KỶ NIỆM 75 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2-9 (1945-2020): HAI TRIỂN LÃM QUAN TRỌNG NGAY SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

 

I. TRIỂN LÃM VĂN HÓA 1945

Trong những ngày sôi sục khí thế cách mạng, Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam đã khai mạc Triển lãm Văn hoá ngày 7 tháng 10 năm 1945 tại nhà Khai Trí Tiến Đức (nay là số nhà 16 Lê Thái Tổ, Hà Nội). Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn đã trực tiếp trang trí và trưng bày triển lãm này. Triển lãm trưng bày sách báo cách mạng, các tác phẩm mỹ thuật và một số tranh dân gian gồm hai tập trong bộ sưu tập của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, gồm rất nhiều tranh quý và hiếm thấy. Triển lãm Văn hoá thực chất là một cuộc triển lãm mỹ thuật, các hoạ sĩ đã tốt nghiệp hoặc đang học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có mặt ở Hà Nội đã trưng bày khoảng hơn 100 tác phẩm mỹ thuật. Những bức tranh trưng bày trong triển lãm đã được các hoạ sĩ sáng tác từ trước cách mạng, nhiều tác phẩm đã tham gia triển lãm, vì vậy giới mỹ thuật coi đó là triển lãm mỹ thuật đầu tiên sau ngày cách mạng thành công. Trong bài trả lời phỏng vấn nhà văn Nguyễn Đình Thi của phóng viên Nguyễn Thu Thủy về triển lãm này đã viết: “Nhà văn Khái Hưng cũng đến xem triển lãm. Ông kéo tôi đến đứng rất lâu trước bức Bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân và Em Thúy của Trần Văn Cẩn. Khái Hưng ngắm hồi lâu và cứ trầm trồ mãi: Hai phong cách khác nhau và cũng vẫn rất đạt. Quả thực cuộc triển lãm này đã hội tụ nhiều tác phẩm đẹp của các hoạ sĩ từ trước cách mạng như Cô gái Mường của Nguyễn Văn Tỵ, Thuyền khắc gỗ của Đỗ Đức Thuận”.

TÔ NGỌC VÂN – Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ Phủ. 1946. Sơn dầu. Đã bị thất lạc ở Việt Bắc năm 1947

Tạp chí Tiền phong – cơ quan vận động văn hoá mới của Hội Văn hoá Cứu quốc Việt Nam số 2 ngày 1 tháng 12 năm 1945 trong phần tin văn hoá đã viết: “Tuần lễ Văn hoá bắt đầu ngày Chủ nhật 7 tháng 10 năm 1945 bằng lễ Khai mạc phòng Triển lãm Văn hoá… Từ ngày thứ hai, mỗi ngày dành riêng cho một ngành văn hoá: ngành nghề tự do, ngành báo chí, ngành hội hoạ, ngành văn giới và xuất bản, ngành âm nhạc và ngành tôn giáo. Phòng Triển lãm Văn hoá bắt đầu mở cửa từ sáng ngày 7 tháng 10 năm 1945, ngày đầu trong Tuần lễ Văn hoá. Đến dự khai mạc có Hồ Chủ tịch, ông cố vấn Vĩnh Thụy, các ông bộ trưởng và nhiều quan khách. Trong phòng triển lãm, người ta thấy trưng bày những tác phẩm văn học, xuất bản công khai trong mấy năm gần đây, nhiều tài liệu về nền văn học cách mạng ở nước ta, nhiều sách, báo, tranh, ảnh, truyền đơn, biểu ngữ… in và lưu hành trong nhân dân thời kỳ bí mật, và những tác phẩm hội hoạ, điêu khắc của những nghệ sĩ đã được nhiều người biết tiếng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Triển lãm Văn hóa. Ảnh tư liệu của gia đình họa sĩ Lê Thị Lựu gửi tặng Tạp chí Mỹ thuật năm 1995

Báo Cứu quốc – cơ quan tuyên truyền tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh số ra ngày 8 tháng 10 năm 1945 đã ghi lại lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi khai mạc phòng triển lãm: “… Những bức tranh này tỏ ra các nghệ sĩ của ta lâu nay đều đã cố gắng tìm một con đường đi. Nhưng tiếc một điều là không muốn đi dưới đất mà lại muốn vút lên trời: Chất thơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít… Thật là một thế giới thần tiên! Nhưng tôi nhớ mường tượng như Lỗ Tấn, nhà cách mạng văn hoá Trung Hoa đã nói ở đâu đó một câu đại ý thế này: Người trần lên tiên cũng sướng thật. Nhưng nhìn thấy mãi cái đẹp không thay đổi rồi cũng thấy chán nản, nhạt nhoè và mới biết rằng, muốn tìm thấy sự thay đổi, sự ham mê thật phải trở về với cuộc sinh hoạt thực tại của con người… Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cũng phải chú ý đến, cũng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá nhưng văn hoá là một kiến trúc thượng tầng…”
Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trong cuộc khai mạc là bài học đầu tiên mà giới mỹ thuật Việt Nam nồng nhiệt tiếp nhận. Những ý kiến của Bác đã giúp cho các họa sĩ chuyển biến về nhận thức và đã có những sáng tác bám sát cuộc chiến đấu của dân tộc sau này. Có thể coi Triển lãm Văn hoá là triển lãm trưng bày các tác phẩm mỹ thuật của các hoạ sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lần đầu tiên được bày trong chế độ Dân chủ Cộng hoà.

Trần Khánh Chương 
(Rút từ cuốn “Mỹ thuật Hà Nội thế kỷ XX”, Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2012)

 

II. TRIỂN LÃM MỸ THUẬT TOÀN QUỐC 1946

Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc  đầu tiên được tổ chức long trọng tại Nhà hát lớn Hà Nội năm 1946 (khai mạc ngày 18/8, còn gọi là Triển lãm Mỹ thuật Tháng Tám-TCMT) – đã tập hợp đông đảo họa sĩ yêu nước – cùng với những tác phẩm đủ loại: lụa, sơn mài, sơn dầu, bột màu, thuốc nước, khắc gỗ – phần lớn thể hiện đề tài mới về cuộc sống – con người Việt Nam đương thời – đang rực rỡ khí thế đấu tranh chống thực dân, ủng hộ cách mạng: những đoàn người rầm rộ biểu tình hô khẩu hiệu “Nước Việt Nam của người Việt Nam!”; những phố phường đỏ rực cờ Việt Minh; những chiến sĩ, tự vệ Hà Nội đội mũ ca-lô sao vàng, vai vác súng; những nữ sinh áo trắng đi quyên tiền ủng hộ Tuần lễ vàng; những lớp học bình dân học vụ, chống giặc dốt; những cánh đồng xôn xao vụ cấy… chống giặc đói. Tất cả những tác phẩm ấy đã thể hiện một tính tuyên truyền cao đến mức “tuyên truyền đã trở thành nghệ thuật”.
Trước cuộc đời mới đầy triển vọng tương lai, nguồn cảm hứng của người nghệ sĩ cũng được giải phóng khỏi cảnh tối tăm nô lệ. Từ những nhân vật phụ nữ lao động lam lũ nhọc nhằn, gồng gánh, bốc vác trên bãi cát sông Hồng thể hiện với hòa sắc xám vàng xưa kia, hai cô thợ cấy xứ Đoài trong tác phẩm lụa Xuống đồng của Trần Văn Cẩn, ngày Độc lập đã có áo váy mới nâu non và yếm đỏ tươi như cùng hát lên reo vui với màu xanh lá mạ trong những thửa ruộng chạy xa tít tắp đến chân trời, sáng chói một vệt điệp trắng trên nền nái ngà ngà. Đó cũng là hòa sắc và chất liệu chưa từng có ở Việt Nam thời ấy trên tranh lụa. Người xem còn có cảm giác mới về những thiếu nữ Hà Nội yểu điệu thướt tha, tà áo vàng tươi màu lan hoàng thảo tung bay trước gió trong những cảnh sinh hoạt vui vẻ tưng bừng những ngày mùa thu Tháng Tám của Nguyễn Tiến Chung.
Sơn mài của Tạ Tỵ đạt đến trình độ kỹ thuật tinh vi: trên cái nền son sâu thăm thẳm của một không gian màu đỏ lóe lên lốm đốm những chòm pháo bông rực rỡ trong đêm hội hoa đăng. Một sơ đồ hình nét thể hiện nửa trên một thiếu nữ, chỉ nhìn thấy một mắt, và cái miệng tượng trưng bằng nụ hoa vàng năm cánh. Tranh cho hiệu quả tâm lý cực kỳ mạnh mẽ, làm rộn rực trái tim nhiều người đang sống và chiến đấu trong những ngày cách mạng trọng đại của lịch sử. Ở lĩnh vực tâm lý này, có lẽ chủ nghĩa tượng trưng trừu tượng có chỗ dụng võ đắc địa nhất, đến mức hội đồng giám khảo – hầu hết là những họa sĩ hiện thực – đã nhất trí tặng giải  thưởng cao cho tác giả Đêm hoa đăng Tạ Tỵ.
TẠ TỴ – Đêm hoa đăng. 1946. Sơn mài. Tư liệu của Tạ Tỵ
Tranh Em bé với lồng chim của Mai Văn Hiến thể hiện bằng những ngọn bút to quyện bột màu sánh đặc, day trên nền giấy thành những chất mịn xốp, cho người xem cảm giác vui tươi, ấm áp ở cái áo đỏ một em bé với khuôn mặt hồng hồng có đôi mắt tròn đen lánh. Lớp Bình dân học vụ của Dương Bích Liên êm đềm mà ngộ nghĩnh với những cô gái nông thôn buổi đầu học chữ, chăm chỉ cần cù nằm bò ra đất để tập viết. Phan Thông vẽ một em bé gái tóc chấm ngang vai, cầm chiếc quạt giấy phất cậy tím, đằng sau là vườn rợp xanh tươi lốm đốm ánh nắng với những nét bút mập mạp trẻ trung phơi phới yêu đời. Nguyễn Văn Tỵ với bức sơn mài Chợ Bờ non nước hùng vĩ, Nguyễn Khang với bức sơn mài Đi chợ ngày tết có các nhân vật miền núi, áo quần màu sắc rực rỡ dắt theo mấy con ngựa thồ hàng…
Vũ Dương Cư đã có một thời siêu thực với ý định xây dựng riêng cho mình một cõi u minh. Những tranh Bãi tha ma, Vườn sương, Đêm trăng là những điểm tượng trưng cao nhất và cũng chán nản, bế tắc nhất của họa sĩ. Những chấm xanh, đỏ ma quái dù có làm được lạ mắt những người hiếu kỳ nhưng rồi cũng không ai tìm hiểu nữa. Năm 1946 này, ông đã vẽ tranh lịch sử Đinh Bộ Lĩnh với trí tưởng tượng dồi dào, rực rỡ thể hiện những trẻ mục đồng cưỡi trâu giả ngựa, phất cờ lau, rất ngộ nghĩnh, dí dỏm. Tranh Cảnh bên sông không thực, nhưng đẹp – hình khỏa thân trên nền vàng thư. Ở Vũ Dương Cư, người ta thấy một niềm ao ước sống khác hơn sự thực hiện tại.
Bằng bút pháp gân guốc, Phan Kế An diễn một xúc cảm mạnh trong Cơn giông trên thành cổ Thanh Hóa với hàng cây cằn cỗi, xương xẩu, quằn quại nhưng vẫn đứng vững trước cơn gió dữ, giữa nền mây xám cuồn cuộn không ngừng đùn lên từ dưới chân trời đen kịt. Nhà văn Nguyên Hồng – tác giả tiểu thuyết “Bỉ vỏ” nổi tiếng đương thời, xem tranh thú quá đã gài vào góc khung mảnh giấy nhỏ viết mấy chữ: “Tôi rất thích bức tranh này”. Cách thưởng tranh bồng bột, vô tư như thế người ta mới thấy lần đầu tiên ở thời cách mạng thành công.
Từ một họa sĩ mà nguồn cảm hứng chủ yếu là các thiếu nữ Hà Nội, những phong cảnh sinh hoạt nông thôn bình lặng với chòm tre, giếng nước trữ tình, Lương Xuân Nhị đột ngột sáng tác một bức lụa cực kỳ dữ dội với khối lửa đỏ bốc lên rừng rực trong Cây đuốc sống Lê Văn Tám, thể hiện tấm gương xả thân vì nước của một thiếu niên Nam Bộ bình thường đã lấy thân mình tẩm dầu đốt cháy kho xăng địch.
PHẠM ĐĂNG TRÍ – Người suỗi bạc. 1945. Bột màu trên giấy dó. Sưu tập của gia đình tác giả tại Huế
Từ một họa sĩ thường quan niệm rằng “không có thứ nghệ thuật nào lại không có sự nhục cảm”, Tô Ngọc Vân đã để nửa cuộc đời sung sức hưng phấn nhất của mình đi tìm những đường cong uốn lượn, những hình thể sáng lòa màu sắc của người phụ nữ, sáng tác những bức sơn dầu lộng lẫy đầy hấp dẫn, bỗng nhiên bước sang một phong cách khác hẳn trong bức Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ Phủ: giản dị, trang nghiêm mà vẫn không kém phần tráng lệ huy hoàng. Đó là tranh chân dung sơn dầu đẹp nhất của Tô Ngọc Vân sáng tác trong thời kỳ bắt đầu nền hội họa quốc gia Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trước khi đi dự hội nghị Fontainebleau ít ngày – dù bận chuẩn bị cho chuyến công tác ngoại giao quan trọng, Bác Hồ vẫn tranh thủ vừa làm việc vừa ngồi mẫu cho Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung vẽ và Nguyễn Thị Kim nặn tượng. Tô Ngọc Vân đã thể hiện chân dung toàn thân Bác thành công hoàn hảo về mọi mặt. Ông bố cục hình Bác khoan thai và đĩnh đạc choán cả diện tích nền tranh, mái đầu hoa râm hơi nghiêng theo dòng chữ viết, bộ râu thưa nổi êm trên cái áo vét-tông ka-ki vàng, rực lên trước làn ánh sáng tạt ngang. Toàn cảnh với đồ đạc, áo quần mộc mạc đơn sơ, được kích thích mạnh mẽ bởi cái lọ mực thủy tinh xanh chói lên màu cobalt dã thú; và đôi giày vải Cao Bằng, chiếc thấp chiếc cao nghiêng ngả theo đôi chân vắt chéo, phản chiếu vào bên thành cái bàn tủ bóng lộn màu acajou một ánh lam làm hiện lên một không khí yên tĩnh, trang nghiêm mà vô cùng sinh động.
Tô Ngọc Vân còn trưng bày bức sơn mài đầu tiên của ông thể hiện cô gái một mình nằm trong bóng tối với các màu cổ truyền sâu thẳm, nhẵn bóng và mát rợi. Phạm Đăng Trí có tranh bột màu trên giấy dó Người suối bạc – ảnh hưởng Matisse ở các hình hoa lá trang trí màu tươi trên áo dài một thiếu nữ. Nguyễn Văn Bình gửi từ Huế ra dự triển lãm bức sơn dầu Tự vệ Huế thể hiện hai thanh niên nam, nữ mặc quân phục, đội ca-lô sao vàng…
Nhiều họa sĩ trẻ mới tốt nghiệp hoặc còn chưa học xong Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có tranh trưng bày ngày ấy đã tỏ rõ cốt cách bậc thầy, mà chỉ ít năm sau họ sẽ trở thành các họa sĩ nổi tiếng và có những người sẽ lãnh đạo phong trào hội họa toàn quốc thời hòa bình lập lại. Qua triển lãm, Nguyễn Văn Tỵ đã đánh giá khá sâu sắc về tài nghệ của nhiều họa sĩ đương thời. Ông đã phân họ thành từng nhóm với khuynh hướng khác nhau, phân tích những động lực thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật trong tương lai… Rõ ràng chỉ trong vòng 20 năm, Việt Nam đã có một nền hội họa trưởng thành, vững mạnh. Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc Tháng Tám 1946 thực chất là cuộc chuyển giao nền hội họa hiện thực lãng mạn Việt Nam thời Pháp thuộc sang Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – coi như là một cống hiến của các họa sĩ dâng lên Tổ quốc.
Quang Phòng 
(Rút từ cuốn “Nghệ thuật hiện đại Việt Nam”, Nhà xuất bản Mỹ thuật, 1996)

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Khát vọng người Đất tổ Hùng Vương trong hội hoạ, điêu khắc

Chiều 6/5, tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền (Hà Nội) đã diễn ra khai mạc triển lãm với chủ đề  “Khát” của họa sỹ Nguyễn Thành Việt và nhà điêu khắc Triệu Tiến Công – hai...

Họa sĩ Nguyễn Linh tổ chức triển lãm”Nguyễn Linh 6″ tại TP. HCM

Ngày 5/5/2024, triển lãm Nguyễn Linh 6 của hoạ sĩ Nguyễn Linh đã khai mạc tại An Gallery, 159 Đồng Khởi, Quận 1, đánh dấu cột mốc lần đầu tiên trong sự nghiệp ông chính thức ra mắt những đứa con...

Trình chiếu bức tranh 3D về Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Tượng đài Cảm tử Hà Nội

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chương trình trình chiếu bức tranh Điện Biên Phủ bằng công...

Khai mạc triển lãm “Hoạ sĩ Lê Huy Toàn – Ký ức Điện Biên” tại Hà Nội

Hòa cùng không khí cả nước kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2024), hôm nay ngày 4-5-2024 tại Phòng tranh Aqua Art – 44 Yên Phụ, Hà Nội, Quỹ hỗ trợ Bảo tồn di sản văn...

Khai mạc trại sáng tác Gốm Sắc Hạ 2024

Sáng 03/5, tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, Bát Tràng đã diễn ra lễ khai mạc trại sáng tác gốm Sắc Hạ 2024 của các nghệ sĩ đến từ Câu lạc bộ Gốm nghệ thuật – Hội Mỹ thuật Việt Nam....

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

NHỮNG KHÁI NIỆM CĂN BẢN CỦA NGHỆ THUẬT THỊ GIÁC ĐƯƠNG ĐẠI

  Lời dẫn: Cuối thế kỷ 20, chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) đã ảnh hưởng bao trùm lên tư tưởng sáng tạo của rất nhiều nghệ sĩ đương đại. Sự ra đời của hàng loạt các khái...

SÁNG TẠO: CÁC TỰ SỰ CỦA NHỮNG BÁC HỌC LỚN

  (Tiếp theo Tạp chí Mỹ thuật số 339&340 tháng 3-4/2021) Các nhà bác học lớn là những người đã có những sáng tạo mà ai cũng công nhận. Sao không hỏi họ ? Vấn đề khó ở đây là không...

30 NĂM NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM: NGỘ NHẬN VÀ CƠ HỘI

  Có nhiều quan điểm khác nhau (thậm chí mâu thuẫn) về lịch sử và lịch đại của nghệ thuật thuật đương đại Việt Nam, từ sau Đổi mới (1986) đến nay, sau gần 30 năm, vẫn chưa có tiếng...

ĐI VẼ Ở CHIẾN DỊCH ĐẮC TÔ, TÂN CẢNH, MÙA HÈ ĐỎ LỬA 1972

  Năm 1969, tôi vào công tác ở Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Trung Trung bộ. Sau Tết Nhâm Tý 1972 ở vùng căn cứ Nước Ngheo (nay là xã Trà Ka, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), tôi và nhà văn Nay Nô khoác...

Bình yên trong màu sắc thiên nhiên

Triển lãm cá nhân của họa sĩ Hùng Rô (tên thật Nguyễn Mạnh Hùng) chủ đề “Thiên nhiên – Câu chuyện tình yêu”, diễn ra từ nay đến ngày 1-10, tại J Art Space (30 đường số 10, phường Thảo...