ANH TRỊNH THÁI

 

Tôi gặp anh Trịnh Thái lần đầu vào năm 1968, khi đó anh Trịnh Thái 27 tuổi, còn tôi mới 8 tuổi. Xưng hô đầu tiên là “chú và cháu”. Cuộc gặp gỡ ấy đã trở thành tình bạn gắn bó đến tận ngày hôm nay khi anh ra đi…
Năm 1968, xưởng phim truyện Trung ương có làm phim “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” và anh Trịnh Thái được chọn là họa sĩ thiết kế. Nhiều lần ekip làm phim họp tại nhà tôi ở 89 Trần Quốc Toản bởi ba tôi và bác Trần Văn Nhất được mời làm cố vấn nghiệp vụ cho phim. Có lần đang họp tôi lấy tờ giấy và bút chì nhờ “chú Thái” vẽ người cảnh sát đang đi mô-tô. Hồi ấy tôi vẫn gọi anh Trịnh Thái bằng chú; sau này mới đổi gọi bằng anh. Anh hoàn thành bức vẽ rất nhanh để tặng tôi. Vì anh Thái rất vui tính, lại hiền lành nên một đứa trẻ như tôi thích lắm. Lúc họp ở nhà tôi, vì nhà không đủ ghế nên mọi người ngồi bệt luôn xuống sàn nhà. Có hôm, anh Thái cho tôi ngồi trong lòng, họp chung với các cô chú diễn viên chính trong phim như Lâm Tới, Trà Giang, Ngô Nam, Mai Châu, Thu Hiền, Hoàng Quân Tạo, Văn Phức…

TRỊNH THÁI – Hà Giang. 2012. Sơn dầu

 

TRỊNH THÁI – Móng Cái. Khoảng 1980. Lụa. 55x68cm

 

TRỊNH THÁI – Tam Bạc. Sơn dầu

Mùa thu năm 1991, tôi ra Hà Nội để giúp một người quen của gia đình – tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Tuyên, tập hợp tranh của các hoạ sĩ, đem qua Paris triển lãm. Để thuận tiện đi lại nên tôi chọn Khách sạn Bodega Tràng Tiền làm nơi tá túc. Hàng ngày, hai anh em rong ruổi trên chiếc xe Peugeot 102 màu trắng của anh Thái, đi đến tận nhà các hoạ sĩ để thuyết phục họ “ký gửi” tranh đi triển lãm. Ở một mình buồn quá nên tôi nói anh đem đồ đến Bodega ở chung cho vui.
Những năm sau đó, vì công tác tại một công ty xuất nhập khẩu nên năm nào tôi cũng tháp tùng sếp ra Hà Nội để làm thủ tục nhập khẩu hàng. Cứ xong việc sếp giao thì tôi lại mò ngay đến Gallery Nam Sơn, rồi cùng anh Thái, anh Lai, và một số hoạ sĩ nữa “chén chú chén anh” bia hơi Hà Nội đến mềm môi. Mấy anh em hay ngồi ở quán bia ngay góc phố Lê Phụng Hiểu và Tông Đản. Có hôm nhậu xong ở đó còn nổi hứng kéo nhau ra bờ sông Hồng nhậu tiếp.

Trên bàn nhậu hoặc trong những lần gặp gỡ bạn bè anh Trịnh Thái luôn nói các câu chuyện chính xác từng mi-li-mét. Anh đúng là một pho “từ điển sống” về các văn nghệ sĩ, nhất là cánh văn nghệ sĩ ở Hà Nội. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi anh có thể nhớ chi tiết “ngày tháng năm” nào mà anh Thái, anh “Lưu mải chơi” và chị “Hồng Minh di-gan” hết tiền đi nhậu, xúi “Minh DG” mang nồi cơm điện ở nhà đến bán cho hoạ sĩ Bùi Huy Hiếu lấy “2 chỉ vàng” đi ăn chim quay ở Tạ Hiện. Lúc đó, không những anh Hiếu vui vẻ mua nồi cơm điện mà chỉ hai tháng sau đó anh đã đưa chị Hồng Minh về dinh riêng ở số 81 Trần Quốc Toản…

TRỊNH THÁI – Ngõ ngoại ô. 2002. Sơn dầu

 

TRỊNH THÁI – Hồ Gươm. 2015. Sơn dầu

 

TRỊNH THÁI – Chân dung tự họa trên nền cảnh sông Tam Bạc. 2007. Sơn dầu

Anh Trịnh Thái bị cận nặng ngay từ hồi trẻ. Khi qua ngưỡng 70 thì mắt bắt đầu mờ, nhìn xa không rõ ai. Chính vì vậy nhiều khi anh bị một số người quen nói “anh khinh người, ngó lơ khi gặp người quen”… và đã nhiều lần anh phải xin lỗi họ. Anh Thái là người vui tính, hóm hỉnh, có lần anh còn nói: “chức vụ cao nhất mà anh đã kinh qua là Trưởng ban lễ tang đạo diễn Phạm Kỳ Nam tại Sài Gòn!”
Mỗi lần vào Sài Gòn anh đều đến thăm ba tôi, ba tôi rất quý anh, cụ mua cái bật lửa Zippo đem đi khắc một câu thơ mà tôi quên rồi, và khắc chữ ký của cụ để tặng anh.

Vì thân thiết nên anh Thái có tâm sự chuyện riêng. Mối tình đầu của anh vào năm 1966 với chị Đỗ Thủy, diễn viên chính trong phim “Rừng O Thắm” mà anh là hoạ sĩ thiết kế. Hồi đó, chuyện tình không thành… Khoảng năm 2000, sau khi định cư hàng chục năm ở nước ngoài thì chị Đỗ Thủy quay về Việt Nam. Anh chị đã chắp nối lại tình xưa, về sống chung với nhau được mấy năm hạnh phúc ngọt ngào.
Khi vào Sài Gòn chơi, sáng nào anh chị cũng ngồi uống cafe tại một quán nhỏ, làm hoàn toàn bằng gỗ ngay góc đường Trần Cao Vân. Không ngờ, những ngày tháng êm đềm ấy trôi quá nhanh. Chị Thủy đột ngột ra đi, anh Thái hụt hẫng khủng khiếp, vì đây là mối tình đầu mà sau bao năm xa cách vẫn có duyên gặp lại, rồi chị trở thành người vợ đầu tiên của anh. Chuyện éo le như tình cảnh danh hoạ Nguyễn Sáng với cuộc sống gia đình ngắn ngủi với người vợ cùng tên Thủy.

TRỊNH THÁI – Tĩnh vật. 2019. Sơn dầu

 

Ông Nguyễn Kim Sơn tặng chiếc bật lửa zippo cho Trịnh Thái

 

Cùng Nguyễn Trường Sơn (con của ông Nguyễn Kim Sơn), người bạn thân thiết với Trịnh Thái
Từ trái sang: Trịnh Thái, Nguyễn Trường Sơn (áo kẻ), Nguyễn Lai

 Sau khi chị Đỗ Thủy mất, mỗi lần vào Sài Gòn chơi, sáng nào anh cũng ra ngồi ở quán cafe kể trên một mình… Bao nhiêu năm làm bạn với anh, tôi chứng kiến hai lần anh khóc đều là hai lần khi anh hát bài “Khúc thuỵ du”. Lần đầu là vào năm 2012 khi anh Quân ở tập đoàn Hoà Phát rủ hai anh em về Cổ Loa chơi. Lần thứ hai vào năm 2018, tại nhà hoạ sĩ Lê Thanh Sơn (cho thuê làm nhà hàng) ở phố Hà Hồi. Sau khi anh “Lưu mải chơi” hát bài gì đó của Lào có câu “thồn thồn thồn” mà ai cũng cười ngất ngư…thì một lát sau đó anh Thái nói mọi người trật tự… và anh hát bài “Khúc thuỵ du”. Khi hát đến câu: “… êm ái và ngọt ngào, cắt đứt cuộc tình đầu, Thụy bây giờ về đâu …” Anh đã sửa chữ Thuỵ thành Thủy và nghẹn rơi nước mắt, không hát được nữa…
Cách đây ba tuần (đầu tháng 7 năm 2020) khi đang ngủ, tôi thấy cuộc gọi nhỡ của anh vào lúc 2h18’ sáng… Tôi lo lắng gọi ngay lại thì anh nói: “Đang nằm ở bệnh viện Thanh Nhàn, 5 ngày nữa anh về nhà, anh khoẻ rồi, không sao đâu, anh còn nhiều việc phải làm lắm…” Thế mà đến hôm nay, một ngày cuối tháng 7, anh đã bỏ cuộc chơi trên trần thế, anh về bên kia thế giới gặp lại chị Đỗ Thủy, về với Hải Phòng quê hương của anh và chắc chắn ở nơi đó anh lại ngồi vẽ tiếp…

Nguyễn Trường Sơn 

 

Tin cùng chuyên mục

Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng: Từ tượng đài đến những phá cách

NDO – Tại triển lãm “Nắng tháng 3” khai mạc ngày 16/4 do Hội Mỹ thuật Thành phố Đà Nẵng sẽ phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức tại Bảo tàng, nhà điêu khắc, tác giả...

Tác phẩm “Hội cầu mưa” của họa sĩ Nguyễn Thái Cớ thể hiện giao cảm và những nét độc đáo

Tham gia nhiều hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật Hưng Yên, tôi có nhiều cơ duyên gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Thái Cớ. Mỗi lần trao đổi về nghệ thuật, tôi đều có ấn tượng về tố chất...

Dòng chảy âm thầm, sâu lắng trong tranh Nguyễn Ngọc Thọ

Cố họa sĩ Ngọc Thọ (1925-2016) thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Tên tuổi ông gắn với hội họa sơn mài, sơn dầu, mang bản...

Tiếng hót trong đêm

Trong những ngày Hà Nội vào độ cuối thu, Blue Space Gallery kết hợp với Manzi Art Space đã tổ chức một sự kiện văn hóa đặc biệt: triển lãm “Tiếng hót” kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ...

Quyện trong thế giới hội họa của Nguyễn Đình Tuyên

NDO – Không khoa trương, không ồn ào, không nổi loạn, Nguyễn Đình Tuyên đến với hội họa bằng một tình cảm chân thành hiếm có. Bút pháp của anh hòa quyện giữa tô và vẽ, giữa vẽ và bôi,...

Có thể bạn quan tâm

NGUYỄN GIA TRÍ – "TÔI LÀ NHÀ TIÊN TRI"

  Bố tôi – thi sĩ Lê Đại Thanh là bạn học ngồi cùng bàn với bác Nguyễn Gia Trí hồi còn học tiểu học và trung học thời Pháp thuộc. Bố tôi kể: “Ngay hồi đó, tới giờ vẽ bố chỉ vẽ...

Thị trường mỹ thuật và đấu giá tác phẩm mỹ thuật ở Việt Nam

  Sau hơn 35 năm hội nhập kinh tế thị trường, nền kinh tế Việt Nam đã có những biến chuyển vô cùng to lớn. Việt Nam đã từ một nước nghèo được đưa vào danh sách các nước có thu nhập...

SƯU TẬP LÀ MỘT HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO, NHỮNG CHIA SẺ CỦA NHÀ SƯU TẬP MARIA BRITO

  Tháng 1 năm 2009, Maria Brito bỏ nghề luật sư để phát triển công việc cố vấn nghệ thuật. Hiện tại, cô là cố vấn được săn đón của những khách hàng nổi tiếng Gwyneth Paltrow, Sean Comb,...

Thưởng lãm tranh màu nước về Hà Nội qua “Chút tình gửi phố”

Sau 6 năm vẽ về phố cổ Hà Nội, vào đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2023), họa sĩ Hoàng Phong ra mắt công chúng triển lãm cá nhân đầu tiên của mình tại Hà Nội...

THƯƠNG NHỚ VIỆT NAM

Cuộc sống vốn đa dạng nhiều tầng, tiến trình hình thành cũng vậy. Trong cuộc sống, những sự kiện, những dấu ấn và tri thức nghệ thuật sơn ta mới được đặt trên cái xưa cũ. Theo thời gian,...