KỶ NIỆM 100 NĂM SINH HỌA SĨ HUỲNH VĂN GẤM (1922-2022)
GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT năm 2001
TỔNG BIÊN TẬP ĐẦU TIÊN CỦA TẠP CHÍ MỸ THUẬT TỪ 1977-1979
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật 2001. Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1960.
Bí danh là Huỳnh Tư (trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp). Sinh ở xã Bình Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An cũ (nay là thành phố Tân An).
Từ 1940, ông học tại Trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định.1941-1945, học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, bị dở dang do trường giải thể vì Nhật đảo chính Pháp.
Từ tháng 5/1945, ông tham gia cách mạng và đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng: đội trưởng đội du kích thị xã Tân An, phó bí thư Tỉnh ủy Tân An (1946), đại biểu Quốc hội tỉnh Tân An (ba khóa,1946-1965), ủy viên thường vụ Hội Văn nghệ Trung ương, chi hội phó Hội Văn nghệ Nam Bộ, trưởng ty Thông tin Tuyên truyền tỉnh Tân An, ủy viên Ban In giấy bạc Nam Bộ. 1954, tập kết ra Bắc, ông công tác tại Nhà xuất bản Mỹ thuật – Âm nhạc, sau chuyển sang làm cán bộ chủ chốt tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Thường vụ, từng giữ cương vị Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật.
Là một họa sĩ điển hình cho sự nhất quán giữa con người và nghệ thuật, quả nhiên, các tác phẩm của ông chính là sự biểu hiện cho tư tưởng, khí phách, tâm hồn của một người chiến sĩ đã sôi nổi sống và chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Từ một chàng sinh viên có phong cách sinh hoạt “phóng túng”, với một lối vẽ sơn dầu theo mảng phẳng “mắt, mũi, miệng gần như không có hình… cho cảm giác cô người mẫu xinh đẹp diện rất mốt… là hiện thân của cái duyên dáng” (Chân dung Hortense Vouilion, 1943) – lạ tới mức đã làm cho khuôn khổ của nhà trường “hàn lâm” đương thời trở nên quá chật hẹp – vậy mà đúng 20 năm sau, 1963, như một sự tương phản tất yếu – bằng tinh thần “nghệ sĩ-công dân” của mình, và bằng chất liệu sơn mài truyền thống, ông đã thể hiện thành công những dáng vẻ uy phong lẫm liệt của đội quân tóc dài trên trận tuyến đấu tranh trực diện trước kẻ thù xâm lược – trong một tác phẩm hiện thực bậc nhất: Trái tim và nòng súng (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).
Đi vào khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa qua một “tính cách Nam Bộ” từng trải và mạnh mẽ, ông đã đem đến cho hội họa sơn mài một hiệu quả phi thường của nghệ thuật diễn tả ánh sáng tập trung và khối nổi – khả dĩ ứng dụng trên những bố cục quy mô hoành tráng có sức chuyển tải những chủ đề tư tưởng lớn của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Ngoài đỉnh cao Trái tim và nòng súng và hàng loạt các tác phẩm “đề tài” khác như Nam Kỳ khởi nghĩa 1940, Họp Công hội đỏ, Ngô Gia Tự, Võ Thị Sáu cùng một số tranh cổ động chính trị không kém phần đặc sắc – với những Cô Liên (1958, sơn mài, BTMTVN) hay Thiếu nữ đọc sách (1962, sơn dầu) – biệt tài vẽ chân dung của ông đã lại càng được chứng tỏ.
Quang Việt
Trích “Từ điển họa sĩ Việt Nam” ,
Quang Việt, NXB Mỹ thuật 2008