Ai cũng mong đến Tết. Nhưng những ngày cuối đông đầu Xuân này thời tiết vẫn còn lành lạnh, bầu trời xám đục, người ta lại mong sớm được thấy những giọt nắng đầu Hạ.
Đúng dịp này, tôi nhận được quyển “Vẽ với lòng thanh thản” giới thiệu về họa sĩ Văn Xương và những họa phẩm của ông. Sách đẹp, bề thế được in rất công phu, dày 186 trang, trong đó 33 trang in những bức vẽ phố Hà Nội chói chang ánh nắng. Cảm giác lạnh được ấm lên chút ít dù biết rằng đó chỉ là cảm nhận ảo. Tiếp đó là những cảnh sắc làng quê, là chân dung tự họa, tĩnh vật và hình ảnh khách dự triển lãm.
Sách của NXB Mỹ thuật do nhà sưu tầm Lê Y Lan – con gái của ông, tổ chức thực hiện với sự sắp xếp hợp lý, hấp dẫn của nhà báo – nhà nghiên cứu Lý Đợi và họa sĩ trình bày Huỳnh Quang Thọ. Trong sách còn có các bài viết của các nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Thụy Khuê, Vũ Lâm, Quang Việt, Lý Đợi và tôi – nhà điêu khắc.
Qua sách này mới thấy họa sĩ Văn Xương vẽ nhiều tranh phố Hà Nội và phong cảnh. Trước đây tôi chỉ nghĩ ông thầy mình có vẽ một vài bức phong cảnh nhỏ; vẽ tranh lịch sử; vẽ phấn màu; vẽ chân dung lãnh tụ để rước trong các cuộc tuần hành (ngày 1-5 và 2-9); nặn tượng chân dung….
Ngoài vẽ, nặn, ông là một lãng tử Hà Thành thứ thiệt chơi các môn quần vợt, đấm bốc, bóng chuyền, chụp ảnh, kéo vĩ cầm, đánh Piano, Guitare. Ở môn nào, chất lượng chuyên môn của ông cũng đáng kể.
Từ nhiều năm, người Hà Nội ghi nhận họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ nhiều tranh về phố cổ. Nói đến phố là người ta nghĩ đến Phái, nghe nói nhà văn Nguyễn Tuân ghép gọn lại thành Phố Phái. Có người còn gọi là Phai Phô nghe lại càng gợi cảm hợp với cảnh tàn phai của phố cũ.
Năm nay, 2018, ai đã xem tuyển tập tranh này của ông Văn Xương chắc đều ngạc nhiên vì không ngờ ngoài ông Phái, trước đó còn có một người nữa có những bức bột màu vẽ phố mê hoặc lòng người theo một nhãn quan thẩm mỹ khác.
Trước 1954, họa sĩ Văn Xương đã ba lần bày tranh: ở Đà Lạt năm 1941, Hà Nội năm 1949 và lần cuối năm 1953.
Cuộc Triển lãm này mang tên “Hà Nội 36 phố phường” bày tại nhà gương Nhà hát Lớn Hà Nội với sự có mặt và cắt băng khai mạc của Thủ hiến Bắc Việt và Thị trưởng thành phố lúc đó. Trong 50 bức tranh được bày thì đã có 13 bức được mua. Với một cuộc triển lãm cá nhân thì đây là một thành công đáng kể.
Qua những bức tranh, tôi nghĩ có thể mới đầu ông vẽ các phố gần quanh nhà mình ở phố Hàng Đậu chẳng hạn Sau cơn mưa là đoạn đầu phố gần lối lên cầu Long Biên, rồi đến Phố Gầm Cầu gần đó (đúng ra là phố Nguyễn Thiệp), Phố Chợ Đồng Xuân, Phố Hàng Chiếu – Ô Quan Chưởng, Phố Hàng Cót… sau đến các phố xa hơn một chút như Phố Mã Mây, Phố Hàng Buồm, Phố Hàng Da… Có những tranh qua các chi tiết được vẽ, tôi có thể nhận ra chỗ ông ngồi vẽ vì Hà Nội ngày xưa quá nhỏ, tôi thường đi học, đi chơi qua các con phố này nên tôi vẫn nhớ.
*
Cuộc triển lãm năm 1953 được người xem và đồng nghiệp đánh giá cao. Nhà sưu tập Y Lan cho tôi xem ảnh chụp một số lời ghi cảm tưởng. Tôi cố tìm trong những người viết này có những ai là người trong giới họa và họ đã viết như thế nào về tác giả.
Xác định người viết không phải dễ vì có người ghi rõ họ tên, có người không, đa số thường chỉ có chữ ký.
Xin trích nguyên xi theo ảnh một số đoạn cùng danh tính của họ:
“Người sao, tranh vậy! Tiếng nói ỏn ẻn, chữ viết nghiêng, làm Pastel hơn!” dưới ký tên Ng. Dòng chữ này của họa sĩ Hoàng Lập Ngôn vì chữ viết ở đây chẳng khác mấy so với chữ ông viết vào bức ký họa của tôi vẽ ông năm 1994.
Đoạn khác, chữ viết khá hoạt và bay bướm: “Hà Nội tươi sáng và tưng bừng quá! Tương lai của Văn Xương cũng sẽ như thế! Hoan hô”. Dưới có ký tên. Nhờ trước đó tôi xem tranh ông Quỳnh nhiều, nên chữ ký đó là của họa sĩ Mạnh Quỳnh.
Một đoạn khác: “Họa sĩ vẽ tốt. Có triển vọng nhất Đông Dương, tôi hy vọng ở anh” dưới ký Hữu Thanh. Đoạn sau của một người ký tên họa sĩ Chung, viết: “Tôi thấy họa sĩ Lê Văn Xương là một nghệ sĩ yêu tả chân để cho đại chúng cùng thông cảm. Tôi muốn họa sĩ tiến mãi”. Phải là họa sĩ mới có nhận định ông Xương “yêu tả chân” như thế. Những dòng này là của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung nổi tiếng.
Có trang người viết so sánh: “Lần đầu tiên tôi gặp một Utrillo Việt Nam – tôi hy vọng đặt ở họa sĩ Lê Văn Xương nhiều triển vọng nữa” Dưới ký tên Ng Thuận.
Utrillo là họa sĩ Pháp sinh tại khu Montmartre – Paris, chuyên vẽ cảnh quan thành phố nơi mình sinh sống. Người viết đã coi Văn Xương vẽ Hà Nội như ông họa sĩ Pháp này vẽ Paris thì chắc phải là người am tường mỹ thuật lắm.
Trong một trang khác: “Hà Nội ngày 7-5-1953, trong bao nhiêu lần đến xem triển – lãm họa – phẩm tại Nhà hát Lớn Hà-nội, đây mới là lần đầu mà tôi được thỏa mãn trong đời khó tính – xin thú thật – của tôi, về phương diện mỹ thuật.” dưới ký tên một chữ Ngym. Người viết này là họa sĩ Trần Quang Trân vì Ngym là viết tắt 3 phụ âm đầu của Người yêu mình – ông lấy đó làm biệt danh của mình cho đến tận sau này.
Tôi chú ý đoạn viết này: “Điểm ham làm việc làm tôi thấy ở Văn Xương tương lai rực rỡ. Anh vẽ loại phấn màu đặc sắc hơn những loại khác” dưới ghi ngày 28-4-1953 và ký một chữ Phai. Phải là họa sĩ mới biết ông Xương vẽ phấn đặc sắc hơn các loại chất liệu khác. Như vậy Phai ở đây dù không dấu sắc vẫn có thể nghĩ ngay là Bùi Xuân Phái.
Cả hai ông Ngôn và Phái đều nhìn nhận ông Xương vẽ pastel đẹp. Tiếc là ở quyển sách này, những người làm không in bức phấn nào để người đọc thấy được khả năng sử dụng các chất liệu của một họa sĩ đa tài: vẽ gì, bằng chất liệu gì cũng đều tạo nên những bức tranh đẹp.
*
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève, lính Pháp phải rút khỏi Hà Nội, xuống Hải Phòng để vào Sài Gòn sau đó về Pháp.
May mắn nhà tôi – và cả nhà của ông Văn Xương, ở đầu phố ngay sát lối lên cầu Long Biên, nên được thấy những giờ phút lịch sử của lính Pháp lúc này còn có mặt ở con phố cuối cùng của Hà Nội trước khi lên cầu là sang một địa phận khác.
Chiếc ô-tô GMC chở lính Pháp đi cuối, khi rời khỏi đoạn nào của phố thì hai bên đường người dân ùa ra cắm cờ đỏ sao vàng đoạn đó. Đây là một hành động để xác định chủ quyền mới của người dân khu phố với mảnh đất mà kẻ đô hộ nhiều năm vừa rút khỏi.
Nhiều lính Pháp tỏ vẻ ngạc nhiên trước hiện trạng này. Có người còn bắn chỉ thiên để mừng chiến tranh kết thúc và cũng để chào Hà Nội lần cuối.
Rồi ngay đó, những anh bộ đội mộc mạc, chân quê đến thăm hỏi từng nhà.
Phố xá bây giờ đông người hơn. Những chiếc tàu điện vẫn leng keng tối ngày; những cậu bé láu lỉnh, mồm như tép nhảy, đọc tin sốt dẻo đăng trên nhật báo để câu khách; Phố Hàng Đào mất hẳn những ông Tây Ấn Độ cùng những súc vải thơm nức mùi hồ; một ông già Tàu cứ tối đến lại đeo chiếc hòm gỗ nhỏ trong ủ đầy phá-sang (lạc rang) đến đứng bán ở góc phố Hàng Than – Hàng Đậu đối diện với tháp nước trước mặt. Dạo này vắng hẳn các chú bé đánh giày (vì giày đâu mà đánh), mọi người thường đi dép cao su (hay dép lốp), giày ba-ta hay guốc mộc cho nó bình dân mà lại nhanh nhẹn thích ứng với mọi hoàn cảnh.
Cuộc sống đã đổi thay. Tâm lý và hành động của mọi người cũng thay đổi. Người dân vẫn sống trong thành có vẻ hơi… “lăn tăn” khi giao tiếp với những người từ kháng chiến trở về.
Có lẽ ông nghĩ, Hà Nội yên ả, thân thương hồi nào không còn là “đặc sản” của ông nữa, đem chevalet đặt bên hè phố để vẽ trong khi mọi người đang hối hả dựng xây cuộc sống bề bộn sau cuộc chiến là điều không thích hợp.
Lần theo các bức tranh được in trong sách, ta thấy các bức tranh vẽ phố đều được vẽ trong năm 1952 và nhiều hơn ở năm 1953. Từ 1954 về sau, không xuất hiện thêm bức tranh vẽ phố nào nữa, thay vào đó là các tranh vẽ cảnh Trẩy hội (1963), Cổng đình (1963), Hội vật ở sân đình, Cổng chùa Thiên Trù (1961)… Tuy vậy cũng còn hiếm hoi một bức vẽ Ga Long Biên (1973). Số người trong tranh đông vui hơn nhiều nhưng tuyệt nhiên không có một tà áo dài nào như ta thấy nó thường có trong các tranh Chợ Đồng Xuân, Phố Hàng Da, Ngõ Huyện, Chùa Một Cột, Đền Ngọc Sơn… của ông vẽ trước đó. Hiện thực cuộc sống được ghi lại hồn nhiên và trong sáng như vậy.
Là người chơi thể thao – nơi rất đề cao sự rõ ràng, chân thực đã ảnh hưởng đến tính cách của ông. Tôi biết ông sống đơn giản, có lúc nóng tính nhưng thẳng thắn, thiện tâm. Khi vẽ phố, tôi nghĩ ông chỉ cốt vẽ sao cho đúng hình ảnh phố xá đương thời chứ không lồng vào những ẩn ý, những toan tính, những liên hệ mở rộng không nằm trong cái yêu cầu cần đạt của một bức tranh phong cảnh.
Mãi đến năm 1987 ông mới lại có bức vẽ một con phố Sài Gòn với tên Phố nhà tôi.
*
Có lẽ tránh ngồi trong tháp ngà làm nghệ thuật và vẽ phố trong hoàn cảnh lúc đó cũng không còn cảm hứng nữa, ông tự đi (hay đi theo đoàn) đến vẽ tại nhiều địa phương phía Bắc. Qua các tranh ta thấy dấu chân ông ngược xuôi từ Phong cảnh Cốc Lếu (1956) đến Đồng Hới ngày nắng ấm, quá lên Rừng Dừa xứ Thanh (1957) rồi Phong cảnh Trung du (1958) đến Vĩnh Linh Quảng Bình (Hướng về miền Nam. 1965). Tôi chú ý đặc biệt đến mấy tranh Yên Bái mùa hoa mộc miên tranh Nẻo về làng (1973), Dưới rặng tre xanh (1973) hay Bản làng yên bình. Đó là những bức tranh tuyệt hảo cả về việc họa sĩ chọn cảnh, chọn màu, sử sụng bút pháp, diễn tả không gian xa gần, độ hài hòa giữa ánh sáng và bóng tối, giữa người và cảnh.
Đặc biệt, Phố Hàng Muối, Cửa Bắc (*), Rạch Cầu Bông hay Chiều yên ả theo tôi là những kiệt tác và rất Văn Xương. Những bức tranh mà cả Quang Việt, Hoàng Anh, Lý Đợi, Vũ Lâm và tôi – đều nhìn thấy có những nét gần với ông thầy người Pháp Inguimberty ở những màu xanh mơn man, những mảng bẹt (aplat) (chữ của Thụy Khuê) trời mây rõ ràng và đột ngột, cả ở những mảng tối sâu thẳm quyến rũ. Có người còn đoán có thể ông học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở thể tự do, không thi cử nên mới có những mảng quệt uyên bác này.
*
Sau ba năm ở Sài Gòn nóng bức, một phút ngẫu hứng khắc khoải nhớ về nơi chôn rau cắt rốn, về những tháng đông rất đáng yêu phả những cơn gió mát lạnh vào những con phố Hà Nội, năm 1978 ông vẽ chú Ngựa hò hí gió bấc trước bầu trời mây đen vần vũ. Có lẽ đây là một trong hai bức vẽ hiếm hoi được ông Xương trải bày tình cảm. Bức thứ hai vẽ cảnh mưa ở phố ông ở trước 1954 mang tên Hoài nhớ Hà Nội. Ông đưa nỗi nhớ gửi vào cảnh trời mưa như tìm thấy ở mưa một sự đồng cảm nào đó.
Sau nhiều năm, tình yêu hội họa đối với ông chỉ biến đổi chứ không thay đổi.
Hết yêu phố, yêu đến chùa rồi lại đi xa yêu cảnh mới, người mới. Đã đến lúc cũng phải yêu khuôn mặt mình mà mọi người bảo là đẹp trai, đẹp lão nữa. Theo các ảnh được giới thiệu ở đây thì sau 1954 ông đã tự vẽ mình đến 14, 15 bức (và có thể còn hơn thế do số lượng trang sách có hạn). Một số bức đều vẽ trên môi ngậm điếu thuốc – một thói quen thường nhật của ông thầy tôi đã thấy từ nhiều năm. Người họa sĩ nào cũng tự họa nhưng tự vẽ nhiều và rất điêu luyện như ông thì quả thật là hiếm.
*
Lịch sử đã ghi nhận hai ông Phái – Xương vẽ phố ở hai khoảng thời gian khác nhau và mỗi người vẽ phố một cách.
Với cuốn sổ tay luôn mang theo người, ông Phái ghi lại những hình ảnh đặc trưng của con phố đã gặp rồi về nhà dựng lại bằng chất liệu sơn dầu. Bằng cách này chỉ mình ông đối thoại với toile, với giấy, nên ông thoải mái vẽ không bị ngoại cảnh chi phối, cảm xúc được hoàn toàn bay bổng.
Còn ông Xương thì ngược lại. Ông đặt giá vẽ nhỏ có ghim giấy sẵn, ông pha màu bột trên palette và thấy gì vẽ nấy bằng những nhát đặt bút chính xác, điêu luyện cốt sao trong một khoảng thời gian có hạn, đã kịp ghi được những gì nhìn thấy dù ở ngõ vắng hay trên phố đông người qua lại.
Hình ảnh phố cũ Hà Nội được ông Xương (và các nhà nhiếp ảnh) níu “giữ” lại. Ông đã cho người xem nhiều tuổi nhớ lại những kỷ niệm cũ đã in hằn trên từng mét phố, và những thế hệ mai sau thì thấy Hà Nội có một thời như thế. Phố của ông Phái là cô đọng lại cái tinh thần của phố cổ, là nỗi niềm của ông với vài nét quằn quại, gửi vào trong đó. Còn phố của ông Xương được vẽ với một cái nhìn trung thực, ông lẩn mình để các con phố hiện lên cái hình hài, cái vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Đó là những ngôi nhà, lùm cây, những xe đạp, xe bò, xích lô, những người dân và đặc biệt là nắng vàng trải lên mặt phố. Ánh nắng chính là cái đặc sắc của phố Xương. Về mặt này, những tranh phố trực họa còn lại của ông Xương đã là những chứng nhân của Hà Nội đáng tin cậy và nó có giá như một món đồ cổ quí hiếm.
*
Có thể nói, trước năm 1954 – nếu tôi tìm hiểu chưa đầy đủ, thì ông Xương là họa sĩ khởi xướng và có nhiều tranh vẽ trực tiếp các con phố Hà Nội. Tranh thì cũ rồi nhưng qua quyển sách mới ra giới thiệu về ông, tôi xin được mạnh dạn nhận định: Văn Xương là người vẽ phố Hà Nội sớm nhất và là một trong ít người vẽ phố nhiều nhất. Muộn còn hơn không. Lịch sử luôn công bằng! Những người có tài, có công với thành phố như ông Xương, ông Phái thì trước sau nhân thân và tác phẩm cũng được Hà Nội ghi nhận và định giá đúng.
Trần Tuy
12/2018
(*) Ở trang 55 trong cuốn sách, người đặt tên tranh đã nhầm lẫn. Đây là một cửa ở phía đông thành phố có tên Ô Quan Chưởng (chứ không phải Cửa Bắc. Cửa này ở phố Phan Đình Phùng, nơi có hai vết lõm của đạn Pháp bắn vào khi phá thành). Nơi đây năm 1873 một ông Chưởng cơ cùng 100 quân chiến đấu với quân Pháp và đã hy sinh. Người dân dựng cửa này để tưởng nhớ ông và các tử sĩ. Nhân đây nói thêm: bức tranh ở trang 56 vẽ phố Hàng Lọng, người chú thích do đọc chữ ghi trên tranh không rõ, nên đặt nhầm là Phố Hàng Xoong (chứ Hà Nội có bán xoong bao giờ mà có tên phố như thế)