GHI CHÉP DỌC ĐƯỜNG

Nghệ sĩ Nhân dân Đào Đức, một họa sĩ đặc biệt của một khóa học đặc biệt – Khóa Kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc. Bức tranh “chân dung sự nghiệp” của ông có nhiều diện, từ hội họa đến thiết kế điện ảnh, từ tranh đồ họa cổ động đến… công việc đào tạo, ông đã tham gia giảng dạy ngay từ ngày đầu thành lập Khoa thiết kế Mỹ thuật, Trường Sân khấu – Điện ảnh. Ở lĩnh vực nào ông cũng để lại dấu ấn với nhiều giải thưởng lớn, với những tác phẩm có tính chất gạch đầu dòng. Tuy nhiên trong bài này, tôi muốn viết về một mảng quan trọng khác trong cuộc đời nghệ thuật của họa sĩ Đào Đức. Đó là ký họa chiến tranh.

Ông theo học Khóa Kháng chiến từ 1950. Ngoài thầy Tô Ngọc Vân còn có các thầy Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang, Nguyễn Văn Tỵ, Sỹ Ngọc…đều là các họa sĩ đã tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương. Phương pháp dạy đi thực tế, ký họa trực tiếp của các thầy chính là khoa giáo của Trường Mỹ thuật Đông Dương truyền thừa một cách tự nhiên đối với các sinh viên Khóa Kháng chiến. Và như tên gọi của khóa học độc đáo này, có lẽ chỉ ở Việt Nam và cũng là duy nhất? Dạy và học trong đời sống kháng chiến, thầy trò ở cùng nhau, cùng đi thực tế, cùng vẽ. Sống cùng với dân, với bộ đội. Cho nên không khí của đời sống chiến đấu, sản xuất, sinh hoạt đầy ắp trong những ký họa của cả thầy trò là lẽ đương nhiên. Ký họa chân thực, tại chỗ (cũng là những bài học hình họa) cho đến khi những ghi chép ấy nâng lên thành tác phẩm, những tác phẩm hội họa hiện thực.

Sự hình thành của nền hội họa hiện thực giai đoạn này như vậy cũng là hoàn toàn tự nhiên. Đời sống ấy thì nghệ thuật ấy. Được học, được sống, được vẽ, vẽ phục vụ đời sống kháng chiến là một, là tự nhiên. Ở trong chiến tranh thì nghệ thuật gần chính trị, nghệ thuật và chính trị là một? Không có mệnh lệnh, ép buộc, phân công hoặc chủ nghĩa nọ kia gì ở đây cả. Thiên kiến và cực đoan trong phê bình đều không còn là khoa học. Chứng minh thuyết phục nhất về những nhận định trên là sau 70 năm, xem lại những bức ký họa của Tô Ngọc Vân, Sỹ Ngọc, Đào Đức, Ngô Mạnh Lân, Lưu Công Nhân, Mai Long… vẫn thấy xúc động, vẫn đẹp.

Một buổi chiều cuối 2005, tôi may mắn được xem “kho báu” ký họa của họa sĩ Đào Đức, những bức ký họa bằng bút sắt, chì than và màu nước trên những tờ giấy đã ngả màu, những tờ giấy tận dụng một mặt đủ kích cỡ. Tôi tự hỏi rằng: Phải chăng ký họa là một thể loại độc lập và đó là thể loại đầu tiên của hội họa? Họa sĩ không vẽ ký họa giống như nhà sư chỉ lo học đạo, thuộc kinh mà không hành đạo, không tu. Ký họa, ký họa sâu, nghiên cứu để làm tác phẩm nhưng cũng không hẳn thế, trong số những bức mà tôi được xem, có vài bức đã là tác phẩm. Ký họa cũng là tác phẩm. Ký họa có nghĩa là kiệm lời, là tối thiểu. Ký họa là lập tức, tại chỗ, là “thảo thư”, là thể loại cho người ta được bộc lộ cảm xúc trực tiếp. Ký họa không có chỗ cho cảm xúc giả.Ký họa là trực họa, là nóng hổi.
Ký họa gần trực giác, gần với tinh thần Á Đông.

Đào Đức (1928-2007) – Bà Thể làng Giao. 1953. Chì than

 

 

Đào Đức (1928-2007) – Dân quân cầm súng. 1957. Màu nước

Ký họa như tên gọi của thể loại này đã nói rõ tính chất vẽ nhanh, cập nhật, thực tế, người thực, việc thực, cảnh thực, tình huống thực nóng hổi như một loại báo chí bằng hội họa. Đặc điểm nổi bật của ký họa là tính xác thực, cho nên ngoài nghệ thuật thì nó còn có tính tuyên truyền, giáo dục, tính chính trị. Chính cái tính thực của ký họa làm cho nó sống mãi. Chính cái tính thực của ký họa làm cho nó trở thành một kiểu viết sử bằng hội họa, một kiểu lưu giữ ký ức.
Từ những bức ký họa thời kỳ đầu của họa sĩ Đào Đức, thời học Khóa Kháng chiến đến những bức ký họa thời chiến tranh chống Mỹ khi ông đi vẽ ở ngoại thành Hà Nội, ở Vĩnh Linh, Quảng Bình. Tuy chỉ là chì, than, bút sắt hoặc màu nước nhưng vẫn ngập tràn hơi thở đời sống, vẫn tình vẫn duyên, vẫn thấy tấm lòng của người vẽ. Chính là tấm lòng của ông đã bảo hiểm, đã che chở cho những bức ký họa ấy. Họa sĩ Đào Đức đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hai cuộc kháng chiến ấy đi qua hội họa của ông. Có họa sĩ nào sống trong giai đoạn 30 năm, 1945-1975, mà không đi cùng hai cuộc chiến ấy, không có hội họa / ký họa chiến tranh???

Đào Đức (1928-2007) – Bến Non Nước. 1956. Màu nước. Bộ Sưu tập Nghệ thuật Quang Phúc
Đào Đức (1928-2007) – Qua Đồng Lộc. 1968. Màu nước

 

Đào Đức (1928-2007) – Dân quân Đăng, Vĩnh Giang, Vĩnh Linh. 1968. Chì than

 

Đào Đức (1928-2007) – Một gia đình ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. 1982. Chì

 

Đào Đức (1928-2007) – Vở chèo. Khoảng 1960-1970. Bột màu. Bộ Sưu tập Nghệ thuật Quang Phúc

Trở lại với những ký họa của họa sĩ Đào Đức, những tên người, tên bản làng thời học Khóa Kháng chiến: Lão dân quân; Cụ bà ở thôn Ninh Thái (1952); Chị dân công (1954); Chân dung thiếu nữ (Đồi Cọ, 1956); Làng chài Sầm Sơn (1956); Lão nông, bà bầm, bà bủ… Đại Từ, Thái Nguyên; Cho đến những ký họa thời kỳ chiến tranh chống Mỹ: O du kích ở Quảng Bình (1957); Dân quân tập bắn; Trạm thương binh ở Vĩnh Linh; Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh, 1968) Tiểu đội cao xạ (Ba Đình, 1972)…

Những tên người, tên đất, những tháng năm chiến tranh ác liệt ấy đều đi vào hội họa của họa sĩ Đào Đức. Ký họa đối với ông như một thứ nhật ký mà ông gọi là “ghi chép dọc đường”. Tự nhiên, tự thân đều đặn, giản dị và hàng ngày như vậy. Còn Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa chỉ là cái tem mà các nhà sử học nghệ thuật sau đó khiên cưỡng gắn vào hội họa giai đoạn này.
Không gì hay bằng dẫn chính những lời chia sẻ của ông trong cuốn “Sổ tay của Đào Đức” (xuất bản 2006) để kết cho bài viết: “Những ngày nắng lửa trên lũy thép Vĩnh Linh, những hố bom đầy nước ở ngã ba Đồng Lộc, khoảnh khắc cận kề cái chết trong gang tấc, những khuôn mặt kiên trung, những vẻ đẹp hồn nhiên, dung dị… tất cả như cùng ùa về tái hiện trong tâm trí tôi như một cuốn phim quay chậm làm sống lại những kỷ niệm một thời đã qua, một thời không thể nào quên của tôi – một họa sĩ được đi thực tế, được sống, được vẽ, được chứng kiến một thời hào hùng của dân tộc”.

Lê Thiết Cương

 

 

Tin cùng chuyên mục

Tình cảm của Lãnh đạo và nhân dân các nước trên thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các Di tích tưởng niệm Người  

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đi bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu lại những dấu ấn sâu đậm về tình hữu nghị, tình đoàn...

Hội họa của Lê Phổ: Từ Hà Nội tới Paris

Lê Phổ (1907 – 2001), tốt nghiệp khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l’École des Beaux-Arts d’Indochine), hiện là một trong những danh họa Việt được nhắc tới nhiều nhất trên...

Nhớ họa sĩ Nguyễn Thụ, người thầy kính yêu!

Họa sĩ Nguyễn Thụ sinh năm 1930, tốt nghiệp Trường Mĩ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương) khoá Tô Ngọc Vân (1957 – 1962 ) cùng các hoạ sĩ Vũ Giáng Hương, Phạm...

Họa sĩ Nguyễn Siên – Một đời cống hiến cho nghệ thuật nước nhà

Nguyễn Siên là một nghệ sĩ Hậu chiến và Đương đại, sinh năm 1916. Tác phẩm của Nguyễn Siên đã được đưa ra đấu giá nhiều lần, với giá bán thực tế dao động từ 1.461 USD đến 244.754 USD, tùy...

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Triển lãm tranh “99” của những người làm báo

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 18/6, tại Cơ quan Thông Tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam, 116 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Thông Tấn xã Việt Nam,...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT NGÀNH MỸ THUẬT ỨNG DỤNG – KHU VỰC I (HÀ NỘI) LẦN THỨ 26 NĂM 2021

           ...

Khai mạc triển lãm “Quê nhà” của Họa sĩ Hắc Long

Tối 25-10, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật, số 16, Ngô Quyền (Hà Nội), Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm “Quê nhà” của Họa sĩ Hắc Long. Đến dự Triển lãm có đại diện Hội...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT NGÀNH ĐỒ HỌA – KHU VỰC I (HÀ NỘI) LẦN THỨ 26 NĂM 2021

    GIẢI C: Tác giả: NGUYỄN VĂN VINH (Hà Nội). Tác phẩm: Nhận diện thương hiệu Wind Coffe. Chất liệu: Logo                        ...

ĐỔI CẢNH

  Nước Việt chính là nước – làng, làng Việt là làng nước. Muốn hiểu nước Việt, người Việt thì phải hiểu làng. Nói cách khác hiểu được làng thì sẽ hiểu nước Việt, làng chính là...