DIỆN MẠO THỰC TRANH SƠN MÀI NGUYỄN GIA TRÍ

 

Đối với người Việt Nam, hai từ sơn mài dù là ở dạng mỹ nghệ hay những tác phẩm hội họa không hề xa lạ mà luôn thấm đẫm tinh thần xưa cũ trí tuệ từ bàn tay nghệ nhân đến xúc cảm trong tâm hồn nghệ sĩ. Lần giở từng trang sử mới thấy hiện hữu của sơn ta xưa kia, sơn mài ngày nay thật kỳ lạ phong phú trải dài hàng ngàn năm, thật khó có chất liệu nào sánh kịp.

Từ những công cụ bằng sơn ta và được phủ sơn như mái chèo, cán giáo, mảnh da tìm thấy trong lòng thuyền, những ngôi mộ cổ là minh chứng có mặt của chất liệu sơn ta nguyên thủy đến những năm đầu thế kỷ 17 kỹ thuật dùng sơn thếp vàng thếp bạc tạo hiệu quả làm cho sơn mài ngày càng rực rỡ trên những thân tượng Phật, Hoàng hậu, Cung phi thời Lê Trung hưng.

Các nghệ nhân Việt đã nhanh chóng tìm cho sơn ta một ngôn ngữ độc đáo từ những gì dùng đến sơn sống (nhựa cây sơn), để chế biến ra loại sơn then (sơn có màu đen, sơn cánh gián, có màu nâu giống cánh con gián) sử dụng vào việc trang trí hoành phi câu đối, các đồ thờ mâm bồng, ống hương, đài nến… đó là những mặt hàng mỹ nghệ có truyền thống lâu đời đều gọi chung là sơn ta để phân biệt với sơn tây đóng hộp sản xuất theo quy mô công nghiệp.

Ý nghĩa của từ sơn mài nói lên một động tác của nghề sơn, tức động tác mài, mài nhiều lần trên bề mặt sơn để hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật. Điều kỳ diệu của nghề sơn với động tác mài đã kéo Nguyễn Gia Trí ra khỏi khóa IV trường Mỹ thuật Đông Dương, tạm biệt bạn Trần Quang Trân ở năm thứ 2, để rồi đến khóa VII lại tiếp tục vào học cùng Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Sìn. Mặc dù nắm vững kỹ thuật sơn dầu châu Âu, Nguyễn Gia Trí lại hướng vào chất liệu dân tộc sơn ta. Khoảng cách bỏ dở không học giữa khóa IV – VII đã quyết định vận mệnh sự nghiệp của Nguyễn Gia Trí. Ông đóng cửa tuyệt giao bạn bè đến nỗi phóng viên các báo Ngày nay, Indochine, Volonté Indochine phải lên tiếng: “Chúng ta đến thăm Trí đi, anh ta vẽ bằng than hàng năm trời rồi. Nhà thơ Huy Cận kể rõ ràng hơn khi nhắc đến người đóng cửa tuyệt giao bạn bè này khi gặp nhau ở xưởng họa Quần Ngựa, Hà Nội”.

NGUYỄN GIA TRÍ – Thiếu nữ bên Hồ Gươm. Mực sơn ta trên giấy. Phác thảo trên giấy cho bức sơn mài cùng tên

“Anh mang kính cận rất nặng, hàm răng rất khỏe, rất trắng, đầu húi cua có dáng như một lực sĩ, hai bắp tay gân guốc, mài tranh không hề biết mỏi, có lúc anh vừa nói chuyện với chúng tôi, tay vừa mài tranh sơn ngâm trong bể nước. Anh mài say sưa rõ ràng mài nhưng không phải là động tác cơ khí mà là đầy sáng tạo. Vừa mài anh, vừa cười vui giải thích về cái nghề mài tranh độc đáo này.”

Sau này, người bạn cùng khóa Trần Văn Cẩn trò chuyện với chúng tôi, gọi Nguyễn Gia Trí là người có “bàn tay ma thuật”.

***

Bảo tàng Mỹ thuật khai mạc ngày 26/6/1966, sau ngày thành lập Viện Mỹ thuật bốn năm. Bốn năm chuẩn bị cho việc thành lập một bảo tàng, nhưng với các nhà nghiên cứu tại Viện, bốn năm đó là tháng ngày căng thẳng nhưng hạnh phúc vì họ đã chứng nghiệm được nhiều điều về nền nghệ thuật cổ đại hiện đại Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của Viện trưởng Nguyễn Đỗ Cung muốn từng cộng sự phải tìm đến cội nguồn của nghệ thuật, những giá trị trường tồn trong lịch sử, trong đó có Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945) nơi hội tụ những thế hệ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam, tác phẩm của họ cũng lần đầu tiên được hiện diện trước công chúng mà ngày nay họ đã trở thành họa gia của một thời quá vãng: Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh và nhiều cột trụ khác.

Ở bài viết này cho phép tôi được nói về Nguyễn Gia Trí, tác giả của nhiều tranh được nhắc đến qua nhiều thời kỳ lịch sử.

Thời cận đại nhờ có các hội SADEAI (Hội Khuyến khích mỹ thuật – mỹ nghệ) thời kỳ Victor Tardieu 1935-1938, Hội FARTA (Foyer l’Art Annamite  – Trung tâm Nghệ thuật Việt Nam), Hiệp hội Nghệ sĩ Đông Dương thời Jonchère 1939-1944.

Thường xuyên tổ chức tranh cho các họa sĩ Đông Dương nên qua đó biết được phong cách tài năng của các họa sĩ đương thời.

NGUYỄN GIA TRÍ – Lùm tre nông thôn. 1936. Sơn mài. 80x56cm

Nhắc lại ngày khai mạc Bảo tàng Mỹ thuật 26/6/1966 phòng Cận đại (1930-1945) đẹp lộng lẫy, cuốn hút người xem bởi những tác phẩm một thời danh tiếng. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí có 3 tác phẩm sơn mài sáng tác ở đỉnh cao sau 6-7 năm tuyệt giao bạn bè: “Lùm tre nông thôn”,1936; sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật, mua của ông Nguyễn Xuân Kế tháng 5/1964 giá 300đ; hai tranh tuyệt đẹp mượn của ông Đức Minh, nhà sưu tập duy nhất ở Hà Nội thời ấy: “Thiếu nữ bên cây phù dung”, 1944 và “Thiếu nữ bên bờ suối”, 1940.

Bức “Lùm tre nông thôn” có mặt tại triển lãm của SADEAI năm thứ hai (1936), hiện tượng Nguyễn Gia Trí và Lê Phổ tại triển lãm lần này đáng được ghi nhận. Hà Nội báo số 50 ngày 16/12/1936 đánh giá: “Bức bình phong của Lê Phổ là tác phẩm của một bậc thầy. Những vết bạc vàng óng ánh một cách hoàn toàn điêu luyện”. Thạch Lam trên báo Ngày nay số 38 ngày 13/12/1936 dành cho Nguyễn Gia Trí lời tụng ca: “… Và chắc không ai cho chúng tôi tư vị khi nói đến biệt tài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Tác phẩm “Hai thiếu nữ”; “Một buổi chiều” của họa sĩ cho ta yêu mến những đường nét uyển chuyển, cao quý, những màu thanh đạm mà phong phú trên tranh phong cảnh, một ý chí tìm tòi rất đáng khen.

Mùa xuân năm 1939, Hiệp hội Nghệ sĩ Đông Dương đã tổ chức triển lãm tại trường Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Gia Trí công bố tác phẩm sơn mài kết quả của 6-7 năm tìm tòi, đúc kết nhiều thí nghiệm của Mai Trung Thứ qua Lê Phổ đến Phạm Hậu. Thí nghiệm của ông là kết tinh tài năng, ý tưởng tình cảm của nghệ sĩ.“… Bởi tác phẩm Nguyễn Gia Trí là tâm trạng của người tạo ra nó, nó cũng dồi dào kinh động phức tạp, vì biến theo tâm trạng. Không một khuôn khổ, xếp đặt nào có thể ngừng nó lại. Bốn bức bình phong trong phòng triển lãm, bốn lối bố cục, bốn cách dùng màu nhân vật đặt trong những hoàn cảnh đặc biệt chỗ thực chỗ hư những cô gái quê giấu kín thân hình trong đụn áo luộm thuộm xù xì ở tranh Đình làng vào đám với sự thực ngộ nghĩnh buồn cười. Những bóng ma hình người dáng điệu nhẹ nhàng khêu gợi hiện lên trên tấm bình phong vàng kệch ở thế giới nào đưa lại với tất cả vẻ thơ của một giấc mộng đẹp”. (Theo Tô Tử ‘Tô Ngọc Vân’ – Báo Ngày Nay, số 146 ngày 21/1/1939).

NGUYỄN GIA TRÍ – Thiếu nữ trong vườn. 1938. Sơn mài. Sưu tập Bùi Quang Ngọc

Đó cũng là lần đầu tiên hiệu quả của sơn mài đã củng cố thêm bút pháp nghệ sĩ. Từ tranh “Lùm tre nông thôn”, 1936 Nguyễn Gia Trí nghiên cứu kỹ cách vẽ sơn mài truyền thống, tỉa lá tre tỷ mẩn, vàng óng, đung đưa bên bờ ao cạnh những tàu lá chuối. Dưới ao một con thuyền nhẹ nhàng trôi trong không gian tĩnh lặng. Cảm thấy không phù hợp với bàn tay hăng hái của mình Nguyễn Gia Trí không quay lại lối vẽ này nữa. Cũng may đây là tác phẩm trên một cánh cửa tủ, chất mỹ nghệ là chính. Tô Ngọc Vân nhận xét:  “Đến cuộc thí nghiệm của Nguyễn Gia Trí lối sơn không còn là một mỹ nghệ nữa”.

Triển lãm lần thứ 4 của SADEAI kết thúc vào năm 1939 đồng thời cũng kết thúc luôn ảnh hưởng của Tardieu. Hai tổ chức khác lập tức được thay thế để gây ảnh hưởng đến các nghệ sĩ đó là FARTA và Hiệp hội nghệ sĩ Đông Dương. Đây cũng là thời kỳ ông Tardieu đã qua đời năm 1937. Sự ra đời của hai tổ chức này đã dẫn dắt sơn mài thời cận đại đi vào hướng thị trường, cụ thể triển lãm của Hiệp hội nghệ sĩ Đông Dương tổ chức tại trường Mỹ thuật Đông Dương 1939 đã gây tiếng vang lớn kết quả rực rỡ, toàn quyền Brévier đã ký ngay một nghị định ngày 9/2/1939 chính thức công nhận Hiệp hội với những cuộc triển lãm tại Sài Gòn có 22 tấm bình phong sơn mài đã bán được và Hiệp hội cũng gửi một số tranh đi triển lãm tại San Francisco vào năm 1939.

Sự phát triển sơn mài giai đoạn 1936 – 1939 thời kỳ Tardieu là một thực tế tất yếu. Các họa sĩ muốn lưu truyền một nền nghệ thuật truyền thống, bấy lâu chỉ nằm gọn trong khái niệm mỹ nghệ. Những thí nghiệm từ Trần Quang Trân (Ngym) đến Lê Phổ, Phạm Hậu, Nguyễn Khang và sau này là Nguyễn Gia Trí đã nâng cao hiệu quả của sơn mài. Và cũng từ giai đoạn tiếp theo 1940-1945 là một ngã rẽ quan trọng của những nghệ sĩ đã đặt bước chân đầu tiên vào tháp ngà nghệ thuật: Hội họa sơn mài. “… chất liệu này đã thu hút nhiều họa sĩ bởi vẻ đẹp rung lên từ nhịp điệu thẩm mỹ xa xưa: Màu then sâu thăm thẳm màu cánh gián lung linh màu son đỏ chói. Ánh vàng lá bạc lá lấp lánh khác hẳn cái cảm xúc rung lên từ chất sơn dầu của Âu tây hiện đại…” (Lê Quốc Lộc – Tự bạch 1986)

Triển lãm đầu tiên của giai đoạn 1940-1945 thời kỳ đầu của Jonchère từ ngày 20 đến 28/12/1940 tại trường Mỹ thuật do Hiệp hội các nghệ sĩ Đông Dương tổ chức, góp mặt nhiều họa sĩ tên tuổi: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Hoàng Tích Chù, Phạm Hậu, Nguyễn Văn Tỵ, Lê Quốc Lộc, phần lớn là tranh sơn mài, duy nhất Tô Ngọc Vân đóng góp nhiều tranh sơn dầu một số còn lại đến nay: “Thiếu nữ bên hoa sen”; “Thiếu nữ bên tràng kỷ”; “Hai thiếu nữ và em bé”; “Thiếu nữ bên hoa loa kèn”… Tô Ngọc Vân khẳng định “Cái đẹp trong tranh không phải là cái đẹp ngoài đời”, quan niệm nghệ thuật là một phương tiện diễn đạt cảm giác mạnh mẽ chứ không phải là một sự nghiên cứu để hoàn mỹ những hình thức lý tưởng của cái đẹp, ông theo khuynh hướng duy sắc. Quan niệm này phần nào ảnh hưởng đến Nguyễn Gia Trí trong trút bỏ đề tài thiên nhiên mà đi sâu vào chủ đề người thiếu nữ với vẻ đẹp ẻo lả dịu dàng với kỹ thuật dùng vỏ trứng điêu luyện. Tác phẩm “Thiếu nữ bên cây phù dung” 1944 gợi lên chất huyền ảo thơ mộng giữa các cô gái bên cây phù dung đang độ nở hoa, không khí một cuộc vui chơi nhàn tản, tưng bừng tuổi trẻ.

NGUYỄN GIA TRÍ – Thiếu nữ trong vườn (mặt trước). Dọc mùng (mặt sau). 1939. Sơn mài. 159x400cm. Bảo vật Quốc gia

“Thiếu nữ bên bờ suối” (1943) các cô gái bước vào một thế giới thần tiên xa lạ. Giữa tranh một cô gái khỏa thân đang tắm, bên cạnh là mấy cô gái ngồi trên mỏm đá, một cô nằm ngủ. Phía sau là những thiếu nữ trong bộ áo dài thướt tha. Một không khí huyền ảo với những nét vẽ xao động run rẩy bay bướm. Lúc lượn lờ yên ả, lúc dào dạt bâng khuâng, khó tả. Toàn bộ tác phẩm gây cho người xem một ấn tượng một ảo giác dễ chịu ở một thế giới tiên cảnh phù du. Đây là tác phẩm đỉnh cao Nguyễn Gia Trí giúp ông vượt qua mọi suy tư dằn vặt về một chất liệu nghệ thuật. Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung nhận định: “Đây là một cuộc lộng vũ, có chừng mực của Trí”.

Tác giả người Pháp Claude Mahoudot thường ký CLM trên tạp chí Indochine năm 1943. Trong bài Salon Unique 1943 CLM đã viết “Những thiếu nữ mềm mại duyên dáng trong những chuyển động của riêng Gia Trí của riêng mỹ thuật Việt Nam”.

Rất nhiều tranh khác của Nguyễn Gia Trí tương tự như vậy “Thiếu nữ bên Hồ Gươm”; “Thiếu nữ trong vườn” (Bảo vật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam); “Thiếu nữ bên gốc cây bồ đề”.

“Muốn hiểu Gia Trí bằng con mắt thường không được. Thấy mặt những người đàn bà họa trên nhiều bức bình phong rạn mảnh vỏ trứng hay xây xát vàng son, ta đừng nghĩ đến khuôn mặt bằng xương thịt. Những màu hoen hoen ấy đứng cạnh nhau cân đối dung hòa một cách tuyệt khéo đem lại cho ta biết hưởng những cảm giác bồn chồn rạo rực hương sắc quyến rũ của mỹ nhân…”. Tô Ngọc Vân – Nguyễn Gia Trí và sơn ta, Báo Ngày nay số 146, 21/1/1939.

Nguyễn Gia Trí là một họa sĩ cực kỳ hạnh phúc khi can đảm dấn thân trên con đường cô đơn tìm về bản ngã tìm đến một nền nghệ thuật đích thực bằng một ngôn ngữ truyền thống đích thực Sơn ta.

Những trải nghiệm trên nghịch lý “dân tộc – hiện đại” của ông khi lao tâm khổ tứ, khi tuyệt giao bạn bè lại may mắn có những người bạn kề bên – Những nhà phê bình nghệ thuật sắc sảo tài năng – Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Nhất Linh, Thạch Lam, CLM… đã định vị tên tuổi Nguyễn Gia Trí tạo một diện mạo đích thức của sơn mài Việt Nam tiếp xúc với phương Tây.

Xin cho phép tôi được chia sẻ một nhận định: Diện mạo thực sơn mài của Nguyễn Gia Trí chính là giai đoạn lịch sử 1939-1944. Thời gian của sơn mài Việt Nam cất cánh.

Nguyễn Hải Yến 

 

Tin cùng chuyên mục

Hoạ sĩ Thái Tĩnh trong sắc thu vĩnh cửu

Lắng đọng trong tâm khảm mỗi người nghệ sĩ, khi nắm bắt được ý tưởng trong sáng tạo nghệ thuật với sự chuyển hóa của mùa luôn mang sắc thái rất riêng và rất đẹp. Ý niệm đã sẵn có...

Hội Mỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028

Sáng 10/9, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Hội Mỹ thuật Hải Phòng đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028. Tham dự và chúc mừng Đại hội có họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ...

Khai mạc triển lãm tranh “Sắc màu Non nước Cao Bằng”

NDO – Sáng 6/9, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng đã phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Thông tin Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Sắc màu Non...

Triển lãm các tác phẩm nghệ thuật từ Đông Dương đến đương đại mang tên “Sắc màu thời gian”

NDO – Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9 và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Câu lạc bộ Sưu tập nghệ thuật Ngọc Hà, thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức triển lãm các tác phẩm...

“Làng nghệ thuật Việt Nam” nơi lan tỏa các giá trị văn hóa nghệ thuật đậm đà bản sắc Việt Nam

Nhằm đánh dấu và cụ thể hóa những thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Hội Mỹ thuật Việt Nam và Công ty CP Khoáng nóng Thanh Thủy, sáng 30/8, tại Tổ hợp nghỉ dưỡng khoáng nóng Lynn Times Thanh...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Màu sắc hòa quyện giữa hai nền văn hóa vùng cao

Hôm nay, tại trung tâm phồn hoa đất Hà Thành, triển lãm “Câu chuyện vùng cao” của hai họa sĩ Hướng Tâm Đường và Trần Nguyên Thế đã mang đến cho công chúng thủ đô được sống trong...

ĐỖ QUANG EM – BẬC THẦY HỘI HỌA TẢ THỰC VIỆT NAM

  Chiêm ngưỡng suy tư những tác phẩm hội họa của họa sĩ Đỗ Quang Em – có một số nhà phê bình, họa sĩ cho rằng ông là họa sĩ vẽ theo khuynh hướng Hyperrealism (Chủ nghĩa Cực thực). Tôi...

“Sắc màu” trong mắt trẻ

NDO – Với nét vẽ hồn nhiên, trong trẻo, các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm “Sắc màu” thể hiện suy nghĩ và ước mơ của các em thiếu nhi về cuộc sống tươi đẹp. “Sắc màu”...

VŨ CAO ĐÀM – NGHỆ THUẬT TỪ ĐÔNG SANG TÂY

  Vũ Cao Đàm sinh ngày 8 tháng 1 năm 1908, cha là Vũ Đình Thi và mẹ Phạm Thị Cúc. Ông là con thứ năm trong 14 người con. Quê quán gia đình vốn ở thôn Trình Xuyên (ngày nay là xã Liên Bảo) huyện Vụ...

Bộ sưu tập tranh – Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 7-8 năm 2019

             ...