Trần Vĩnh Thịnh và hội họa trừu tượng bản sắc phương Đông

Tranh trừu tượng là dòng tranh đặc biệt trong nghệ thuật hội họa trên thế giới. Với khả năng thách thức trí tưởng tượng người xem và những đặc điểm hấp dẫn riêng biệt mà từng tác phẩm đem lại. Những tác phẩm trừu tượng không chỉ mang lại vẻ đẹp cho thị giác mà còn đầy tính nghệ thuật trong tâm hồn của mỗi người thưởng lãm. Được phát triển từ đầu thế kỷ 20 bởi họa sĩ người Nga sống tại Pháp Wassily Kandinsky, theo quan điểm của ông trong các loại hình nghệ thuật thì hội họa trừu tượng là khó nhất, nó không chỉ đòi hỏi họa sĩ phải am hiểu về kỹ thuật, nhạy cảm sâu sắc về sáng tạo hình khối và màu sắc mà còn phải là một thi sĩ lãng mạn nữa… Chính vì vậy tranh trừu tượng là những tác phẩm hấp dẫn người xem nhờ khả năng thách thức trí tưởng tượng và cảm quan nghệ thuật mỗi người để tạo nên sự đặc sắc riêng mà chỉ có ở dòng tranh độc đáo này. Cả Trừu tượng hình học và Trừu tượng trữ tình đều đánh thức trí tưởng tượng vô hạn và cảm xúc ngẫu hứng bất tận, tạo nên mối tương giao nghệ thuật không giới hạn giữa người xem và tác giả… Tuy nhiên, nghệ thuật Trừu tượng cũng như một loại nhạc giao hưởng, rất kén khán thính giả – nên thật khó hiểu hết giá trị của loại hình nghệ thuật này. Đã từ lâu thế giới đón nhận hội họa Trừu tượng với tất cả sự phấn khích, ở ta cũng không ngoại lệ, yêu và thích, say mê và khám phá Trừu tượng đã thuộc về không ít các họa sĩ Việt Nam.

Được coi là họa sĩ trẻ (mặc dù không còn trẻ nữa, sinh năm 1976) của xứ Huế mộng mơ và trầm mặc. Trần Vĩnh Thịnh cũng như nhiều họa sĩ ở ta đam mê hội họa trừu tượng, được đào tạo bài bản và tốt nghiệp CĐNT Khánh Hòa, cộng thêm với tâm tính trầm tĩnh, nhẹ nhàng sâu lắng và không kém phần lãng mạn của con người xứ Huế, anh đã chọn Trừu tượng làm phong cách khám phá và sáng tạo nghệ thuật của mình hơn hai chục năm qua, mặc dù biết đó là con đường không hề dễ. Nhưng có lẽ, chính trừu tượng đã cho anh cơ hội giải tỏa những năng lượng ẩn ức nội tại và giải phóng nó lên bề mặt tác phẩm Xem và biết tranh của Thịnh từ lâu, các tác phẩm của Thịnh cũng để lại trong tôi những ấn tượng ngay từ thuở ban đầu, nhưng quen biết và gặp gỡ nhiều trong khoảng gần chục năm nay. Được chứng kiến những suy nghĩ và sáng tác của Thịnh cũng như những thành quả mà họa sĩ tạo được tại một loạt các triển lãm trong hơn chục năm trở lại đây với những thay đổi cùng cách tiếp cận phong cách hội họa trừu tượng trong tư duy nhận thức về cảm xúc, về lẽ sống và về biểu hiện tư tưởng nghệ thuật cũng như những kỹ thuật hội họa và xử lý chất liệu, thì có thể thấy rằng, sau hơn hai chục năm sáng tạo, hội họa của Trần Vĩnh Thịnh phát triển theo những cung bậc biểu hiện của cảm xúc và tư tưởng. Quá trình ấy được chia thành ba giai đoạn một cách rõ ràng, mỗi giai đoạn đều để lại những thành tựu và dấu ấn riêng biệt trong các tác phẩm và các triển lãm như những mốc đánh dấu từng giai đoạn hội họa của Thịnh.

TRẦN VĨNH THỊNH – Điền. Tổng hợp. 150x200cm

Trong giai đoạn sáng tác đầu tiên, khi tuổi trẻ và nhiệt huyết còn tràn trề sinh lực, với phong cách trừu tượng biểu hiện trữ tình đầy ngẫu hứng, với bảng màu rực rỡ vàng son và kỹ thuật tut tát sơn dầu tương đối điêu luyện, anh đã tạo được một số dấu ấn trong các triển lãm ở seri tranh trừu tượng với tông màu vàng rực rỡ, sang trọng mang đầy hoài niệm vàng son của một kinh đô vương trầm trong quá khứ, sắc vàng lộng lẫy của cung phủ đền đài hay màu vàng êm dịu và đầy thiện tâm của văn hóa Phật giáo đã như đi ra từ trong tiềm thức trong các sáng tác của Thịnh. Với khả năng biểu cảm cao và kỹ thuật tốt, cảm xúc dạt dào của tuổi trẻ, loạt tác phẩm trong Seri VÀNG của Trần Vĩnh Thịnh là những tác phẩm trừu tượng biểu hiện trữ tình đằm thắm, dịu dàng. Seri Vàng đã phần nào chinh phục được những người yêu thích phong cách trừu tượng. Tuy rằng ở giai đoạn này, các tác phẩm của Trần Vĩnh Thịnh tuy dễ xem, dễ cảm nhận và cũng dễ bán nhưng cũng chưa đạt được độ sâu sắc của ý tưởng và tính độc đáo của phong cách biểu hiện trữ tình này. Điều mang lại thành công của họa sĩ trong giai đoạn seri VÀNG chính là cách kết hợp phong cách hội họa phương Tây cùng ý tưởng và cảm quan nghệ thuật phương Đông (ở đây là cảm xúc, ý tưởng, màu sắc… của hoài niệm Huế, phong tục Huế và nỗi lòng nhớ về quá khứ vàng son của mảnh đất cố đô, mà họa sĩ là một đại diện đã tạo nên cảm xúc thực của loạt tranh trong giai đoạn này). Dấu ấn của seri Vàng để lại rõ rệt nhất qua thành công của triển lãm “Một Sớm Mai Xuân”, đến triển lãm tập thể cùng nhóm họa sĩ mang tên “Kết Nối 4” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh.

Giai đoạn tiếp theo của hội họa Trần Vĩnh Thịnh được tiếp nối bằng những trải nghiệm cuộc sống và những hồi tưởng của ký ức, cảm nhận sâu sắc về sắc không trong giáo lý nhà Phật cùng khái niệm vô vi của đạo Lão… đã đưa ý tưởng và cảm xúc trong tâm hồn họa sĩ vào một chiều sâu mới, đầy ắp những suy tư về cuộc sống, lẽ được mất ở đời. Với nội hàm cảm xúc đó, Trần Vĩnh Thịnh triển khai sáng tạo loạt tác phẩm với kỹ thuật đắp nổi và chất liệu mới.

TRẦN VĨNH THỊNH – Mưa biển. 2022. Acrylic. 130x90cm

Trong triển lãm “Phiêu Sắc” mà điển hình là seri Điền, tác phẩm có tên là ĐIỀN, tức là ruộng, là đất… là nơi trồng ra hạt lúa củ khoai, bao đời nuôi sống người dân Việt. Từng ô vuông thửa ruộng như những quân cờ tạo hóa sắp đặt, phải trái, trên dưới, trước sau… đều tuân theo những quy luật khắc nghiệt nhưng nhân ái của tự nhiên. Với màu sắc dịu trầm, lấy sắc vàng sẫm làm chủ đạo, làm ta liên tưởng đến những thảm lúa vàng chín rộ đang vào mùa gặt. Những mảng xanh lan nhẹ bằng kỹ thuật đắp nổi sơn rất nghề tạo cảm giác những thảm xanh đầy sức sống của thiên nhiên. Ở loạt tranh Điền này, Trần Vĩnh Thịnh đã có những ý tưởng độc đáo trong bố cục tác phẩm. Những ô vuông trong “Điền” đã tạo nên một khái niệm ẩn dụ, một ý niệm “về một trật tự hoàn hảo”, như một bàn cờ thế sự, mở ra vô vàn các nước đi, những viễn cảnh cùng cả sự phân tán và lạc hướng. Khi thưởng thức tác phẩm hội họa có bố cục ô vuông này, ta cảm giác như đang lạc vào không gian ba chiều: thứ thực sự hiện ra không phải là hình ảnh ban đầu ta nhận thấy. Ta nhìn tranh nhưng không chú ý vào một điểm cụ thể nào, và lúc này trí tưởng tượng được cảm xúc của chính ta dẫn dắt như đang chơi trò giải đố các ô vuông mà không có lời giải kết thúc… (Một nhận xét rất hay của tác giả Hải An về tác phẩm có bố cục ô vuông). Đó chính là cái hay, cái độc đáo và hấp dẫn của trừu tượng mang âm hưởng phương Đông.

Seri Ký ức là một chuỗi những sắc vàng và vàng nâu đan xen như những chắp nối hình ảnh từ quá khứ, những mảng xanh xám đè lên, chắn ngang tầm nhìn trong bức tranh tạo cảm giác cô đặc lại sự trống rỗng, hồi tưởng và nhấn mạnh sự vững chắc của sự bình an nơi tâm hồn trong hiện tại. Từng có quãng thời gian gần 10 năm sống trong chùa, tiếng kinh kệ và âm thanh từ bi của chuông chùa đã ngấm vào tinh thần Thịnh hồi nào chả rõ, nó như mạch suối ngầm thánh thiện lan tỏa trong tâm hồn rồi một ngày hiện ra một cách vô thức trong từng tác phẩm của anh, có không, có sắc, có cảm xúc và lòng nhân ái… Hay nói khác đi, tinh thần phương Đông lúc thấp thoáng, lúc rõ ràng đã luôn hiển hiện trong cảm xúc sáng tạo của Trần Vĩnh Thịnh ở các giai đoạn trong hành trình sáng tác của anh.

TRẦN VĨNH THỊNH – Đi tìm mùa xuân. 2023. Acrylic. 200x360cm

Khi thời gian hoạt động sáng tạo đã đủ có một độ lùi nhất định, và kỹ thuật cũng như bản lĩnh nghề nghiệp sau thời gian không ngừng lao động sáng tạo và học hỏi trau dồi. Bề dày cảm xúc nội tâm và sự chiêm nghiệm về đời sống nhân sinh được bồi đắp sau vài năm suy ngẫm, hồi ức về tuổi thơ, về những tháng năm bôn ba ngang dọc mưu sinh trên khắp nẻo đường miền Trung đã tạo cảm hứng cho họa sĩ sáng tác loạt tranh mới, kỹ thuật mới, cảm xúc mới và khái niệm mới trong dòng tranh trừu tượng mà anh theo đuổi.

Cảm xúc đó luôn day dứt và cựa quậy trong anh trong suốt những năm qua, những giai đoạn sáng tác đã qua, để rồi giờ đây trào ra theo dòng cảm xúc với những sáng tác mới nhất đầy trăn trở của seri tranh CON ĐƯỜNG MIỀN TRUNG với hơn 50 tác phẩm của khái niệm Trừu Tượng Cảm Xúc mà triển lãm mang tên TỪ TRONG VÔ TẬN đã tuyển chọn gần 30 tác phẩm trong seri tranh nói trên.

Với ảnh hưởng giáo lý phật pháp từ thuở nhỏ cộng thêm chủ nghĩa hiện sinh được trải nghiệm ngoài đời trong suốt những năm tháng ngang dọc trên xe đò hay tàu lửa khắp các tỉnh miền Trung, một vùng đất nghèo nhưng phong phú về địa lý và con người, cộng thêm cá tính trầm lắng nhẹ nhàng của con người xứ Huế, loạt tranh này của Thịnh kiệm màu và mang nhiều tính biểu hiện cảm xúc, thể hiện rõ nét và đầy cá tính với sắc màu dịu nhẹ, êm và trong trẻo. Bằng hai sắc trắng đen chủ đạo, đi sâu vào tả độ đậm nhạt như thực như mơ, như đưa những cảm xúc từ trong sâu thẳm của ký ức lên toan trong những đám mây bồng bềnh, lúc cuồn cuộn như giông bão, lúc mềm mại nhẹ nhàng và dịu dàng như ánh trăng đêm… Cảm xúc của tác giả cộng với cách thể hiện đầy tự do trong bút pháp tạo trường liên tưởng liên tiếp…liên tiếp của không gian, thời gian và ý nghĩa nhân sinh được gửi gắm vào tranh đã không hề làm giảm đi sự hứng khởi của loạt tác phẩm thuộc giai đoạn “Con đường miền Trung” dù rất kiệm màu và không hề rực rỡ, đúng như ý đồ tác giả khi sáng tác. Được học chữ thánh hiền trong quá trình tu tập phật giáo Đại thừa và phong cảnh trầm mặc u hoài đầy cổ kính của kinh thành xưa… tất cả những điều đó đã phần nào ảnh hưởng phong cách sáng tác của Thịnh, nó đã đưa vào tranh anh chất thủy mặc đầy cảm xúc. Cái chất mong manh, sương khói và cũng đầy kỹ thuật dụng màu đó, nó diễn ra thật tự nhiên qua tay cọ cứ như con người anh vậy… trên dưới lớp lang trong chất liệu của hội họa hiện đại mà không hề mất đi tính mềm mại và phóng khoáng của tác phẩm trong cách dụng màu tối giản của mình.

TRẦN VĨNH THỊNH – Đà Lạt mơ. 2024. Tổng hợp. 120x90cm

Giai đoạn gần đây nhất sau một thời gian tái tạo nguồn cảm hứng mới, tìm tòi và đào sâu nghiên cứu phong cách hội họa mà mình theo đuổi lâu nay, cùng trải nghiệm thời gian để có những cảm hứng mới, suy tư mới về nhân cách, đạo đức của con người với con người, con người với thiên nhiên và hơn nữa là những giấc mơ vượt lên trên những mơ ước bình thường, tìm đến những giá trị nhân sinh cao quý mà người nghệ sĩ sáng tạo luôn muốn vươn tới. Trần Vĩnh Thịnh trong khoảng thời gian hai năm, đã sáng tác loạt tác phẩm gần ba chục bức với chủ đề Giấc Mộng Hoàng Hoa. Trong sự bay bổng và lãng mạn, trong những giấc mơ nhiều suy tư về cõi thực và cõi mộng, nhưng cũng đầy rực rỡ huy hoàng. Bộ tranh Giấc Mộng Hoàng Hoa của Trần Vĩnh Thịnh, với dòng chảy nghệ thuật Trừu tượng biểu hiện cảm xúc được nâng lên một khái niệm cao hơn là Trừu tượng biểu hiện tư tưởng. Đã được họa sĩ giới thiệu và đã ra mắt công chúng yêu hội họa trong triển lãm mang tên Hoàng Hoa Mộng. Một Trần Vĩnh Thịnh trầm tĩnh, nhẹ nhàng trong tính cách và mang nhiều tính biểu hiện tư tưởng trong các tác phẩm trừu tượng, đã trở nên vô cùng sâu lắng, lãng mạn và bay bổng của dòng cảm xúc mãnh liệt và nhiều chất thơ trong ý tưởng. Sự kết hợp nhiều chất liệu trong kỹ thuật tạo hình và bảng màu sáng tạo trở nên đa dạng hơn, rực rỡ hơn và cũng nhiều ẩn ý ma mị trong tác phẩm hơn.

Cái gọi là Hoàng Hoa Mộng của bộ tranh này đã đưa trường liên tưởng của người lần đầu được nghe thấy tên bộ tranh, hình dung ra một ý niệm vô cùng đẹp đẽ về một giấc mơ, một giấc mơ đầy hoang hoải về một không gian tràn ngập sắc hoa và ánh sáng vàng rực rỡ. Trong cái không gian bao la tràn ngập sắc hoa vàng đó, có tràn trề màu tím nhạt trong veo, lẫn trong ánh xanh mờ tỏ của ánh trăng mơ, của những làn gió nhẹ nhàng thổi lên từ sâu thẳm không gian như từ một thiên hà nào đó. Lại có cả những đám mây ngũ sắc quấn quýt quanh những bề mặt mượt mà của thảm cỏ xanh non, của những cao thấp nhấp nhô đậm màu hoàng thổ trên những thảo nguyên bao la… khi mờ khi tỏ, khi rõ ràng lúc lại thấp thoáng sau những màn sương khói như thực, như ảo, của mộng của mơ… của Hoàng Hoa trong tác phẩm.

TRẦN VĨNH THỊNH – Trầm tích lá vàng. 2024. Tổng hợp
140x70cm

TRẦN VĨNH THỊNH – Lời kinh cổ. 2020. Acrylic
130x90cm

Sự lãng mạn sâu sắc của nghệ sĩ trong sáng tạo ở bộ tranh lần này, ngoài ý tưởng và cảm xúc tràn ngập trong màu sắc đầy biến ảo ra, thì xuyên suốt hơn hai mươi tác phẩm còn được thể hiện bởi những kỹ thuật sử dụng chất liệu rất linh hoạt và đầy ẩn ý. Độ xốp và gồ ghề của bề mặt được tạo lên cứ như đưa người xem về với bề mặt trái đất thuở hồng hoang nguyên khởi vậy. Những xoáy tròn đen sâu thẳm, những dải xanh tím và những chấm trắng lấp lánh tạo ra những lỗ đen vũ trụ khổng lồ nhấp nháy muôn vì sao… hút vào đó, vào chính tác phẩm những nguồn năng lượng ấm áp tràn đầy cảm xúc của người xem. Khi được họa sĩ giới thiệu bộ tranh này, người viết thật sự chìm đắm trong một không gian như mộng, như thực. Cảm xúc lâng lâng lan tỏa trong chính cái biển vàng của hoa, của hương thơm, của mây, của sương và cả cái sự mơn man trên da mặt của gió nhẹ và ánh trăng đêm. Đây là giấc mơ của Trần Vĩnh Thịnh, một viễn mộng huy hoàng mà người nghệ sĩ luôn mơ đến một hành tinh hay là cả một thiên hà bao la tinh khiết, đẹp đẽ và tràn ngập ánh sáng khải huyền. Sự lãng mạn trong sáng tạo của nghệ sĩ luôn song hành và xen cùng sự lãng mạn thực tế cuộc sống, người nghệ sĩ trong vòng xoáy của cuộc sống nhân sinh đã vượt lên chính những trần trụi của đời, của người mà vươn tới những giấc mơ trong lành, thánh thiện, huy hoàng… Để rồi đưa những giấc mơ trong lành thánh thiện đó vào trong tác phẩm của mình, nhằm lan tỏa cái đẹp, cái lành, cái mầm thiện lương trong suốt vào cuộc sống, vào mỗi cá nhân con người, để tạo lên cả nghìn những giấc mơ trong lành như mộng của Hoàng hoa…

Trải qua hơn hai mươi năm lao động sáng tạo nghệ thuật. Trần Vĩnh Thịnh đã tạo dựng được một phong cách hội họa riêng, một phong cách hội họa trừu tượng mang bản sắc phương Đông, mà trong đó cái hồn cốt Á Đông người Việt và xứ Huế mộng mơ trầm lắng của chính anh đã được anh nâng lên trong cảm nhận cái đẹp, lòng yêu thương và tính nhân văn bằng kỹ thuật và chất liệu hội họa phương Tây. Trong suốt quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình, các tác phẩm của Thịnh luôn được các đồng nghiệp, các giám tuyển nghệ thuật, các nhà nghiên cứu và các nhà sưu tập yêu mến.

Là một họa sĩ sống tình cảm, chỉn chu và giàu cảm xúc. Tranh của Trần Vĩnh Thịnh không tạo cảm giác “sốc và choáng” như một số tranh trừu tượng của nhiều đồng nghiệp, mà tranh anh bao giờ cũng trầm nhẹ và sâu lắng như tính cách con người anh vậy, nhưng ẩn sâu phía sau sự dịu trầm là những gai góc và những triết lý nhân sinh cuộc sống mà anh gửi gắm khi sáng tạo. Anh vẽ đều, bán đều và sống được bằng nghề, tranh anh dễ cảm, dễ xem vì người xem dễ dàng cảm nhận tình cảm và tính chân thiện mỹ trong các tác phẩm. Phải vẽ, phải tiếp tục kiên định tìm tòi tạo nhiều cảm xúc tươi mới cho các tác phẩm của mình, mặc dù con đường anh chọn, hội họa trừu tượng chưa bao giờ là dễ dàng cả, như anh từng tâm sự.

Quách Cường 

Tin cùng chuyên mục

Tranh màu nước của Hồng Quân

Họa sĩ Hồng Quân sinh năm 1957 tại Hà Nội, nhưng quê quán ở An Giang. Anh  là con trai của nhạc sĩ Phan Nhân (1930-2015) và Nghệ sĩ Ưu tú Phi Điểu. Được thừa hưởng dòng máu văn nghệ từ cả cha &...

Nhà điêu khắc Cao Thanh Thà – nữ nghệ sĩ bảo vệ môi trường

Một ngày cuối xuân 2023, họa sĩ Ngô Xuân Khôi, nhà điêu khắc Phạm Sinh trở lại Việt Trì, mục đích là để tu chỉnh lại pho tượng Quốc Tổ Hùng Vương của Phạm Sinh, là một trong ba tác phẩm lọt...

Nhà văn Như Bình-Người đàn bà đẹp tìm lại chính mình qua tranh

“Có hẹn với mùa thu” là cuộc triển lãm tranh, thi ca của nhà văn Như Bình được diễn ra vào ngày 19/10 tại Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam – 65 Nguyễn Du, thủ đô Hà Nội. Cuộc triển lãm...

LỘC – DUYÊN – ĐẤT – TRỜI.

Thuần khiết tinh giản, tinh giản đồng nhất, hồn hậu tự nhiên dưỡng như không có gì là gì gắng gượng… là cảm giác mênh mông vô định… khi một mình trầm ngâm – tha thẩn trong phòng tranh...

Hồ Hữu Thủ: Trọn một đời với nghệ thuật

Ở phương xa khi hay tin hoạ sĩ Hồ Hữu Thủ đã ra đi, lòng tôi trĩu nặng nỗi thương tiếc. Ông không chỉ là một hoạ sĩ tài ba mà còn là nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ. Tôi xin gửi lời chia...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

CẢNH SÀI SƠN CỦA CÔNG VĂN TRUNG

  Tranh “sơn” (laque) Việt Nam có nhiều thể, và tương lai chắc chắn sẽ còn biến hóa khôn cùng, biểu hiện sức sáng tạo dường như vô tận của các họa sĩ Việt Nam xưa nay. Riêng về sơn mài...

Sự ra đời của hình ảnh rồng – tiên trong mỹ thuật

Việt Nam là một đất nước có thể tự hào với truyền thống văn hóa đặc sắc. Trong những truyền thuyết của người Việt chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, chuyện Cha Rồng Mẹ Tiên lý giải sự hình...

Thông báo về Triển lãm Mỹ thuật Khu vực IV (Bắc miền Trung) Lần thứ 24 năm 2019

HỘI MỸ THUẬT VIỆT NAM                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM            Số:...

Triển lãm Nguyễn Đình Thuần tại Bình Minh art gallery

  Hoạ sĩ Nguyễn Đình Thuần, sinh năm 1948, tại Huế. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, ông đi làm lao động tự do tại quê nhà một thời gian. Do Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế gần...

TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ, NHÀ ĐIÊU KHẮC TRẦN TUY: KHI NHÀ ĐIÊU KHẮC LÀM BÁO

    Tháng 7 năm 1996, tôi (Hoàng Anh) bắt đầu làm việc ở Tạp chí. Hồi ấy, Ban biên tập đông hơn bây giờ nhiều, toàn “cây đa, cây đề, cây cổ thụ”. Này nhé, nhà điêu khắc Trần Tuy là Tổng...