Minh họa báo chí kỷ nguyên số

Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023), Tạp chí Mỹ thuật xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết của họa sĩ Lê Tiến Vượng – Chi Hội trưởng Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Tranh Minh họa từ lâu đã là một yếu tố không thể thiếu của báo chí. Minh họa góp phần làm nên sự sống động, sự thành công của các ấn phẩm báo chí và cùng với nó là sự đóng góp của các họa sĩ vẽ minh họa. Lặng lẽ và âm thầm các họa sĩ đã để lại nhiều tên tuổi cùng dấu ấn cá nhân của mình qua các tác phẩm vẽ minh họa truyện ngắn, chuyện dài kỳ, bút ký, tản văn, thơ… Với họ, vẽ minh họa cho các tờ báo vừa là cái duyên, cái thú vừa là cái nghiệp mà mỗi họa sĩ phải tự tạo nên mình.

Minh họa báo chí làm đường dẫn từ kênh hình sang kênh chữ, vì thường đọc giả xem hình trước khi đọc chữ, vậy nên minh họa cần Gợi mở, dẫn dụ, lối cuốn góp phần làm tỏ rõ nội dung câu chuyện trong bài báo bằng hình vẽ độc đáo, hấp dẫn. Vì đọc báo không giống đọc sách, mọi thứ diễn ra rất nhanh nên minh họa cũng cần “nhanh nhất chinh phục đọc giả” Tài năng của họa sĩ vẽ minh họa tha hồ phô diễn bằng chính nét vẽ của mình dù là vẽ minh họa cho sách giáo khoa hay tác phẩm văn chương.

Có thể nói qua các ấn phẩm báo in hơn một trăm năm qua đã tạo nên tên tuổi của nhiều người làm báo, nhà văn, nhà thơ… trong đó có rất nhiều họa sĩ thiết kế và vẽ minh họa báo chí. Báo chí là một sản phẩm văn hóa đặc biệt, nơi luôn luôn có cặp song hành “nội dung và hình thức”. Mà hình thức bao hàm phần hình ảnh, thiết kế (design) và vẽ minh họa, tuy theo tính chất mỗi tờ báo mà phần minh họa cần nhiều hay ít. Đầu tiên là với thể loại báo chí dành cho trẻ em và tuổi mới lớn thì phần hình ảnh, vẽ minh họa cực kỳ quan trọng, với đối tượng tờ báo càng nhỏ, thì phần vẽ minh họa càng nhiều và kích thước càng to. Ví như tờ Họa mi, tờ Nhi Đồng, Rùa Vàng (dành cho lứa tuổi mầm non và tiểu học)… là những tờ báo mà vai trò của họa sĩ là chính, họ phải “bao sân” toàn bộ “phần nhìn” tới 90% vai trò của tờ báo, phần chữ (nội dung để đọc) chỉ khoảng10% ấn phẩm. Ở nước ngoài, nhiều ấn phẩm kiểu này người họa sĩ vẽ minh họa giữ vai trò chính, họ kiêm luôn phần biên tập nội dung… các cộng tác viên lại là các nhà báo, nhà văn, các chuyên gia kỹ năng và giáo dục… Ở những tờ báo đối tượng lớn hơn như tờ Thiếu niên Tiền phong, Khăn Quàng đỏ, Hoa Học Trò, Mực Tím và rất nhiều tờ chuyên đề dành cho tuổi thiếu nhi và tuổi mới lớn… thì phần hình tranh, ảnh chiếm 50% giữa nội dung và hình thức, ở những tờ báo này ngày nay, họa sĩ thiết kế kiêm kỹ thuật viên xử lý hình ảnh và vẽ minh họa khá nhiều… (không như thời những năm 2000 trở về trước, chủ yếu in báo 2 màu, các họa sĩ thiết kế kẻ ô vuông trên giấy, các họa sĩ vẽ minh họa phải kiêm luôn can, tách màu trên giấy can mà hầu hết là các họa sĩ đã thành danh làm cộng tác viên…).

Minh họa của họa sĩ Đỗ Phấn

 

Minh họa của họa sĩ Đỗ Dung

Từ cuối những năm 90 thế kỷ trước, khi có máy tính tham gia hầu hết các khâu làm báo, các nhà in được trang bị hệ thống in 4 tới 7 màu đã góp phần làm gia tăng các ấn phẩn báo chí. Nhanh – nhiều – tốt và rẻ hơn, số lượng và chất lượng báo, tạp chí tăng lên đã huy động các họa sĩ tham gia thiết kế và vẽ minh họa báo chí nhiều hơn hẳn trước những năm 2000. Có thể nói trên những tờ báo này đã ghi dấu ấn khá nhiều tên tuổi các họa sĩ ngoài bắc như: gạo cội có Tạ Thúc Bình, Nguyễn Bích, Mai Long, Tạ Lựu, Huy Toàn, Tuấn Dũng, Đoàn Thanh, Đặng Thạc. Thế hệ tiếp sau có, Tiến Vượng, Hữu Khoa, Mai Hoa, Lâm Thao, Kim Duẩn, Minh Hải, Đình Lương… (báo TNTP và HHT) Quang Vinh, Bích La, Bạch Đàn, Hải Nam… (báo Nhi Đồng), Trong nam có Đỗ Trung Quân, Đức Lâm, Hoàng Tường, Nguyễn Ngọc Thuần, trẻ thì có Mai Thanh, Bình An, Tất Sĩ, Ngọc Châu, Tuyết Ngần, Vương Thị Thúy, Cao Thị Thúy, Lê Thị Hồng…

Ở những tờ báo đối tượng lớn hơn như tờ Sinh viên, Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi trẻ…. Và các tờ báo dành cho các đối tượng lớn tuổi trưởng thành như Phụ Nữ, Nông dân, Nông nghiệp, Sức khỏe Đời sống, Pháp Luật, Quân đội Nhân dân, An ninh các loại… thì phần ảnh, minh họa chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ từ 10 đến 20%, ở những tờ báo này phần vẽ minh họa chỉ ở các chuyên mục văn nghệ, các trang thơ và góc giải trí… thường là vẽ đen trắng, nhỏ, đơn giản như kiều “gia vị” rắc trong mâm cỗ vậy… với các họa sĩ cần phải nhắc tên như: Anh Dũng, Việt Tuấn (báo Tiền Phong), Đỗ Dũng (báo Phụ Nữ), Lê Tâm (báo Công an nhân dân, Văn nghệ Công An), Thanh Toàn, Đăng Phú (báo Hà Nội Mới), đặc biệt, báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Đại Đoàn kết là những báo chính trị lớn nên ít dùng minh họa, nếu có thì chỉ dùng các CTV. Riêng tờ Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an… có số vẽ minh họa khá nhiều, kích thước to hơn, bề thế hơn, chủ yếu minh họa cho các chuyện ngắn, ký sự, tản văn và các trang thơ… trên các ấn phẩm này, các minh họa vẽ thoải mái phóng khoáng, bay bổng và “văn nghệ” hơn, đồng điệu cùng các tác phẩn văn chương (thường rất dài và hầu như rất ít dùng ảnh minh họa cho bài) nên đã góp phần tạo nên nhiều minh họa đẹp, độc đáo, khác biệt, đa dạng và khá nhiều các họa sĩ thành danh trên ấn phẩm này ngoài các họa sĩ lão thành danh tiếng như: Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Đinh Minh, Văn Đa, Quang Thọ, Nguyễn Nghiêm cho đến Nguyễn Thụ, Huy Oánh, Vũ Giáng Hương, Ngọc Thọ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Sĩ Ngọc… tiếp sau có Thành Chương, Phạm Minh Hải, Trương Hạnh, Trương Hiếu, Huy Toàn, Phạm Học Hải, Phạm Ngọc Sĩ, Tiểu Bạch, Đỗ Phấn, Đỗ Dũng, Công Quốc Hà, Hoàng Hồng Cẩm, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Lương Xuân Đoàn, Lê Trí Dũng, Ngô Xuân Khôi, Nguyễn Đăng Phú, Lê Tiến Vượng, Lê Tâm, Phạm Hà Hải, Đặng Tiến, Vũ Đình Tuấn, Hoàng Phượng Vĩ, Tô Chiêm, Bùi Hải Nam, Trọng Thanh, Quang Huynh, Công Ngoạn, .…

Minh họa của họa sĩ Tiến Vượng

 

Minh họa của họa sĩ Đặng Tiến

Có thể nói, ngoài một vài họa sĩ chính kiêm vẽ minh họa cho tòa báo, tạp chí hay nhà xuất bản gọi là chuyên nghiệp, thì hầu hết các họa sĩ kể trên đều là họa sĩ sáng tác tranh các thể loại trước khi là họa sĩ minh họa, nên có họa sĩ vẽ một phong cách cho nhiều tờ báo và có họa sĩ vẽ nhiều phong cách cho các tờ báo khác nhau, điều rõ nhất là các báo dành cho trẻ em cần vẽ khác xa với cách vẽ cho các báo người lớn và ngược lại, ngay trong các tờ báo người lớn cũng có các “dịnh dạng” phong cách vẽ minh họa khác nhau, tất cả những “phức tạp” trên đều do các họa sĩ tự “điều chỉnh” ngòi bút, cách vẽ của mình sao cho phù hợp đối tượng của tờ báo, chứ không có trường lớp nào dạy cả.

Minh họa báo chí cũng có nhiều thăng trầm, chìm nổi lênh đênh. ví như thời làm báo những năm 90 thế kỷ trước trở đi, vai trò người họa sĩ được đề cao rất rõ, ở pholio (đuôi cuối mỗi tờ báo) chỉ có ghi người phụ trách nội dung là Tổng Biên tập, người phụ trách hình thức Mỹ thuật là họa sĩ mà thôi, người họa sĩ có quyền và cùng Tổng Biên tập quyết định “mỹ thuật” của tờ báo, vì vậy họa sĩ luôn phải mời các họa sĩ có danh tiếng để “làm sang” và để nâng cao vị thế Mỹ thuật của tờ báo. Qua đó mà nhiều tác phẩm minh họa báo chí một thời đã góp phần mạnh mẽ tạo nên sự thành công của báo chí ngày nay… Sau năm 2000 khi kỹ thuật số được cập nhật, kinh tế thị trường trên các ấn phẩm báo chí diễn ra sôi nổi, các ấn phẩm báo chí, xuất bản nở rộ, đòi hỏi số lượng các họa sĩ thiết kế và vẽ minh họa tăng cao, khi mà nhiều họa sĩ danh tiếng đã già, nhiều người đã mất, nhiều tòa soạn phải dùng các kỹ thuật viên tham gia quá trình mỹ thuật báo chí, nhiều người không học mỹ thuật chỉ biết vi tính đã tham gia thiết kế và thậm chí tham gia minh họa báo chí nên đã có rất nhiều báo chí chất lượng mỹ thuật và minh họa bị suy giảm đáng kể, nhiều ban biên tập chỉ coi Mỹ thuật của tờ báo là “phần phụ” đứng sau các ban chuyên môn khác, ngay ở các tờ báo dành cho tuổi thiếu nhi, nơi cần lực lượng họa sĩ đông đảo, vững chắc cũng đặt vị trí các họa sĩ rất mù mờ, chịu sự chi phối “giám định mỹ thuật” không chỉ dưới ban biên tập mà còn dưới cả các ban chuyên môn khác, nhiều họa sĩ có chuyên môn giỏi, thành danh đã lặng lẽ chuyển nghề, nhiều họa sĩ giỏi là cộng tác viên cũng không còn háo hức như xưa, nhìn vào nhiều tờ báo trẻ em, hay tuổi mới lớn giờ chỉ thấy “màu mè diêm dúa” mà đã thiếu hẳn những nét vẽ khỏe khoắn ngộ nghĩnh ngày nào, thậm chí để nhớ đến một cái tên họa sĩ danh tiếng trong rất nhiều tờ báo kia cũng rất khó kiếm…

Cùng với các tờ báo dành cho “người lớn”, do sức ép và sự canh tranh của của các thể loại báo chí truyền thông khác ngày một gia tăng, đặc biệt là báo mạng đang từng ngày lấn lướt báo giấy, nhiều tờ báo, tạp chí đang phải cấu trúc thu hẹp các ấn phẩm, giảm mạnh các trang văn nghệ bài dài mà tăng cường các trang, bài ngắn thiên thông tin kinh tế, giải trí… nên các trang có minh họa giảm mạnh, nhiều họa sĩ minh họa cũng bị ảnh hưởng đến công việc và thu nhập.

 

Minh họa Tiến Vượng
Minh họa của họa sĩ Đoàn Đức Hùng

Có thể nói thực trạng câu chuyện nghệ thuật minh họa báo chí, đặc biệt là báo in đang trải qua thời kỳ thách thức, thời hoàng kim của báo in và minh họa báo chí đang thu hẹp, việc minh họa báo chí đang chuyển dần sang các trang báo điện tử, nên tốc độ vẽ kỹ thuật số, xử lý cần cực nhanh, cực rẻ để thích ứng với các thể truyền thông đa phương tiện và các trang thông tin điện tử luôn phải: nhanh, nhạy kịp thời, chính xác…

Bước sang thế kỷ 21, sự chuyển đổi rất mạnh của báo chí truyền thông đa phương tiện. Nhiều tờ báo in đã phải dừng hoạt động, nhiều tạp chí văn nghệ, hoặc có nhiều trang, chuyên mục văn nghệ… dừng phát hành báo in, do vậy, các chuyên mục cần đến minh họa của họa sĩ không còn nhiều. bên cạnh sự phát triển của các thiết bị chụp ảnh số và tranh vẽ kỹ thuật số cũng đã khiến vai trò vẽ minh họa của giới họa sĩ ít nhiều bị ảnh hưởng. Chỉ những tờ báo “thuần” văn hóa – văn nghệ là vẫn luôn cần sự song hành của các họa sĩ vẽ minh họa. Như báo Văn nghệ, Văn nghệ công an, Thời báo Văn học nghệ thuật, tạp chí Văn nghệ quân đội; hay những tờ báo có ra ấn phẩm cuối tuần, cuối tháng, các tạp chí văn nghệ địa phương, các số chuyên đề văn chương thì “đất” cho tranh minh họa vẫn còn.

Có thể nói, câu chuyện nghệ thuật minh họa báo chí đang bước sang giai đoạn mới, với thời cơ và thách thức mới, dù cho báo chí truyền thông đa phương tiện phức tạp đến đâu, hiện đại đến đâu thì vẫn phải cần đôi tay khối óc người họa sĩ vẽ minh họa thể hiện tài năng độc đáo khác biệt mà không hệ điều hành hay robot nào có thể thay thế được. Để dẫn dụ, mê hoặc người đọc báo in hay báo mạng, việc đầu tiên vẫn phải cần “tiếng sét ái tình” từ những hình ảnh, những nét vẽ minh họa đắm say của các họa sĩ tài hoa, cùng các ban Biên tập biết tận dụng Nghệ thuật minh hoạ giúp cho sự lan toả của bài báo và góp phần thành công của tờ báo ngày xưa cũng như hôm nay.

Lê Tiến Vượng

Tin cùng chuyên mục

Shireen Narizee và nghệ thuật đương đại ở Việt Nam

Shireen Narizee (1947 – 2018) là một trong những nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật người Malaysia, bà đồng thời là một giám tuyển có tầm cỡ quốc tế. Trong suốt cuộc đời sự nghiệp của mình,...

Điềm Phùng Thị và những dấu ấn trên bản đồ nghệ thuật điêu khắc quốc tế

Điềm Phùng Thị (1920 – 2002), tên thật Phùng Thị Cúc, là một người con của Thừa Thiên Huế. Khi đã là một tiến sĩ, bác sĩ, bà tìm đến điêu khắc và được biết đến là một trong những nữ...

“Cẩm nang sử dụng cuộc đời”- triển lãm mang tiếng nói cá nhân đầy sáng tạo của các nghệ sĩ trẻ

Cuối tháng 6 vừa qua, Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) đã cho ra mắt triển lãm “Cẩm nang sử dụng: Cuộc đời” (Life: A User’s Manual), mang đến công chúng góc nhìn sống động, độc...

Vũ Cao Đàm: Giao thoa văn hóa và sáng tạo nghệ thuật

Soi chiếu từ khía cạnh du nhập, phản tư và giao thoa văn hóa với Tây phương, các sáng tác của Vũ Cao Đàm là sự nối dài của hai nền văn hóa trên hành trình khai phá ngôn ngữ nghệ thuật của ông...

Di sản nghệ thuật của Mai Trung Thứ

Cùng Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu tạo lập nên tứ kiệt Đông Dương tại Pháp, danh họa Mai Trung Thứ với các tác phẩm đồ sộ truyền lại cho hậu thế mang nhiều tình cảm cũng như ý niệm...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

ĐẦU XUÂN NÓI CHUYỆN MÚA NGHÊ

  Nghi vấn từ bức tranh múa Lân Đông Hồ Bức tranh có nguyên văn chữ Hán là Phụng Lân, cho nên từ lâu được gọi là là tranh múa Lân. Chữ Lân đây là Kỳ Lân, một linh vật huyền...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC I – HÀ NỘI CHUYÊN NGÀNH ĐỒ HỌA, ĐIÊU KHẮC, MỸ THUẬT ỨNG DỤNG LẦN THỨ 23 NĂM 2018

  Từ ngày 06/08 đến ngày 16/08/2018, tại nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội đã diễn ra triển lãm Mỹ thuật khu vực I – Hà Nội ngành Đồ họa, Điêu khắc và Mỹ thuật Ứng dụng...

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực I (Hà Nội) lần thứ 25 năm 2020

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                               CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM             Số:...

Tổng kết công tác nhiệm kỳ VIII (2014-2019) và phương hướng nhiệm kỳ IX (2019-2024) của Hội Mỹ thuật Việt Nam

  Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư TW Đảng Cộng sản Việt Nam, Hướng dẫn số 87-HD/BTGTW ngày 25/03/2019 của Ban Tuyên giáo TW và Công văn số 22/TB-ĐĐLH ngày 20/06/2019 của Đảng...

Ghé Văn Miếu – Quốc Tử Giám xem “Gen Z” vẽ dân gian

Chiều 30/6, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp cùng Doanh nghiệp sáng tạo TiredCity tổ chức khai mạc triển lãm tranh với chủ đề “Dân gian trong Gen Z”, mang đến một góc...