Xem triển lãm “Giao mùa”

Từ ngày 29/4/2022- 7/5/2022 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội đã diễn ra triển lãm “Giao Mùa” của bốn Chi hội Hội họa – Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Đến hẹn lại lên, vào khoảng thời gian tháng 5, 6 hàng năm như thông lệ tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền diễn ra các cuộc triển lãm chung của Hội Mỹ thuật Việt Nam (HMTVN). Đây là triển lãm thường niên do HMTVN tổ chức nhằm tạo sân chơi cho các thành viên sinh hoạt trong bốn Chi hội Hội họa tại Hà Nội có điều kiện giao lưu và học hỏi lẫn nhau, đồng thời giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật các sáng tác mới của các họa sĩ.

Mỗi năm triển lãm sẽ được trưng bày thông qua một chủ đề khác nhau. Năm 2022 với tựa đề “Giao mùa”- một mảng đề tài rất mở, giúp cho các họa sĩ có thể thỏa sức sáng tạo, tìm tòi ra những ngôn ngữ tạo hình mới lạ để sáng tác ra những tác phẩm độc đáo và chất lượng.

NGUYỄN HẢI NAM – Bên suối. Sơn mài. 80x120cm

Sau một thời gian HMTVN phát động triển lãm, ban tổ chức đã nhận được 103 tác phẩm của 103 họa sĩ để trưng bày trong cả ba không gian (tầng 1, 2 & 3) nghệ thuật tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền. Điều này là một tín hiệu rất đáng mừng cho phong trào mỹ thuật tại Thủ đô. Do có số lượng hội viên nhiều nhất trong các Chi hội của HMTVN, nên mỗi cuộc triển lãm của Chi hội Hội họa luôn nhận được sự tham gia tích cực và đông đảo của các họa sĩ.

“Giao mùa” sẽ dẫn dắt bạn yêu nghệ thuật đến với những khung cảnh thiên nhiên thơ mộng vào mỗi khoảnh khắc chuyển mùa của thời tiết trong năm, cảnh nếp sống, sinh hoạt rất đời thường của các vùng miền, cảnh lễ hội nhộn nhịp và đông vui, hay đơn giản là những góc phố cổ, các công trình kiến trúc cổ thân thuộc tại Hà Nội bình dị nhưng giàu cảm xúc…Cùng với sự “giao mùa” của thời tiết là sự giao thoa trong cảm xúc của người nghệ sĩ, điều đó được thể hiện sâu sắc trong từng sáng tác của họ. Mỗi một bức tranh là một góc nhìn rất đa chiều và thú vị về cuộc sống được mô tả sống động bằng ngôn ngữ tạo hình đa dạng mà tinh tế trên các chất liệu: sơn dầu, sơn mài, acrylic, lụa,…

ĐỖ NGỌC OANH – Mùa hoa ly nở. Sơn dầu. 90x120cm

CHU VIỆT CƯỜNG – Sắc xuân. Sơn mài. 100x150cm

Ngoài sơn dầu, chất liệu quen thuộc thì triển lãm năm nay còn trưng bày rất nhiều tranh sơn mài (gần 40 bức). Điều này cho thấy sơn mài truyền thống Việt Nam đang dần được ưa chuộng hơn và ngày càng có nhiều họa sĩ sáng tác tranh sơn mài. Cũng có thể họ tìm thấy ở chất liệu truyền thống này những chất cảm riêng bởi ngôn ngữ tạo hình gần gũi với văn hóa Việt Nam. Mặt khác, khi sáng tác tranh sơn mài đằng sau những lớp sơn mài đi đôi khi còn ẩn chứa những sự hấp dẫn, huyền bí mang tính ngẫu nhiên. Hơn nữa, tranh sơn mài hiện nay trên thị trường còn được người yêu nghệ thuật chú ý hơn.

Triển lãm “Giao mùa” cho thấy rõ sức sáng tạo bền bỉ của đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp tại Thủ đô với nhiều tác phẩm có chất lượng, có tay nghề cao. So với năm 2021, triển lãm “Nắng hè” của Chi hội Hội họa với sự tham gia của 84 tác giả, thì triển lãm “Giao Mùa” năm nay nhận được sự hưởng ứng đông đảo hơn các họa sĩ (cụ thể là 103 họa sĩ đã tham gia triển lãm). Bên cạnh sự tham dự của các họa sĩ đã quen thuộc trong làng Hội họa đương đại Việt Nam như: Trần Huy Oánh (1937), Nguyễn Bằng Lâm (1944), Mai San (1947), Nguyễn Thanh Hải (1947), Lê Đức Biết (1948), Hà Khanh (1956), Trần Lãng (1957), Ngân Chài (1958),… triển lãm năm nay còn có sự góp mặt của các lớp thế hệ họa sĩ trẻ hơn như: Nguyễn Hải Nam (1973), Trần Quang Thái (1976), Chu Việt Cường (1981), Hoàng Hữu Vân (1982), Đặng Hiền (1982), Trần Ngọc Hưng (1983),…

TRẦN BÌNH MINH – Lễ hội vào hè. Acrylic. 100x120cm

 

TRỊNH NAM – Giao mùa. Sơn dầu. 75x95cm

103 tác phẩm trong “Giao mùa” là 103 cá tính sáng tạo nghệ thuật riêng biệt với muôn vàn màu sắc lung linh và bắt mắt, mang đến cho triển lãm một bầu không khí tươi vui, sinh động với nhiều sắc thái, cung bậc cảm xúc. Có thể kể đến bức “Khỏa thân và hoa” của họa sĩ Trần Huy Oánh, bức tranh mô tả cô thiếu nữ ngồi bên tĩnh vật hoa. Ông quá điêu luyện trong bao quát hình, nhấn nhá để gợi đậm nhạt, kết hợp hài hòa sắc nóng, lạnh phù hợp để tôn lên đường nét quyến rũ trên cơ thể của người phụ nữ. Hay bức “Giai điệu xanh” của họa sĩ Ngân Chài. Tác phẩm khắc họa hình ảnh ba cô gái dân tộc Thái với vẻ đẹp phồn sinh vốn có đứng nép mình e ấp sau thân cây được tác giả tạo hình với đường nét khúc triết, kết hợp với gam màu xanh lá chủ đạo toát lên hơi thở đặc trưng của núi rừng miền Tây bắc,…
Nhìn chung, xu hướng sáng tác của các họa sĩ trong triển lãm đa phần đều vẽ về những chủ đề gần gũi với cuộc sống như: cỏ cây, hoa lá, thiên nhiên và con người,… bởi những chủ đề như thế dễ cảm thụ người xem.

Ngoài được giao lưu học hỏi lẫn nhau, khi tham gia triển lãm các họa sĩ còn được xét duyệt hỗ trợ sáng tác. HMTVN sẽ tiến hành xét duyệt một số tác phẩm có chất lượng tốt để hỗ trợ thêm sáng tác cho các tác giả. Điều này tạo thêm sự phấn khởi cho các họa sĩ để tiếp tục sáng tác và sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật ngày càng tốt hơn nữa.

Văn hóa văn nghệ là một lĩnh vực không thể thiếu trong đời sống xã hội, sự tham gia đông đảo của các họa sĩ tại triển lãm hàng năm cũng là nguồn động lực to lớn cho ban tổ chức tiếp tục giữ vững các phong trào đoàn thể và phát triển các triển lãm đạt chất lượng tốt và quy mô lớn hơn nữa trong tương lai, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho cộng đồng.

Trần Khánh Huyền

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...

Đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam

Sáng 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Hòa thượng Mugunghwa Anuruddha, đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka đã tới Nhà Triển lãm Mỹ thuật...

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Giới thiệu chất liệu truyền thống tại triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình”

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/3, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình” của 5 họa sĩ đã giới thiệu tới người yêu mỹ thuật các tác phẩm bằng...

Có thể bạn quan tâm

TRƯỜNG MỸ THUẬT KHÁNG CHIẾN QUA MỘT SỐ TRANG NHẬT KÝ CỦA LINH CHI

25/10/1951: Anh Vân (Tô Ngọc Vân-TCMT) đang vẽ bức tranh lụa “Bộ đội hành quân qua suối” và tranh cổ động tố cáo tội ác của giặc Pháp “Giặc giết”… bằng chì than. Anh để hết tâm trí làm...

Thúc đẩy hoạt động văn hóa, sáng tạo trên môi trường số

Chủ động thích ứng, tham gia kết nối toàn cầu, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong ngành văn hóa, sáng tạo đã khai phá tiềm năng cũng như cơ hội của công nghệ thông tin, tạo nên chuỗi...

Sải cánh ước mơ

Tôi biết đến anh, họa sĩ Dũng Trống qua một người bạn. Ðược biết anh là một người yêu nghệ thuật, một nhà sưu tập tranh, tranh của anh mua từ nhiều họa sĩ trong và ngoài nước. Ðến thăm anh...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC IV (BẮC MIỀN TRUNG) LẦN THỨ 25 NĂM 2020

Triển lãm không tổ chức khai mạc và chấm giải thưởng qua ảnh chụp tại văn phòng Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tổng số tác phẩm dự chấm giải thưởng qua ảnh 130 tác phẩm của 123 tác giả trong đó...