TRANH VẼ THIẾU NỮ CỦA TRẦN ĐÔNG LƯƠNG

 

Jean Carzou, một họa sĩ Pháp nổi tiếng, đã từng nói: Những quả táo của Cézanne, cho dù có kỳ lạ đến đâu thì cũng không thể sánh nổi với mấy người “đi tuần đêm” của Rembrandt – phải chăng cũng phần nào vì lẽ ấy.Tầm vóc của một họa sĩ không phụ thuộc vào thể loại, đề tài hay mô-típ mà người họa sĩ ấy thể hiện. Nhưng quả thực, những họa sĩ vẽ hình tượng con người vẫn được ưu tiên hơn trong sự đánh giá.

Các họa sĩ cũng hay nói: Vẽ được người thì vẽ được tất cả. Nhưng chưa thấy ai nói: Vẽ được phong cảnh hay tĩnh vật thì vẽ được tất cả.

Con người, hình ảnh con người dường như là dấu vân tay của Đấng tạo hóa, mà từ đấy con người có thể phát hiện và quy nạp được mọi nguyên lý phân dạng bí ẩn nhất của vũ trụ.

Trần Đông Lương – Thiếu nữ. 1957. 40 x 50 cm. Sưu tập Nguyễn Phi Hùng, Hà Nội

* * *

Ở nước ta, các nghệ sĩ bậc thầy dân gian xưa có thể tạc ra những hình người vô cùng đẹp, rất “sai” về giải phẫu, nhưng tuyệt đối đúng về tinh thần. Điều đặc biệt khác giữa họ và các nghệ sĩ bác học, có thể là ở chỗ, họ sáng tác mà không cần phải nhìn vào một cái gì cả.

Ngày nay, những họa sĩ hiện đại Việt Nam vẽ hình giỏi nhất, nhất là hình người, dường như đều là những họa sĩ đã ít nhiều kế thừa được của ông cha ta cái mã gien đặc biệt đó.

… Về tài năng vẽ hình, ở Khóa kháng chiến (1950-1954), có ít nhất ba người: Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm và Trần Đông Lương.

Ngay khi còn đang học ở Việt Bắc, Trần Đông Lương đã vẽ hình thuần thục tới mức đã có họa sĩ tưởng nhầm hình vẽ của ông là hình vẽ của bậc thầy Tô Ngọc Vân.

Hình họa của Trần Đông Lương, đứng trên nhiều phương diện, là hình họa hàn lâm phương Tây mang đặc tính Pháp, theo một truyền thống nối từ cổ điển Raphael – Ý, qua Poussin, Ingres, Daumier, Renoir, Degas – Pháp, mà Balthus có thể là người đại diện gần đây nhất.

Trần Đông Lương vẽ hình vừa có cái vững chắc của Trọng Kiệm, vừa có cái hơi “bay bay” của Lưu Công Nhân, chỉ khác với Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm là phong độ của ông ổn định hơn. Hay nói khác đi, ở Trần Đông Lương ít có những thay đổi đột ngột, và đó thực chất cũng là một thế mạnh của ông.

Trần Đông Lương – Thiếu nữ. 15,5 x 26 cm. Sưu tập Nguyễn Phi Hùng, Hà Nội

Có những họa sĩ nhìn bề ngoài tưởng như không có thay đổi gì cả, tưởng như “đứng yên”, nhưng kết cục, sự phong phú, giàu có bên trong về “từ vựng” (không phải về “ngữ pháp”) của họ mới là những thành tựu đáng nể.

* * *

Về lý thuyết, người ta phân hình họa thành hai thể loại nền tảng: hình họa nét (mà Matisse là một thiên tài) và hình họa sáng tối, mà giữa chúng còn có một thể loại kết hợp gọi là hình họa trung gian (dessin intermédiaire). Hình họa sáng tối lại được phân thành hình họa trắng (tương phản ít, mà Ingres có thể được xem là một đại diện ưu tú bậc nhất) và hình họa đen (tương phản mạnh, mà các đại diện hiện đại có thể là Daumier, Seurat). Có một ngoại lệ cực kỳ đặc biệt, Van Gogh vẽ hình họa sáng tối, nhưng lại vẽ bằng nét, chấm và vạch, gọi là hình họa thư pháp. Nguyễn Gia Trí vẽ hình họa nét, hình họa đen và hình họa trắng đều rất giỏi, tùy theo nhu cầu biểu hiện và nhu cầu lấy tư liệu của ông.

Hình họa nét của Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân đặc biệt hay, hay tới mức ở ta đã từng có quan niệm cho rằng chỉ có hình họa nét mới đáng được gọi là tinh túy, trí tuệ và thực sự sáng tạo. Nhưng không vì thế mà hình họa sáng tối, chẳng hạn như của Trần Đông Lương, bị mất đi vị trí vốn có của nó.

Trần Đông Lương – Thiếu nữ. 1986. 38,5 x 54 cm. Sưu tập Nguyễn Phi Hùng, Hà Nội

 

Trần Đông Lương – Thiếu nữ. 1986. 57 x 41,5 cm. Sưu tập Nguyễn Phi Hùng, Hà Nội

* * *

Về căn bản, Trần Đông Lương là một họa sĩ vẽ tranh lụa. Và, chỉ trong vòng có một năm – 1958, ông đã thực hiện được tới ba tác phẩm tiêu biểu bậc nhất cho phong cách của mình: Anh hùng lao động – Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), Tổ thêu (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) và Tuổi xuân (Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật các dân tộc phương Đông, Cộng hòa Liên bang Nga). Điều đặc biệt ở ông- chính là một khả năng khác thường trong nghệ thuật chuyển hóa những hình họa “thuần túy” được chuẩn bị công phu trên “giấy” lên nền “lụa”- mà nhờ thế- chúng đã thực sự trở thành những bức tranh đẹp.

“… Trong số những họa sĩ trẻ, có người như Trần Đông Lương theo gương họa sĩ Nguyễn Phan Chánh chuyên vẽ lụa nhưng với phong cách khác hẳn. Nhờ có vốn hình họa vững vàng, những tác phẩm vẽ lụa của Trần Đông Lương có khối hình chặt chẽ, ánh sáng trong trẻo mà vẫn giữ được dáng mịn màng của chất lụa. Tranh Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch là một thành công của họa sĩ” (Nguyễn Phi Hoanh, “Mỹ thuật Việt Nam”, xuất bản 1984).

Như vậy, có thể nói, trong nghệ thuật của Trần Đông Lương, hình họa có một vai trò quyết định, là cái hồn cái cốt của tranh ông.

Trần Đông Lương cũng là một trong những họa sĩ phát triển nghệ thuật vẽ tranh lụa trên cơ sở hình họa sáng tối, một phong cách vẽ lụa căn bản như đã trở thành truyền thống kể từ Nguyễn Phan Chánh, mà có thể cho mãi đến những năm 1960 và 1970, ngôn ngữ “triệt để” đồ họa của nghệ thuật tranh khắc gỗ mới có tác động đáng kể đến nghệ thuật vẽ lụa.

Nhắc đến Trần Đông Lương cũng là nhắc đến một họa sĩ chuyên về vẽ thiếu nữ, nhất là thiếu nữ thành thị, thiếu nữ Hà Nội. Thoạt nhìn, phong cách vẽ thiếu nữ ấy có vẻ mang tính chất hàn lâm, “bám sát” vào mẫu vẽ. Nhưng kỳ thực, bị cảm xúc chi phối, Trần Đông Lương cũng thường vẽ “thêm” theo chủ quan, và đôi khi dường như “không nhìn” gì cả, chỉ theo cảm giác, theo một thứ lô-gíc hình thức nào đó, miễn là bức vẽ đạt đến một ý niệm, một hiệu quả, nhiều khi khá siêu hình mà người ta vẫn gọi nôm na là “hư ảo”.

Mấy bức hình họa vẽ thiếu nữ của Trần Đông Lương giới thiệu ở đây thuộc về hai thời kỳ cách xa nhau khá lâu, có bức được vẽ chỉ một thời gian ngắn trước khi ông lâm bệnh mà sau đó ông chỉ vẽ được bằng tay trái, đặc biệt có cả hình họa nét. Cho dù chưa thực sự tiêu biểu, nhưng các hình họa này vẫn cho chúng ta một hình dung về một trong những phong cách diễn hình bậc thầy, phong cách diễn hình  của Trần Đông Lương.

Quang Việt

Tin cùng chuyên mục

Điềm Phùng Thị và những dấu ấn trên bản đồ nghệ thuật điêu khắc quốc tế

Điềm Phùng Thị (1920 – 2002), tên thật Phùng Thị Cúc, là một người con của Thừa Thiên Huế. Khi đã là một tiến sĩ, bác sĩ, bà tìm đến điêu khắc và được biết đến là một trong những nữ...

Vũ Cao Đàm: Giao thoa văn hóa và sáng tạo nghệ thuật

Soi chiếu từ khía cạnh du nhập, phản tư và giao thoa văn hóa với Tây phương, các sáng tác của Vũ Cao Đàm là sự nối dài của hai nền văn hóa trên hành trình khai phá ngôn ngữ nghệ thuật của ông...

Di sản nghệ thuật của Mai Trung Thứ

Cùng Lê Phổ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu tạo lập nên tứ kiệt Đông Dương tại Pháp, danh họa Mai Trung Thứ với các tác phẩm đồ sộ truyền lại cho hậu thế mang nhiều tình cảm cũng như ý niệm...

Hội họa của Lê Phổ: Từ Hà Nội tới Paris

Lê Phổ (1907 – 2001), tốt nghiệp khóa I Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l’École des Beaux-Arts d’Indochine), hiện là một trong những danh họa Việt được nhắc tới nhiều nhất trên...

Nhớ họa sĩ Nguyễn Thụ, người thầy kính yêu!

Họa sĩ Nguyễn Thụ sinh năm 1930, tốt nghiệp Trường Mĩ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương) khoá Tô Ngọc Vân (1957 – 1962 ) cùng các hoạ sĩ Vũ Giáng Hương, Phạm...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Lời dặn dò thật thiêng

Nhân kỷ niệm 100 năm sinh họa sĩ Mai Văn Hiến (1923-2023) – Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật từ 1981-1982 Hiếm ai như họa sĩ Mai Văn Hiến! Mỗi khi nhắc đến ông là trên môi mỗi người đều nở...

Tổ chức Triển lãm Tranh Lụa Việt Nam tại Pháp năm 2023

Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1794/QĐ-BVHTTDL về việc Tổ chức Triển lãm Tranh Lụa Việt Nam tại Pháp năm 2023. Theo đó, Bộ VHTTDL giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối...

TỪ PABLO TRỞ THÀNH PICASSO

  Trước khi trở thành ngôi sao thì Pablo Picasso cũng đã trải qua những cơn khủng hoảng mà ngày nay nhiều nghệ sĩ vẫn mắc phải: không tiền, không có phòng tranh, không được công nhận. Cuộc...

NGƯỜI KỂ CHUYỆN SÁNG TÁC VÀ CUỘC HÀNH TRÌNH

Triển lãm mỹ thuật “Nông thôn mới” diễn ra tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội từ ngày 19 /5 đến 29/5 quy tụ 52 nghệ sĩ với 52 tác phẩm. Các tác phẩm với những chất liệu phong phú và bút...

Thông báo lần thứ 2 về triển lãm Mỹ thuật khu vực 6 (Đông Nam Bộ) lần thứ 26 năm 2021

   ...