NGUYỄN CAO THƯƠNG – NGƯỜI ĐẶT TÊN TRƯỜNG MỸ THUẬT TRANG TRÍ

 

 

Thầy Nguyễn Cao Thương sinh ngày 22/3/1918 tại xã Long Kiến, Chợ Mới, An Giang. Do thân sinh của thầy là thư ký Kho bạc Sài Gòn nên gia đình thầy chuyển lên Sài Gòn cư ngụ khi thầy còn nhỏ. Từ nhỏ thầy đã có cơ hội học hành và cũng nhờ học hành mà thầy sớm ý thức được nỗi khổ nhục của người dân trong một đất nước bị bọn thực dân đô hộ. Năm 1944, sau khi theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội), thầy trở về Sài Gòn tham gia phong trào sinh viên học sinh và Thanh niên Tiền phong ở Sài Gòn cho đến ngày nhập ngũ tháng 9/1945.

Tháng 9/1945, Nguyễn Cao Thương gia nhập Cộng hòa vệ binh Nam bộ và được phân công giữ chức phân đội trưởng và chẳng bao lâu sau giữ chức đại đội trưởng đại đội Vĩnh Trà thuộc Bộ tư lệnh khu 8.

Vào đầu mùa hè năm 1947 tại xã Cái Chương, nằm sát thị trấn Càn Long, tỉnh Trà Vinh, thầy chỉ huy chống càn do quân Pháp thực hiện. Trong trận này với cây trung liên Anh và ống nhòm Nhật Bản, Nguyễn Cao Thương đã bắn hạ một máy bay địch, một thành tích rất lớn kể từ khi Nam bộ kháng chiến nổ ra.

Họa sĩ Nguyễn Cao Thương (1918 – 2003)

Năm 1948, thầy tham gia trận đánh Dừa Đỏ, Trà Vinh, trong trận đánh ác liệt này thầy bị thương, đạn găm vào bắp chân, trổ xuống mắt cá rồi nổ tung, nằm viện một thời gian dài và sau này giám định thương tật thuộc loại 3/4. Thế là chấm dứt vai trò chỉ huy một đơn vị bộ đội.

Từ năm 1949 đến năm 1954, thầy được điều động về nhận nhiệm vụ trưởng phòng Hội họa – Ban Tuyên truyền thuộc Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và sau đó là trưởng phòng Hội họa – Nhiếp ảnh thuộc Sở Thông tin Tuyên truyền Nam bộ. Trong thời gian này thầy mở các lớp hội họa để bồi dưỡng cho các cán bộ phục vụ kháng chiến. Chỉ trong hai năm 1949 và 1950, thầy đã đào tạo được hơn 300 cán bộ hội họa, cho nên Giải thưởng Văn nghệ Cửu Long Giang (Nam bộ) đã trao giải hạng đặc biệt cho thầy vì thành tích nêu trên. Tháng 10/1954, thầy Cao Thương tập kết ra miền Bắc.

Từ sau năm 1954, với những kiến thức đã được học về ngành mỹ thuật, thầy được bố trí làm giảng viên để truyền thụ cho nhiều lớp học trò của Trường Mỹ thuật Việt Nam. Tháng 12/1955, thầy Cao Thương được đề bạt làm hiệu phó của Trường Mỹ thuật Công nhiệp.

Từ tháng 12/1958 đến tháng 7/1959, thầy Nguyễn Cao Thương được cử đi học lớp chuyên tu Nga văn – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ tháng 8/1959 đến tháng 8/1962, thầy được cử đi nghiên cứu sinh Viện Đại học Mỹ thuật Cypukob ở Liên Xô. Từ tháng 8/1962 đến tháng 12/1968, làm giảng viên và chủ nhiệm khoa sơn dầu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Từ tháng 1/1969 đến năm 1974, là cán bộ sáng tác Hội Mỹ thuật Việt Nam, tham gia Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Từ tháng 5/1975 đến tháng 1/1976, trở về Sài Gòn, thầy giữ chức vụ Thường trực Ban trù bị Đại hội Mỹ thuật giải phóng, sau đó phụ trách ngành mỹ thuật Bộ Văn hóa Thông tin phía Nam.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Cao Thương (thuộc bộ sưu tập của ông Tira Vanichtheeranont – nhà sưu tập tranh người Thái Lan). Nhân vật trong tranh có thể là nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai (?)

Sau 30/4/1975, các bộ, tổng cục,… thành lập các đoàn tiếp quản để tiếp quản các cơ sở, trường học của các tỉnh mà theo họ do họ quản lý. Vào khoảng cuối tháng 5/1975, ông Lưu Hữu Phước, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đề cử họa sĩ Lê Vinh làm trưởng đoàn tiếp quản Trường Kỹ thuật Biên Hòa mà tiền thân là Trường Mỹ nghệ Biên Hòa. Phòng tổ chức Ty Giáo dục Biên Hòa không đồng ý giao trường cho đoàn tiếp quản, sau khi nhà trường đưa ra văn bản của Văn phòng phía Nam của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp do ông Hai Thành ký tên. Nội dung các trường trung học chuyên nghiệp giữ nguyên hiện trạng không giao trường cho các Bộ hay ban ngành nào khác. Hơn một tháng sau, Tổng cục hóa chất cử đoàn tiếp quản gồm anh Thiện và anh Vệ (Văn Ngọc Vệ) tiếp quản trường với lý do nhà trường sử dụng hóa chất để làm men gốm. Sau khi tiếp xúc với nhà trường, thấy không được các anh về bàn bạc lại và tiếp quản được một cơ sở khác sát bờ sông gần cầu sắt Rạch Cát để mở trường hóa chất nay là Trường Đại học Công nghiệp.

Trong tình hình khó khăn khi các Bộ muốn đưa Trường Kỹ thuật Biên Hòa về trung ương quản lý thì năm 1976 Bộ Văn hóa Thông tin lại đề bạt thầy Nguyễn Cao Thương làm trưởng đoàn tiếp quản nhà trường và dĩ nhiên là thất bại. Trước khi rời Ty Giáo dục về Sài Gòn, ông Chính (thành viên của đoàn) đề nghị đoàn lên gặp UBND tỉnh nhưng thầy Cao Thương không đồng ý.

Để quyết tâm giữ trường cho tỉnh, đại diện Ty Giáo dục Biên Hòa, ông Nguyễn Minh Thuận cùng đại diện nhà trường, thầy Nguyễn Văn Thông lên gặp Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh (ông Năm Hòa) thống nhất không giao trường cho các Bộ và để khẳng định điều này, tháng 11/1976, tỉnh ra quyết định thành lập trường Phổ thông Công nghiệp cấp 3 trên cơ sở Trường Kỹ thuật Biên Hòa cũ và đầu năm 1977 Ty Giáo dục Biên Hòa ra quyết định thành lập ban giám hiệu do ông Văn Ngọc Vệ làm hiệu trưởng và tuyển sinh khóa I vào trường.

Nguyễn Cao Thương. Trần Hưng Đạo đánh trận Bạch Đằng. Sơn dầu. 2,2 x 4m. Thuộc bộ sưu tập của ông Tira Vanichtheeranont – nhà sưu tập tranh người Thái Lan

Quyết tâm nhận cho bằng được, mặc dù ban tiếp quản chỉ còn lại một mình, trong hai năm 1976 và 1977, thầy Cao Thương vất vả ngược xuôi lúc ở Hà Nội lúc ở Biên Hòa, có lúc thầy phải lên gặp Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị để xin giải quyết và cuối cùng thầy đã toại nguyện: Vào khoảng giữa năm 1977, tỉnh đồng ý giao trường cho ban tiếp nhận (có thêm 2 người). Thầy Cao Thương tâm sự: “Nếu không phải là tôi, Bộ Văn hóa không lấy được trường này”. Cũng nên nhắc lại rằng tháng 8/1964, Hội đồng giáo viên Trường Mỹ nghệ Biên Hòa đều nhất trí bỏ phiếu trường trực thuộc Nha kỹ thuật, chỉ có một giáo viên trẻ mới ra trường bỏ phiếu trường trực thuộc Nha mỹ thuật; do đó Trường Mỹ nghệ Biên Hòa trở thành Trường Kỹ thuật Biên Hòa. Nay thầy Cao Thương đã đưa trường trở lại vị trí ban đầu mỹ thuật của nó.

Ty Giáo dục Biên Hòa và Nhà trường phải giải quyết các tồn tại như điều các học sinh mới tuyển đến các trường phổ thông cấp 3, các giáo viên phổ thông và nữ công gia chính về Ty Giáo dục, các giáo viên ban kỹ thuật như điện, sắt, gỗ, vẽ kỹ thuật đều ở lại, ai đi hay ở tùy ý không ép buộc nên mọi người đều vui vẻ. Thậm chí thầy Cao Thương còn mời một giáo viên ở lại để giúp thầy điều hành khâu hành chính nhưng bị từ chối. Lớp học kỹ thuật cuối cùng (1975 – 1978) do thầy chịu trách nhiệm điều hành nhưng cuối khóa học do Ty Giáo dục tổ chức thi và cấp bằng.

Ngày 1/1/1978, với tư cách hiệu trưởng, thầy Nguyễn Cao Thương chính thức quản lý toàn bộ cơ sở vật chất và 44 cán bộ, giáo viên công nhân viên chức nhà trường. Thầy cho treo bảng Trường Trung học Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai thay thế cho bảng Trường Trung học Kỹ thuật Biên Hòa và đề nghị các chuyên ngành mà trường được đào tạo như sau:

  1. Ngành Trang trí Công thương nghiệp
  2. Ngành Gốm mỹ thuật
  3. Ngành Điêu khắc trang trí
  4. Ngành Gỗ trang trí
  5. Ngành Đúc đồng trang trí
  6. Ngành Sắt trang trí
  7. Ngành Khắc, chạm đá nhân tạo;
  8. Ngành Đồ chơi trẻ em.
Nguyễn Cao Thương. Anh hùng Nguyễn Thị Định. 1988. Sơn dầu. Thuộc bộ sưu tập của ông Tira Vanichtheeranont – nhà sưu tập tranh người Thái Lan

Các chuyên ngành này Bộ Văn hóa Thông tin đã đồng ý bằng quyết định số 20/VHTT/QĐ ngày 1/3/1979.

Thầy đăng ký trường với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và chính thức trở thành trường trung học chuyên nghiệp có thể tuyển sinh trên toàn quốc

Khoảng tháng 8/1978, để tuyển sinh khóa I Trường Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai, nhà trường phải giải quyết các vấn đề như chương trình đào tạo, nhà nội trú cho nam, nữ sinh và bếp ăn tập thể. Thầy Cao Thương trực tiếp điều hành thực hiện các vấn đề này.

Ngoài các ban Gốm, Điêu khắc, Đúc đồng có sẵn thầy cho mở thêm ban Đồ họa Công thương nghiệp (ngành trang trí công, thương nghiệp), thầy hướng dẫn giáo viên Lê Minh Hiệp thực hiện chương trình của ban mới này.

Thầy Nguyễn Cao Thương chọn phòng men gốm dành cho nội trú nữ, còn nội trú nam thầy sử dụng nhà kho. Nhà kho này khá lớn chứa các đồ vật cũ trong đó có các sản phẩm mỹ nghệ, chủ yếu bài thực hành cũ của học sinh. Năm 1976, Ty Văn hóa Thông tin cử họa sĩ đến trường mượn và chọn lọc hơn 80 sản phẩm để đi dự triển lãm ở Hà Nội phục vụ cho Đại hội Đảng lần thứ 4, đến nay cũng chưa trả. Khi ông Văn Ngọc Vệ về làm hiệu trưởng, ông cho khôi phục lại phòng trưng bày, lại chọn tác phẩm trong kho đem lên trưng bày, do đó các sản phẩm còn lại trong kho có chất lượng thấp ngoại trừ một số sản phẩm “nhạy cảm”. Tuy nhiên khi thầy Cao Thương cùng học sinh ban gốm (lớp kỹ thuật chờ thi tốt nghiệp) đang đập bỏ một số đồ vật cũ trong đó có sản phẩm mỹ nghệ thì một số giáo viên ban gốm khuyên can nhưng thầy không nghe.

Ông Nguyễn Văn Thông (bên trái, tác giả bài viết, nguyên phụ trách phòng đào tạo) và họa sĩ Nguyễn Cao Thương, nguyên hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai. Ảnh chụp tại tư gia họa sĩ Nguyễn Cao Thương (quận 3, Tp. HCM) vào tháng 10/2002.

Thế là có người báo cáo ngầm lên Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ đề cử tổ kiểm tra của Bộ Văn hóa Thông tin ở miền Nam về trường kiểm tra. Ngày 4/9/1978, tổ kiểm tra có làm báo cáo trong đó đề nghị trường thành lập Hội đồng mỹ thuật đánh giá số thiệt hại của việc đập bỏ một số tượng và đồ vật cũ của Trường Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai. Ngày 30/10/1978, Hội đồng mỹ thuật với thành phần chủ tịch thầy Nguyễn Văn Lương (hiệu phó), phó chủ tịch thầy Đặng Nhựt Thăng (giáo viên gốm), thư ký ông Nguyễn Minh Trí (ủy viên tiếp nhận trường) và ủy viên là một số giáo viên, họp lại theo nội dung của tổ kiểm tra và gửi biên bản về cho tổ kiểm tra.

Năm 1978, thầy Cao Thương vừa tròn 60 tuổi nhưng vẫn nhiệt tình công tác tất cả vì học sinh thân yêu. Nhà kho trở thành nhà nội trú. Bộ Văn hóa Thông tin thấy vấn đề không lớn nên sau này không đề cập đến nữa.

Bếp ăn tập thể là mới đối với miền Nam nên thầy phải hướng dẫn chị em từng chi tiết. Để giúp giáo viên, cán bộ công nhân viên chức thầy nhận vợ con cháu họ vào các vị trí của bếp ăn tập thể (các bà Hoa, Bé, Kim, Thân, Yến). Cô Hoa có trình độ nên được đề cử phụ trách bếp ăn, được bố trí gia đình vào căn phòng trong khu bếp ăn để dễ dàng cho sự quản lý. Để tránh tiêu cực, thầy sắp xếp cho học sinh trực tiếp kiểm tra nhà ăn về việc cân, đo, đong, đếm vào các đầu giờ. Sau khi kiểm tra cân bột ngọt xong, các em bỏ bột ngọt vào nước và giao lại cho cán bộ nhà ăn ngay. Khi học sinh đi thực tế, thầy cho xe hơi chở gạo đến tận nơi các em đang học. Cho nên trong suốt quá trình thầy Cao Thương làm hiệu trưởng, không có tai tiếng gì dù nhỏ liên quan đến tiêu cực của nhà ăn.

Nguyễn Cao Thương. Bác Hồ sống và làm việc ở lán Nà Lừa (Tân Trào) tháng 8 năm 1945. Thuộc bộ sưu tập của ông Tira Vanichtheeranont – nhà sưu tập tranh người Thái Lan

Thầy Cao Thương chú trọng rất nhiều đến chuyên môn và bố trí “giờ vàng” để học tập và giảng dạy. Các bộ môn văn hóa phổ thông học sáng sớm (6 giờ 30 – 7 giờ 30) và buổi tối, thỉnh thoảng ông đi “dự giờ” một mình, lẳng lặng vào lớp ngồi nghe “giảng bài”, rồi lặng lẽ đi ra và có vẻ rất hài lòng. Các thầy trường mỹ nghệ dạy vẽ trước đây bị loại vì không đủ trình độ, thầy sắp xếp cho họ dạy thực hành, do đó trình độ mỹ thuật của học sinh ở mức cao thấy rõ. Lúc công việc rảnh rỗi, thầy Cao Thương thường mang khung vải rộng ra trước trường để vẽ, học sinh rất khâm phục và tự hào mình có ông thầy nổi tiếng, nói được làm được. Thực tế trước đây Trường Kỹ thuật Biên Hòa cũng có thầy hiệu trưởng Lê Văn Mậu, một điêu khắc gia nổi tiếng cũng đắp tượng trong văn phòng hiệu trưởng. Hai ông đều nổi tiếng về nghệ thuật nhưng khác nhau một điểm, mọi công việc hành chính và điều hành Trường Kỹ thuật Biên Hòa đều do giám xưởng (như chức hiệu phó) quyết định, còn thầy Cao Thương tự điều hành và quyết định, thông thường các nghệ sĩ ít quan tâm đến vấn đề hành chính, thầy là một trong số ít người ngoại lệ.

Thầy chấp hành đường lối, chính sách và nhất là đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng triệt để, không khoan nhượng; vợ thầy bán tiêu chuẩn nhu yếu phẩm (những đồ không dùng) thầy cũng không bằng lòng. Chúng tôi có lần cho thầy Cao Thương xem một bức tượng gồm 3 con khỉ, một con bịt mắt một con bịt tai một con bịt miệng, thầy nói ngay “tượng này đập bỏ đi vì trong xã hội ta phải mở mắt ra để xem, tai để nghe và miệng để nói”; từ đó chúng tôi không nung tượng này nữa (tượng gốm) và việc thầy Cao Thương đập bỏ các tượng không đạt yêu cầu về nghệ thuật và các sản phẩm xưa nhạy cảm trong kho như đã trình bày ở trên là việc làm không có gì lạ.

Thầy Cao Thương sử dụng người không phân biệt nguồn gốc đào tạo và thành phần xuất thân, miễn là họ có khả năng và nhiệt tình, thực tế thầy còn hơi “ưu tiên” cho các cán bộ tại chỗ. Thầy “ăn to nói lớn” đối với vấn đề thật vô lý của cán bộ công nhân viên chức, thầy hay nổi nóng khi phát biểu tranh luận dễ làm cho người khác buồn lòng và hiểu lầm. Khi tranh luận về các tượng trong vụ đập đồ cũ ở kho, thầy phát biểu “chỉ có thứ ngu, thứ dốt mới lấy cái này làm giáo cụ trực quan”. Anh em kính nể thầy mặc dù thầy nghĩ sao nói vậy, không ác ý, thương yêu thuộc cấp của mình, thầy chỉ lớn tiếng với  đa số các “chức sắc”. Ngày nay nhắc đến thầy Cao Thương, anh chị em như nhắc đến một kỷ niệm đẹp, một hoài niệm tốt.

Nguyễn Cao Thương. Quốc dân Đại hội Tân Trào ngày 16/8/1945 . Thuộc bộ sưu tập của ông Tira Vanichtheeranont – nhà sưu tập tranh người Thái Lan

Thầy Cao Thương được cử đi nhiều nước trên thế giới như Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ, Cu Ba, Lào,… để nghiên cứu các đề tài về hội họa và văn hóa nghệ thuật trên cơ sở đó đúc kết những tinh hoa văn hóa nghệ thuật của thế giới truyền thụ lại cho nền hội họa Việt Nam. Để đáp lại công ơn của Đảng và Nhà nước, thầy sáng tác rất nhiều, chủ yếu về các đề tài cách mạng, đề cao lòng yêu nước và Bác Hồ. Ghé thăm thầy tại căn phòng của một biệt thự dùng làm nhà tập thể, chúng tôi thấy toàn là tranh với tranh, phải di chuyển một vài bức tranh mới có chổ ngồi để trò chuyện. Thầy Cao Thương đã đạt giải A triển lãm “50 năm Lực lượng vũ trang toàn quốc 1944 – 1994” với bức tranh Bác Hồ thăm một gia đình thương binh sản xuất giỏi ở Tiền Hải – Thái Bình.

Tháng 10/1980, thầy nghỉ hưu trong khi học sinh khóa I (1978 – 1982) do thầy tuyển sinh mới đi được nửa chặng đường.

Về địa phương thầy tham gia nhiều hoạt động trong phong trào quần chúng và được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân phường, thầy cũng tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Tp. HCM với tư cách giảng viên mời ngoài. Với nhiều thời gian rảnh rỗi thầy sáng tác thêm nhiều tranh có giá trị.

Với công lao đóng góp cho cách mạng, thầy Cao Thương đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương chiến thắng hạng 3; Huân chương kháng chiến hạng 2; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Tháng 10/2002, chúng tôi đến xin gặp thầy tại căn nhà trên đường Võ Văn Tần, quận 3, Tp. HCM, nơi thầy chuyển đến từ biệt thự tập thể trước đây, lý do gặp là tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của thầy, thầy vui vẻ nhận lời và nói ngay “tôi chỉ cho các anh 30 phút”, giọng nói mạnh mẽ tinh thần minh mẫn, sáng tác tranh đều đều. Thế mà chỉ 5 tháng sau, mọi người mãi mãi không còn thấy thầy nữa.

Thầy Nguyễn Cao Thương đã trút hơi thở cuối cùng lúc 11 giờ 00 ngày 28/3/2003, nhằm ngày 26 tháng 2 năm Nhâm Ngọ, hưởng thọ 85 tuổi.

Chín năm sau ngày mất, ngày 27/4/2012, Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang đã ký quyết định về việc tặng Giải thưởng Nhà nước cho thầy Nguyễn Cao Thương với các tác phẩm sau: Bác Hồ thăm trận địa pháo ở Hồ Tây (sơn dầu); Hàng quân qua bưng biền Đồng Tháp Mười (sơn dầu); Xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên (sơn mài).

Nguyễn Văn Thông  & Nguyễn Minh Anh

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng: Từ tượng đài đến những phá cách

NDO – Tại triển lãm “Nắng tháng 3” khai mạc ngày 16/4 do Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng, nhà điêu khắc, tác giả...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Có thể bạn quan tâm

MỘT HỌA SĨ CẨN TRỌNG

  Vào lúc 11h ngày 1/12/2018 tới đây tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại (17 Thành Công, Ba Đình, Hà Nội), buổi ra mắt sách nghệ thuật Ủ của Hiền Nguyễn sẽ do Hội Mỹ thuật Việt Nam và NXB Mỹ...

NÉT ĐẸP MIỀN NÚI CỦA CÂU LẠC BỘ NỮ HỌA SĨ

  Hà Nội đang chìm trong màu vàng cam của dịch COVID-19. Nhưng lòng yêu nghệ thuật và sự say mê sáng tạo vẫn không ngăn được cuộc triển lãm thường niên đã được hoạch định từ mùa xuân năm...

Nghệ nhân tranh kính Vinh Coba đón nhận giải thưởng Quốc tế

  Sáng ngày 6/9, tại Hà Nội, Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Vinh (Vinh Coba) và Công ty CP Coba Art Glass đón nhận huy chương vàng cuộc thi sáng chế Quốc tế lần thứ 25 tại Liên Bang Nga. Tham dự buổi lễ...

Dấu ấn hội họa trong di sản của Văn Cao

NDO – “Đơn giản nhưng uyên sâu”, “lối phối màu độc đáo” và “ sáng tạo mang tính khai phá”… là đánh giá chung của các nhà chuyên môn khi thưởng thức bộ sưu tập 200 tác phẩm minh họa...

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 315&316 tháng 3-4/2019

...