ĐÁM CƯỚI CHUỘT NHÌN TỪ PHE NƯỚC MẮT

 

 

Tôi từng nhiều lần được nghe rằng tranh “Đám cưới chuột” (Việt Nam) hoàn toàn giống với tranh “Lão thử thú thân” (Trung Quốc). Quả là nếu nhìn qua thì những bức tranh này rất giống nhau, giống nhau từ tên tranh đến bố cục và các nhân vật trong tranh. Nhưng nếu nhìn kỹ vào các dòng chữ trên tranh mới phát giác ra được một số khác biệt giữa tranh Đám cưới chuột (Việt Nam) với tranh Lão thử thú thân (Trung Quốc) và sự khác biệt lớn nhất chính là ở chiều sâu nhân bản của văn hóa dân gian Việt Nam. Đấy chính là cách nhìn từ phe nước mắt của người xưa, khiến cho ta thấy xót xa, cay đắng khi xem đám chuột đàn đàn lũ lũ vui nhộn kèn trống phèng la náo loạn trong đám cưới chuột. Bài viết xin được bàn thêm về cốt lõi văn hóa Việt trong bức tranh này.

Kiều Thạch (Kiều Thu Hoạch) trong bài viết Tranh Đám cưới chuột trong mối quan hệ loại hình lịch sử văn hóa (Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số Xuân 2008), đã chú ý đến tích truyện dân gian khởi nguồn cho cảm hứng cho những bức tranh này. Ở Trung Quốc, rất phổ biến một câu truyện dân gian về một gia đình chuột nọ mong được gả con gái cho một chàng rể có sức mạnh nhất trong thiên hạ. Câu truyện dân gian Trung Quốc này (cũng theo Kiều Thu Hoạch) bắt nguồn từ ngụ ngôn Ấn Độ cổ đại. Thật trớ trêu là nhà chuột sau cùng lại chọn gả cho mèo.

Đám cưới chuột. Tranh dân gian Đông Hồ

 

Lão thử thú thân. Tranh dân gian Trung Quốc

 

Tranh Lão thử thú thân của làng tranh Than Đầu ở Thiệu Dương, Hồ Nam

Mèo vui vẻ nhận lời, nhà gái từng bừng, hớn hở rước kiệu đưa dâu đến nhà mèo. Ai ngờ chú rể mèo bất thần xông vào chén sạch họ nhà chuột. Tích truyện này rất phổ biến ở Trung Hoa. Đại đa số các bức tranh về đề tài đám cưới chuột ở Trung Quốc đều mô tả cảnh tượng khủng khiếp này. Trung Quốc có nhiều trung tâm sản xuất tranh Tết như Dương Liễu Thanh ở Thiên Tân, Đào Hoa Ô ở Giang Tô, Huyện Duy ở Sơn Đông, ngoài ra các tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây, Tứ Xuyên, Phúc Kiến, Quảng Đông, Bắc Hà đều có các trung tâm chế tác tranh. Ngoài tranh khắc mộc bản, ở Trung Hoa còn có tranh cắt giấy rất thịnh hành ngày Tết. Ở thể loại tranh này, đề tài đám cưới nhà chuột cũng rất phổ biến.

Ngoại trừ tranh “Lão thử thú thân” của làng tranh Than Đầu ở Thiệu Dương, Hồ Nam, đại đa số các bức tranh mộc bản, tranh cắt giấy ở Trung Quốc đều coi mèo là chú rể mà họ nhà chuột đã lựa chuột. Cô dâu ngồi trong kiệu là con gái của hai vợ chồng chuột đã tạo nên một bi kịch hôn nhân đầy toan tính.

Đối chiếu với truyện thơ tìm thấy ở Liễu Đôi [theo Bùi Văn Cường, Nguyễn Tế Nhị (1982), Khảo sát văn hóa truyền thống Liễu Đôi, NXB KHXH, Hà Nội] thì trong bài thơ này, không hề có tình tiết chuột gả con gái cho mèo. Con mèo già trong bài thơ dân gian ở Liễu Đôi là con mèo xuất hiện bất thần phá đám đám rước dâu đang vui vẻ:

Cưới chuột thì thật là to,

Dãy dài dãy ngắn giăng bờ như nêm.

Bỗng dưng dừng lại phía trên,

Hai họ ngơ ngác ngó lên sự gì?

Một đàn mèo xám mặt bì,

Cầm dao,cầm gậy lại thì cản ngăn.

Mèo Già nhảy đến nhe răng:

Tao thì lột xác không thằng nào tha!

Chuột mẹ trước ngày rước dâu đã từng lo xa :

Mẹ chuột cũng quyết một lòng

Chỉ còn một nỗi sợ ông mèo già.

Mèo già tính khí la cà,

Này rượu hàng hũ, này gà hàng con.

Ông mà đã nóng máu lên,

Thì thôi tan nát chả còn thứ chi!

Chính từ những lời thơ này mà có những ca từ của ban nhạc Gạt tàn đầy: “Ai mang cá đến cho con mèo hoang tàn ác – Ai mang cá đến cho con mèo hoang say mèm“.

Khi học ở Trung Quốc, trong giờ học về tranh Niên họa, các bạn học của tôi đã rất ngạc nhiên khi biết ở trong tranh dân gian Việt Nam, mèo không phải là chú rể. Ngoài tranh “Đám cưới chuột” của Đông Hồ, hiệu Bằng Liệt của dòng tranh Hàng Trống cũng khắc họa đề tài này. So với tranh Đông Hồ, tranh hiệu Bằng Liệt có nhiều chuột hơn (15 con) trong khi tranh Đông Hồ ít hơn (chỉ có 12 con). Tranh hiệu Bằng Liệt cũng có những chữ Hán mô tả các hoạt cảnh gần giống với tranh Đông Hồ, song đều khẳng định chú chuột cưỡi ngựa là chú rể. Tranh Đông Hồ viết Chú rể, tranh Hàng Trống viết Tân lang, tuy có khác về tên gọi nhưng cũng chỉ là một người. So với tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ có dòng chữ lão thử thủ thân nghĩa là lão chuột giữ mình ngay sau hoạt cảnh dâng lễ (mang biếu chim bồ câu, cá chép- thực chất là hối lộ Mèo). Chữ lão chuột thường được dịch là chuột già có nghĩa đen ám chỉ bậc cao niên trong họ hàng nhà chuột, theo phong tục cưới xin dù Việt Nam hay Trung Quốc đi đầu thường là những người cao tuổi. Chữ lão cũng được hiểu là lão luyện, khôn ngoan, tinh quái. Ở Trung Quốc người ta cho rằng chuột đứng đầu các con giáp, chỉ có hổ và chuột mới được thêm chữ lão để mà gọi. GS Kiều Thu Hoạch đã rất tâm đắc với chữ THỦ THÂN với nghĩa là giữ mình mà không phải là THÚ THÂN mang nghĩa cưới hỏi. Chữ thủ thân lý giải các hành vi lạ đời của lũ chuột là đi biếu xén của ngon vật lạ, kèn sáo cho mèo.

 

Tác phẩm “Đám cưới chuột”  của Kù Kao Khải Giải B Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2019

 

Chi tiết đầu mèo trong tác phẩm “Đám cưới chuột” của Kù Kao Khải

 

Đối chiếu với truyện Nôm ở vùng Liễu Đôi thì việc bài binh bố trận đánh lừa lão mèo già gian ác của vợ chồng nhà chuột.

Đây là đoạn thơ cao trào kịch tính :

Mèo Già nhảy đến nhe răng:

 “Tao thì lột xác không thằng nào tha!

Chúng mày ăn uống la đà,

A! Quân xỏ nõ, khinh già nhơn nhơn!”

Chuột Trùm mới vái lạy luôn:

“Xin ngài độ lượng rộng lòng thương cho!

Sông sâu còn lúc vắng đò,

Bởi vì con trẻ biết lo liệu gì!

Mong ngài phù hộ độ trì,

Chúng con biết rõ mình thì thật hư!”

Bức tranh “Đám cưới chuột” dù là của Đông Hồ hay Hàng Trống đều chứa đựng những giá trị nhân văn, chính giá trị này tạo nên sự khác biệt các biểu đạt tạo hình. Thân phận nhỏ nhoi của đám chuột trong câu truyện xưa vẫn còn là xúc động những vần thơ, khúc nhạc, những đường nét sắc màu trong nghệ thuật Đương đại hôm nay.

Trong lĩnh vực tạo hình, sau tác phẩm mang nhiều chất diễu nhại của nghệ sĩ Trần Trọng Vũ, bức “Đám cưới chuột tân thời” dùng rượu Tây thay cho bồ câu, cá chép mà nhà chuột phải đem đi hối lộ. Tác phẩm được trưng bày tại L`Espace năm 2007 trong triển lãm “Chúc sống lâu” của anh. Có thể coi đây là tác phẩm đầu tiên của Nghệ thuật Đương đại lấy cảm hứng từ nghệ thuật dân gian truyền thống.

Tác phẩm của Kù Kao Khải như khúc đồng dao đương đại

 

Nghệ sĩ Kù Kao Khải đang thực hiện tác phẩm

Năm 2019, nghệ sĩ Kù Kao Khải sáng tác một tác phẩm điêu khắc cũng mang tên Đám cưới chuột. Trong tác phẩm này, hàng chục con chuột đàn đàn lũ lũ đang khúm núm cầm con cá trong tay. Con cá như là vật phòng thân thế mạng chứ không phải là tặng phẩm trong ngày cưới. Độc đáo của tác phẩm chính ở vị trí của bốn con mèo án ngữ trên nóc phòng tân hôn của đôi cô dâu chú rể chuột. Thật là một không khí đầy âu lo ngập tràn ngày hôn lễ.

Bức tranh “Lão thử thú thân” của của làng tranh Than Đầu ở Thiệu Dương, Hồ Nam mà Lỗ Tấn rất ngưỡng mộ là ngoại lệ của đề tài này (cá nhân tôi thì đây chính là tranh Trạng chuột vinh quy, không liên quan gì đến tích đám cưới của nhà chuột). Rõ ràng, đối tượng chế nhạo, diễu cợt mà bức tranh Lão thử thú thân (TQ) nhắm đến chính là những con chuột đáng thương. Ngược lại, ông cha ta xưa đã đứng về phía nước mắt (mượn chữ của Dương Tường) để tạo nên một trong những bức tranh Tết xuất sắc nhất. Rõ ràng từ truyện thơ ở Liễu Đôi về Đám cưới chuột tới những bức tranh cùng tên của dòng tranh Hàng Trống, Đông Hồ cho tới các tác phẩm của Lê Tiến Đạt (ban nhạc Gạt tàn đầy), Trần Trọng Vũ, Kù Kao Khải số phận con người, thân phận dân nghèo thấp cổ bé họng luôn được cảm thông, được bênh vực. Đây chính là sự khác biệt quan trọng nhất, lý giải vì sao trong nghệ thuật Đương đại Trung Quốc không có tác phẩm nổi tiếng nào lấy cảm hứng từ tranh Lão thử thủ thân, còn ở Việt Nam, đã có và sẽ có những tác phẩm nghệ thuật Đương đại xuất sắc lấy cảm hứng từ tranh Đám cưới chuột.

Trần Hậu Yên Thế

Tài liệu tham khảo:

1.Maurice Durand, Imagerie Populaire Vietnamienne, École Français d’Extrême-Orient, Paris 1960

2.Nguyễn Bá Vân-Chu Quang Trứ, Tranh dân gian Việt Nam, NXB Văn Hóa,1984

3.Bùi Văn Cường-Nguyễn Tế Nhị, Khảo sát văn hóa truyền thống Liễu Đôi, NXB KHXH, Hà Nội, 1982

4.Trang Thanh Hiền, Tranh Tết nét tinh hoa truyền thống Việt, NXB Thế giới, 2019

5.Nguyễn Dư – Ngày Tết, thử bàn về một tấm tranh Tết

http://tranhdongho.bacninh.com/xem-tin-tuc/28576/ngay-tet-thu-ban-ve-mot-tam-tranh-tet.html

6.Hà Vũ Trọng/Đám cưới tiến sĩ chuột Ta hay chuột Tàu?

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12208&rb=0202

 

 

Tin cùng chuyên mục

Nghệ sĩ phải thấy chính mình chứ không đi tìm

Lần đầu tiên, Lê Huy Tiếp – hoạ sĩ, nhà giáo, người từng nhiều năm giữ vai trò quan trọng trong hội đồng nghệ thuật quốc gia, chia sẻ về quan điểm trong sáng tạo nghệ thuật và kiểm...

Văn hóa và phản văn hóa trong đồ họa quảng cáo hiện nay

  Quảng cáo là một trong những chiến lược xúc tiến hỗn hợp marketing quan trọng, một phương tiện giao tiếp với người dùng sản phẩm, dịch vụ. Bao gồm mọi hình thức truyền thông tin trực...

Di sản văn hóa nào sẽ là biểu tượng Thanh Hóa

  Thanh Hóa là miền đất rộng, người đông, có bề dày lịch sử cách mạng lâu đời trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đất xứ Thanh linh thiêng đã sinh ra nhiều...

Mạn đàm nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022

  Theo báo vietnamnet công bố thì năm 2020 đã có 410 triệu bản sách được phát hành với 33.000 đầu sách, và doanh thu đạt 2.700 tỷ đồng. Nếu tính nhiều năm qua cộng lại, thì số lượng phải...

THẾ MỚI LÀ DÂN TỘC, TRÒ CHUYỆN ĐẦU XUÂN CÙNG HỌA SĨ HỒNG HẢI

  Họa sĩ Đặng Thị Hồng Hải sinh năm 1933 tại Hải Dương. Mẹ ruột cô là em gái của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Theo lời cô Hồng Hải kể, họa sĩ Nguyễn Tiến Chung vừa là bác, vừa là thầy,...

Tin cùng chuyên mục

Họa sĩ Trần Tuấn đạt Giải Nhất cuộc thi Nghệ thuật Quốc tế ITSLIQUID lần thứ 12

Trần Tuấn là một họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam với nhiều tác phẩm được trưng bày rộng rãi trong nước và quốc tế. Lấy cảm hứng từ Tâm linh phương Đông, các tác phẩm trừu tượng của ông...

Tổ chức Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện “Cuộc thi và Triển lãm Mỹ...

Phát động cuộc thi vẽ tranh ‘Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa’

(Chinhphu.vn) – Được sự nhất trí của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh Việt Nam (Bộ VHTT&DL), Hội Di sản văn hóa Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần Trịnh Gia tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Di...

Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết Ban Chấp hành khoá IX (Nhiệm kỳ 2019 – 2024)

Sáng ngày 30/05/2024, tại tầng 3 Nhà triển lãm Mỹ Thuật 16 Ngô Quyền, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết Ban Chấp hành khoá IX (Nhiệm kỳ 2019 – 2024) kỳ thứ 7...

Khai mạc triển lãm tranh sơn mài của hoạ sĩ Đinh Quân

Ngày 27 tháng 5, triển lãm tranh sơn mài chủ đề Thiên Khải (Genesis) của hoạ sĩ Đinh Quân do Bến Thành Art tổ chức đã chính thức được khai mạc tại An Gallery, 159 Đồng Khởi, TP. HCM. Trong triển lãm...

Có thể bạn quan tâm

Thông báo Về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực V (Nam miền Trung và Tây Nguyên) Lần thứ 24 năm 2019

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM            Số:...

SƠN MÀI TRỊNH TUÂN, NHỮNG CUNG BẬC THANH NHÃ

LTS: Từ ngày 4 đến 10/12/2020, tại Trung tâm phát triển và sáng tạo nghệ thuật (Art Space) thuộc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội, đã diễn ra cuộc triển lãm “Những Ký ức...

KẾT QUẢ PHIÊN ĐẤU GIÁ "HỌA SĨ VÀ NGHỆ THUẬT VIỆT NAM" TẠI NHÀ ĐẤU GIÁ AUGTTES

  Kết quả phiên đấu giá “Họa sĩ và Nghệ thuật Việt Nam” ngày 30 tháng 9 năm 2021 tại nhà đấu giá Aguttes (Neuilly-sur-Seine, Pháp) với 6 kỷ lục thế giới mới Cuộc đấu giá dành riêng...

Thông báo số 3 của Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam Khóa IX (nhiệm kỳ 2019-2024)

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                                                                                           CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ...

Bức tranh "tái sinh" của Nguyễn Tư Nghiêm

    Rất khó, nếu không muốn nói-là không có một họa sĩ bậc thầy nào lại không có một kỹ thuật riêng nào đó, bởi vì kỹ thuật là yếu tố hàng đầu tạo nên phong cách. Kỹ thuật đã...