MỘT SỐ TÁC PHẨM HỘI HỌA TRÊN BÁO SÀI GÒN TRƯỚC NĂM 1975

 

Có lần, tôi đọc được trên nguyệt san Văn Hữu số 1, xuất bản năm 1959 một thống kê những cuộc triển lãm mỹ thuật được tổ chức tại phòng Triển lãm thuộc Văn hóa vụ nằm trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi). Chỉ từ tháng 12 năm 1957 đến tháng 1 năm 1959, tức khoảng 13 tháng, nơi này đã tổ chức được 28 cuộc triển lãm, đủ các thể loại tranh từ sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, tranh vẽ trên giấy… Hầu hết tác giả được giới thiệu là họa sĩ chuyên nghiệp trong nước, chỉ có một cuộc là tranh của thiếu nhi, một của thương binh và một của họa sĩ Mỹ. Tính ra cứ hai tuần, phòng triển lãm này lại khai mạc một cuộc trưng bày tranh, con số không hề nhỏ.

Đó là chưa kể các cuộc triển lãm mỹ thuật khác được tổ chức trong thành phố, ở Pháp văn Đồng minh hội, Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn, trụ sở Hội Bút Việt, v.v… cùng thời gian.

Câu chuyện trên cho thấy phần nào sự sôi nổi của hoạt động mỹ thuật một thời ở thành phố Sài Gòn lúc đó chỉ khoảng hai triệu dân.

Dù không có điều kiện nhìn một cách khái quát và đầy đủ về hoạt động mỹ thuật của Sài Gòn trên dưới nửa thế kỷ trước, vẫn còn có những tài liệu viết về lĩnh vực này khá chi tiết và là nguồn tài nguyên quan trọng chờ chúng ta đào sâu. Đó là các loại báo, tạp chí và sách có liên quan đến mỹ thuật trước kia để lại. Trong những trang giấy ít nhiều ngả màu, có nhiều bài viết về sinh hoạt giới mỹ thuật, về các cuộc thi tranh và tượng, các cuộc triển lãm lớn và nhỏ của họa sĩ trong nước và quốc tế, hệ thống trường học chuyên ngành, chân dung các họa sĩ và tác phẩm của họ, các bài viết giới thiệu và phê bình mỹ thuật, các xu hướng nghệ thuật…

TỐ OANH – Hạnh. Lụa. Báo Thế giới Tự do tập XX số 8

 

TẠ TỴ – Đam mê số 9. Nguyệt san Sáng Dội Miền Nam số 50

 

ĐỖ TRỌNG NHƠN – Tĩnh vật. Tập san Ánh Đèn Dầu tập IV số 2 năm 1963

 

MAI LAN – Hoa hồng xanh. Sơn dầu. Báo Thế giới Tự do tập XVI số 7

 

THÁI TUẤN – Khỏa thân. Sưu tập của ông Lowald. Tập san Ánh Đèn Dầu tập V số 2 – 1965 Tết Ất Tỵ

May thay, dù đang trong tình trạng chiến tranh và nền kinh tế nhỏ, những tài liệu này đã được xuất bản với chất lượng cao trên loại giấy tốt nhất thời đó, màu sắc tương đối chuẩn.

Qua nguồn trên, có thể thấy thành phố Sài Gòn từ giữa thập niên 1950 đã có những hoạt động mỹ thuật rất sôi nổi sau khi thoát khỏi thời kỳ thuộc địa. Cuộc triển lãm mùa Xuân năm Kỷ Hợi 1959 được đánh giá là bước tiến mới, mở đầu cho các cuộc triển lãm mùa Xuân thường niên sau này, tôn vinh nhiều họa sĩ trong đó có những người rất trẻ, chưa có tên tuổi. Nhưng cuộc triển lãm Quốc tế Mỹ thuật lần thứ I tổ chức tại công viên Tao Đàn từ 26 tháng 10 đến 15 tháng 11 năm 1962 gây tiếng vang còn lớn hơn, thể hiện quyết tâm và tham vọng xây dựng Sài Gòn thành một trung tâm mỹ thuật lớn của khu vực và thế giới. Có 20 nước đã hưởng ứng, đưa 400 bức tranh đến tham dự. Một ban giám khảo quốc tế được hình thành. Chính phủ miền Nam lúc đó nêu mong muốn khi tổ chức cuộc triển lãm quy mô này: “Giới mỹ thuật trong nước cũng như giới bạn yêu nghệ thuật đều thấy nức lòng, muốn theo gương các thành phố lớn Âu – Mỹ như Venise, São Paulo, Paris để tổ chức các cuộc triển lãm quốc tế và kính mời các nghệ sĩ hoàn cầu cùng nhau hội họp tại thủ đô Sài Gòn, để phô trương tài nghệ”.

Ngoài ra, nhiều cuộc triển lãm tổ chức ở Văn hóa vụ, Pháp văn Đồng minh hội, của các hội Việt – Mỹ, Việt – Đức, Việt – Nhật hoặc của công ty lớn như hãng dầu ESSO tổ chức được tường thuật khá đậm trên báo, có khi chiếm cả vài trang khổ lớn.

Hấp dẫn nhất ở nguồn tư liệu này là chân dung của các họa sĩ, nhà điêu khắc và tác phẩm của họ được giới thiệu trang trọng và thường xuyên trên báo chí. Các tờ báo có thể kể là Sáng Dội Miền Nam, Thế Giới Tự Do và tờ Ánh Đèn Dầu (tập san của hãng dầu ESSO). Bên cạnh đó có vài cuốn tạp chí uy tín thường xuyên đăng bài viết về mỹ thuật như tạp chí Bách Khoa với chuỗi bài phỏng vấn các họa sĩ của nhà văn Nguyễn Ngu Í, tạp chí Sáng Tạo với bài viết của họa sĩ Thái Tuấn.

Ngoài những dạng bài nói trên, các tạp chí này có nhiều bài giới thiệu những nền mỹ thuật thuộc các nước Đông Nam Á như triển lãm Ấn họa của Philippines, triển lãm hội họa điêu khắc Miến Điện, về họa sĩ nổi tiếng Zaini của Indonesia, về họa sĩ châu Á như bài viết của nhà văn Lâm Ngữ Đường giới thiệu họa sĩ màu nước nổi tiếng Wang Lan, v.v… Còn có các bài về xu hướng mới trong mỹ thuật thế giới như bài Phong trào bích chương, về hướng phát triển của tranh cổ động tại Hoa Kỳ trong hai thập niên từ 1950 đến 1970. Điều này rất có ý nghĩa để phổ cập kiến thức mỹ thuật, nhất là ở thời đại chưa có Internet. Các họa sĩ cần có hiểu biết mới về những nghệ sĩ cùng thời đại với mình, cùng sống trong khu vực Đông Nam Á gần gũi về địa lý, tượng đồng về kinh tế, lối sống, văn hóa, cách nghĩ…

LÊ CHÁNH – Những chiều mưa chủ nhật. Tập san Ánh Đèn Dầu tập IV số 2 năm 1963

 

DUY THANH – Ngõ 1. Nguyệt san Sáng Dội Miền Nam số 45 – 1963

 

ĐINH CƯỜNG – Miền lệ xanh. Nguyệt san Sáng Dội Miền Nam số 51 – 1963
HIẾU ĐỆ – Trâu. Sơn dầu. Sách Nghệ thuật Việt Nam hiện đại – Nguyễn Văn Phương. Nha Mỹ thuật Học vụ Bộ Giáo dục VNCH ấn hành năm 1962

 

NGUYỄN VĂN RÔ – Tĩnh vật. Sơn mài. Sách Nghệ thuật Việt Nam hiện đại – Nguyễn Văn Phương. Nha Mỹ thuật Học vụ Bộ Giáo dục VNCH ấn hành năm 1962

 

TRẦN VĂN THỌ – Tranh đấu. Tập san Ánh Đèn Dầu quyển I tập 1 Thu Kỷ Hợi 1959

Chúng tôi có may mắn lưu giữ được một ít tờ báo, cuốn sách ở giai đoạn ấy và từng đọc lại nhiều lần những thông tin về mỹ thuật, về những họa sĩ nổi tiếng từ lâu và mới nổi lên, ngắm lại những bức tranh đẹp được các giải thưởng, tiêu biểu cho một họa sĩ, một thời kỳ, một nơi đào tạo. Trong đó có những bức tranh được sáng tác theo các trường phái hội họa khác nhau, phong phú trong cách thể hiện, thoải mái tự do trong biểu đạt tiếng lòng và cảm nhận về cuộc sống. Có lẽ khoảng thời gian đó là thời sáng tác sung sức nhất nhì của giới họa sĩ miền Nam, mà những cuốn sách, tờ báo ấy như một loại “gallery” bình dân giới thiệu đến đại chúng, những người hầu hết không có điều kiện ho ngại ngần tìm đến với những sinh hoạt nghệ thuật như dự triển lãm tranh ở một nơi sang trọng. Trong số họa sĩ được giới thiệu, có những gương mặt một thời rất tài hoa đến nay như biến mất hẳn, không thấy được nhắc nhở ở đâu nữa trong thế giới phẳng đầy ắp thông tin này. Bao nhiêu bức tranh của những ngày xa xưa ở Sài Gòn thập niên 1950, 1960 và đầu thập niên 1970, từng được triển lãm ở trụ sở Hội Họa sĩ Trẻ đường Nguyễn Du, ở Phòng Thông tin Đô thành, ở khách sạn Continental hay Alliance Française nay đi về đâu? Ra xứ người hay còn trong những phòng ốc kín đáo của những người chơi tranh? Hoặc đã hư nát, trở về cát bụi qua bao năm tháng? Lứa hậu sinh yêu mỹ thuật đang sống trên thành phố này làm sao có thể ngắm lại những vẻ đẹp ấy?

Một ca khúc sáng tác hay dù rất xưa vẫn có thể được dựng lại nhiều lần, một tác phẩm văn chương có giá trị có lúc được tái bản… nhưng những bức tranh đẹp, trưng bày cho một giới thưởng ngoạn nhỏ, sau đó ngự trị ở nơi chốn riêng tư (không kể một số ít vào bảo tàng để trưng bày)… dễ bị ẩn khuất với người thưởng ngoạn, thậm chí tuyệt tích hẳn. Điều đó dẫn đến sự quên lãng đối với những họa sĩ từng có một thời thăng hoa, đưa đến một cái nhìn và sự đánh giá không đầy đủ về nền mỹ thuật của một thời kỳ, trên một vùng đất.

Với lòng “thương hoa tiếc ngọc”, mong muốn chia sẻ những hình ảnh có được cho những người cùng thời, chúng tôi giới thiệu ở phần phụ lục cuốn sách “Sài gòn chuyện đời của phố tập 5” với 142 bức tranh của một số tác giả tuyển chọn trong số tài liệu hạn chế trên. Cho dù có một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu, rõ ràng đây vẫn chỉ là một tập hợp không đầy đủ về hội họa miền Nam trước 1975. Một số danh họa như Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ và nhiều tên tuổi khác đã được giới thiệu nhiều và trong điều kiện hạn chế chúng tôi không đưa vào. Đã vậy, kỹ thuật in trên giấy trước kia dù tốt mấy cũng không thể hiện hoàn toàn chính xác vẻ đẹp của tranh gốc. Tuy vậy, chúng tôi vẫn mong góp phần nhỏ giúp người yêu nghệ thuật cảm nhận cuộc sống quá khứ của thành phố này qua nét cọ và ánh nhìn nghệ thuật của người cầm cọ, về giai đoạn đầu sáng tác của một số họa sĩ để thấy bước đi của họ đến hôm nay. Còn để ít nhiều ngẫm nghĩ về một thời trên đất Sài Gòn, tuy đầy biến động và nghịch lý nhưng đã xây dựng được không khí sáng tác nghệ thuật sôi động, tự do và đầy cá tính.

 Phạm Công Luận

(*) Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 301 & 302 tháng 1-2 năm 2018 

Tin cùng chuyên mục

Tiểu tự sự của Hoàng Đỗ Cường

Triển lãm cá nhân Họa sĩ và những người bạn của cố họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (18/4/1959 – 15/2/2023) sẽ khai mạc lúc 17h ngày 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày...

Họa sĩ Đỗ Đức: Triển lãm và bán đấu giá tranh góp tiền xây trường cho trẻ em vùng cao

NDO – 50 năm lăn lộn với các tỉnh miền núi phía bắc trong vô vàn các chuyến công tác đã để lại trong họa sĩ Đỗ Đức những ký ức và cảm hứng để đến khi về hưu, ông đã dành toàn bộ...

Hội Mỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028

Sáng 10/9, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Hội Mỹ thuật Hải Phòng đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028. Tham dự và chúc mừng Đại hội có họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ...

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu – Những vệt màu cảm xúc!

Triển lãm tranh sơn mài Nghe kể chuyện làng mình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đang diễn ra Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 15/9, bày khoảng 65 tranh sơn mài, đa số khổ lớn. Trên địa...

Khai mạc triển lãm tranh “Sắc màu Non nước Cao Bằng”

NDO – Sáng 6/9, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng đã phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Thông tin Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Sắc màu Non...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

NHỮNG KHÁI NIỆM CĂN BẢN CỦA NGHỆ THUẬT THỊ GIÁC ĐƯƠNG ĐẠI

  Lời dẫn: Cuối thế kỷ 20, chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) đã ảnh hưởng bao trùm lên tư tưởng sáng tạo của rất nhiều nghệ sĩ đương đại. Sự ra đời của hàng loạt các khái...

“ỐNG THỞ” – CUỘC ĐỐI THOẠI VÀ TƯƠNG TÁC GIỮA KIẾN TRÚC VÀ NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI

  Theo tư liệu Địa chính Hà Nội, trong suốt thời gian đô thị hoá cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 (1885-1955) ở Hà Nội đã hình thành 30.000 thửa đất hình ống. Khu phố cũ có hình dạng...

KỶ NIỆM 110 NĂM SINH HỌA SĨ NGUYỄN KHANG (1911 – 2021): HỌA SĨ NGUYỄN KHANG

  Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2001 Tên đầy đủ là Nguyễn Văn Khang. Người Hà Nội.1930-1935, ông học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa 6. Ngay từ...

Triển lãm nhóm “Rồng”

Triển lãm nhóm “Rồng” tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam từ 24/1/2024 đến 31/1/2024 Vào lúc 17h00 chiều thứ Tư ngày 24 tháng 1 năm 2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc...

KẾT QUẢ PHIÊN ĐẤU GIÁ "HỌA SĨ VÀ NGHỆ THUẬT VIỆT NAM" TẠI NHÀ ĐẤU GIÁ AUGTTES

  Kết quả phiên đấu giá “Họa sĩ và Nghệ thuật Việt Nam” ngày 30 tháng 9 năm 2021 tại nhà đấu giá Aguttes (Neuilly-sur-Seine, Pháp) với 6 kỷ lục thế giới mới Cuộc đấu giá dành riêng...