiến sĩ, nghệ sĩ với quần chúng. Vẽ để làm gì, vẽ như thế nào, vẽ cho ai? đã được đặt ra và giải quyết. Qua cuộc đấu tranh chống “Nhân văn giai phẩm” những sự dao động, bối rối trong một số anh chị em đã được giải đáp.

Báo cáo của BCH nhiệm kỳ I: “Tổ chức Hội mang tính chất một cơ quan Nhà nước, hoạt động theo chế độ hành chính bao cấp, mọi thứ đều do Nhà nước cung cấp, cơ sở hoạt động kinh tế của Hội không có gì đáng kể cũng như chưa được Nhà nước giúp đỡ về khả năng tự lực. Tình hình ấy dân hội bó tay trước những yêu cầu bức thiết của xã hội, sự chỉ đạo trở thành bảo thủ, quan liêu, trì trệ và có lúc buông lỏng. Tư tưởng ỷ lại do thói quen được bao cấp càng nặng. Rõ ràng cơ cấu tổ chức ấy đến nay đã cần phải thay đổi, cộng vào đó tình hình hội viên mà đặc biệt là tuyệt đại bộ phận công tác ở cơ quan Nhà nước, công việc sáng tác bằng thì giờ dư thừa, bằng tay trái…”.

Trần Khánh Chương

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc “Quảng bá tuyên truyền, thương hiệu sơn mài Việt Nam – Triển lãm tranh, sản phẩm sơn mài” tại Paris-Cộng hòa Pháp

Tiếp tục vun đắp mối quan hệ hữu nghị và tin cậy giữa hai nước Việt Nam – Cộng hòa Pháp, cũng như tăng cường quảng bá hình ảnh, văn hóa dân tộc, đất nước, con người Việt Nam tới đông...

Hoạ sĩ Thái Tĩnh trong sắc thu vĩnh cửu

Lắng đọng trong tâm khảm mỗi người nghệ sĩ, khi nắm bắt được ý tưởng trong sáng tạo nghệ thuật với sự chuyển hóa của mùa luôn mang sắc thái rất riêng và rất đẹp. Ý niệm đã sẵn có...

Nghệ sĩ Trà Giang đấu giá tranh gây quỹ giúp người vùng lũ

Nghệ sĩ Trà Giang đấu giá bức “Hồn quê” do bà vẽ, quyên góp cho quỹ hỗ trợ miền Bắc chịu thiệt hại do bão Yagi. Diễn viên gạo cội cho biết: “Đọc tin tức thiệt hại ở các địa...

5 họa sĩ mở triển lãm tại Hà Nội, trích tiền bán tranh ủng hộ đồng bào vùng lũ

VOV.VN – Tại buổi khai mạc triển lãm, 5 họa sĩ cho biết sẽ trích một phần tiền thu được từ việc bán các tác phẩm trong triển lãm “Chạm vào ký ức” để ủng hộ đồng bào vùng lũ bị...

Tiểu tự sự của Hoàng Đỗ Cường

Triển lãm cá nhân Họa sĩ và những người bạn của cố họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (18/4/1959 – 15/2/2023) sẽ khai mạc lúc 17h ngày 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Tiến trình phát triển điêu khắc Phật giáo hệ Bắc tông và sự biến đổi kiến trúc ngôi chùa Việt

Chùa Việt là một trong những thực thể kiến trúc gắn liền với đời sống của người Việt, cùng với sự biến động và bồi đắp của lịch sử. Các ngôi chùa cổ ở Đồng bằng Bắc Bộ chính là...

Lễ ra mắt sách Trần Văn Cẩn và Tiếp nhận bản nhạc “Little Thuy’s Minuet”

Sáng ngày 8 tháng 8 năm 2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra Lễ ra mắt sách “Trần Văn Cẩn – Tác phẩm chọn lọc trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” và Lễ...

Ngắm 500 cổ vật quý hiếm tại Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam

Lưu giữ, trưng bày 500 cổ vật quý hiếm có niên đại từ thế kỷ VII-VIII, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam là điểm đến tham quan của nhiều du khách.          ...

HƯƠNG VỊ TẾT HÀ NỘI TRONG TRANH TRỊNH LỮ

  Họa sĩ Trịnh Lữ sinh năm 1947, là con thứ chín của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912 -1997). Ông sang Mỹ năm 1987, cách đây hơn 30 năm; hiện, ông vẫn thường xuyên đi – về giữa Mỹ và Việt Nam....

5 họa sĩ tặng tranh đấu giá gây quỹ xây nhà cho người nghèo

NDO – 5 họa sĩ Hùng Rô (Nguyễn Mạnh Hùng), Khổng Đỗ Duy, Chu Viết Cường, Nguyễn Thế Hùng và Nguyễn Minh (Minh Phố) tặng tranh để đấu giá lấy kinh phí góp phần xây nhà cho người nghèo tại...