Chùa Việt là một trong những thực thể kiến trúc gắn liền với đời sống của người Việt, cùng với sự biến động và bồi đắp của lịch sử. Các ngôi chùa cổ ở Đồng bằng Bắc Bộ chính là minh chứng sống cho sự phát triển của lịch sử Phật giáo từ khi hình thành với những sự giao thoa của các nền văn hoá hay hệ tư tưởng qua các giai đoạn. Ở đó, hệ thống điêu khắc tượng Phật và kiến trúc phát triển song hành với nhau; hay nói một cách khác xuất phát từ nhu cầu thờ tự, qui mô, hình thức bài trí các điêu khắc tượng Phật thay đổi qua các giai đoạn lịch sử đã khiến kiến trúc điện Phật thay đổi để đáp ứng nhu cầu đó. Cho đến ngày nay, nhiều ngôi chùa cổ có niên đại Lý Trần, kiến trúc cũng đã đổi khác qua nhiều lần xây dựng khác nhau trong lịch sử, những dấu tích về một quá khứ lịch sử xa xưa dường như chỉ còn hiện diện đâu đó trong một số tác phẩm điêu khắc, trong một vài cấu kiện kiến trúc hoặc giả trong một số di vật còn sót như chân tảng hay ít nhất là mặt bằng của ngôi chùa.
Có thể chia kiến trúc chùa Việt hệ phái Bắc Tông thành 4 dạng loại tương đương với các giai đoạn lịch sử như:
1. Dạng thức kiến trúc điện Phật/ hoặc Tháp Phật với dạng mặt bằng gần vuông chiếm vị trí trung tâm ngôi chùa – thời Lý (TK XI – XII)
2. Dạng kiến trúc điện Phật với mặt bằng gần vuông với tháp Phật đặt phía trước – thời Trần (TK XIII – XIV). Tháp Phật trở thành tháp biểu tượng.
3. Dạng kiến trúc điện Phật với mặt bằng gần vuông kế thừa thời Trần, phát triển thành dạng chữ Đinh và sau đó là dạng chữ Công – thời Mạc (TK XVI)
4. Dạng kiến trúc nội công ngoại quốc đơn giản và phức hợp – thời Lê Trung Hưng – nay (TK XVII – nay).
Trong số các dạng mô hình kiến trúc kể trên, đa số các ngôi chùa hiện nay là sự hoàn thiện của một ngôi chùa với lối kiến trúc nội công ngoại quốc. Hệ thống điêu khắc tượng Phật trong các ngôi chùa này cũng là sự hoàn thiện của một mô hình điện Phật Đại Thừa với đầy đủ các ngôi vị chư Phật, Bồ Tát cũng như đã có sự cộng nhập của các loại hình tín ngưỡng dân gian như tín ngưỡng thờ Thánh, tín ngưỡng thờ Mẫu. Chính sự phát triển mạnh mẽ của hệ tư tưởng Phật giáo Bắc Tông/ Bắc truyền này đã khiến cho kiến trúc ngôi chùa ban đầu lấy Tháp Phật làm trung tâm nơi chứa tượng Phật đã dần dần dịch chuyển để biến ngôi Tháp trung tâm trở thành ngôi tháp biểu tượng. Bên trong ngôi tháp đó, không còn có thể đặt được một pho tượng nào. Còn thay thế vào vị trí ngôi chùa trung tâm, kiểu thức kiến trúc gỗ với các dạng nhà 3 gian, 5 gian, 7 gian đã phát triển và ngày càng được mở rộng thêm phục vụ cho nhu cầu đặt để, bài trí nhiều hơn số lượng tượng Phật.
Điển hình cho sự dịch chuyển này ta có thể thấy qua sự so sánh mặt bằng của các ngôi chùa có tháp Phật như: chùa Phật Tích, chùa Tường Long, chùa Chương Sơn (thời Lý) và chùa Tháp Phổ Minh, chùa Vĩnh Khánh – Tháp Bình Sơn (thời Trần). Các ngôi tháp thời Lý theo những dấu tích khảo cổ học, thường có mặt bằng móng tháp khoảng 9m trở lên, thành tường chịu lực khá dày, tháp có cửa mở ra 4 hướng. Trong các ngôi tháp này thường đặt được duy nhất một pho tượng Phật. Điển hình như trung tâm tháp Phật Tích (chùa Vạn Phúc, Bắc Ninh) đặt tượng đức Phật Adiđà – bảo vật quốc gia. Đây cũng là lý do mà pho tượng này khi điêu khắc đã được quan tâm chạm khắc một cách hoàn mỹ cả 4 chiều không gian (trước, sau và hai bên). Trong khi đó các ngôi chùa Tháp thời Trần, việc xây dựng tháp ít nhiều mang tính chất biểu tượng – biểu tượng Phật – biểu tượng trung tâm tôn giáo – thậm chí là biểu tượng cho qui mô ngôi chùa Hoàng gia mới được dựng tháp. Các ngôi tháp này vẫn tiếp tục được dựng 13 tầng giống như các ngôi tháp Lý, nhưng đã được thu hẹp, chân móng các cạnh vuông chỉ còn hơn 5m (Tháp Bình Sơn), tường tháp dày không kém các tháp Lý; lối kiến trúc tháp vẫn được dựng theo nguyên tắc “thượng thu hạ thách”, các tầng càng lên cao càng thu lại.
Và, điều khác biệt quan trọng hơn là cả tháp Phổ Minh và tháp Bình Sơn, lòng trong của tháp không còn đủ chỗ để chứa đựng một pho tượng. Tầng tháp thứ nhất của tháp Phổ Minh, trong lòng tầng tháp vẫn còn lưu giữ một chạm khắc hình tròn ở đỉnh trần tháp, trong khi tầng tháp của Bình Sơn đã thu hẹp nhất có thể. Ngôi tháp Phổ Minh có niên đại 1305 còn tháp Bình Sơn được phỏng đoán là niên đại TK XIII giai đoạn cuối của nhà Trần. Do hai ngôi tháp này được xây dựng cách xa nhau về thời gian với chất liệu khác nhau, một ngôi bằng đá và một ngôi bằng đất nung. Ngôi tháp Phổ Minh dạng đế chân tháp khá tương đồng với các dạng bệ đá hoa sen hình hộp thời Trần, trong khi đó chân tháp Bình Sơn là một sự giản lược hoá bằng những tầng bậc giật cấp.
Quay trở lại với việc hoán đổi vị trí giữa ngôi tháp và điện thờ Phật là kiến trúc gỗ trung tâm ngôi chùa. Thời Trần điện Phật phía sau của ngôi tháp biểu tượng đã trở thành trung tâm ngôi chùa trong đó bài trí tượng và các ngôi vị thờ tự. Không phải ngôi chùa thời Trần nào cũng có tháp được dựng phía trước chùa. Các ngôi chùa không có tháp chiếm một số lượng lớn như: chùa Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Bối Khê (Hà Tây cũ), chùa Xuân Lũng (Phú Thọ), chùa Hào Xá (Hải Dương), chùa Ngọc Đình (Hà Tây cũ)… Và, chùa thời Trần đã được kế thừa phần nào hệ thống điện Phật của các ngôi chùa thời Lý. Dẫu rằng cho đến ngày nay ta có quá ít những hiểu biết về điêu khắc Phật giáo thời Trần, ngoài di vật là một chiếc bệ đá hoa sen hình hộp chiếm vị trí trung tâm của ngôi chùa giai đoạn này. Chiếc bệ đá có kích thước khá lớn này nằm ở vị trí sát phần trong của gian giữa và thú vị hơn là kết cấu của nó khá giống với chân ngôi tháp Phổ Minh như tôi đã đề cập đến ở trên, nếu bỏ qua những con Garuda đỡ ở bốn góc bệ. Việc chiếc bệ đá này được dùng để làm gì trong kiến trúc xưa của ngôi chùa thời Trần vẫn còn khá nhiều tranh cãi giữa các học giả. Tuy nhiên trong một không gian không quá rộng rãi so với không gian trong lòng các tháp đá 13 tầng thời Lý, thì rất có thể trên chiếc bệ này bày 3 pho tượng Tam Thế Phật, điều mà ta vẫn bắt gặp ở các ngôi chùa có niên đại thời Trần nhưng các tượng Tam Thế đã được thay thế vào giai đoạn sau. Điển hình như 3 pho Tam Thế đặt trên bệ đá chùa Hoa Long (Thanh Hoá), chùa Hương Trai (Hà Tây cũ).
Các pho tượng có thể có niên đại vào thời Mạc nhưng dường như nó vừa vặn với không gian bài trí này một cách rất đáng kể. Phải chăng, đó là một tâm thức, để dân gian tạc lại khi hệ thống điêu khắc Phật giáo thời Trần đã hoàn toàn biến mất bởi các chính sách tàn phá văn hoá Việt trong 20 năm Minh Thuộc (1407 – 1427). Có thể nói di vật này với bộ tượng Tam Thế kia, đúng hay sai ta chưa vội vàng đưa ra kết luận, nhưng rõ ràng sự thích ứng với không gian đó cũng đồng nghĩa ngôi chùa thời Trần, tượng Phật không quá nhiều, và ngôi chùa trung tâm cũng không quá lớn. Rất nhiều các ngôi chùa có niên đại thời Trần cho đến ngày nay vẫn còn giữ lại phần nền móng kè đá với kích thước từ 9 – 12m gian thượng điện.
Có thể nói điện Phật trong các ngôi chùa Việt hệ phái Bắc Tông bắt đầu đông dần lên sau thế kỷ XVI, đến thế kỷ XVII, XVIII, thì các ngôi vị thờ tự dường như đã trở nên ổn định. Do đó, thời Mạc ngoài việc đặt để các pho tượng Tam Thế như điện Phật thời Trần thì các thể loại tượng Phật, Bồ Tát, Quan Âm cũng đã trở nên đông đảo hơn. Điều đó có nghĩa là để phục vụ cho mục đích thờ tự đa dạng hơn, thì điện Phật trung tâm bắt đầu được mở rộng. Từ ngôi Phật điện có dạng thức mặt bằng hình gần vuông, các ngôi chùa được trùng tu hoặc xây mới vào thời Mạc đã xuất hiện các dạng mặt bằng hình chữ Đinh và chữ Công. Các ngôi chùa như Thái Lạc (TK XIII), Hương Trai (TK XIV) đều là những ngôi chùa có niên đại khởi dựng từ thời Trần nhưng vết tích kiến trúc gỗ thời nhà Mạc lại rất rõ nét. Nếu chùa Thái Lạc lưu giữ nhiều nhất di sản kiến trúc gỗ thời Trần thì chùa Hương Trai lại lưu giữ nhiều các di sản kiến trúc gỗ thời Mạc. Hệ thống vì nóc thượng điện Thái Lạc và kết cấu vì nóc Thiêu hương chùa Hương Trai gần như tương tự nhau cả về kết cấu và lối chạm khắc.
Có thể nói từ sau thời Mạc, các ngôi chùa có điện Phật trung tâm được xây dựng với mặt bằng hình chữ Đinh và chữ Công đã đáp ứng một cách hiệu quả nhất không gian bài trí tượng Phật, để bước tiếp theo là ngôi chùa Nội Công Ngoại Quốc được hoàn thiện vào thế kỷ XVII. Các thức kiến trúc như tiền đường, hành lang, nhà tổ, nhà mẫu đã dần hoàn thiện với các ban bệ thờ tự. Một số các ngôi chùa đóng vai trò là Tổ đình Phật giáo thì trong mô hình kiến trúc chữ Công này còn có thêm toà nhà ngang là học đường dành cho tăng sư về tu tập, điển hình như chùa Bút Tháp. Điều đó cũng có nghĩa, kiến trúc của một ngôi chùa Việt phát triển mở rộng dần ra, theo bước chân của Phật giáo. Không chỉ có các tượng Phật trong chùa, mà tín ngưỡng dân gian cũng qui tụ vào đây. Trên cơ sở một ngôi chùa cũ đã tồn tại, người ta đã kết nối thêm các thành phần kiến trúc mới để tạo ra những không gian mới. Một vấn đề thú vị là, các kiến trúc gỗ của người Việt là dạng kiến trúc tháo lắp bằng mộng và dựa trên kết cấu chồng đè. Do đó việc mở rộng không gian kiến trúc bằng việc thêm các hệ vì kèo với kích thước lòng gian không thay đổi đã khiến cho các ngôi chùa có thể được mở rộng dễ dàng vào các giai đoạn sau.
Nằm trong vòng vây quanh của dãy hành lang bao bọc, các chùa được dựng lên từ thế kỷ XVII trở đi, cũng tuỳ theo qui mô của ngôi chùa mà trong đó có những công trình gì được dựng lên. Một số ngôi chùa theo dòng thiền Trúc Lâm – Lâm Tế với vai trò của Chân Nguyên Thiền Sư đã dựng lên sau thượng điện một tháp Cửu Phẩm Liên Hoa gỗ – một kiến trúc vừa dùng cho sự tu tập, nhưng đồng thời cũng là một biểu tượng Phật giáo đặc biệt – vãng sinh tịnh độ của giai đoạn này. Các tín ngưỡng dân gian như thờ Thánh, thờ Thần đã khiến không gian và kiến trúc ngôi chùa Việt cũng đã thay đổi để tích hợp để trở thành lối thức kiến trúc độc đáo: “Tiền Phật hậu Thánh” hay “Tiền Phật hậu Mẫu”. Các ngôi chùa điển hình có thể kể đến như chùa Keo Thái Bình, chùa Keo Hành Thiện, chùa Thầy… Không gian điện Thánh cũng trang nghiêm đẹp đẽ và ngang bằng với không gian điện Phật. Chưa kể đến trong các thế kỷ này về sau, một ngôi chùa còn có thêm các hình thức kiến trúc khác như: Nghi Môn, Tam Quan nội/ngoại, rồi gác chuông, hoặc lầu chuông, lầu trống/ khánh…
Như vậy ta có thể thấy rằng kiến trúc ngôi chùa Việt ở Bắc Bộ chính là các mô hình kiến trúc cộng sinh. Chúng được phát triển song hành với sự phát triển của nhu cầu Phật giáo, ở đó các không gian thờ tự, cách thức bài trí tượng Phật đã góp phần tạo ra những biến đổi của kiến trúc ngôi chùa qua nhiều thế kỷ khác nhau trong lịch sử. Đó cũng là sự khác biệt điển hình của kiến trúc những ngôi chùa cổ xưa ở Bắc Bộ.
PGS.TS. Trang Thanh Hiền