HUY OÁNH, TUỔI THƠ GIAN KHÓ CỦA MỘT TÀI NĂNG HỘI HỌA

 

Phó giáo sư, họa sĩ Huy Oánh là một trong những họa sĩ tiêu biểu xuất thân từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông đã cống hiến hết mình cho niềm đam mê nghệ thuật, cả trong sáng tác và trong lĩnh vực giáo dục. Hàng ngày trong căn phòng nhỏ tại nhà riêng trên phố Lê Duẩn (Hà Nội), ông vẫn miệt mài vẽ.

Họa sĩ Huy Oánh sinh năm 1935 tại làng Bồ Đề, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Định. Tuổi thơ của ông gắn liền với nơi đây, những ngày tháng sống trong chiến tranh và gian khó cùng với mẹ. Cha ông mất khi ông mới lên 3, cuộc sống chỉ có hai mẹ con đùm bọc nhau, bởi vậy ông đã luôn sống với một quyết tâm và ý chí mạnh mẽ mà về sau các tác phẩm của ông đã cho thấy phần nào tính cách đó.
Năm ông lên 10 cũng là một trong những năm khó khăn gian khổ nhất trong lịch sử dân tộc – nạn đói năm 1945, nhưng cũng là một năm vẻ vang – Cách mạng Tháng Tám thành công. Ông không thể nào quên được hình ảnh những người bị đói chết như ngả rạ ngoài đường, những chiếc xe chở xác người chết để đem chôn. Ông xúc động hồi tưởng: “Trong những năm tháng ấy nhà tôi tuy nghèo nhưng vẫn có cái ăn qua ngày. Món ăn đặc biệt được coi là sơn hào hải vị lúc đó của tôi là củ chuối nấu với ốc. Trong nhà không có của cải gì, hai mẹ con tôi chỉ xoay sở làm sao có ăn mà không bị chết đói như những người ngoài kia”.
Cho tới mãi sau này, khi đã trưởng thành và đứng vững trong nghề, Huy Oánh đã có dịp thể hiện lại một hình ảnh mà theo ông là không thể nào quên được: Hình ảnh người mẹ bị chết nằm trên đường nhưng đứa bé nằm trên bụng mẹ vẫn ra sức bú sữa. Ông đã đưa hình ảnh ấy vào bức tranh đề tài lịch sử được Nhà máy dệt Nam Định đặt hàng vào năm 1960.

Huy Oánh (người thứ hai từ phải sang) cùng với các đồng nghiệp đi thực tế ở Lạng Sơn năm 1964

 

Huy Oánh cùng với họa sĩ Văn Đa

 

Họa sĩ Huy Oánh và tác giả bài viết tại xưởng vẽ của họa sĩ

Cách mạng Tháng Tám thành công, nơi đâu cũng chăng cờ hoa khẩu hiệu, từ thành phố tới làng quê, từ người lớn đến trẻ em ai ai cũng nô nức phấn khởi khi lịch sử đất nước đã sang một trang mới. Cũng từ đó Huy Oánh đặc biệt chú ý thể hiện hình ảnh Bác Hồ, các chiến sĩ cách mạng qua các áp-phích, khẩu hiệu vẽ tay…Ông thích thú vẽ hình ảnh Bác trên bìa vở. Vì chỉ có giấy khổ nhỏ để vẽ nên ông tự sáng kiến phương pháp phóng to hình của Bác lên tường nhà. Từ hình Bác vẽ trên bìa vở, ông lấy dao trổ theo nét vẽ, treo bức trổ ấy từ trên mái nhà xuống, lấy đèn dầu rọi qua chiếu nét lên tường, rồi bắc thang dùng than củi chép theo. Vẽ xong, dân làng ùn ùn kéo tới nhà ông để xem và không ai nghĩ một cậu bé như Huy Oánh có thể vẽ được một bức chân dung Bác to và đẹp như vậy. Tiếng lành đồn xa, tài năng hội họa của Huy Oánh được nhiều người biết tới. Ủy ban xã lúc đó còn tới mượn tranh hoặc đặt ông vẽ Bác Hồ và áp-phích.

Trong giờ học cậu bé Huy Oánh cũng hay vẽ cho các bạn những bức chân dung nhỏ xíu trên vở. Rồi đến một ngày thầy giáo dạy sinh vật đã phát hiện ra khả năng hội họa của ông nên ông đã có dịp thể hiện: vẽ các sinh vật cho thầy làm bài giảng. Ông rất tự hào sau những lần như vậy, và từ đó ý thức về nghiệp hội họa của ông cũng lớn dần.

HUY OÁNH – Làng quê. 1965. Sơn dầu

 

HUY OÁNH – Làng Mản mùa đông. 1967. Sơn dầu

 

HUY OÁNH – Làng quê. 1967. Sơn dầu

Sau này khi lớn hơn một chút, Huy Oánh được đi học văn hóa, tiếp cận với sách vở nhiều hơn, đặc biệt cuốn sách của Pháp “Học vẽ không cần thầy”. Từ cuốn sách này ông luyện tập theo và trở thành họa sĩ vẽ truyền thần có tiếng, kiếm sống được bằng nghề, lại còn có 10 đệ tử theo học. Ty Văn hóa tỉnh Nam Định lúc đó cũng rất quý trọng Huy Oánh, mỗi khi có việc hoặc cần tiếp khách họ đều nhờ ông giúp trang trí hội trường.
Trong thời gian diễn ra phong trào cải cách ruộng đất, Huy Oánh được Ty Văn hóa tỉnh Nam Định triệu tập tham gia vẽ minh họa, làm biểu ngữ cho một số địa phương ở khu vực Liên khu III. Đúng lúc đó, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức một đoàn sinh viên đi phục vụ cải cách ruộng đất tại Nam Định. Họ được giao nhiệm vụ vẽ minh họa và áp-phích. Mặc dù Huy Oánh đã là người vẽ đẹp nổi tiếng tại thành phố Nam Định, nhưng sau khi tận mắt nhìn họ vẽ thì ông vô cùng sửng sốt: “Quả thực họ vẽ rất đẹp. Tôi lân la làm quen, hỏi ra thì mới biết họ là sinh viên Trường Mỹ thuật, và mới chỉ được học có 6 tháng”, ông kể. Ông còn nói thêm: “Đó cũng là lần gặp gỡ định mệnh của tôi với nghệ thuật, với nghề nghiệp mà tôi theo đuổi.”
Sau đó không lâu, ông quyết định nộp hồ sơ để thi vào Trường Mỹ thuật.
Họa sĩ Huy Oánh nay đã tròn 85 tuổi. Ông vẫn hăng say sáng tác và đều đặn tham dự các triển lãm lớn nhỏ. Ông quả thực là một con người của nghệ thuật, một người đã cống hiến không ngừng nghỉ cho nghệ thuật, cho hội họa suốt hơn 70 năm qua.

Hà Thu

Tin cùng chuyên mục

Họa sĩ Trần Văn Cẩn – Một thời Hà Nội

Trần Văn Cẩn tìm cái thú thầm lặng trong hội hoạ như người đãi cát tìm vàng, mò trai dưới biển. Và ngọc trai của ông là màu sắc, là hiệu quả ánh sáng của hai màu đặt bên nhau. Một xe ngựa...

Bùi Trang Chước – Một bậc thầy của nghệ thuật tranh sơn khắc và đồ họa ứng dụng

Năm 2022, họa sĩ Bùi Trang Chước đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Giải thưởng dành cho các mẫu thiết kế: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh,...

Họa sĩ Hoàng Công Luận sự nghiệp sáng tác và đào tạo

Năm 1958, đặc khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) mở đợt chỉnh đốn vùng than, được gọi là cải tiến quản lý xí nghiệp nhằm tăng nhanh sản lượng than đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất...

Tháng ba của Trần Thị Trường và Lê Thiếu Ngân

Khi những ngày đông tháng giá đã lùi vào phía sau nhường những tia nắng chan hòa khắp phố phường Hà Nội thì 16 Ngô Quyền có lịch triển lãm của hai nữ tác giả mang tên “Tháng Ba”. Trần Thị...

MARK ROTHKO – Hiện thực của họa sĩ

  Đây là bản dịch tiếng Việt đầu tiên cuốn sách được viết ra bởi một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ông đã thiết lập nên hình thái hội họa trừu tượng màu (hay chính xác...

Có thể bạn quan tâm

Lịch tổ chức triển lãm mỹ thuật khu vực Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ 24 năm 2019

,      ...

Giới thiệu tác phẩm của họa sĩ Sanyu trong phiên đấu giá tháng 11 của Nhà đấu giá Aguttes

...

BỨC TRANH “CHỢ GẠO BÊN HỮU NGẠN SÔNG HỒNG” CỦA NAM SƠN ĐANG Ở ĐÂU ?

  “Chợ gạo bên hữu ngạn sông Hồng” là một tác phẩm kinh điển  của họa sĩ Nam Sơn. Tranh được thực hiện vào khoảng năm 1928, với chất liệu mực nho, kích thước 100x140cm, tả...

Thông báo về triển lãm mỹ thuật khu vực VIII Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 26 năm 2021

 ...

BẢN SẮC

          Từ khi là một cô bé với óc tưởng tượng phong phú, mỗi lần nhìn ngắm những đám mây trên trời, Vi Việt Nga luôn tạo ra được những câu chuyện cho riêng mình và từ đó niềm đam mê...