Triển lãm phác thảo tranh Nguyễn Gia Trí

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh danh họa Nguyễn Gia Trí, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm Những phác thảo tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, thời gian diễn ra từ ngày 26/6 tới 10/7 năm 2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Sau 10 năm lỡ hẹn, công chúng thủ đô mới có dịp chiêm ngưỡng những bức phác thảo tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí hiện thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

NGUYỄN GIA TRÍ – Phác thảo không tên. Sơn cánh gián, bút dạ. 46x63cm

Triển lãm giới thiệu 40 bức phác thảo trong số 133 bức phác thảo tranh của danh họa Nguyễn Gia Trí thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh. Đây là những phác thảo được thể hiện bằng các chất liệu: bút dạ, bút bi, bột màu, sơn then, sơn cánh gián, chì than, màu sáp.. trên giấy can, giấy dán trên bìa cứng. Do tác giả không chú thích rõ thời gian và ghi chú cụ thể cho các phác thảo, nên các tranh được bày tại triển lãm cũng được bày một cách ngẫu nhiên, không phân theo tiến trình thời gian, chủ đề hay loại hình. Bộ sưu tập giới thiệu các nhóm đề tài như phác thảo hoa, lá sen; khóm chuối; rặng cây hay phong cảnh thuyền; cảnh đình, chùa; các phác họa nghiên cứu dáng thiếu nữ; hai phác thảo tranh đề tài lịch sử và một nhóm nhỏ phác họa trừu tượng.

Những phác thảo cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Nguyễn Gia Trí cho mỗi bức tranh của mình. Một tác phẩm ông thường có nhiều phác thảo chuẩn bị ra giấy trước, đó là những phác thảo ông định ra để giải quyết: nét, độ chuyển của nét, thay đổi màu nền, đen trên son, đỏ trên đen, đen trên bạc, sự chuyển đổi sắc độ của trứng… “Những tranh vẽ trên giấy chuyển qua chất liệu sơn mài cũng như đích đằng đông mà bắn về đằng tây. Nếu so với chất liệu, thì nó cũng như sơ đồ kiến trúc” [7, tr.36]. Những “sơ đồ kiến trúc” của ông trong quá trình thể hiện phác thảo đều hướng tới chất liệu và màu sắc. Việc “thoát khỏi cái cụ thể” khi vẽ những vật có hình cụ thể; táo bạo trong nhận thức “màu sắc và hình không nhất thiết phải gắn với nhau” [7, tr.27], cũng như những phác thảo thể nghiệm, tìm tòi về sự biểu cảm của chất (material) đã đưa ông đến rất gần những tác phẩm trừu tượng.

NGUYỄN GIA TRÍ – Phác thảo không tên. Sơn cánh gián, bút chì. 44×13,5cm

Có lẽ do quan niệm “tranh không phải bản sao chép của phác thảo” của Nguyễn Gia Trí mà trong sưu tập phác thảo của Nguyễn Gia Trí của Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, gần như ta không thấy một bức phác thảo hoàn chỉnh cho một bức tranh cụ thể nào mà chỉ thấy những phác họa đơn lẻ. Ở những tranh có xu hướng hiện thực, hai bức phác thảo cụ thể dễ nhận ra tính toàn vẹn của tổng thể nhất có lẽ là phác thảo cho các tác phẩm đề tài lịch sử: tác phẩm “Hai Bà Trưng” (1957-1958) và tác phẩm Trận Bạch Đằng (1957-1958). Các phác thảo còn lại đều là những mảng phác họa đơn lẻ, sử dụng như những bức nghiên cứu, phác họa ý tưởng. Tinh ý có thể nhận ra một số bức phác thảo nhỏ thuộc về bức tranh lớn như: “Vườn xuân Trung Nam Bắc” (thực hiện kéo dài trong khoảng 20 năm, bắt đầu từ những năm 1970); một số dáng điệu thiếu nữ quen thuộc trong các tranh “Bên Hồ Gươm” (1935); “Thiếu nữ bên hồ sen” (1938); “Hoài niệm xứ Bắc” (1968-1969); “Vườn xuân” (1970); hai phác thảo nghiên cứu trang phục phụ nữ mà đâu đó phảng phất bóng dáng trang phục và dáng đứng của đức mẹ trong tranh tôn giáo của ông. Còn lại đều là những nghiên cứu về thuyền, hoa, lá sen, tôm…

Ngay từ thời sinh viên, Nguyễn Gia Trí đã nổi tiếng với tài năng ký họa nhanh, ký họa đẹp và thâu tóm được hồn cốt sự vật trong nét vẽ điêu luyện mà chứa đầy cảm xúc của mình. Cỏ cây, hoa lá, phong cảnh thiên nhiên là đối tượng được Nguyễn Gia Trí nghiên cứu, thể hiện cẩn trọng và thuần thục. Những bức họa của ông về đề tài này đã tài tình tạo được “cuộc sống xanh tươi như hoa cỏ”. Tre, chuối, phù dung… là những loại cây, hoa xuất hiện nhiều trong tranh Nguyễn Gia Trí. Những thiếu nữ mặc áo dài tân thời xuất hiện trong những khu vườn xuân thấm đẫm hương vị xứ Bắc. Những hình ảnh Bắc kỳ trong tranh Nguyễn Gia Trí giai đoạn sau năm 1954 là một sự trở về trong tâm tưởng của người con xa xứ.

Chỉ với bốn bức phác thảo về hoa, lá sen thể hiện bằng các chất liệu bút màu, chì than hoặc sơn cánh gián trên giấy và giấy can ta có thể nhận thấy sự nghiên cứu tự nhiên một cách công phu của Nguyễn Gia Trí. Những bức phác thảo nhỏ chỉ khổ 18×16 (cm), 21×25 (cm)… vẽ nguyên một chiếc lá sen. Lá sen được thể hiện ở những góc độ, và trạng thái khác nhau. Khi thì lá sen được nhìn từ mặt trước, khi được nhìn từ mặt sau với cấu trúc các đường gân mảnh tinh tế đến khó tin, được thể hiện sinh động bằng chì than kết hợp bút bi màu đỏ; chì than xen kẽ chì màu và có những bức được thể hiện nguyên bằng sơn cánh gián.

Ở những bức phác thảo bằng sơn cánh gián, hoa, lá sen được thể hiện thần tình như những bức tranh thủy mặc. Hoa sen, chỉ với một bức phác họa theo trục dọc bằng chất liệu sơn cánh gián đủ cho thấy lối vẽ nhẹ tênh. Tưởng như họa sĩ chỉ đặt vài mảng sơn cánh gián cạnh nhau, thêm vài nét cỏ lác mềm mại đã tạo ra cả một thế giới sinh động mang sự sống của đầm sen mùa hạ. Những nét bút chính xác, tinh tế, chắt lọc, chứa được cả hương hoa cỏ trong ấy thể hiện công phu bậc thầy về hình họa, sự thuộc hình và sự dụng tâm của Nguyễn Gia Trí.

Một mảng đặc sắc trưng bày trong triển lãm là những phác thảo hình tượng phụ nữ. Khi vẽ thiếu nữ, bên cạnh những phác thảo có dáng dấp của một ký họa bắt dáng, ký họa thâm diễn, Nguyễn Gia Trí cũng sử dụng những nét vẽ bay bướm, trữ tình, có lúc đạt đến độ cung cách, cầu kỳ của đường nét. Một số phác thảo nét vô cùng mềm mại, linh động như phác họa ba thiếu nữ, phác họa dáng khỏa thân. Đó là vẻ đẹp mà như nhà văn Hoàng Hưng đã nhận xét về thiếu nữ trong tranh Nguyễn Gia Trí: “mông lung, hư ảo nhiều hơn, phần hồn át hẳn phần xác, nhịp chân tíu tít, bước chân tung tẩy như không chạm đất, sự trong trắng phát ra từ bên trong. Các cô đã rời cõi thế lên tiên giới” [2].

Hình ảnh thiếu nữ nằm trên nền đất, hòa lẫn với hoa cỏ, hay thiếu nữ ngồi ôm đàn tì bà là những hình ảnh quen thuộc trở đi trở lại trong nhiều bức tranh của Nguyễn Gia Trí cũng được giới thiệu ở triển lãm. Sự điêu luyện trong nét bút, sự vững chắc của hình họa vừa là thâu nhận lại từ cuộc sống vừa thoát ly cuộc sống, đưa vào bức tranh một đời sống mới. Hoa, thiếu nữ và thơ, nhạc ẩn chứa, xoắn xuýt trong tranh vẽ về phụ nữ của Nguyễn Gia Trí, tưởng như vô tâm mà tự nhiên như một hơi thở. Mặc dù đã được thể hiện cách điệu, những dáng phụ nữ đi, đứng, nằm, ngồi trong các phác họa của Nguyễn Gia Trí không những rất thực mà còn rất sống động trong vẻ tự nhiên tươi mới của những ký họa trực tiếp.

NGUYỄN GIA TRÍ – Tư liệu phác thảo (người, ngựa). Bột màu, bút kim vẽ trên giấy. 20,5x33cm

 

NGUYỄN GIA TRÍ – Phác thảo không tên. Bút dạ, sơn then, màu sáp trên giấy. 59x56cm

Khác với những bức phác thảo vẽ cỏ cây, hoa lá hay thiếu nữ tân thời. Những nghiên cứu kiến trúc, cảnh quan đền chùa được Nguyễn Gia Trí thể hiện bằng lối vẽ chỉn chu, có phần ke nét. Cấu trúc của các đền thờ được Nguyễn Gia Trí thể hiện bằng những đường kẻ chỉ thẳng tắp; Các hoa văn họa tiết cổ trên các công trình kiến trúc từ góc đao, bờ mái cho tới thành bậc chạm rồng đều được vẽ chau chuốt, công phu. Những nét vẽ ngay ngắn thể hiện được không khí thâm nghiêm, trầm mặc của không gian thiêng. Những nét vẽ này chỉ được làm mềm đi khi chúng được thể hiện lấp ló sau những rặng cây, khóm hoa hoặc có sự xuất hiện tươi tắn, mềm mại của những phụ nữ trong trang phục áo tứ thân hay những thiếu nữ tân thời. Nguyễn Gia Trí vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống nho học ở Hà Tây cũ. Ông am hiểu các kiến trúc đền, chùa và lề thói, phong tục cổ truyền của cha ông. Nguyễn Xuân Việt đã ghi lại lời ông: “Cấu trúc của các đền thờ cũng có những phép tắc và luật lệ riêng để đi vào, mỗi cấu tạo đều mang một ý nghĩa. Như cổng tam quan của nhà chùa, cũng là tam quán: Không, Giả, Trung. Cổng chỉ mở để đón tiếp những bậc đức lớn đi vào, người bình thường phải đi qua cửa tổ ở phía sau chùa” [7, tr.60]. Ngoài việc luyện vẽ, thuộc hình, ông còn am hiểu đặc tính các sự vật, hiện tượng diễn ra trong cuộc sống để đưa vào tranh mình, làm cho tác phẩm có đời sống.

Các phác thảo về đình, chùa, đền miếu chiếm số lượng lớn trong sưu tập phác thảo của Nguyễn Gia Trí ở Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh. Trong lần trưng bày này tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có thể nhận thấy một số những phác họa kiến trúc được sử dụng cho các tác phẩm “Hoài niệm xứ Bắc” với góc cảnh vẽ cảnh đền Ngọc Sơn. Bức phác thảo bố cục dọc với tam quan đền ở tiền cảnh, xa xa là cụm đền, tháp, thấp thoáng vài ngọn cau lấp ló ẩn hiện sau những tán cây cổ thụ. Cạnh đó là phác thảo thể hiện một trích đoạn nhỏ trong tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc. Những phác thảo được dùng cho tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc trưng bày ở triển lãm lần này hầu hết là những hình ảnh rời rạc, là các phác thảo nét một vài chi tiết trên bức tranh khổ lớn 540×200 (cm) được ghép lại từ 9 tấm vóc. Phác thảo kích thước 100×60 (cm) thể hiện một phần nội dung tấm vóc thứ 4 (tính từ bên trái sang). Ở tiền cảnh là chân dung bán thân hai thiếu nữ trong trang phục áo dài, một cô dường như là đội nón quai thao, một cô vấn tóc đuôi gà, phía sau là một khóm cây lớn, phía trên là đôi chim câu bay phía trước một kiến trúc nhỏ lấp ló sau bụi cây.

NGUYỄN GIA TRÍ – Phác thảo không tên. Giấy can, màu sáp. 70x51cm

Bên cạnh hình ảnh hai thiếu nữ trong phác thảo ở tấm vóc số 4, có thể nhận thấy hình ảnh hai đứa bé như trong tranh dân gian cưỡi con kỳ lân huyền thoại chạy chơi dưới gốc cây 109×60 (cm) là một mảnh ghép trong bố cục dọc tấm vóc số 3. Phác thảo hình “Thiếu nữ ngồi xõa tóc” 78,5×29 (cm) dễ dàng nhận thấy là hình ảnh thiếu nữ ngồi xõa tóc ở tấm vóc số 9. Không giống với các nét vẽ tinh tế, uyển chuyển như thường thấy ở nhiều phác thảo thể hiện phụ nữ khác, ở bức ký họa này, mặc dù vẫn thể hiện một dáng vẻ yêu kiều, thanh lịch của dáng ngồi thiếu nữ, song các nét vẽ đôi chỗ bị đều, thô, đôi chỗ không hòa nhập với nhau. Ở đây, dường như chủ đích của ông chỉ là định hình nhân vật ở trong thế dáng ấy. Tuy vậy, từ phác thảo lên tranh, những đường nét ấy đã hòa nhập trong thế giới của trứng, son và vàng. Nét không bó gọn lấy trứng mà hòa vào trứng, vào nền một cách tự do. Chân dung thiếu nữ ấy sáng rực lên trong thứ ánh sáng nhễ nhại của lụa là. Trứng biến thành thứ lụa bóng, phản chiếu ánh sáng chan hòa, mềm mại, uyển chuyển đẹp mắt. Các màu đa sắc biến ảo kỳ diệu trong sắc trắng toàn thể của bộ áo dài khiến cho các đường nét trên cơ thể nàng biến ảo kỳ diệu nhưng vẫn mang hơi thở của sự sống.

Thai nghén và hoàn thiện trong khoảng 20 năm cuối đời, Vườn xuân Trung Nam Bắc là sự kết tinh của những hình ảnh gắn liền với đời sống, những bức tranh mang dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí. Những hình ảnh vừa quen, vừa lạ trên các phác thảo từng nhóm, từng nhóm một, chúng tự tìm đến với nhau, tự hoàn thiện, tự tạo thành một tổng thể kết tinh cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí trong tác phẩm cuối cùng. Một thế giới hội họa đầy tính sáng tạo, sống động, ảo diệu, thơ mộng và có hồn.

Hai bức phác thảo có thể xem là kỹ càng, chi tiết và tiệm cận với tác phẩm sơn mài nhất tại phòng triển lãm có lẽ là hai phác thảo tranh đề tài lịch sử: phác thảo cho bức tranh “Trận Bạch Đằng” 70×51 (cm) và phác thảo cho bức “Hai Bà Trưng” 67×106 (cm). Trận Bạch Đằng với thuyền, ngựa, người ngổn ngang, đều đang quay cuồng trong cơn cuồng phong, thịnh nộ, tưởng như mọi thứ đang bị nhấn chìm trong cơn nước độc. Hai Bà Trưng khí thế hiện ngang cưỡi voi chỉ huy đoàn quân tham chiến. Những vệt trắng, vệt đỏ như đao kiếm, máu, cờ… vung lên xao xác, xáo động nghe như thấy được cả tiếng động trùng trùng của đoàn quân. Những phác thảo về màu đã rất chi tiết, đường nét vừa mang tính biểu hiện, có chút siêu thực tô đậm thêm khúc tráng ca lịch sử hào hùng của dân tộc, tinh thần quật cường, lòng yêu nước nồng nàn của mỗi con người trước kẻ ngoại xâm.

Lặng lẽ và gần với các ký họa nghiên cứu là các phác thảo về thuyền, vài hàng cây, quả núi hay khóm chuối trong vườn. Những bức họa này đều khá nhỏ và đa phần chỉ là những nghiên cứu nét. Một bức họa vẽ nét tôm 11×15 (cm) cũng được bày. Một phác thảo đen trắng đơn giản nhưng duyên dáng, sống động. Đáng chú ý là một phác thảo người và ngựa 20,5×30 (cm) bằng mực nho, sáp màu và bút kim trên giấy. Có ý kiến cho rằng đó là phác thảo bức tranh “Cõi âm” hiện thuộc sưu tập tư nhân trong nước. Tuy nhiên, thông tin đó vẫn cần được xác thực.

NGUYỄN GIA TRÍ – Phác thảo không tên. Bút sáp. 35x44cm

Một số phác thảo dường như là thể nghiệm về chất, tìm hiệu ứng bề mặt, hoặc tác biệt mối liên hệ giữa màu và nét của tác giả khiến cho các phác thảo mang màu sắc trừu tượng. Bên cạnh đó, một số phác thảo tranh trừu tượng cũng được trưng bày trong triển lãm lần này. Dựa vào những ghi chép lời họa sĩ nói về sáng tạo của Nguyễn Xuân Việt, có lẽ Nguyễn Gia Trí đến với trừu tượng là do quá trình làm việc mà dẫn đến. Quá trình song hành cùng với sơn mài tức là ông đã song hành cùng với nghệ thuật trừu tượng. “Hội họa trừu tượng khó là vì họa sĩ không có chỗ dựa vào mẫu thực. Từng chấm, từng nét trong tranh trừu tượng cũng có hình riêng và là một với toàn thể tranh. Chi tiết cũng như những giọt sương. Nhưng những giọt sương đều soi ánh mặt trời. Mọi chi tiết trong tranh đều chịu một sự kiểm soát ngang nhau” [7, tr.33]. Thể loại trừu tượng đã được ông thực nghiệm từ những năm đầu trong sự nghiệp của mình. Sau năm 1954, ông cũng vẽ một số tranh trừu tượng và bán trừu tượng đều là những tác phẩm gây tiếng vang, củng cố, đưa tên tuổi của ông vào hàng danh họa có ảnh hưởng bao trùm tới hội họa hiện đại Việt Nam, đặc biệt là ở chất liệu sơn mài.

Dưới cái nắng gay gắt tháng 6 ở Hà Nội, triển lãm “Những phác thảo tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí” diễn ra vẫn thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo người xem. Có những họa sĩ, người yêu nghệ thuật không quản điều kiện thời tiết đã trở đi trở lại phòng tranh nhiều lần để được chiêm ngưỡng, cảm nhận lại những nét bút, vệt màu và âm hưởng của tinh thần tự do trong sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.

Dành cả đời miệt mài lao động nghệ thuât, số lượng tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí để lại là không nhỏ. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, đến nay công chúng rất khó tiếp cận với những tác phẩm của ông. Trừ một vài tác phẩm hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, nhà thờ Mai Khôi và một số nhà sưu tập có uy tín, người xem trong nước ít có điều kiện xem và tìm hiểu trực tiếp tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Mặc dù chỉ là một phòng tranh nhỏ, với số lượng 40 phác thảo tranh, nhưng Những phác thảo tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí có ý nghĩa quan trọng giúp cho người xem nhìn lại được phần nào quá trình sáng tác cũng như tài năng, quá trình lao động không biết mệt mỏi của con người đã dành cả đời cho nghệ thuật sơn mài. Sẽ còn lâu lắm, người xem mới lại được thấy những nét bút tài hoa của một chân dung lớn của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam thế kỷ 20, dù chỉ là những phác thảo trên những tờ giấy cũ.

Vũ Thu Hằng

Tài liệu tham khảo:

  1. Mã Thanh Cao (2015), Họa sĩ Nguyễn Gia Trí – Bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, Nxb. Mỹ thuật.
  2. Hoàng Hưng, “Nguyễn Gia Trí, bậc đạo sư của sơn mài nghệ thuật”, bài đăng trên http://www.hocxa.com/Hoa/NguyenGiaTri/NGTriBacDaoSuSonMai_HoangHung.php
  3. Trần Thức, “Người dành cả cuộc đời cho mỹ thuật sơn mài”, bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số 07/2013.
  4. Trần Hậu Tuấn (2007), Hội họa Việt Nam đương đại trong bộ sưu tập của Trần Hậu Tuấn, Nxb. Văn hóa Sài Gòn.
  5. Thái Tuấn, “Họa sĩ Nguyễn Gia Trí”, bài đăng trên Thế kỷ 21, số tháng 3/1991
  6. Quang Việt (2006), Hội họa sơn mài Việt Nam, Nxb. Mỹ thuật.
  7. Nguyễn Xuân Việt (1998), Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo, Nxb. Văn học.
  8. Huỳnh Hữu Ủy, “Một chân dung lớn của nền Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX: Nguyễn Gia Trí”, bài đăng trên Thế kỷ 21, số 189&190, tháng 1&2, 2005.

 

(*) Bài viết đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 307-308, tháng 7-8 năm 2018.

Tin cùng chuyên mục

Vẻ đẹp nội Tâm trong hội hoạ Văn Chiến

Đường “link” dẫn dắt đến với hội hoạ trải qua 40 năm, mang đến cho hoạ sĩ một trái tim đầy rung cảm với nhiều trạng thái của cảm xúc mà tạo nên cú hích trong nghệ thuật mang sắc thái...

Dám – Trong “Khoảng lặng II” của họa sĩ Dũng trống

Những bức tranh này hay quá, cả nội dung và màu, xem rất thích. Vị khách ngắm tranh thốt lên khi gặp các tác phẩm mới của hoạ sĩ Dũng Trống, thành quả anh vẽ gần hai năm nay, anh âm thầm sáng tác...

Mạn đàm về sáng tác mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng”, đánh giá và giải pháp

Có thể khẳng định rằng tranh – tượng về đề tài Lực lượng vũ trang & Chiến tranh Cách mạng (LLVT & CTCM) đã hiện diện trong đời sống và lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam trước...

Mỹ thuật ứng dụng: Tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Mỹ thuật ứng dụng là một lĩnh vực rộng, đã và đang chạm vào mọi mặt của đời sống xã hội. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, việc phát triển mỹ thuật ứng dụng, với các sản phẩm, thiết...

Vẻ đẹp ký ức qua “Thiên đường hoàn hảo” của họa sĩ Lưu Tuyền

NDO – Thuộc thế hệ họa sĩ đương đại lứa 8x, sáng tác của họa sĩ Lưu Tuyền chứa đựng trong đó các giá trị văn hóa truyền thống dưới những góc nhìn khác nhau về đời sống xã hội. Anh...

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Có thể bạn quan tâm

10 THÔNG ĐIỆP ẨN GIẤU TRONG CÁC KIỆT TÁC HỘI HỌA NỔI TIẾNG THẾ GIỚI

    1. Thông điệp về tri thức khoa học ẩn giấu trên trần nhà nguyện Sistine Có một thông điệp khoa học ẩn giấu trong một trong những bức tranh nổi tiếng nhất mọi thời đại. Tác phẩm...

THÔNG BÁO SỐ 1 VỀ VIỆC TỔ CHỨC FESTIVAL MỸ THUẬT TRẺ 2020

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM CỤC MỸ THUẬT, NHIẾP ẢNH VÀ TRIỂN LÃM   Số: 40/TB-MTNATL Độc lập – Tự do – Hạnh phúc   Hà Nội, ngày 10  tháng...

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 325&326 tháng 1-2/2020

 ...

LỄ TRAO GIẢI THƯỞNG HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM, TRAO KỶ NIỆM CHƯƠNG VÌ SỰ NGHIỆP MỸ THUẬT VIỆT NAM NĂM 2019

Sáng ngày 13/9, Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam, trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam năm 2019. Triển lãm Mỹ thuật Khu...

Định vị giá trị văn hoá đặc sắc trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh điều này trong Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo...