CẢM LUẬN VỀ TRANH SƠN DẦU NGỌC THỌ

 

Tháng 3 năm 2021, tại phòng trưng bày mới nâng cấp của Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội, đã diễn ra cuộc triển lãm giới thiệu 25 bức tranh sơn dầu của họa sĩ Ngọc Thọ. Đây có thể được xem như triển lãm cá nhân đầu tiên của người họa sĩ này, và cũng chỉ có điều kiện tổ chức sau khi ông đã mất 5 năm.

* * *

Từ trước tới nay, đối với công chúng, tên tuổi của họa sĩ lão thành Ngọc Thọ dường như gắn với hội họa sơn mài, qua một số tác phẩm sơn mài đáng nhớ, mang đậm tinh thần Á Đông, đặc biệt ở thời kỳ sáng tác 1983-1993, như Nữ sinh Hà Nội, Sự thanh thản, Vó câu qua cửa sổ… Riêng tranh Vó câu qua cửa sổ, quá trình ấp ủ và thể hiện tác phẩm của ông kéo dài tới 5 năm (1978-1983), để cuối cùng rút gọn vào một hình thái cấu trúc đường nét vô cùng giản dị, vừa kinh điển vừa thanh thản, tự nhiên, tươi mát, dễ dàng như một phác thảo được vẽ trên giấy. Lối vẽ nét thảo sáng trên nền đỏ và đen này phải là một họa sĩ có tư duy và kỹ năng đa dạng lắm mới làm được, hay nói cách khác, một họa sĩ nếu chỉ chuyên vào “hiện thực”, vào “sơn mài” thì không làm được. Diễn một đề tài như vậy, âu phải vẽ như vậy thì mới ra.
Cách đây trên dưới 40 năm, ở vào thời kỳ cuối của hội họa “hiện thực xã hội chủ nghĩa” nước ta, một bức tranh “là lạ” như thế không dễ tìm thấy. Bức tranh là một sản phẩm khi người vẽ đã tiếp xúc được với hiện thực huyền diệu của họa sĩ ở chiều kích phù hợp nhất với bản tính, tâm tính, nhân sinh quan, thế giới quan thực sự của chính mình.

NGỌC THỌ – Làng. Sơn dầu. 57x71cm

 

NGỌC THỌ – Tiếng đàn. Sơn dầu. 80x100cm

 

NGỌC THỌ – Hổ. 1980. Sơn dầu. 98x122cm

* * *

Về mặt lịch sử, Ngọc Thọ thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau “Đông Dương” và “Kháng chiến”. Ông là một trong 76 học viên của Khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957), khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam sau ngày hòa bình lập lại (gần tương đương về mặt thời gian với các khóa đầu tiên của Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn do họa sĩ Lê Văn Độ sáng lập vào 1954).
Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa (chính thức khai sinh ở Liên Xô năm 1934 và được xem như kết thúc vào năm 1988) bắt đầu được giới thiệu ở Việt Bắc khoảng 1948, có ảnh hưởng chi phối ở miền Bắc khoảng từ 1954-1955 cho đến giữa những năm 1980, và bởi vậy thế hệ của các họa sĩ như Ngọc Thọ xuất thân hoàn toàn trong thời kỳ hiện thực ấy.
Tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Ngọc Thọ cũng là một trong 12 học viên, sau khi học xong Khóa trung cấp Tô Ngọc Vân, tiếp tục học khóa đầu tiên ở bậc chính qui đại học, và ông cũng là một trong ba học viên đầu tiên (cùng Trọng Cát, Đỗ Hữu Huề) theo học bộ môn sơn mài ở thời kỳ này.
Giống như nhiều bạn học, nhiều họa sĩ cùng thế hệ, ngoài chất liệu “chuyên môn” của mình- sơn mài, Ngọc Thọ cũng luôn luôn vẽ bằng sơn dầu (và làm tranh khắc gỗ, đặc biệt khắc gỗ đen trắng- một chất liệu rất phổ biến vào những năm 1960-1970).
Theo một truyền thống có từ Thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, ở nước ta, chất liệu sơn dầu châu Âu vốn được coi như một phương tiện kỹ thuật nền tảng, một hệ thống quan niệm hội họa cần phải nghiên cứu gắn liền với nó, nhằm tiếp cận với nền nghệ thuật bác học, không chỉ của châu Âu, mà qua châu Âu đến được với cả thế giới. Đồng thời sơn dầu cũng đã được đề cao như một điểm tham chiếu quan trọng để phát triển nền hội họa bản địa dựa trên các chất liệu cổ truyền Á Đông như lụa, khắc gỗ và nhất là sơn mài. Nếu không kể các họa sĩ chuyên vào sơn dầu và các họa sĩ bậc thầy toàn năng sáng tác thành thục bằng đủ các loại chất liệu – thì trên thực tế cũng có rất nhiều họa sĩ chuyên về tranh lụa, tranh sơn mài hay tranh khắc đã từng hoặc thường xuyên vẽ bằng sơn dầu. Và có thể nói, hầu hết các phát hiện nổi bật mang tính đột phá nhất trong lĩnh vực hội họa sơn mài cũng đều do các họa sĩ toàn năng đem đến.
Ở thời kỳ hiện thực xã hội chủ nghĩa, Ngọc Thọ đã có một số tác phẩm đáng chú ý như Phú Lợi căm thù (khắc gỗ, 1960), đặc biệt vào năm 1974 ông có tranh sơn dầu Hải Phòng chống chiến tranh phá hoại là một trong những tác phẩm tiêu biểu về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

NGỌC THỌ – Tĩnh vật. 2009. Sơn dầu. 90x60cm

 

NGỌC THỌ – SEA GAMES 22. Sơn dầu. 116x81cm

 

NGỌC THỌ – Hòa sắc. Sơn dầu. 60x90cm

* * *

Cho dù chỉ qua 25 bức tranh sơn dầu hiện đang trưng bày nhưng cũng có thể xem là tạm đủ để có một cái nhìn khái quát về quá trình vận động của hội họa sơn dầu nói riêng và tinh thần, ý thức nghệ thuật nói chung của họa sĩ Ngọc Thọ, kể từ thời kỳ đầu tiên đầu những năm 1960 cho đến thời kỳ cuối cùng vào 10 năm đầu của thế kỷ 21.
Trong hội họa sơn dầu ở nước ta, nhìn chung các họa sĩ không quá quan tâm, câu nệ vào kỹ thuật. Đây là một đề tài khá thú vị, cần nghiên cứu, lý giải cả ở mặt hay lẫn mặt hạn chế của nó. Và điều này cũng không chỉ có ở nước ta, mà thực ra cũng khá phổ biến trên thế giới, tuy rằng ở mỗi nơi mức độ là khác nhau với những lý do không hẳn là như nhau.
Kể từ thời kỳ Ấn tượng, sơn dầu về cơ bản đã trở thành một chất liệu “đục”, và người ta thường ví tranh sơn dầu hiện đại so với tranh sơn dầu cổ điển như là tranh bột màu so với tranh thuốc nước. “Việc sử dụng các màu sơn trong suốt đã bị từ bỏ bởi nhiều nguyên nhân: một nguyên nhân chắc chắn là nó đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc về nghề nghiệp” (Francois Fosca). Đối với các họa sĩ Việt Nam, tình trạng thiếu hụt kiến thức, thông tin, chiến tranh, điều kiện vật chất và thời gian eo hẹp, khó khăn, chủ trương “cần phục vụ ngay”, vân vân, cũng là những lý do khiến các vấn đề kỹ thuật, ít nhất trong hội họa sơn dầu, hầu như chưa bao giờ được chú ý đủ.

NGỌC THỌ – Trên bãi biển, sáng. 2006. Sơn dầu. 87x119cm

 

NGỌC THỌ – Trên bãi biển, chiều. Sơn dầu. 88x119cm
NGỌC THỌ – Bố cục. 2007. Sơn dầu. 120x90cm

Thực ra, đi tìm mối quan hệ thuần túy trên phương diện kỹ thuật (như một số nhà nghiên cứu thường vẫn làm) giữa tranh sơn dầu và tranh sơn mài của Ngọc Thọ (cũng như của nhiều họa sĩ khác) là việc không dễ dàng, mà cũng không thật sự cần thiết, thậm chí làm nghèo đi nhận thức của chúng ta về nghệ thuật. Điều đáng chú ý hơn là rõ ràng có mối quan hệ tương tác có thể phân tích giữa các tuyến chất liệu khác nhau trong diễn biến nghệ thuật của cùng một họa sĩ trên phương diện tư tưởng, quan niệm, tạo hình, cách tiếp cận đề tài…
Dựa trên những bức tranh sơn dầu đang thấy ở đây của Ngọc Thọ, người xem có thể phân định được một cách tương đối ba thời kỳ sáng tác của ông.
1. Thời kỳ truyền thống (trước 1975): Áp dụng kiến thức kinh điển để thể hiện các tranh tĩnh vật, phong cảnh và đời sống hiện thực xã hội, hướng về cụ thể-khách quan, mang hơi hướng ít nhiều của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thiên về các sắc ấm trung tính lồng trong các hình diện rộng rãi.
2. Thời kỳ ấn tượng-biểu hiện (đặc biệt những năm 1980): Phát triển quan sát và tư liệu trực quan thành biểu tượng, bắt đầu hướng dần về chủ quan- trừu tượng, sử dụng các màu tương phản và biểu hiện tính cá nhân bằng xung lực và nhịp điệu của nét. Từ đây phong cảnh hiện lên không chỉ là phong cảnh mà là một cấu trúc không gian gần như phi tuyến tính, với ánh sáng ước lệ sục sôi của nội tâm.
3. Thời kỳ biểu hiện trừu tượng (những năm 2000): Dường như chỉ giữ lại những yếu tố có nghĩa tối thiểu của đối tượng, “năng lượng và chuyển động tạo ra cái nhìn thấy, ký ức ngưng đọng trong không gian”. Từ đây tiến tới vô hình thể, chỉ còn màu và kết cấu bề mặt.

NGỌC THỌ – Ven sông. 1986. Sơn dầu. 77x116cm

 

NGỌC THỌ – Bố cục. 2000. Sơn dầu. 80x100cm

* * *

Ngọc Thọ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, sau đó ông làm giảng viên tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Có thể nói, các họa sĩ thuộc “phái La Thành” như ông ít “mô phạm” hơn các họa sĩ “phái Yết Kiêu”, bởi vậy họ cũng tự do hơn trong thể nghiệm hội họa. Tính trực tiếp và thỏa sướng về mặt xúc giác trong thực hành bằng chất liệu sơn dầu khá nổi bật trong tranh Ngọc Thọ, nó khiến hội họa ông rời bỏ được mọi ràng buộc, vướng víu để tiến tới tính tự nhiên, và chính sự tự nhiên này đã phát tác sang sơn mài khiến tranh sơn mài của ông ngày càng có đặc tính.
Một chuyến song hành “sơn mài-sơn dầu” dằng dặc như thế vẫn còn cần nhiều thời gian phân tích, tìm hiểu, ngõ hầu đánh giá chính xác và đầy đủ giá trị nghệ thuật hội họa của Ngọc Thọ, một họa sĩ đã phải vượt qua biết bao khó khăn và nghịch cảnh của nhiều thời kỳ lịch sử để thực hiện ước mơ và hoài bão của mình.

Yên Hưng

 

Tin cùng chuyên mục

Nghệ sĩ phải thấy chính mình chứ không đi tìm

Lần đầu tiên, Lê Huy Tiếp – hoạ sĩ, nhà giáo, người từng nhiều năm giữ vai trò quan trọng trong hội đồng nghệ thuật quốc gia, chia sẻ về quan điểm trong sáng tạo nghệ thuật và kiểm...

Văn hóa và phản văn hóa trong đồ họa quảng cáo hiện nay

  Quảng cáo là một trong những chiến lược xúc tiến hỗn hợp marketing quan trọng, một phương tiện giao tiếp với người dùng sản phẩm, dịch vụ. Bao gồm mọi hình thức truyền thông tin trực...

Di sản văn hóa nào sẽ là biểu tượng Thanh Hóa

  Thanh Hóa là miền đất rộng, người đông, có bề dày lịch sử cách mạng lâu đời trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đất xứ Thanh linh thiêng đã sinh ra nhiều...

Mạn đàm nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022

  Theo báo vietnamnet công bố thì năm 2020 đã có 410 triệu bản sách được phát hành với 33.000 đầu sách, và doanh thu đạt 2.700 tỷ đồng. Nếu tính nhiều năm qua cộng lại, thì số lượng phải...

THẾ MỚI LÀ DÂN TỘC, TRÒ CHUYỆN ĐẦU XUÂN CÙNG HỌA SĨ HỒNG HẢI

  Họa sĩ Đặng Thị Hồng Hải sinh năm 1933 tại Hải Dương. Mẹ ruột cô là em gái của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Theo lời cô Hồng Hải kể, họa sĩ Nguyễn Tiến Chung vừa là bác, vừa là thầy,...

Có thể bạn quan tâm

Tổ chức Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện “Cuộc thi và Triển lãm Mỹ...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT NGÀNH ĐIÊU KHẮC – KHU VỰC I (HÀ NỘI) LẦN THỨ 26 NĂM 2021

                                   ...

HẢI PHÒNG – MỘT TRUNG TÂM MỸ THUẬT ĐANG HÌNH THÀNH

  Hải Phòng, thành phố cửa biển, thành phố công nghiệp phía Bắc của Tổ quốc luôn mang trong mình những đặc tính riêng biệt về đất và người. Từ xa xưa, nơi đây đã xuất hiện những danh...

DỰ ÁN NGHỆ THUẬT CÔNG CỘNG PHÚC TÂN

  Nhiều nghệ sĩ tạo hình trên thế giới nổi tiếng với khả năng biến một nơi không ai muốn đến thành những địa điểm đắt giá chỉ sau một thời gian ngắn. Có một từ dành riêng cho hoạt...

Tạo hình con lợn trong nghệ thuật

  Người Việt Nam ta có các câu tục ngữ “ngu như lợn”, “bẩn như lợn” để nói về sự ngu dốt và bẩn thỉu. Ý tưởng đó cũng được chia sẻ bởi nhiều nền văn hóa, tôn giáo trên thế...