MỘT HỌA SĨ CẨN TRỌNG

 

Vào lúc 11h ngày 1/12/2018 tới đây tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại (17 Thành Công, Ba Đình, Hà Nội), buổi ra mắt sách nghệ thuật Ủ của Hiền Nguyễn sẽ do Hội Mỹ thuật Việt Nam và NXB Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Buổi này không chỉ đề cập riêng về cuốn sách, mà còn chia sẻ về hành trình theo đuổi sơn mài theo kỹ thuật truyền thống – vốn nặng nhọc và “khó đoán” – của nữ họa sĩ này trong hơn 15 năm qua. Cũng xin nói thêm, từ ngày 4/1 đến 10/1/2019, triển lãm Ủ, giới thiệu các tác phẩm được tuyển chọn trong 10 năm sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Tạp chí Mỹ thuật trân trọng giới thiệu bài viết của họa sĩ Nguyễn Văn Bảng – một người rất am hiểu sơn mài – về câu chuyện chất liệu của Hiền Nguyễn.

 

Tranh sơn mài Việt Nam trải qua gần một thế kỷ, được các thế hệ tìm tòi, thể nghiệm, sáng tạo. Chính điều này biến sơn mài thành một chất liệu quý, độc đáo, có sức biểu hiện và khả năng truyền cảm mạnh mẽ, phong phú, hấp dẫn người yêu nghệ thuật. Số lượng họa sĩ vẽ và triển lãm sơn mài ngày càng đông, hình thức thể hiện phong phú, đa dạng, có chất lượng nghệ thuật. Hiền Nguyễn là một đại diện trong số đó.

“Chất nghệ” và “chất thợ”

Hiền Nguyễn đến với chất liệu sơn mài đã nhiều năm, triển lãm cá nhân lần đầu thật ấn tượng – tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tháng 12 năm 2012 – được bạn bè, đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật hâm mộ. Đó là cuộc trình bày một quá trình khởi đầu của chặng đường sáng tạo, nơi các tác phẩm còn trong quá trình thể nghiệm cả về chủ đề cũng như phong cách. Từ thành công đó, đã khích lệ họa sĩ tiếp tục miệt mài, đam mê sáng tác và khai thác thế mạnh chất liệu.

Đầu năm 2018, khi vào TP.HCM và ghé thăm xưởng của họa sĩ, thật ngỡ ngàng vì được chiêm ngưỡng những tác phẩm mới. Nó có sức nặng của sự tìm tòi về phong cách, về hướng đi, làm chủ được chất liệu, đạt tới sự tinh kỹ. Ngắm tranh và trao đổi nghề nghiệp, thấy Hiền Nguyễn rất cẩn trọng. Về khâu nền vóc, họa sĩ cho rằng: Nền vóc là vấn đề quan trọng, liên quan đến chất lượng và tuổi thọ của tác phẩm, phải đảm bảo và tuân thủ các quy trình kỹ thuật, phải được người thợ có kinh nghiệm và tay nghề giỏi thực hiện.

 

Họa sĩ Hiền Nguyễn tại xưởng làm việc. Ảnh: Nguyễn Bá Khanh

 

(U) Bìa sách nghệ thuật Ủ do Lý Đợi tổ chức bản thảo, vừa phát hành

 

 

Đi thăm xưởng, thấy họa sĩ bố trí nơi vẽ, nơi mài, nơi ủ tranh thật khoa học, gọn gàng, sạch và đẹp. Đặc biệt là buồng ủ, các ngăn được làm bằng các thanh thép có thể đặt tranh lên, kéo ra kéo vào dễ dàng, bọc quanh buồng là tấm bạt nhựa may như một chiếc hộp có khóa kéo, đóng mở thuận tiện.

Sơn ta khô ở độ ẩm khoảng 80%, người vẽ sơn mài phải có quyết tâm và đam mê đến độ nào đó mới có thể theo, rồi đầu tư sâu cho nó. Thời tiết TP.HCM chỉ có hai mùa: khô và mưa. Mùa mưa độ ẩm lên cao, phải mở buồng ủ, nếu không, mặt tranh bị ám nước, màu sẽ thâm lại, mặt sơn đục mờ, độ bám kết sẽ kém hơn. Qua việc này, mới thấy họa sĩ có đủ kinh nghiệm trong kỹ thuật sơn mài.

Những tấm tranh khổ lớn khi ủ, khi mài, khi ngắm phải nâng lên đặt xuống không biết bao nhiêu lần. Với sức vóc của phụ nữ thì thật vất vả, nhưng Hiền Nguyễn vẫn không ngần ngại, làm chúng tôi nể phục.

Được xem những bức tranh, dù vẽ theo phong cách hiện thực, trừu tượng, hoặc nửa trừu tượng, Hiền Nguyễn vẫn giữ được sự thống nhất về phong cách, có cá tính. Màu sắc, đường nét thiên về gợi, ranh giới hình không rõ ràng, chồng lấn lên nhau, lung linh huyền ảo. Khi thì các mảng màu được vẽ cùng thời gian khi sơn còn ướt, khi thì chồng lớp lúc màu vẽ trước đã khô hẳn, kỹ thuật xử lý vàng bạc, màu trong màu đục rất linh động, nhiều lớp, chỗ mỏng chỗ dày. Sau đó quang phủ chờ đến khi khô đanh bề mặt mới mài.

Trong câu truyện về kỹ thuật sơn mài, tôi đã gặp nhiều họa sĩ, họ cho rằng có gì đâu mà mọi người có vẻ đề cao, hiệu quả nghệ thuật mới là quan trọng và quyết định, nếu quá thiên về kỹ thuật và lạm dụng chất liệu, tác phẩm sẽ rơi vào “chất mỹ nghệ”. Đương nhiên, chất liệu chỉ là phương tiện, nhưng phương tiện nào cũng phải có kỹ thuật sử dụng riêng của nó, chất liệu sơn mài cũng vậy, nhiều họa sĩ khi bắt đầu vẽ, do không quan tâm nhiều đến kỹ thuật và chất liệu, nên cũng mua vóc, mua sơn, mua màu, mua vàng bạc về vẽ, sau khi mài ra thì thất vọng vì nó đen sì, chỗ khô chỗ ướt, các mảng màu hiện lên không như ý.

Tất nhiên một bức tranh đẹp, ngoài tinh thần, ý tưởng sáng tạo, cảm xúc, năng lực thẩm mỹ, còn phải mang đặc trưng của chất liệu, thông qua kỹ thuật chất liệu, đây là yếu tố không thể bỏ qua, cho nên họa sĩ sơn mài vừa có “chất thợ” vừa có “chất nghệ” là vậy.

Luôn cần khai mở và sáng tạo

Chúng ta có hội họa sơn mài là nhờ truyền thống nghề sơn của cha ông để lại, và nhờ sự khai mở, sáng tạo của người Pháp khi đưa sơn mài mỹ nghệ vào trường dạy nghệ thuật. Khi tôi đến Trung Quốc triển lãm, các họa sĩ ở đó cũng thừa nhận kỹ thuật chất liệu sơn mài của họ chịu ảnh hưởng từ Việt Nam. Họ đã nhiều lần tổ chức lãm sơn mài quốc tế, nhiều họa sĩ sơn mài Việt Nam đã tham dự. Nhiều đoàn họa sĩ sơn mài Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Pháp, Thụy Điển, Miến Điện… đã sang thăm quan và giao lưu với các họa sĩ sơn mài Việt Nam. Họ quan tâm và tìm hiểu sâu, từ vùng trồng, khai thác, chế biến sơn, công cụ đến kỹ thuật chế tác và nhất là ứng dụng trong hội họa.

Trong các cuộc hội thảo hoặc trao đổi riêng, họ cho rằng Việt Nam có giống cây sơn khác với các nước trong khu vực. Cây sơn của Việt Nam cho một loại nhựa bóng, trong, vàng óng nhưng mềm, dễ mài, rất thích hợp cho việc vẽ tranh. Hiện nay nhựa sơn được người Trung Quốc thu mua đến 90% sản lượng, họ có các xưởng chế biến sơn nguyên liệu rất chuyên nghiệp, có bảo tàng sơn mài, có học viện sơn mài…

Tác phẩm Sông Hồng cạn, sơn mài, 80cm x 120cm, 2010

 

Tác phẩm Nắng xiên đại ngàn, sơn mài, 60cm x 120 cm, 2018

 

Tác phẩm Một dòng sông, sơn mài, 100cm x 135cm, 2018

 

Tác phẩm Cuộn, sơn mài, 60cm x 120cm, 2018

Còn sơn mài của nước nào hay hơn, tốt hơn, có lẽ không nên so sánh. Theo tôi, mỗi nước có đặc điểm địa lý, khí hậu, giống cây khác nhau, rồi kỹ thuật chế tác cũng khác nhau, nhất là khác biệt về tư duy kỹ nghệ và nghệ thuật… Vấn đề của chúng ta là làm sao để chất lượng vật liệu được tốt hơn, kỹ thuật hoàn chỉnh, để chất lượng tuổi thọ của tác phẩm cao hơn. Chúng ta cũng nên nghĩ đến việc chuẩn hóa giáo trình truyền dạy, bảo tồn và chia sẻ kinh nghiệm, không nên biến kỹ thuật sơn mài truyền thống thành điều gì đó giống như bí kíp và bí truyền, thì việc khai mở và sáng tạo dễ bế tắc.

Tôi còn nhớ cách đây nhiều năm, nhiều người cho rằng tác phẩm có các màu đen của sơn then, đỏ của son, vàng của vàng bạc… mới là sơn mài truyền thống, còn có nhiều màu xanh thì cho rằng không phải sơn mài, mà là sơn guốc (sơn công nghiệp dùng cho đôi guốc). Ngày nay bảng màu sơn mài đã phong phú hơn nhiều, không còn lệ thuộc hoặc ảnh hưởng vào bảng màu của các bậc tiền bối, vì công nghệ hóa màu phát triển cho ta nhiều lựa chọn và quan trọng hơn, là quan niệm sáng tạo đã thay đổi, các họa sĩ muốn có nhiều chọn lựa hơn để sáng tạo tối đa. Hiền Nguyễn là một trong số đó.

Còn việc nhiều họa sĩ không vẽ bằng chất liệu sơn truyền thống, hoặc chỉ kết hợp một phần nhỏ, nhưng khi trưng bày vẫn gọi là “sơn mài truyền thống”, theo tôi là không minh bạch. Tại sao không đề rõ chất liệu là sơn công nghiệp, sơn điều, sơn tổng hợp, sơn cách tân? Vì chất liệu đâu quyết định giá trị nghệ thuật, nên cần rõ ràng để công tác trưng bày, bảo quản tác phẩm về sau được thuận tiện, khoa học.

Hội họa sơn mài Việt Nam có nhiều tác phẩm giá trị về nhiều mặt, tạo nên một truyền thống đẹp, giúp các thế hệ họa sĩ tiếp tục nghiên cứu, học tập, phát huy. Tuy vậy, khi xem tại các bảo tàng mỹ thuật cũng như các sưu tập cá nhân, tôi không khỏi băn khoăn, tiếc nuối, vì nhiều tác phẩm đã xuống cấp, bong tróc, nứt rạn, cong vênh, đặc biệt là bề mặt tranh bị oxy hóa làm biến màu. Đây chính là thách thức đối với các họa sĩ, các nhà khoa học, quản lý…, nên cần có sự nghiên cứu để khắc phục. Họa sĩ sơn mài vừa có “chất thợ” vừa có “chất nghệ”, nên về kỹ nghệ và khoa học, cần phải cập nhật nhiều hơn, để làm sao các tác phẩm vượt qua những thách thức cũ về mặt kỹ thuật.

 

Trong sứ mệnh và thách thức đó, tôi thấy ở Hiền Nguyễn sự đau đáu, trách nhiệm. Mong Hiền Nguyễn tiếp tục khai mở, sáng tạo để thành công hơn nữa với chất liệu sơn mài.

Nguyễn Văn Bảng

 

Tin cùng chuyên mục

LỜI GIỚI THIỆU SÁCH NGUYỄN ĐỨC TOÀN NHỮNG GIAI ĐIỆU VẼ BẰNG MÀU SẮC

  Ở nước ta, có nhiều nhạc sĩ vẽ, nhưng dường như chỉ có ba nhạc sĩ coi vẽ như nghề-nghiệp thứ hai của mình: Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Toàn. Họ thực sự là những họa sĩ....

GIỚI THIỆU SÁCH CÁC CẤU TRÚC TINH THẦN CỦA NGHỆ THUẬT CỦA VŨ HIỆP

    Lời nhà xuất bản Đây là cuốn sách của một tác giả 36 tuổi, còn quá trẻ để viết một cuốn sách lý thuyết như thế này. Một nhà nghiên cứu có thể không cần có quá nhiều thời gian...

Tin cùng chuyên mục

Họa sĩ Trần Văn Cẩn – Một thời Hà Nội

Trần Văn Cẩn tìm cái thú thầm lặng trong hội hoạ như người đãi cát tìm vàng, mò trai dưới biển. Và ngọc trai của ông là màu sắc, là hiệu quả ánh sáng của hai màu đặt bên nhau. Một xe ngựa...

Bùi Trang Chước – Một bậc thầy của nghệ thuật tranh sơn khắc và đồ họa ứng dụng

Năm 2022, họa sĩ Bùi Trang Chước đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Giải thưởng dành cho các mẫu thiết kế: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh,...

Họa sĩ Hoàng Công Luận sự nghiệp sáng tác và đào tạo

Năm 1958, đặc khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) mở đợt chỉnh đốn vùng than, được gọi là cải tiến quản lý xí nghiệp nhằm tăng nhanh sản lượng than đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất...

Tháng ba của Trần Thị Trường và Lê Thiếu Ngân

Khi những ngày đông tháng giá đã lùi vào phía sau nhường những tia nắng chan hòa khắp phố phường Hà Nội thì 16 Ngô Quyền có lịch triển lãm của hai nữ tác giả mang tên “Tháng Ba”. Trần Thị...

MARK ROTHKO – Hiện thực của họa sĩ

  Đây là bản dịch tiếng Việt đầu tiên cuốn sách được viết ra bởi một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ông đã thiết lập nên hình thái hội họa trừu tượng màu (hay chính xác...

Có thể bạn quan tâm

NHỚ VỀ BỐ MAI VĂN HIẾN

  Nói đến nền hội họa cách mạng Việt Nam không thể không nhắc đến người cha thân yêu của tôi – họa sĩ Mai Văn Hiến. Sự nghiệp của ông đã được nhiều người viết và giới thiệu. Trong...

HỌA SĨ THÁI HÀ

  Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2001 Tên thật là Nguyễn Như Huân. Quê huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông học khóa 18 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, chỉ được hơn...

TRANH LỤA TRẦN DUY

    Vào khoảng giữa những năm 1960, Trần Duy, nhờ những điều kiện khách quan, thực sự bắt đầu chuyên tâm hẳn vào hội họa. Ông vẽ sơn dầu, bột màu, thuốc nước, sơn mài, và chú trọng...

TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ MỘNG BÍCH: NGƯỜI PHỤ NỮ VẼ LỤA ĐI GIỮA HAI THẾ KỶ

Đúng hẹn, tôi cùng Hoàng Anh-Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, đến thôn Na, xã Hiên Vân (Tiên Du, Bắc Ninh) vào 8 giờ sáng ngày 29/12/2020. Nắng đẹp, gió thổi mát rượi, chưa có dấu hiệu gì của...

Bùi Trang Chước – Một bậc thầy của nghệ thuật tranh sơn khắc và đồ họa ứng dụng

Năm 2022, họa sĩ Bùi Trang Chước đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Giải thưởng dành cho các mẫu thiết kế: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh,...