Cuốn sách “Nghệ thuật hiện đại Đông Dương”. (Ảnh: Phan Thạch) |
Sách do Hiệp hội Nghệ sĩ châu Á tại Paris, Nhà đấu giá Aguttes, Nhà xuất bản In Fine éditions d’art, Viện Pháp tại Việt Nam, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, Công ty Viet Art View phối hợp tổ chức lễ ra mắt chính thức.
Sách bao gồm những nghiên cứu công phu, bao quát toàn cảnh về lịch sử của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ 1925 đến 1945, bao gồm quá trình: Thành lập, phát triển, hoạt động, thành tựu, các giảng viên, sinh viên ưu tú, các tác phẩm. Đây là ấn phẩm đầu tiên đề cập một cách toàn diện về vai trò của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
Tác giả Charlotte Aguttes-Reynier là chuyên gia về nghệ thuật hiện đại châu Á, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội các Nghệ sĩ châu Á tại Paris (AAP) kể từ năm 2019. Tại Hiệp hội (tổ chức văn hóa phục vụ cho lợi ích cộng đồng), bà tập trung nghiên cứu và tổng hợp tài liệu về nhiều khía cạnh của nghệ thuật hiện đại châu Á, đặc biệt là tác phẩm của các nghệ sĩ Mai Trung Thứ, Lê Phổ và Vũ Cao Đàm.
Tại nhà đấu giá Aguttes, Charlotte Aguttes-Reynier đã dành 10 năm cống hiến cho sự nghiệp của những nghệ sĩ thụ hưởng hai nền giáo dục Trung Quốc/Pháp hay Việt Nam/Pháp. Bắt đầu gia nhập công ty gia đình vào năm 1996, bà tập trung chuyên môn vào nghệ thuật hiện đại kể từ những năm 2000 và song hành cùng sự phát triển của ban nghệ thuật cổ điển.
Kể từ năm 2013, bà nghiên cứu thúc đẩy mua bán các tác phẩm của những nghệ sĩ đến từ châu Á. Bà góp phần vinh danh khoảng 70 nghệ sĩ, giám định và bán đấu giá khoảng 1000 tác phẩm hội họa, sơn mài và điêu khắc (trong đó có hơn 115 tác phẩm của Mai Trung Thứ, khoảng 150 tác phẩm của Lê Phổ và gần 100 tác phẩm của Vũ Cao Đàm).
Được viết bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, cuốn sách hé lộ một phần của lịch sử nghệ thuật quốc tế đã bị che khuất suốt hơn 70 năm qua. Từ Inguimberty đến Alix Aymé, từ Nguyễn Phan Chánh đến Vũ Cao Đàm, qua Mai Trung Thứ và Lê Phổ, dù là giáo viên hay sinh viên, họ vẽ, sơn, điêu khắc, cho ra đời các tác phẩm sơn mài, các cuộc triển lãm…
Điều hành bởi Victor Tardieu và sau đó là Evariste Jonchère, từ năm 1925 đến năm 1945, ngôi trường này đã trải qua một thời kỳ thi đua nghệ thuật vô cùng sôi nổi, khơi nguồn cho sự cách tân nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Charlotte Aguttes-Reynier chú trọng diễn giải những bước đi quan trọng giúp hình thành nên tầng lớp nghệ sĩ ưu tú mà Tardieu vẫn luôn mong chờ, và làm sáng tỏ những vùng tối che phủ sự phong phú và tầm quan trọng của nền nghệ thuật trong thời kỳ này tại Đông Dương.
Các diễn giả trao đổi về cuốn sách. |
Hành trình nghiên cứu, tiếp xúc với nhiều tư liệu, tài liệu về các thế hệ họa sĩ Việt Nam thời kỳ mỹ thuật Đông Dương, cũng như với những tác phẩm quý được trưng bày, triển lãm ở nước ngoài hoặc trong các phiên đấu giá, cùng việc gặp gỡ, trò chuyện với gia đình các họa sĩ hiện đang ở nước ngoài như gia đình họa sĩ Lê Phổ, họa sĩ Vũ Cao Đàm… đã giúp cho tác giả Charlotte Aguttes-Reynier xây dựng được một hành trình đã bị thời gian che khuất của Trường Mỹ thuật Đông Dương, và cũng là hành trình của nền mỹ thuật Việt Nam ở thời kỳ rực rỡ nhất.
Cuốn sách không chỉ cho thấy vai trò của Trường Mỹ thuật Đông Dương đối với mỹ thuật Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, mà còn cho thấy những ảnh hưởng vô cùng quan trọng của Victor Tardieu, vị Hiệu trưởng đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Không chỉ truyền thụ cho học trò những kỹ thuật hội họa cơ bản, đặc biệt là sử dụng sơn dầu, ông còn truyền cho họ lòng say mê đối với nghệ thuật và nhấn mạnh đến việc khai thác truyền thống nghệ thuật của Việt Nam để phát triển phù hợp với thế giới.
Tác giả Charlotte Aguttes-Reynier cho biết, chị đã được tiếp xúc với những bức thư mà Victor Tardieu viết cho học trò như viết cho những người con của mình, tràn đầy tình cảm thắm thiết. Mỗi năm, ông đều lựa chọn những học trò ưu tú để chuyển giao những tinh hoa của mỹ thuật hiện đại. Charlotte Aguttes-Reynier cũng cho biết, trong quá trình nghiên cứu, chị phát hiện ra những tên tuổi bị lãng quên, tiêu biểu là họa sĩ Nguyễn Gia Khánh (Georges Khánh) có rất nhiều tác phẩm được trưng bày tại nhiều bảo tàng trên thế giới.
Cuốn sách được trình bày công phu, với bìa cứng nhiều lớp, in màu, dày 432 trang, trong đó có 319 trang minh họa, nặng tới 2.6 kg. Giá bán của cuốn sách không hề rẻ, hiện tại chỉ có thể mua qua app với giá 117 euro (khoảng 3 triệu đồng).
“Nghệ thuật hiện đại Đông Dương” đã nhận được những đánh giá cao từ giới mỹ thuật ngay trong lễ ra mắt. Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nhận xét: “Cuốn sách cung cấp nhiều tài liệu mà chúng ta chưa từng thấy. Bên Pháp có những lưu trữ rất tốt và tôi hy vọng những nghiên cứu của Charlotte sẽ giúp chúng ta hiểu sáng tỏ hơn về nền nghệ thuật mà trước đây chúng ta chưa được biết rõ”.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến cho rằng, cuốn sách đã góp phần đưa ra những mảnh ghép còn khuyết thiếu trong lịch sử 100 năm trường Mỹ thuật Đông Dương, với những tác giả tên tuổi, những tác phẩm được giới thiệu trong sách, cũng như những triển lãm danh tiếng quốc tế. Sách được biên soạn công phu, bởi tác giả được tiếp xúc với gia đình của “bộ tứ” họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, cùng những tác phẩm được trưng bày ở nước ngoài.
Sự ra đời của cuốn sách cũng rất có ý nghĩa khi đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đồng thời được giới thiệu ngay tại trường, nơi 100 năm trước Victor Tadieur đã cùng các đồng sự gây dựng nên ngôi trường này.
“Công tác quảng bá tác phẩm của các nghệ sĩ đã có sự thành công nhất định khi tên tuổi của những họa sĩ này cuối cùng đã được đông đảo công chúng chú ý tới. Dự án đã hỗ trợ thực hiện và nhân rộng nhiều cuộc triển lãm của các tổ chức và cơ quan. Hành động của tôi chính là tia sáng đánh thức ngọn lửa đã tắt quá lâu.” – tác giả Charlotte Aguttes-Reynier chia sẻ trong buổi ra mắt sách.
TIN: TUYẾT LOAN, ẢNH: PHAN THẠCH
Nguồn: Báo điện tử Nhân dân