NGÔ HUY QUỲNH – NGƯỜI NGHỆ SĨ ĐA TÀI

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (1920-2020)

 

Lịch sử có cách lựa chọn và đối đãi con người rất lạ. Giữa một vườn hoa khoe sắc, nó thuận tay chọn lấy một bông hoa để đại diện cho cả vườn hoa. Nhưng cái vinh dự bất ngờ ấy nhiều khi lại cũng là thiệt thòi cho chính bông hoa, bởi người ta thường chỉ thấy “vẻ đẹp đại diện”mà không thấy “vẻ đẹp tự thân”của nó. Khi nhắc đến kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, chúng ta nghĩ ngay đến người thiết kế và chỉ đạo thi công Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Thời điểm đó, không ít các kiến trúc sư, họa sĩ tên tuổi đã dấn thân theo cách mạng cùng nhân dân, nhưng vinh dự được tham gia tổ chức, thiết kế Lễ đài Độc lập thì lịch sử chỉ gọi tên Ngô Huy Quỳnh. Người ngoài nghề, có lẽ nhớ đến ông như vậy. Chỉ người trong nghề lâu năm mới biết ông là người đa tài bậc nhất trong giới văn nghệ nước ta.
Ngô Huy Quỳnh đã thiết kế một số biệt thự tiêu biểu cho phong cách Đông Dương trước Cách mạng tháng Tám, ví dụ Ngôi nhà số 84 phố Nguyễn Du, Hà Nội (1943).

Hà Nội, ngày 2-9-1945, tại Lễ đài trên Quảng trường Ba Đình do kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh thiết kế và chỉ đạo thi công, Bác Hồ đang đi xuống sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

 

Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh đang trình bày một phương án quy hoạch đô thị. Hà Nội, 1967.

 

Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh trong xưởng họa.

Ông là một trong những nhà quy hoạch đô thị hiện đại người Việt đầu tiên (trước 1954, việc quy hoạch đô thị ở Việt Nam hoàn toàn do người Pháp chủ trì). Cùng Hoàng Như Tiếp và sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, ông là đồng tác giả của bản Quy hoạch Thủ đô Hà Nội (1960) trong đó đã sớm đặt ra vấn đề bảo tồn khu phố cổ. Sau đó, ông được giao nhiệm vụ làm chủ trì đồ án Quy hoạch thành phố Khang Khay của Lào (1963).
Ngô Huy Quỳnh cũng là một nhà sư phạm, nghiên cứu, lý luận kiến trúc, đã soạn thảo chương trình đào tạo kiến trúc sư khóa đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, là tác giả của hàng chục đầu sách nghiên cứu lịch sử kiến trúc trong nước, cũng như đồng tác giả của bộ sách “Đại tổng tập lịch sử kiến trúc thế giới” nổi tiếng của Liên Xô (phụ trách phần kiến trúc Việt Nam).

Ngoài kiến trúc, Ngô Huy Quỳnh còn là một nhà điêu khắc. Ông đã cùng Trần Văn Lắm là tác giả công trình «Đài trận vong chiến sĩ» đặt tại Lạng Sơn (1942), đạt giải nhất trong cuộc thi thiết kế do chính quyền thuộc địa khi ấy tổ chức.

Ngô Huy Quỳnh – Biển chiều. 1965. Sơn dầu. 13x18cm

 

Ngô Huy Quỳnh – Chân dung vợ tôi. 1965. Sơn dầu. 57x45cm

 

Ngô Huy Quỳnh – Dưới tán cây. 1960. Sơn dầu. 18x13cm

Ở tư cách một họa sĩ, ông đã cùng Phạm Văn Đôn và Trần Đình Thọ tổ chức triển lãm tranh tại Hà Nội năm 1942. Số tiền bán tranh từ triển lãm này lên tới 300 đồng bạc Đông Dương, cho phép ông thực hiện ước mơ lang thang hàng tháng trời khắp các nẻo đường đất nước để vẽ cảnh vật, con người. Những năm 1943-1945, người ta còn biết đến ông như một nhạc công ghi-ta, thường hòa tấu cùng Bùi Công Kỳ và Đỗ Nhuận. Khi tham gia kháng chiến ở Việt Bắc, ông luôn mang theo mình bút chì và giấy để ký họa mỗi khi rảnh rỗi. Nguyễn Trực Luyện có lần kể rằng, thật may mắn khi tận mắt nhìn thấy những bản vẽ ghi kiến trúc bằng chì của Ngô Huy Quỳnh ở Liên khu X, chúng như thể là những phác thảo hội họa tầm cỡ.

Khi sang Liên Xô học tập (1951-1955), ngoài công việc nghiên cứu quy hoạch đô thị, Ngô Huy Quỳnh đã được trở lại với niềm say mê hội họa của mình. Ông đi khắp nơi ở Liên Xô để vẽ tranh sơn dầu, bằng một phong cách hội họa hòa trộn giữa Pháp-Đông Dương-Nga, hàn lâm mà không kém biểu cảm, qua những vệt bút rung rinh, những mảng màu giản dị mượt mà cảm xúc. Với số tiền trợ cấp dư dả từ nhà nước Liên Xô, khi chuẩn bị về nước ông đã mua số lượng sơn dầu nhiều đến mức mà nhiều năm sau ở Việt Nam ông dùng vẫn không hết.
Kiến trúc và hội họa từ xưa vốn đã là hai môn nghệ thuật anh em, nhưng những nghệ sĩ có thể cùng lúc đưvợc coi vừa là kiến trúc sư vừa là họa sĩ thực thụ thì lịch sử nghệ thuật thế giới cũng không có nhiều, và ở Việt Nam thì càng hiếm. Ngô Huy Quỳnh, có thể nói, là một nghệ sĩ hiếm có như vậy. Tên ông đã được đặt cho một phố ở quận Long Biên, Hà Nội.

Huệ Viên

 

Tin cùng chuyên mục

Họa sĩ Trần Văn Cẩn – Một thời Hà Nội

Trần Văn Cẩn tìm cái thú thầm lặng trong hội hoạ như người đãi cát tìm vàng, mò trai dưới biển. Và ngọc trai của ông là màu sắc, là hiệu quả ánh sáng của hai màu đặt bên nhau. Một xe ngựa...

Bùi Trang Chước – Một bậc thầy của nghệ thuật tranh sơn khắc và đồ họa ứng dụng

Năm 2022, họa sĩ Bùi Trang Chước đã vinh dự được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Giải thưởng dành cho các mẫu thiết kế: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh,...

Họa sĩ Hoàng Công Luận sự nghiệp sáng tác và đào tạo

Năm 1958, đặc khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) mở đợt chỉnh đốn vùng than, được gọi là cải tiến quản lý xí nghiệp nhằm tăng nhanh sản lượng than đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất...

Tháng ba của Trần Thị Trường và Lê Thiếu Ngân

Khi những ngày đông tháng giá đã lùi vào phía sau nhường những tia nắng chan hòa khắp phố phường Hà Nội thì 16 Ngô Quyền có lịch triển lãm của hai nữ tác giả mang tên “Tháng Ba”. Trần Thị...

MARK ROTHKO – Hiện thực của họa sĩ

  Đây là bản dịch tiếng Việt đầu tiên cuốn sách được viết ra bởi một trong những họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ông đã thiết lập nên hình thái hội họa trừu tượng màu (hay chính xác...

Có thể bạn quan tâm

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 325&326 tháng 1-2/2020

 ...

HƯƠNG VỊ TẾT HÀ NỘI TRONG TRANH TRỊNH LỮ

  Họa sĩ Trịnh Lữ sinh năm 1947, là con thứ chín của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912 -1997). Ông sang Mỹ năm 1987, cách đây hơn 30 năm; hiện, ông vẫn thường xuyên đi – về giữa Mỹ và Việt Nam....

Bộ sưu tập Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 9-10 năm 2020

    Mãi đến gần đây, thông qua các cuộc đấu giá nghệ thuật ở nước ngoài, chúng ta dường như mới được biết đến một số bức tranh sơn mài của Trần Hà. Và cũng mới được biết,...

Thông báo về triển lãm mỹ thuật khu vực V Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 26 năm 2021

 ...

SÀNH THƯỞNG NGOẠN – NHỮNG LỜI BÀN CỦA MỄ PHẤT VỀ HỘI HỌA

  Mễ Phất (1051-1107), tự là Nguyên Chương, hiệu Tương Dương mạn sĩ, Hải nhạc ngoại sử, là người Tương Dương, Hồ Bắc. Người đời gọi ông là Mễ Tương Dương. Ông cùng với Thái Tương,...