Họa sĩ Hoàng Sùng chào đời trên miền đất cổ Hưng Yên ngày 1 tháng 3 năm 1926. Thuở ấu thơ, ông được học chữ Hán, được làm quen với các thư tịch cổ và được hưởng sự quan tâm giáo dục hết sức chu đáo của gia đình.
Năm 17 tuổi, ông tham gia Việt Minh tại xã Hương Canh, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) với tất cả nhiệt tình, sôi nổi và lãng mạn của tuổi trẻ, rồi tham gia giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Với năng khiếu về hội họa, ông tích cực hoạt động công tác tuyên truyền, say mê vẽ tranh cổ động, tranh tuyên truyền biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ, khích lệ lòng yêu nước của quần chúng nhân dân. Vì vậy, từ tháng 6 năm 1946, ông được phân công công tác tại Ty Thông tin Vĩnh Yên. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, ông được phân công công tác ở nhiều cơ quan khác nhau. Năm 1948, ông là công an thuộc Ty Công an Vĩnh Yên, và cũng năm này, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1949, ông được chuyển về công tác thuộc Nha Thông tin Việt Nam đến năm 1953, rồi công tác tại Thông tấn xã Việt Nam.
Năm 1954, trong đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản thủ đô Hà Nội, ông tiếp tục làm công tác thông tin tuyên truyền bằng hội họa. Sẵn có năng khiếu và để nâng cao trình độ công tác, Hoàng Sùng đã được Thông tấn xã Việt Nam cử đi học hội họa tại Trường Mỹ thuật Việt Nam khóa 1956-1958, cùng lớp với các họa sĩ Đinh Trọng Khang, Nguyễn Thế Vinh, Trần Huy Oánh, Đặng Đức Sinh, Đỗ Xuân Doãn. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công về làm họa sĩ tại Xưởng phim truyện Việt Nam.
Tháng 4 năm 1960, để chuẩn bị cho việc sản xuất phim hoạt hình phục vụ thiếu nhi, ông được nhà nước cử đi học đạo diễn phim hoạt hình tại Trường Điện ảnh Matxcơva (thuộc Liên Xô cũ). Với vốn kiến thức đã được học tại Trường Mỹ thuật Việt Nam, ông nhanh chóng tiếp thu được những kiến thức lý luận và sáng tác điện ảnh. Đây cũng là dịp để ông được tiếp xúc với nhiều tác phẩm mỹ thuật và điện ảnh thế giới, đắm mình trong những tác phẩm văn hóa ưu tú, để rồi tích lũy những kiến thức quý báu cho bản thân. Từ đây, trình độ sáng tác nghệ thuật của ông được nâng lên tầm cao mới.
Năm 1963, trở về nước, ông làm việc tại Xưởng phim Hoạt hình và Búp bê Việt nam mới được thành lập, là đạo diễn kiêm phụ trách phòng hoạt hình. Cùng với một số họa sĩ khác, ông đã có những tác phẩm điện ảnh đầu tiên. Tác phẩm phim hoạt hình “Giấc mơ hoa” do ông làm đạo diễn và làm họa sĩ chính đến nay vẫn để lại ấn tượng sâu đậm trong ký ức nhiều thế hệ người xem, bởi cảm xúc chân thành, tay nghề vững vàng của tác giả thấm đẫm trên từng nét vẽ, từng khuôn hình. Tiếp đó là các tác phẩm phim: “Pháo đài xanh” (sản xuất năm 1966), “Khặm Phạ-Nàng Ngà”, “Cứu tàu”. Riêng phim “Khặm Phạ-Nàng Ngà” đã được tặng thưởng Bông sen vàng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 2. Nội dung các tác phẩm hoạt hình của ông được khai thác từ các câu chuyện cổ tích, đồng thoại, ngụ ngôn. Tạo hình trong phim của ông giản dị, mộc mạc, đậm duyên, đậm tình, được khai thác từ vốn nghệ thuật tạo hình truyền thống, mang tính cách điệu và trang trí cao, vượt qua phương pháp tả thực với nhiều chi tiết tỉ mỉ của sự phô diễn kỹ thuật hoạt hình. Màu sắc trong phim được sử dụng phong phú và linh hoạt, nhuần nhị mà không kém phần tươi sáng, rực rỡ, sắc thái dịu dàng, thi vị, gần gũi với tâm hồn, tình cảm trẻ thơ nên dễ thu hút các em. Gần 10 năm làm việc và sáng tác phim hoạt hình, ông đã có những đóng góp quan trọng cho việc xây dựng xưởng phim và sáng tác được nhiều tác phẩm phim hoạt hình có giá trị.
Năm 1972, khi Đài truyền hình Việt Nam bắt đầu xây dựng và phát sóng thể nghiệm, họa sĩ Hoàng Sùng được điều động sang công tác tại đài trong cương vị Trưởng phòng thể hiện. Năm 1985, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật truyền hình Việt Nam. Bên cạnh công tác quản lý và sáng tác phục vụ cho truyền hình, họa sĩ Hoàng Sùng còn sáng tác nhiều tranh bằng các chất liệu khắc gỗ, bột màu, lụa, sơn mài. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: Những cô gái Điện Biên (khắc gỗ, 1973), Bộ đội qua bản (khắc gỗ, 1973), Chợ cũ quê tôi (lụa, 1980) đã ra đời trong thời kỳ này.
Sau khi nghỉ hưu, họa sĩ Hoàng Sùng dành hết thời gian cho sáng tác, đặc biệt là chất liệu sơn mài. Những tài liệu ký họa và ký ức của ông về nông thôn đồng bằng Bắc bộ, vùng cao Tây Bắc – Việt Bắc trong kháng chiến chồng thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ là nguồn cảm hứng sáng tạo nên các bức sơn mài và bột màu của ông. Hàng trăm bức sơn mài khổ trung bình và khổ lớn đã được ông sáng tác, nhiều tác phẩm đã được ông trưng bày trong các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và nhiều nước trên thế giới. Tiêu biểu như các tác phẩm sơn mài Phiên chợ vùng cao, Mùa hoa nhãn, đặc biệt tác phẩm “Phiên chợ vùng cao” đã được giải khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1995. Tác phẩm “Về bản” – bột màu, được giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1997.
Các tác phẩm sơn mài của họa sĩ Hoàng Sùng được thể hiện bằng bút pháp mộc mạc, khoáng đạt, giúp người xem cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống bình dị của những con người chất phác sống quanh mình. Ta có thể thấy các bức tranh của ông thường có bố cục lớn, chặt chẽ với nhiều nhân vật được khắc họa sinh động trên cơ sở được nghiên cứu kỹ lưỡng về hình họa và động thái, đặc biệt là hình tượng những người dân tộc thiểu số Thái, Dao, Tày, Nùng, H’Mông… cùng với phong cảnh và những đồ dùng sinh hoạt đặc trưng của từng dân tộc. Màu sắc trong tác phẩm của ông thường được sử dụng chủ yếu từ các màu truyền thống như son thắm, son trai, then, cánh gián, vàng và bạc. Tranh của ông có nét vẽ khỏe khoắn, mạch lạc… tất cả đã tạo nên dấu ấn rất riêng của Hoàng Sùng, dễ dàng được nhận thấy trong các tác phẩm của ông.
Nhiều tác phẩm của họa sĩ Hoàng Sùng đã được sưu tầm trong các bộ sưu tập cá nhân ở Việt Nam, Pháp, Mỹ, Nhật, Indonesia, Thụy Điển, Đức, Cộng hòa Séc.
Do những cống hiến trong quá trình hoạt động công tác cũng như đóng góp của ông cho phim hoạt hình Việt Nam, truyền hình Việt Nam và hội họa Việt Nam, họa sĩ Hoàng Sùng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất và các Huy chương: Mười năm xây dựng ngành Văn hóa, Vì sự nghiệp Văn hóa, Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật, Vì sự nghiệp Mỹ thuật, Vì sự nghiệp Truyển hình.
Họa sĩ Hoàng Sùng đã bước trên hành trình cuộc sống 80 năm, chưa bao giờ ông thỏa mãn với hành trang nghệ thuật của mình. Với ông, con đường sáng tạo không có điểm dừng. Song ông đã sống trọn vẹn, sống trách nhiệm với nghệ thuật mà ông theo đuổi. Cuộc sống và sự nghiệp nghệ thuật của họa sĩ Hoàng Sùng là cuộc sống và sự nghiệp của một tâm hồn luôn khao khát yêu thương con người cùng cuộc đời. Những gì ông mang đến cho hội họa, cho nền điện ảnh non trẻ của chúng ta thật đáng trân trọng. Họa sĩ Hoàng Sùng luôn gần gũi với người yêu nghệ thuật. Gần gũi bởi tình yêu và tinh thần trách nhiệm của ông đối với con người và cuộc sống, những tác phẩm của ông sáng tác cùng bao rung cảm sẽ mãi mãi tươi mới rạng rỡ như nụ cười hồn hậu của ông.
Trần Khánh Chương