Nhân đọc "Lịch sử vú" lạm bàn về đầu ti tiên nữ Việt

 

Một trong những cuốn sách được mong chờ nhất đầu năm 2022 này là cuốn “Lịch sử vú” của Marilyn Yalom (Nguyễn Thị Minh dịch). Một cuốn sách đầy chất nữ tính, mô tả về một bộ phận đặc trưng của phái nữ trên cơ thể. Cuốn sách chứa đựng một cái nhìn vô cùng sâu sắc, để ta lặng người đi khi ngắm những bầu vú qua 9 chương sách: “Vú linh thiêng”, “Vú gợi dục”, “Vú quốc dân”, “Vú chính trị”, “Vú tâm lý”, “Vú thương mại”, “Vú y học”, “Vú tự do” và “Vú trong khủng hoảng”. Với cách tiếp cận đa diện từ thần học, triết học, nghệ thuật, pháp luật, chính trị, kinh tế học, y học, sau khi đi một hồi vòng quanh bầu vú, người đọc chợt nhận ra sự mênh mang của nó trong lịch sử phát triển của nhân loại. Đọc hết cuốn sách, sau khi đã thỏa thê ngắm những bầu vú từ châu Á, châu Âu, châu Phi… từ xưa tới nay, tôi thấy hơi chạnh lòng đôi chút, vì không có một hình ảnh nào, một dòng chữ nào nhắc đến những bầu vú trong nghệ thuật Việt Nam. Không thể trách Marilyn Yalom, một học giả phương Tây, có lẽ những bầu vú trong lịch sử Việt đã bị chèn ép, bị o bế hàng trăm năm nay bởi những định kiến hà khắc của Nho giáo, nên trong mỹ thuật Việt, chúng ta ít được thấy những bộ ngực trần, những bầu vú của phụ nữ. Là người yêu mến nghệ thuật cổ truyền, yêu mến những bầu vú kiệt tác trong lịch sử nghệ thuật Việt, tôi cũng muốn nói to rằng đầu ti Việt không hề nhỏ. Chẳng qua, đôi nhũ hoa đó từ lâu bị che lấp bởi những định kiến khe khắt của Nho giáo khiến chúng ta không được nhìn thấy nó. Bài viết này, người viết muốn chạm đến phần nhạy cảm nhất trên bầu vú của người phụ nữ qua những tác phẩm nghệ thuật cổ xưa của người Việt: đầu ti Tiên nữ.

Tiên nữ cưỡi rồng. Đình Thắng. Thế kỷ 17. Hiện vật Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nguồn ảnh: Trần Trung Hiếu

Quả thật, trong mỹ thuật Việt, những bầu vú trần đã hiếm, đầu ti còn hiếm thấy hơn. Đầu ti hay được gọi tránh là nhũ hoa là bộ phận dễ gợi lên nhục cảm, nhưng đừng quên rằng đầu ti của những cặp vú thiêng liên quan đến dòng sữa mẹ. Trong Ấn Độ giáo, Maya cũng là một hình ảnh thu nhỏ cho nữ thần Lakshmi, và tên của một biểu hiện của Lakshmi, nữ thần của “sự giàu có, thịnh vượng và tình yêu”. Về vị thần này, có một hình ảnh rất ấn tượng, nữ thần đưa hai tay bóp vào bầu vú để dòng sữa bắn vọt ra từ hai đầu ti. Hình ảnh này thật đúng với nhận định của Marilyn Yalom: “Khởi thủy là vú mẹ. Đối với tất cả, trừ một phần nhỏ của lịch sử nhân loại không có gì thay thế được sữa mẹ. Thật vậy, cho đến cuối thế kỷ XIX, khi quá trình thanh trùng làm cho sữa động vật trở nên an toàn, vú mẹ có ý nghĩa sống còn đối với mỗi đứa trẻ sơ sinh. Không có gì đáng ngạc nhiên là tổ tiên tiền sử của chúng ta đã ban tặng cho các tượng nữ thần của mình những bầu vú tuyệt vời”.
Tác phẩm này khiến chúng ta không khỏi liên tưởng đến bức chạm tiên nữ cưỡi rồng ở đình Thắng thế kỷ XVII (hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Đây là hình ảnh rất táo bạo, rất độc đáo, hiếm có trong nghệ thuật người Việt. Nhưng dù nhìn thật kỹ, chúng ta cũng không thấy đầu ti trên bầu vú tròn căng này. Sự biến mất của những đầu ti trong nghệ thuật Việt là một hiện tượng hoàn toàn trái ngược với nghệ thuật Champa. Nghệ thuật thời Trung đại của Đại Việt thiếu vắng những đầu ti – dù là những đầu ti thiêng liêng. Tất cả những tượng Tứ Pháp, Mẹ Mây, Mưa, Sấm, Chớp dù có tạo hình rất nhục cảm, bảo lưu dấu ấn nghệ thuật Ấn Độ giáo, nhưng cũng không thấy các đầu ti, dù là những pho tượng có ngực để trần.

Nữ thần Bhu India, Tamil Nadu Điêu khắc đồng. Thế kỷ 13. Nguồn ảnh: Wikipedia

May thay, trong gia tài mỹ thuật của người Việt thời Trung Đại, ta vẫn còn thấy một vài tác phẩm mang hơi thở dân gian khắc họa chân thực và đầy đủ bầu vú.
Tiên nữ trên bệ Phật chùa Hoa Long

Bệ Phật là một hạng mục quan trọng của nghệ thuật Phật giáo thời Trần may mắn còn sót lại sau 20 năm đô hộ tàn ác của nhà Minh. Trong số hàng chục bệ Phật còn lại đến nay, duy chỉ có bệ Phật ở chùa Hoa Long (Thanh Hoá) có chạm hình các Tiên nữ. Mặt trước của bệ Phật chạm sáu cô tiên nữ đang múa, có thể là điệu múa Giá Chi của Tây Vực. Các cô tiên nữ này xuất phát từ các tiên nữ thiên đình Apsara. Trong Ấn Độ giáo, Apsara là tỳ nữ hầu hạ cho Indra, là vợ của nam thần nhạc công Gandharva. Trong khi Gandharva tấu nhạc thì Apsara múa hát, mua vui cho các thần linh. Trong Ấn Độ giáo, Tiên ở bậc thấp hơn các vị thần, nhưng là các thị nữ hầu cận cho các vị thần. Theo sử thi Mahabharata, một Apsara được các vị thần gửi đến để mê hoặc, quyến rũ một vị hiền triết đang thực hành khổ hạnh. Đó là nhà hiền triết Viswamitra, nhờ thực hành công phu phương pháp tu khổ hạnh đã tạo ra năng lượng mãnh liệt phi thường, khiến cho cả chính Indra cũng phải run sợ nhưng vì bị một Apsara có tên là Menaka quyến rũ, dùng tình dục để làm mất hết công lực của nhà hiền triết Viswamitra.

Nữ thần Maya. Nguồn: Jean Chevalier – Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Đà Nẵng

Với nhiệm vụ đặc biệt: được Indra cử đến trái đất để dụ dỗ những người tu khổ hạnh, nên các Apsara luôn được miêu tả trong dáng vẻ lả lơi, tư thế rất gợi tình. Khi cô đến gần Viswamitra, thần gió Vayu đã xé quần áo của cô. Nghệ thuật Phật giáo đã thâu nhận hình tượng Apsara của Ấn Độ giáo, nhưng phần nào tiết giảm tính chất gợi tình. Khi Phật giáo theo con đường tơ lụa truyền vào Trung Quốc. Hình tượng Phi Thiên trong Phật giáo Trung Hoa chính là quá trình bản địa hóa rất thành công với vô vàn hình ảnh các tiên nữ thiên đình bay lượn trên các vòm trời ở Phật động Đôn Hoàng (Cam Túc), Mạc Cao (Cam Túc), Long Môn (Hà Nam).

Tiên nữ trên bệ phật chùa Hoa Long Nguồn ảnh: Trần Trung Hiếu

Có thể nói, điểm chung cho trang phục của các Tiên nữ thiên đình là rất thoáng mát. Điểm thú vị trên trang phục Tiên nữ là loại áo ngắn tay, chỉ che phần ngực, lộ phần bụng và eo. Loại áo này có thể là áo lụa mỏng, tạo nhiều nếp gấp mềm mại, nên có thể nhìn thấy rõ hai đầu nhũ hoa nhô lên. Ở một cô tiên khác, các nghệ nhân táo bạo khoe cả lỗ rốn của vũ nữ. Những dải hoa dây mềm mại hoà cùng những đường cong cơ thể và những đường uốn lượn trên trang phục tạo thành một vũ điệu hân hoan, hoà cùng nụ cười xinh xắn trên khuôn mặt trái xoan của các nàng Tiên. Hình dáng cung kính của các cô Tiên nữ phối cùng những cánh sen nổi gồm bốn lớp tạo thành một bông sen lớn trên bệ Phật tạo thành một vũ điệu dâng hoa độc đáo.

Tượng tiên nữ Apsara Ấn Độ Nguồn ảnh của Wikipedia

Tiên nữ trên bia đình Thổ Ngõa

Trong mỹ thuật người Việt, đặc biệt là mỹ thuật ở làng, con rồng của muôn nhà. Nó là con vật quyền uy nhất, linh thiêng nhất nhưng cũng rất nhân từ. Tiên là mẹ, rồng là cha. Hẳn trong ngày vui thắng kiện, đòi lại được đất đai và danh dự, người dân Thổ Ngõa nghĩ đến ân đức tổ tiên mà hồ hởi tạc lên trán bia hình tiên cưỡi rồng. Ngay trước sân đình Thổ Ngõa (Quốc Oai, Hà Nội) có tấm bia ghi lại chuyện dân làng thắng kiện đòi lại được một phần đất đã mất về làng bên. Thú vị là tấm bia này nàng tiên cưỡi rồng phô trần đôi gò bông đảo. Bia được lập ngày 17 tháng 8 năm Thịnh Đức thứ 5 (1657) ngay sau khi dân làng thắng kiện.
Thật rộn ràng khúc hoan ca, bà tiên ngực trần, đang ngồi trên lưng rồng, hai tay dang rộng, đang múa điệu múa mà ta chỉ còn thấy trong các vở tiên múa của các phường rối nước. Càng ngắm càng thấy bà tiên này đẹp quá, một vẻ đẹp ngồn ngộn, đẫy đà và phồn thực. Tại sao xiêm áo để đâu mà ngực trần lộ rõ nhũ hoa, gió sao thổi mạnh thế để váy tốc cao lộ cặp đùi dài và căng tròn như thế. Quả là một tấm bia rất giàu giá trị tư liệu lịch sử về điền địa, pháp luật và đặc biệt còn rất độc đáo về mỹ thuật. So với tấm bia Chiêu Thiền tự tạo lệ bi dựng năm Thịnh Đức 4 (1656) do chúa Trịnh Tráng lập, sau khi đến thăm chùa, thì tấm bia đình Thổ Ngõa muộn hơn một năm. Cùng là hai tấm bia có hình tiên nữ cưỡi rồng khoe đôi gò bông đảo, nhưng ở trên tấm bia chùa Láng, tiên nữ tuy ngực trần nhưng không khắc đầu ti.

Bản rập bia đình Thổ Ngõa

Tiên nữ trên bức Tiên tắm đồ của làng tranh Kim Hoàng

Chúng ta không biết chính xác niên đại của bức tranh Tiên tắm đồ của làng tranh Kim Hoàng, nhưng so sánh với những mảng chạm tắm tiên, chạm Tiên nữ trong điêu khắc đình làng, chúng ta có thể phỏng đoán niên đại muộn nhất của bức hoạ này vào khoảng thế kỷ XVIII. Nhân xem tranh Tiên tắm đồ của dòng tranh dân gian Kim Hoàng do cụ Nguyễn Đăng Khiêm khôi phục, nhà thơ Hoàng Hữu có một bài thơ xuất sắc về những nàng tiên khoả thân. Bài thơ có tên “Mỉm cười trên giấy điệp”. Lưu ý, vào thời điểm sáng tác bài thơ này năm 1981, hình ảnh khoả thân trong tranh vẫn là điều cấm kỵ. Cho nên mặc dù đã được nghệ nhân Nguyễn Đăng Kiêm khôi phục, bức tranh này vì tính chất nhạy cảm của những cặp vú tiên đã không được trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bài thơ có đoạn:

Dường như từ trăng kia các em xuống tắm hồ
Màu ngà ngọc tràn đầy da thịt
Dường như các em nở ra từ nước
Mát tươi tơ ngó ùa lên

Suốt một ngày tay cuốc tay liềm
Giờ khoả nước ngón xoè nõn búp
Trăng loáng chảy ướt ròng khuôn ngực
Chút ngập ngừng cong lẳn sáng bờ vai

Bài thơ “Mỉm cười trên giấy điệp” của Hoàng Hữu có câu: Được thật với chính mình nào phải dễ đâu em?Đúng là: Được thành thật với bản ngã mình, thành thật với di sản văn hóa của dân tộc mình không dễ gì. Bức tranh Tiên tắm đồ là một báu vật di sản mỹ thuật của cha ông. Dẫu vậy, cho đến tận hôm nay vẫn chưa được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhà thơ Hoàng Hữu đã về nơi chín suối, hẳn nếu sống lại, ông vẫn mỉm cười một cách chua chát về số phận bức tranh này. Hồ Xuân Hương đã ví von bầu vú như cái bánh trôi bảy nổi ba chìm với nước non. Hình tượng bánh trôi diễn đạt chính xác thân phận người phụ nữ Việt xưa. Không ai đứng ngoài cảnh ngộ này – dù đó có là Tiên!

Tranh Tiên tắm đồ làng tranh Kim Hoàng

 

Tranh Tiên tắm đồ làng tranh Kim Hoàng Trích đoạn

  Từ lâu, trước khi đọc cuốn sách “Lịch sử vú” của Marilyn Yalom, tôi vẫn nghĩ rằng chuyện đầu ti trong mỹ thuật Việt không hề nhỏ. Nhớ lần được nghe họa sĩ Đức Hòa kề về bức tranh Tiên tắm đồ và bài thơ của Hoàng Hữu từ hơn chục năm trước, lúc đó tôi rất tò mò về bức tranh này. Giờ đây may mắn được xem bản phục chế tranh Tiên tắm đồ từ trong sách Imagerie populaire Vietnamienne của Maurice Durand thuộc “Dự án phục hồi Tranh Kim Hoàng” do nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa thực hiện. Chắc là đã có hàng trăm hàng nghìn bản Tiên nữ tắm đồ đã đến với công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam và bạn bè quốc tế. Dẫu rằng những cô Tiên nữ trong tranh Kim Hoàng khó lòng sánh được những Tiên nữ trong mỹ thuật Phục Hưng, trong nghệ thuật Cổ tích của nước Anh thời kỳ Victoria, thì ta vẫn yêu như tình yêu của một đứa trẻ với bầu vú của người Mẹ. Cũng như mọi đứa trẻ, đầu ti là chuyện lớn, không hề bé tí .

Trần Hậu Yên Thế 

Chú thích:
(1) Marilyn Yalom (2022) Lịch sử vú, NXB Phụ nữ, Hà Nội, tr.38
(2) Thiếu sót lớn về dữ liệu trang phục thời Lý – Trần, ngoài một số mô tả trong chính sử hoặc ghi chép của người nước ngoài, dữ liệu tranh tượng cũng hầu như không còn. Bài thơ “Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính” của Trần Nhân Tông có câu “Giá chi vũ bãi, thí xuân sam” (Múa Giá chi xong, thử tấm áo ngày xuân) cho thấy nhà Trần khi tiếp sứ giả đã cho múa điệu Giá chi vũ.
(3) Dạng trang phục này có thể coi là nguyên mẫu cổ xưa của dạng áo Croptop thịnh hành của nữ giới phương Tây gần đây.
(4) Cũng không biết vì sao, trong tiếng Việt, cái đầu vú bị gọi là ti, là tí, đồng nghĩa với bé, với nhỏ. Tôi cũng hết sức phản đối việc bỏ y dài trong nhiều trường hợp, để thẩm mỹ viết là thẩm mĩ, mỹ thuật thành mĩ thuật. Vì chữ ti trong bóp ti rất khác chữ Ty trong Áp Ty (một chức quan ngày xưa).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Hoa văn kể chuyện năm Rồng

Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam. Hình tượng rồng Việt vì thế hiện diện đa dạng trong mọi mặt đời sống xã hội từ...

Sự ra đời của hình ảnh rồng – tiên trong mỹ thuật

Việt Nam là một đất nước có thể tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc. Trong những truyền thuyết của người Việt chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện Cha Rồng Mẹ Tiên lý giải sự hình...

Gia đình và Bốn mùa

Trong nền văn học – nghệ thuật cổ điển của chúng ta xưa, các tác giả và người thưởng thức luôn có một quan điểm chung là: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” (trong thơ có họa, có...

Tranh cổ động một thời

Những họa sĩ tiền bối như Vũ Văn Thu, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Hữu, Huỳnh Công Nhãn (Huỳnh Phương Đông), Nguyễn Thuận, Phan Thư, Linh Chi, Trịnh Kim Vinh, Văn Hoè, Đình Khang, Thang Trần Phềnh, Võ thành...

Tranh Tết những ngày độc lập

Cứ mỗi lần Tết đến, lại thấy những bức tranh có những màu sắc thô mộc, vui tươi, chân thật và biểu dương được cả một tinh thần dân tộc. Những tranh tết đó có từ lâu rồi, và cứ hàng...

Có thể bạn quan tâm

Văn hóa và phản văn hóa trong đồ họa quảng cáo hiện nay

  Quảng cáo là một trong những chiến lược xúc tiến hỗn hợp marketing quan trọng, một phương tiện giao tiếp với người dùng sản phẩm, dịch vụ. Bao gồm mọi hình thức truyền thông tin trực...

Thông báo về triển lãm mỹ thuật khu vực VIII Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 26 năm 2021

 ...

HƯƠNG VỊ TẾT HÀ NỘI TRONG TRANH TRỊNH LỮ

  Họa sĩ Trịnh Lữ sinh năm 1947, là con thứ chín của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912 -1997). Ông sang Mỹ năm 1987, cách đây hơn 30 năm; hiện, ông vẫn thường xuyên đi – về giữa Mỹ và Việt Nam....

Triển lãm cá nhân: Hội họa Tạ Quang Bạo

Vào lúc 16h00 chiều thứ Tư ngày 20 tháng 12 năm 2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc Triển lãm cá nhân mang tên: “Hội họa Tạ Quang Bạo”. Tạ Quang Bạo sinh năm 1941 tại...

Nguyễn Gia Trí – Với sáng tác tranh trừu tượng

Tác phẩm của Nguyễn Gia Trí về hình tượng thiếu nữ trên tranh sơn mài nổi tiếng ngay từ khi ra đời vào những năm 30 – 40. Thời hoa niên, trên những nẻo đường thực địa, ông tìm về làng quê...