PHÁI KHÔNG PHỐ

 

Lịch sử hội họa Việt Nam hiện đại đã ngót một thế kỷ, biết bao họa sĩ của các thế hệ đã vẽ về phố cổ Hà Nội, nhưng đến hôm nay, người chuyên tâm và thành công nhất với phố cổ Hà Nội vẫn chỉ có Bùi Xuân Phái. Thế nhưng đã có lúc Bùi Xuân Phái “không vẽ phố”, Phái không phố, chỉ có chữ ký của Phái, đó là một kiểu tranh chữ, thư họa, tranh đại tự. Một chữ ký bằng bút to tràn trên bề mặt tranh, ẩn hiện bên dưới là phố, phố làm nền. Tranh và chữ ở trong nhau, bản thân chữ ký của Phái khi đứng độc lập đã thành tranh rồi. Bùi Xuân Phái còn có một đề tài khác là chèo nhưng tại sao ông không dùng “thư họa”, không ký lên một bức chèo nào mà lại ký lên phố? Họa sĩ nào cũng có một đề tài ruột của mình, những tác phẩm lớn của họ sẽ nằm trong đề tài ấy. Bùi Xuân Phái đã chọn phố để ký chồng lên trên là vậy chăng?

Như đã nói Bùi Xuân Phái là người chuyên tâm, người thành công nhất với đề tài phố cổ Hà Nội và thêm điều nữa, ông là người đầu tiên phát hiện ra vẻ đẹp của phố cổ Hà Nội, người đầu tiên đưa phố vào hội họa và có lẽ ông cũng là người cuối cùng làm cho Hà Nội có thêm một phố nữa: Phố Phái. Hà Nội sinh ra ông (Bùi Xuân Phái sinh ra ở làng Kim Hoàng, ngôi làng nổi tiếng với dòng tranh dân gian cùng tên, ngoại thành Hà Nội), và ông sinh ra “Phố Phái” tặng lại Hà Nội. Ngoài 36 phố phường, Hà Nội đã có một phố nữa, phố hội họa. Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội – rồng bay lên, địa linh nhân kiệt, tụ nhân, tụ thủy, tụ khí đẹp hơn nữa vì nó dung dưỡng cho nghệ thuật, tạo niềm cảm hứng cho nghệ sĩ.

BÙI XUÂN PHÁI – Tranh chữ ký. Khoảng 1980-1985. Sưu tập Apricot Gallery

Tôi không nghĩ Bùi Xuân Phái ký tên mình lên phố là ông muốn đặt tên cho phố của mình. Ký, đó là xác quyết một việc đã xong, đã hoàn thành, đã chấm dứt, có thể trong cuộc sống là vậy, nhưng nghệ thuật thì không. Nghệ thuật là sáng tạo, là tìm đường, là cuộc phiêu lưu tìm đường mới. Ngay cả với chính Bùi Xuân Phái, ở giai đoạn sáng tác cuối đời, ông vẫn tiếp tục kiếm tìm cách thể hiện phố theo một kiểu khác (thiên về trừu tượng) chứ ông không chịu đứng yên, không khoanh tay đứng ngắm mình. Mà cũng chả cứ trong nghệ thuật, cuộc sống luôn tuần hoàn, âm dương dương âm, ngày đêm đêm ngày, mưa nắng nắng mưa, xuân hạ thu đông… chẳng khi nào ngưng nghỉ. Vậy nên Kinh Dịch có 64 quẻ thì quẻ kết thúc (Thủy Hỏa ký tế) là quẻ 63, quẻ gần cuối cùng, gần kết thúc chứ không phải ký tế đã là cuối cùng-mà quẻ 64, quẻ cuối cùng là quẻ Hỏa Thủy vị tế có nghĩa là đi tiếp.

Hạnh phúc của Bùi Xuân Phái là ông đã làm ra một phố cổ Hà Nội rất riêng, nhưng hạnh phúc nhất chính là ông không dừng lại mà vẫn còn muốn kiếm tìm nữa, vẫn muốn đi tiếp nữa. Sáng tạo là thế, nghệ thuật là thế, chả bao giờ kết thúc. Phái là một quả núi với đề tài phố cổ Hà Nội, nhưng không có nghĩa rằng mọi nẻo đường đến với phố cổ Hà Nội đã bị bịt hết.

BÙI XUÂN PHÁI – Tranh chữ ký. Khoảng 1980-1985. Sưu tập Apricot Gallery

Bùi Xuân Phái là một quả núi nhưng khi chúng tôi đứng trước tấm toan để vẽ phố Hà Nội thì chúng tôi buộc phải coi Bùi Xuân Phái là một hạt cát. Hèn nhát và run sợ thì sẽ chỉ đến được phố của Phái, làm bản sao của Phái chứ không thể đến được với phố cổ Hà Nội. Tôi nghĩ, Bùi Xuân Phái cũng chả bao giờ muốn những người đi sau ông run sợ. Chính ông cũng muốn các họa sĩ khi vẽ phố cổ Hà Nội, hãy coi ông là hạt cát bởi vì thật giản dị rằng Bùi Xuân Phái không muốn bất kể ai giẫm vào vết chân của mình.

7/2020
Lê Thiết Cương

 

 

Tin cùng chuyên mục

Một kỷ niệm với Trần Duy

Một kỷ niệm Huế, những ngày tháng Tám… Tôi quen Trần Duy từ thuở ấy. Hai đứa gặp nhau ở Sở Tuyên truyền Trung bộ mới thành lập. Bấy giờ, anh Nguyễn Duy Trinh là Ủy trưởng Tuyên truyền Trung...

Chuyện ông Ba Đông

Với chiếc xe đạp mini mua từ năm nảo năm nào, thoắt cái ông ở chỗ này chỗ nọ. Trong nhà ông, tranh lụa, tranh sơn dầu, sơn mài… chật cả phòng khách. Còn ở phòng vẽ thì ngổn ngang những tranh...

Con trâu là đầu cơ nghiệp… nay đâu?

Năm 2004, tôi được mời sang Bordeaux tham gia một dự án Nghệ thuật. Một ngày cuối tuần đi dạo ven dòng sông Ga-Rôn cùng giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Dominik Lobera, tôi bắt gặp 17 cụm tượng thép...

35 năm chặng đường thăng trầm của Nhà xuất bản Mỹ thuật

  Đầu năm 2009 tôi về công tác ở Tạp chí Mỹ thuật (TCMT ), khi đó TCMT đã hơn 30 tuổi và Nhà xuất bản Mỹ thuật (NXBMT) hơn 20 tuổi. Ban đầu tôi nhận nhiệm vụ làm Phó Tổng Biên tập TCMT,...

BÁN TRANH

  Cô Minh, con gái họa sĩ Trần Lưu Hậu, từng đứng bán tranh ở gallery số 7 Hàng Khay năm xưa…trong một lần trò chuyện với tôi, cô bảo: “Không có tranh đẹp hay tranh xấu chú ạ, chỉ có...

Có thể bạn quan tâm

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực IV (Bắc miền Trung) Lần thứ 24 năm 2019

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM            Số:...

NHỮNG NGHỆ SĨ HIỆN ĐẠI VÀ ĐƯƠNG ĐẠI CÓ ẢNH HƯỞNG NHẤT NĂM 2019

Phần II 11. MICKALENE THOMAS Nghệ sĩ sinh năm 1971 ở Camden, New Jersey. Sống và làm việc ở New York. Mickalene Thomas là một nghệ sĩ thị giác người Mỹ gốc Phi đương đại nổi tiếng, cô được biết đến...

NĂNG HIỂN – CHÂN DUNG HẠNH

  Người thiếu nữ trong bức tranh này tên là có tên là Hạnh. Cô là một trong số rất nhiều người mẫu của họa sĩ Năng Hiển. Hạnh thường ngồi mẫu cho họa sĩ những năm thập niên 1980. Cô...

GẶP LẠI KÝ ỨC

  Nguyên văn những dòng tâm thư đầy xúc động của cô Phạm Thị Khanh (sinh  năm 1945) khi nhớ về họa sĩ Trần Văn Cẩn… 17/10/2019 Sáng nay tình cờ cháu Hoàng Anh gọi điện cho tôi giọng nói rất...

CÁC TÁC PHẨM QUAN TRỌNG VÀ ĐỘC NHẤT CỦA CÁC HỌA SĨ CHÂU Á BÁN ĐẤU GIÁ NGÀY 30 THÁNG 11

  Paris – ngày 12 tháng 11 – Nhân cuộc đấu giá lần thứ 27 dành riêng cho các họa sĩ châu Á đến Pháp vào đầu thế kỷ XX, nhà đấu giá Aguttes đã tập hợp một loạt các tác phẩm chưa...