Triễn lãm cá nhân Chân dung nệm của Hoàng Thanh Vĩnh Phong khai mạc lúc 17h ngày 2/12, kéo dài đến hết ngày 17/12/2020 tại Vicas Art Studio (32 Hào Nam, Hà Nội).
Xem Chân dung nệm ta thấy đây đó là sự trộn lẫn giữa hoài niệm với phê phán, giữa lưu giữ với giễu nhại, giữa lạc quan với u sầu… trước những điều tưởng chừng như chân lý, thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nó khơi gợi một trường liên tưởng rộng rãi, từ cách sử dụng chất liệu cho đến ý niệm liên văn bản, từ cách kể chuyện bằng sơn mài tỉ mỉ và cả cách phủ nhận chính câu chuyện ấy.
Nó gợi nghĩ cả về chiếc giường của Procuste. Đó là một điển tích trong thần thoại Hy Lạp, kể chuyện tên cướp Procuste chuyên bắt người để đo cho vừa chiếc giường sẵn có. Nếu ai dài hơn sẽ bị chặt bớt, còn nếu ai ngắn hơn thì bị kéo dài ra, cốt sao cho vừa vặn chiếc giường. Theo Dictionnaire des symbols (Từ điển biểu tượng) của Jean Chevalier – Alain Gheerbran: “Đây là tình trạng lý tưởng bị suy thoái thành chủ nghĩa xu thời. Đây là biểu tượng của thứ độc tài về đạo đức và trí tuệ của những người chỉ dung thứ cho những hành động và những điều phán đoán của người khác với điều kiện là phù hợp với những tiêu chí của bản thân họ. Procuste là biểu tượng của mọi chế độ cực quyền, dù đó là của một con người, hoặc một tập đoàn”.
Bằng sự kết hợp của tinh thần ý niệm (conceptual art) và hoài nghi (skepticism), Hoàng Thanh Vĩnh Phong như muốn lược sử và phản tư lại những hình ảnh đã rất thân thuộc, mà chiếc nệm, chiếc giường là các hình ảnh như vậy. Anh khởi đi từ ý niệm: Con người ai cũng mong muốn được sinh ra trên một tấm nệm sắc màu và chết trên một tấm nệm êm ái. Có lẽ ý niệm này cũng chia sẻ với hình ảnh chiếc giường trong Dictionnaire des symbols: “Một biểu tượng của sự tái tạo, tái sinh trong chiêm mộng và trong tình yêu; đây cũng là nơi chốn của sự chết”.
Vĩnh Phong cho biết những tác phẩm này thuộc dự án 1.000 chân dung nệm mà anh sẽ phát triển lâu dài. Đặt một điểm nhìn cố định để nhìn tới nhìn lui một chủ thể, một vấn đề là cách mà nhiều tác giả chuyên tâm đã từng làm, ở nhiều lĩnh vực. Ví dụ thi hào Nguyễn Trãi (1380-1442) viết hơn 50 bài thơ Tự thán, hơn 60 bài thơ Bảo kính cảnh giới; hoặc họa sĩ Hokusai (1760-1849) có 100 bức tranh về núi Phú Sĩ, gọi là Fugaku hyakkei (富嶽百景: Phú nhạc bách cảnh/ One Hundred Views of Mount Fuji). Vì sao cần làm vậy? Vì đó là cách hữu hiệu để tải được các ý niệm, các góc nhìn mà tác giả đang ôm ấp. Vĩnh Phong xác tín rằng mỗi thân phận người sẽ gắn liền với mỗi thân phận nệm, hoặc nói cách khác, nệm là tấm gương phản chiếu các tình huống hiện sinh của chính chủ nhân. Từ ý niệm này, việc làm 100, 1.000, hoặc nhiều hơn thế nữa, vẫn là khả dĩ, vì đâu ai giống ai, vấn đề còn lại chỉ là công phu và sức sáng tạo đến đâu mà thôi.
Áp dụng kỹ thuật mộc của cha, họa tiết vải vóc trong nghề may của mẹ và kỹ thuật sơn mài mà bản thân sở đắc, Vĩnh Phong đã tạo nên những tấm nệm đã qua sử dụng, giống như thật. Ở đó ẩn chứa cả một lược sử, trải dài từ cái hương vị sang cả của cung đình Huế cho tới không gian sống thời thực dân, từ đời sống thị dân cho tới bình dân ở các vùng ven. Trong cấu trúc gia đình xưa của người Việt, chiếu là hình ảnh thân thuộc hơn nệm, nhưng kể từ sau khi tiếp xúc với phương Tây, rồi gần đây là các điều kiện như máy lạnh, béo phì, nệm đã hiện diện rộng rãi hơn. Các Chân dung nệm của Vĩnh Phong vừa là lát cắt của thời đại, vừa là những câu hỏi với quá khứ, vừa là gạch nối với tương lai. Nó vừa có sự vui tươi, bình an, vừa có vẻ tang thương, buồn khổ. Nó vừa toát lên sự bề thế, vững chắc, trang trọng, vừa có vẻ mềm nhão, nhàu nát. Tất cả như gián tiếp gợi lên hình ảnh, thói quen sống của từng chủ nhân chiếc nệm, nói lên sự vô thường của cả cuộc đời.
Khi chiến tranh diễn ra ác liệt tại Quảng Trị, gia đình Vĩnh Phong phải di tản vào Nam, phải thay đổi nghề nghiệp và tái lập các dự phóng khác. Những chấn động, ám ảnh từ quá khứ và những hình ảnh mong manh, lo lắng, thất vọng ở hiện tại đều nhìn thấy qua tấm niệm, nơi ta nằm xuống, đi vào giấc ngủ, có giấc mơ đẹp và gặp cả ác mộng… Vĩnh Phong chọn Hội An để lập nghiệp, cái thanh tao, diễm ảo của một tiểu đô thị đã toàn cầu hóa từ nhiều thế kỷ trước, nơi vừa bắc nhịp cầu Đông Tây, vừa khư giữ một di sản chỉ còn trong hình dung… đều đi vào Chân dung nệm. Đôi khi nó tài tình và cực đoan dẫn ta chìm vào quá khứ, bắt ta đối thoại… với các tình huống thật giả lẫn lộn.
Không cần chạy theo sự lộng lẫy, bóng lộn đặc trưng của bề mặt sơn mài, Hoàng Thanh Vĩnh Phong chọn sự tỉ mỉ và tiết chế, cô đọng và mạch lạc. Đây là một hành trình xuyên suốt từ vật liệu, chất liệu cho tới diễn tiến câu chuyện, cho tới kỹ thuật biểu hiện. Hoàn toàn có thể nói, nếu xét về sơn mài, với Chân dung nệm, Vĩnh Phong đang “riêng một góc trời”, vì đã tạo được sự tiền phong, sự đột phá hiếm gặp.
Loạt Chân dung nệm của Vĩnh Phong còn giúp ta liên tưởng đến tranh phê phán cực quyền của Lê Quảng Hà, tranh đen của Nguyễn Thái Tuấn, tranh giễu nhại của Nguyễn Mạnh Hùng. Và vài người khác nữa. Dù họ khác nhau về ý niệm và cách thể hiện, nhưng tinh thần phê phán, sự hoài nghi và giễu nhại đã cùng nhau mang lại sự thú vị. Họ cùng làm nên một diện mạo riêng cho thời đại của mình. Nếu đặt cạnh họ với nhiều họa sĩ biểu hiện của Trung Quốc, họ đã kể được câu chuyện chân thật hơn và chân tình hơn.
La hán phòng, 21/11/2020
Lý Đợi