Cuối thế kỉ 19, những chuyến du hành và viễn chinh của Pháp ngày càng mở rộng địa lí về phía Đông, đồng thời đã mở rộng khái niệm “phương Đông” mà trước đó thường dùng giới hạn để chỉ Trung Cận Đông, cùng với phong trào văn chương và nghệ thuật về đề tài phương Đông, Orientalisme. Giờ đây khái niệm ‘phương Đông’ đã sang tới tới Viễn Đông, đặc biệt là Đông Dương và cả vùng Đông Nam Á.
Năm 1886, một cuộc triển lãm tranh của hoạ sĩ Gaston Roullet (1847-1925) ở Paris, lần đầu tiên trình hiện trong quang cảnh nghệ thuật ở kinh đô ánh sáng khoảng 200 bức tranh đầy chất hương xa (exoticism) vẫn còn chưa ráo nước sơn, vẽ quang cảnh xứ Đông Dương trải nghiệm trực tiếp từ chuyến du hành của ông. Roullet đã đưa ra một ‘phương Đông’ mới lạ khác hẳn với “Orientalisme” trong nghệ thuật thế kỉ 19 của Pháp đương thời vốn đầy dẫy tưởng tượng với những hình ảnh và đề tài nhục cảm như: những kĩ nữ khoả thân trong nhà tắm Thổ, cung harem, phụ nữ che mạng hijab, kẻ dụ rắn, vv… Tại Paris, liền sau đó là cuộc Triển lãm Thế giới năm 1889 lừng danh, đặc biệt là khu triển lãm thuộc địa hết sức quy mô và độc đáo về văn hoá Đông Dương, xứ mà thực dân Pháp đã bình định xong.
Cạnh những mô hình đền tháp Angkor, điêu khắc, và nhà cửa kiến trúc đặc trưng của ba miền Việt Nam, Gaston Roullet đã tham dự triển lãm hội hoạ gồm 24 bức sơn dầu của ông trong gian Annam và Tonkin. Khu triển lãm Đông Dương này đã ảnh hưởng không nhỏ tới thẩm mĩ sáng tác của một số nghệ sĩ lớn của Pháp đương thời. Điển hình là hoạ sĩ Gauguin sau khi xem triển lãm ở gian Đông Dương, tất nhiên ông đã xem tranh của Gaston Roullet; thậm chí Gauguin rất thú vị và đã vẽ những kí hoạ ngộ nghĩnh người dân An Nam trong gian triển lãm này. Những hình ảnh quyến rũ về xứ Đông Dương như một địa đàng nguyên sơ đã khiến Gauguin muốn thoát li khỏi kinh đô ánh sáng Paris mà ông coi là đã cạn kiệt sinh khí và tha hoá do văn minh kĩ nghệ, ngay sau đó, ông đã viết thư gửi Bộ Thuộc địa mong muốn được tới Đông Dương để sống và làm việc, nhưng ông nhấn mạnh tới mục đích tìm nguồn cảm hứng mới để tái tạo nghệ thuật. Đơn xin của Gauguin bị từ chối vì lí tưởng của ông không hợp với tôn chỉ và chính sách thuộc địa. Thật không may cho xứ Đông Dương của chúng ta lỡ cơ hội là nơi trải nghiệm của một hoạ sĩ kì tài! Thay vào “giấc mơ Đông Dương”, sau đó Gauguin đành tự lưu đày ở đảo Tahiti tận ngoài khơi Thái Bình Dương…
Cũng mong muốn thoát li, nhưng Gaston Roullet theo cách khác, đó là tình yêu với biển cả, kế thừa truyền thống du hành và vẽ trực tiếp ngoài trời của trường phái Barbizon, đã khiến ông chấp nhận danh hiệu Họa sĩ Hải quân vào năm 1885; với danh hiệu này khiến ông có thể viễn du tới các các chân trời thuộc địa của Pháp vào cuối thế kỷ 19 để vẽ. Roullet sinh năm 1847 ở ngôi làng Ars-en-Ré – một hòn đảo gần bờ biển phía tây nam nước Pháp. Ở tuổi 20, bất chấp sự kĩ tính của cha mình, ông đã rời đảo Ré để lên Paris học các khóa nghệ thuật với Jules Noel – là hoạ sĩ phong cảnh và nổi tiếng vẽ cảnh biển. Sau đó, ông bắt đầu triển lãm tại Salon. Năm 1875, ông đã đủ khả năng tự mở một xưởng vẽ trên phố Lille ở Paris. Tuy danh hiệu Hoạ sĩ Hải quân(1) không được trả thù lao nhưng được cung cấp mọi phương tiện để hoàn thành nhiệm vụ trên biển và trên các chuyến tàu của hải quân. Từ đây, Roullet bắt đầu một hành trình liên tục, tới Đông Dương (1885), rồi Canada (1887), Tunisia (1888) ), New Caledonia (1889), Senegal và Sudan (1891), vùng biển Adriatic (1892). Năm 1893, sau khi trở về với cuộc sống gần như ít lưu động, và chỉ du lịch sang Ý và Hà Lan, ông mở xưởng vẽ ở Paris. Từ năm 1923, do bệnh mù lòa buộc ông ngừng vẽ. Gaston Roullet qua đời vào tháng 12 năm 1925, ở tuổi 78. Ông là thành viên của Hiệp hội Hoạ sĩ Pháp và Hội Hoạ sĩ Màu nước Pháp. Năm 1895 ông được trao huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Bộ Thuộc địa. Trong hai cuộc Triển lãm Thế giới năm 1889 và Triển lãm Lyon năm 1894, ông đều được huy chương bạc.
*
Roullet khởi hành từ cảng Toulon ngày 20 tháng 8 năm 1885, trên chiếc tàu La Shamrock. Tàu qua Cảng Said, Suez, Colombo, Singapore và rồi băng qua Côn Đảo (Poulo Condor) và Vũng Tàu (cap Saint – Jacques) cuối cùng cập vào bờ biển Đông Dương là cảng Sài Gòn ngày 26 tháng 9 (hành trình mất năm tuần). Kể từ khi Roullet đặt chân lên Sài Gòn và dừng lại chỉ có mấy ngày để chuẩn bị ra Bắc kì, vì ở đó mới đúng là nhiệm sở của ông, nhưng có thể nói từ đây Roullet thực sự bắt đầu hành trình bằng hội hoạ của ông ở Đông Dương(2). Ông đăng các tường thuật và tranh minh hoạ trên các tạp chí như Le Monde Illustre, Le Journal des Artistes, L’Illustré Moderne… Tuy đi cùng với quân đội viễn chinh dưới trướng của Thống tướng De Courcy, Gaston Roullet vẫn có thể thực hành nghệ thuật theo ý muốn của ông. Và tuy thời gian vỏn vẹn có mấy tháng ở Đông Dương để ông cật lực, nhưng kết quả hành trình thật đáng nể: hơn 200 bức tranh, chất liệu gồm sơn dầu, màu nước, và kí hoạ (một số sau này được ông chuyển sang sơn dầu); ngoài ra ông còn sưu tập cả hàng trăm món đồ châu Á, như tượng Phật, đồ gốm sứ, mĩ nghệ, vv… Đặc sắc của ông chủ yếu là tranh phong cảnh về vịnh Hạ Long, Hà Nội, Đà Nẵng và Huế.
Điều đáng chú ý, trong Chiến dịch Bắc kì của Pháp từ 1883-1886, tương tự và cùng thời gian với Gaston Roullet vừa vẽ tranh vừa tường thuật về hành trình của mình ở Bắc kì và Trung kì, cũng có một nhân chứng khác quan trọng là nhiếp ảnh gia Charles-Édouard Hocquard là tình nguyện viên với tư cách là bác sĩ cứu thương cho Quân đội Viễn chinh ở Bắc Kì. Từ đó, Hocquard đã chụp rất nhiều hình ảnh và tường thuật kĩ lưỡng về xứ sở, xã hội và người dân Bắc kì song song với hoạt động của quân lính Pháp trong thời điểm đó. Ngày nay, chúng là những tài liệu độc nhất và quý giá không chỉ về lịch sử mà còn về giá trị nghệ thuật. Roullet và Hocquard đã gặp nhau ở Hải Phòng và trở thành hai người bạn thân đồng hành, và cùng chuyến ra Đà Nẵng và Huế đầu năm 1886, trong khi Hocquard chụp ảnh thì Roullet phác hoạ bằng bút, do đó dân An Nam đặt cho mỗi ông một biệt danh: ông hoạ sĩ là “Ông Quan Cây Bút” còn ông chụp ảnh là “Ông Quan Cái Đèn”!
Bước chân lên Sài Gòn, thoạt đầu, Roullet không thấy nó hấp dẫn và “đẹp như tranh” (pittoresque) cho bằng Singapore, vì nhà cửa và dinh thự ở Sài Gòn đều xây theo kiểu châu Âu chiếm ưu thế trong quá trình thuộc địa hoá, nhưng ông cho rằng Sài Gòn chắc chắn là một trong những thuộc địa đẹp nhất của Pháp. Ông đi dạo trên đường Catinat vốn là khu phố Tây chính rồi dừng lại một chút ở trước nhà thờ Đức Bà, nhưng ông thờ ơ với nó. Ông tiếp tục đi tới đại lộ Norodom, ở đầu này là Dinh Thống đốc, còn đầu kia là Vườn Bách thảo. Sau đó ông vòng ra tới Chợ Lớn, khu phố chợ đặc biệt này gây ấn tượng mạnh đối với ông, đầy dẫy màu sắc địa phương dị thường để có thể vẽ ra được một loạt tranh rất thú vị, nhưng ở giữa chốn người Hoa chen chúc và hơi nóng đã rất gắt ngay từ tám giờ sáng khiến cho công việc vẽ khó có thể thực hiện.
Roullet chỉ dừng chân mấy ngày ở Sài Gòn để chuẩn bị ra Bắc kì vì ngoài đó mới đúng là nhiệm vụ của ông, tuy vậy, khi xem bảng liệt kê trong thư mục triển lãm của ông năm 1886 ở Paris, ta có thể thấy có khoảng 10 bức, ngoài vài bức kí hoạ, có 1 bức sơn dầu vẽ Cảng Sài Gòn và 5 bức màu nước vẽ cảnh kênh Tàu Hủ và Chợ Lớn. Ra tới vịnh Bắc Kì, cảnh đầu tiên quyến rũ ông nhất là vịnh Hạ Long. Roullet là hoạ sĩ đầu tiên đem Hạ Long vào trong hội hoạ một cách tuyệt vời, ông hoàn thành một loạt bức có thể xem là những kiệt tác về Hạ Long. Ngày nay, ta có là thể tìm thấy một số bức in trên sách, hiện lưu giữ ở các bảo tàng Pháp, hoặc xuất hiện qua các phiên đấu giá như của Christie’s. Riêng trong thư mục triển lãm, về Hạ Long, ta thấy liệt kê có 7 bức sơn dầu, 3 màu nước và 2 kí hoạ. Sự mê hoặc của phong cảnh vịnh Hạ Long đối với người Pháp trong suốt thời thuộc địa, ta có thể thấy qua cuốn phim Indochine (1992, đạo diễn Regis Wargnier) cho thấy một số những sinh hoạt của Hải quân Pháp ở vùng vịnh Bắc kì và Vịnh Hạ Long; có trường đoạn hai nhân vật Camille và Jean-Baptiste lạc trong mê cung ngàn đảo; hoặc cũng đáng để ý đầu phim có một cuộc đấu giá những tác phẩm nghệ thuật mà chàng sĩ quan Hải quân trẻ tuổi đấu với người phụ nữ Élaine để giành sở hữu một bức phong cảnh bên bờ biển.
Trong số những bức tranh đầu tiên của Gaston Roullet khi vừa cập tới vịnh Bắc kì nào tháng 10 năm 1885, trong đó có bức “Đảo Nghĩa Trang” (hay Đảo Thập Tự theo cách người Pháp gọi). Ta tìm thấy ở đây hai bức “Đảo Nghĩa trang” (1 sơn dầu và 1 màu nước) vốn thuộc về Thống tướng De Courcy, hiện nay ở Bảo tàng Quân đội (Museé des l’Armée) ở Paris, hai bức tranh miêu tả đảo Cát Vàng, nơi chôn cất tạm các thuỷ thủ và binh sĩ Pháp bị đắm tàu ở vịnh Hạ Long với những cây thập tự đánh cắm xuống đã bị nghiêng ngả; con tàu La Shamrorck được neo gần đó. Đảo này có bãi cát vàng hình vành trăng lưỡi liềm với nước biển trong xanh, sau này được đặt tên là Đảo Ti Tốp, cách mép biển thành phố Hạ Long chừng 10km, xung quanh đảo có nhiều cảnh đẹp và hang động nổi tiếng, như Hang Luồn, hang Bồ Nâu, hang Sửng Sốt mà Gaston Roullet chọn làm địa điểm lí tưởng để vẽ một loạt tranh.
Ta có thể tìm thấy trong miêu tả của Roullet về cảnh vịnh Hạ Long là cảnh tượng đầu tiên quyến rũ ông: “Khi tới dưới một tảng đá khổng lồ mà chân của nó bị sóng biển khoét rỗng, chúng tôi đi xuồng vượt qua dưới cái vòm tự nhiên này để dẫn vào một cái hồ nhỏ bên trong biệt lập hoàn toàn được bao quanh bởi những vách đá cao phủ đầy cây cối xanh rờn… góc này được gọi là Hang Luồn (Cirque)… những ngư thuyền của dân bản xứ nhóm họp dưới chân tảng đá này… Từ đó tôi vẽ một bức tranh tuyệt đẹp“. Miêu tả này điển hình cho địa hình sơn thuỷ non bộ của Hạ Long được bao phủ bởi một thảm thực vật và đời sống của ngư dân vạn chài ở đây. (Xem hình bức Vịnh Hạ Long, sơn dầu trên bố, 100 x 82cm, hiện nay ở Bảo tàng d’Orbigny, được in trong bài này (chỉ tìm thấy bản in đen trắng trong sách).
Trong loạt tranh sơn dầu Roullet vẽ đảo núi Hạ Long, đặc biệt ta tìm thấy thêm (hình trên mạng, qua các phiên đấu giá) ba bức vẽ cảnh đêm trăng, bức này miêu tả lúc vầng trăng tròn đang mọc từ bên kia những đỉnh nham thạch của Hang Luồn trong bầu trời đêm xanh tím, và nước biển xanh Phổ đậm. Ánh trăng nhô lên những chỏm đá cao rồi chiếu xuống vách dưới là một hốc đá, nơi một số ngư thuyền đang tụ lại về đêm. Ta như đang ở vị trí trên chiếc xuồng của họa sĩ, từ tiền cảnh theo mặt nước biển xanh sẫm lượn quanh vách đá, con mắt từ từ “luồn” qua vòm hoang để dõi nhìn sâu hơn vào một khoảng hồ lấp lánh bạc bên kia hang.
Một bức khác cũng từ địa điểm trên của bến vạn chài tụ ở hốc đá dưới chân vách núi gần cửa Hang Luồn, nhưng góc nhìn ngược trở ra phía sau lưng, tương phản và ẩn hiện trập trùng hình thù những hòn đá vôi dựng đứng. Vầng trăng đã ngả sang bên kia vừa ló ra khỏi áng mây, ánh trăng tạo ra dải sáng bạc sóng sánh thủy ngân, màu trời và màu nước lung linh quyện vào những là sóng xao động từ ghe thuyền. Ánh sáng bức tranh này làm ta nhớ tới hội họa phong cảnh của trường phái Quang chiếu (Luminism) đặc trưng bằng hiệu quả ánh sáng và bầu khí quyển.
GASTON ROULLET – Cảng Hải Phòng. 1885. Sơn dầu trên ván. 16,5x41cm.
Là hải cảng thương mại quan trọng trên sông Cửa Cấm và là thành phố công nghiệp lớn của Bắc Kỳ thời Pháp thuộc, đồng thời là địa điểm đổ bộ và tiếp tế cho quân đội viễn chinh Pháp. Do nếu di chuyển bằng tàu lớn trên sông Hồng sẽ bị nhiều bùn phù sa gặp nước chảy xiết sẽ rất nguy hiểm, cho nên việc vận chuyển hàng hóa thường bằng những loại thuyền cánh buồm lớn (gọi là buồm cánh bướm hay cánh quạt), ngoài ra cũng có nhiều thuyền tam bản chở khách Tây cả ngày lẫn đêm 10 xu một chuyến. (Sotheby’s HK đấu giá năm 2012 – 56.000 HKD)
Một bức cảnh Hạ Long đặc sắc khác cũng từ địa điểm như trên (phía sau lưng là cửa Hang Luồn) nhưng khoảng cách tiến lên xa hơn một chút, cho thấy con tàu Shamrock neo ở gần tảng đá lớn, đặc biệt màu sắc giờ đây chủ yếu nghiêng về sắc độ xanh lam và nét cọ thay đổi hầu như theo phong cách miêu tả ánh sáng và khí quyển của chủ nghĩa Ấn tượng, khiến ta không khỏi nhớ tới Monet. Thời gian trong tranh là đêm hay đúng hơn có thể là trời về sáng tinh mơ, lúc mảnh trăng hạ tuần mỏng manh giữa trồi sương ờ đang dần lặn xuống và đường chân trời đang sáng lên với dấu hiệu rạng đông bằng vài bệt màu đỏ tía.
Gaston Roullet rời vịnh để vào tới Hà Nội, ở đây ông gặp Tư lệnh Sylvestre, giám đốc vấn đề dân sự và chính trị Bắc kì, người cùng quê với ông ở vùng biển Charente. Ông rất thích hồ Hoàn Kiếm, và hồ này nó tách khu phố Tây ra khỏi khu phố người Việt. Roullet cũng đi thăm và vẽ Hồ Tây và chùa Trấn Quốc, và dĩ nhiên ông cũng vẽ Văn Miếu nổi tiếng.
Băng qua Hà Nội, ông tiếp tục hành trình lên sông Hồng về phía Sơn Tây. Những lần lưu lại trên sông Hồng đã cho ông đủ thời gian để nắm bắt đặc thù của phong cảnh và đời sống của cư dân dọc theo dòng sông ngầu đục phù sa và đã thể hiện nó trong nhiều bức tranh sống động.
Sau đó, Gaston Roullet đi tàu vào tới Đà Nẵng và đi thăm ‘những ngọn núi đá cẩm thạch’ tức danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ông nhớ lại những khó khăn trong hành trình này và luôn lo sợ về khí hậu thời tiết không được tốt, nhất là vào những tháng cuối và đầu năm ở miền trung, đây cũng là nguyên nhân của nhiều thất bại: “Cần nêu ra ở đây cho những hoạ sĩ nào muốn mạo hiểm với khí hậu ghê gớm ở miền trung (Annam), y sẽ phải chiến đấu không chỉ với bệnh tật, mà còn với những khó khăn về vật liệu và chất liệu. Vì vậy, mà tất cả xấp tranh màu nước, những bức kí hoạ, giấy vẽ, và sách vở của tôi đều bị ẩm mốc. Thật khó cho tôi vẽ được một bức màu nước nào trong thời gian ở Huế. Những thỏi màu nước nhãn hiệu Anh (Rowney) bị tình trạng biến thành keo lỏng và mốc, khiến tôi không thể hoà các gam màu (…). Đối với sơn dầu thì thảm hoạ không lớn lắm, nhưng những màu xanh lam khoáng chất và màu xanh nước biển rất khó mà bóp ra khỏi ống, chỉ màu xanh cô-ban là còn tốt,…”.
Từ Đà Nẵng, Roullet tới Huế bằng đường bộ. Ông đi qua đèo Hải Vân và “chúng tôi thấy ở dưới chân đèo có những chiếc thuyền rất dài, rất hẹp, rồi băng qua một con sông lớn, chúng tôi đổ bộ xuống vịnh Lăng Cô”. Bán đảo này cạnh núi non với bãi cát trắng và xóm chài là chủ đề cảm hứng cho bức tranh sơn dầu “Lagunes de Long-co” (Phá Lăng Cô) rất đẹp và thơ mộng của Roullet.
Tới Huế, ông đi thăm các lăng tẩm các vua nhà Nguyễn. Sau đó chờ xin yết kiến vị vua trẻ Đồng Khánh và vẽ chân dung ngài. Vào ngày 4 tháng 2 năm 1886, ông tham dự một lễ Tết đặc biệt ở kinh thành Huế và kể lại những thứ khiến ông ngạc nhiên trước những phong tục lạ ở Huế ngày Tết: đám rước hoàng gia cho thần dân chiêm ngưỡng dung nhan Vua, cờ quạt tàn lọng, pháo nổ… Sự kiện lễ Tết rất ngoạn mục này cũng được bác sĩ quân y Hocquard có mặt và đã ghi chép tường tận trong một cuốn sách rất giá trị của ông.
Trên đây là ba bức Hồ Hoàn Kiếm được vẽ từ những góc nhìn khác nhau của Gaston Roullet vào năm 1885 (gồm hai bức sơn dầu trên ván và một bức màu nước).
Trước khoảng hơn một năm Roullet tới Huế, 1884, triều đình nhà Nguyễn đã kí Hoà ước Giáp Thân và chấp nhận sự bảo hộ của Pháp. Năm 1885, sau khi triều đình Huế bị thất bại trước quân đội Pháp trong trận Kinh thành Huế, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết bỏ chạy ra Quảng Trị. Chính quyền Bảo hộ đã lập Đồng Khánh lên ngôi vào tháng 9 năm 1885. Ông kể lại sự kiện vẽ chân dung vua Đồng Khánh: “Rồi cuối cùng, sau tám ngày chờ đợi, chúng tôi cũng xong một số thủ tục vào yết kiến vua. Để thâm nhập vào ngôi hoàng cung đặc biệt này và được thấy mặt vị vua trẻ tuổi, tôi đã hứa vẽ chân dung ngài và tặng cho ngài. Vả lại, vào thứ Bảy này, ngày 29 tháng 1, bất chấp cơn mưa xối xả, tôi qua sông lúc 8 giờ sáng để tìm cha Hoàng, người đã giới thiệu tôi và đảm nhiệm là người phiên dịch. Chúng tôi được vị quan đại thần tiếp đón, vốn là cựu Tổng đốc của Hà Nội (đúng hơn là Kinh lược Bắc kì Trần Hữu Độ – ND). Ông dẫn chúng tôi qua một loạt những gian nhà và những sân nhỏ, tới một gian phòng đặc biệt của hoàng cung. Và ông ra lệnh cho mang hộp màu và khung vải bố của tôi từ phòng đầu tiên tới đây. Một vị quan khác trong cung thay thế ông. Ở đây còn một mình tôi giữa các quan đại thần, các quan văn, thái giám, và các chức sắc khác trong cung. Các song cửa được rào chắn cẩn thận bằng những thanh gỗ lớn đằng sau tôi. Tôi sắp đặt giá vẽ và khung bố; bảng pha màu đã chuẩn bị và tôi chờ đợi. Khoảng nửa giờ sau khi tôi bắt đầu thấy hơi lâu, thì nếp gấp lụa kéo sau những tấm màn báo hiệu sự xuất hiện của vua… tất cả các quan đồng thanh tung hô.
GASTON ROULLET – Phong cảnh Sông Hồng – Hà Nội. 1885. Sơn dầu trên bố. 27x38cm. Tuy mới bước chân lên Bắc Kỳ, đầu tiên quan sát từ những con đê đắp cao ven bờ sông để tránh lũ lụt và ngăn nước, Roullet đã truyền đạt được cảnh vật và sinh hoạt ven sông, đặc sắc nhất là ông đã thể hiện được màu nước đỏ hồng đục ngầu phù sa của dòng sông Hồng, và màu bùn đất ven bờ sông với những nét cọ rất sống động của một bậc thầy.
Tôi tiến về phía Đức Vua, ngài đưa tay ra và tôi chào ngài theo kiểu Pháp. Ngài rất trẻ và thật sự vẫn là cậu bé xinh đẹp đối với một người Annam, trông ngài có vẻ thông minh, nhưng trong chiếc áo dài hoàng gia tuyệt đẹp, trông ngài khá ẻo lả. Cha Hoàng phủ phục dưới chân ngài, bằng một giọng thiết tha, cha cầu xin ngài ngồi một lát để cho tôi vẽ ngài. Vì vậy, trong khoảng 15-20 phút, tôi có thể phác hoạ bằng màu những sắc độ của chiếc áo bào dài và cái khăn xếp màu vàng ánh kim trên nền màu tối sẫm. Những màu vàng cadmium tinh khiết nhất cũng thật mà khó diễn tả được loại tơ lụa lộng lẫy này. Tôi ý thức rằng công việc vẽ này phải nhanh chóng, vì những phút này đủ để ngài thấm mệt khi ngồi yên trên ngai vàng. Tôi nghĩ sẽ tận dụng thời gian để nghiên cứu thêm dáng vẻ của ngài, nhưng chưa được nửa giờ trôi qua, Đức Vua nói với tôi qua người thông dịch rằng ngài không thể kéo dài thêm thời gian yết kiến được nữa. Buổi vẽ chân dung kết thúc. Tôi lại tiến tới vua đang đứng, và bắt tay ngài hai lần. Tôi nói cảm ơn sự đượ
c vinh hạnh và xin tặng ngài bức chân dung, rồi ngài rút lui một cách uy nghi, bằng những bước chân rất nhỏ, có thể nói là trượt đi, giữa hai hàng quan lại hai tay nâng hốt che ngang mũi. Trước và và trong khi vẽ chân dung vua, tôi để ý thấy sau gian phòng, đằng sau ngai vàng và các quan thượng thư là một số những người đàn bà của nhà vua len chen sau những tấm bình phong, họ rất mạnh dạn liếc về phía tôi… điều này chứng tỏ phụ nữ không đánh mất quyền của họ ở bất cứ xứ sở nào”.
Cuối cùng ông quay trở lại Đà Nẵng (Touran), lần này thì bằng đường biển.
Khi tới nơi, ông được biết các chi tiết về vụ thảm sát và tùng xẻo Đại uý Besson cùng với 10 người lính hộ tống bị tấn công ở làng Nam-Tùng. “Như vậy, giả sử chúng tôi đi bằng đường bộ thì số phận cũng tương tự nếu rơi vào tay những phiến quân, chắc chắn khó lòng mà họ tha cho chúng tôi”. Như vậy, ngoài khí hậu thời tiết, Gaston Roullet có thể cũng lo sợ về sự bất an trên các con đường bộ. Khi ông bước chân lên Bắc kì cũng là năm bắt đầu phong trào Cần Vương, vì vậy việc những người Pháp đi đường bộ trên con đường Cái quan, thay cho đường biển, từ Bắc Kì qua đèo Hải Vân để tới Huế là một sự mạo hiểm, vì có thể bị thổ phỉ hoặc ngay cả nghĩa quân Cần Vương tấn công bất cứ lúc nào. Gaston Roullet cũng quan sát các phong tục tập quán của người Việt. chẳng hạn ông rất ấn tượng trước việc sùng bái tổ tiên của người Việt, cũng như sự kính trọng của con cái dành cho cha mẹ lúc sinh thời hay lúc qua đời: “Món quà đẹp đẽ nhất mà con cái thảo kính có thể tặng cho cho cha mẹ ngay cả khi họ còn sống là cỗ quan tài bằng gỗ được chạm khắc và thếp vàng”.
GASTON ROULLET – Kênh Đông Ba ở Kinh thành Huế. 27x45cm. Roullet chú thích: “Kênh Đông Ba chạy dọc bên ngoài song song với toàn bộ công sự và kết nối với kinh thàn bằng những cây cầu gỗ lớn”. Sông Đông Ba được đào dưới thời Gia Long để phòng hộ phía đông kinh thành Huế. Đây là bức tranh sơn dầu đầu tiên vẽ cảnh Huế vào đầu năm 1866, Gaston Roullet nhìn bờ bên này xéo sang phía bên kia sông là cửa thành Đông Ba và cầu gỗ Đông Ba (hay Đông Gia),đây là cây cầu đầu tiên của kinh thành Huế. (Sotheby’s đấu giá năm 2013 – 81.000 HKD)
GASTON ROULLET – Đồn Mang Cá. 1886. 17x44cm. Sự lựa chọn địa điểm này không hoàn toàn tình cờ mà mang ý nghĩa chính trị. Trong quá trình thuộc địa hóa nước Đại Nam, người Pháp đã chiếm giữ đồn Mang Cá theo Hiệp ước Patenôtre ký với triều đình Huế năm 1884 để trao cho Pháp pháo đài năm góc đông bắc kinh thành Huế là Trấn Bình đài – dân gian quen gọi là đồn Mang Cá. Sự nhượng bộ này về mặt chính trị mang tính biểu tượng quan trọng: lần đầu tiên một quân đội ngoại quốc được thành lập trong khu vực Hoàng Thành. Đêm ngày 5 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết đã cho quân tấn công vào đồn Mang Cá và Tòa Khâm sứ gần đó, nhưng thất bại. Quân Pháp phản công đánh vào Đại Nội, hai quan phụ chính đã đưa vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị. (Bức tranh lịch sử Le Manca à Hué này đã được đem đấu giá năm 2015).
*
Gaston Roullet đã ghi chép một cách chi tiết chuyến đi của ông, từ đó trở thành hành trình điển hình cho những hoạ sĩ du hành tới Đông Dương sau này. Trở về Pháp, ông cho triển lãm những tác phẩm tại Paris, hoặc thực hiện từ những kí hoạ và ghi chú. Năm 1886 tại Galerie George Petit, ông đã triển lãm khoảng 200 bức tranh sơn dầu, màu nước, và kí hoạ ở Bắc kì, Trung kì và cả Nam kì. Sau đó, ông tham dự Triển lãm Thế giới năm 1889 – gồm 24 bức tranh tại khu triển lãm Bắc kì và Trung kì – và trong Salon des Peintres Orientalists (1887, 1888, 1896, 1897, 1898, 1899). Nhờ những thư mục từ những cuộc triển lãm này, chúng ta cũng biết thêm rằng Gaston Roullet cũng đã tới Cambodia, và đã thăm và vẽ những ngôi đền ở Angkor (có lẽ trên chuyến tàu trở về Pháp, ông đã ghé lại để vẽ sau khi rời Bắc kì trên chuyến tàu trở về Pháp) vốn đã làm say mê những hậu bối của ông đang khao khát tìm nguồn cảm hứng exoticism. Ngày nay tác phẩm của ông xuất hiện rất thường trong những nhà đấu giá, các viện bảo tàng bên Pháp cũng có sưu tập những bức tranh vẽ Bắc kì và Trung kì của ông. Điều càng thú vị hơn, khi xem tranh của ông và đọc song song với những ghi chép về hành trình của ông ở Đông Dương: Un Artiste au Tonkin et en Annam (Một hoạ sĩ ở Bắc kì và Trung kì), chúng rọi thêm ánh sáng thời gian và bối cảnh mà ông đã trải nghiệm ra sao khi vẽ chúng. Hơn một thế kỉ đã qua, những bức tranh cùng những kỉ niệm ông viết về xứ Đông Dương ngày càng trở nên quý giá và không thể tách rời.
Gaston Roullet, chắc chắn là hoạ sĩ phương Tây đầu tiên tìm thấy ánh sáng mới và luồng sinh khí mới từ phong cảnh xứ Đông Dương, mà chính ông đã nắm bắt trong nhiều tác phẩm hội hoạ một cách thần tình và đa dạng tới mức đáng ngạc nhiên, cũng như sức làm việc phi thường của ông trong một khoảng thời gian lưu trú ngắn. Ông xứng đáng là vị hoạ sĩ tiền bối mở đường cho những lớp hoạ sĩ tới sau ông và là người khơi khuồn cảm hứng nghệ thuật từ Đông Dương. Ta hãy kết bằng chính lời của Gaston Roullet: “Viễn Đông không phải là phương Đông. Thay vì thiên nhiên chan hoà nắng ở Ai Cập, Algeria, Constantinople và những xứ khác mà họa sĩ theo phong cách phương Đông của chúng ta đã biết tới, tôi thấy bầu trời ở Bắc Kì và Trung kì…cái nóng không quá choáng ngập. Khi bầu trời có màu xanh lam, ở nơi đây không có độ sáng sủa và trong suốt đáng ngưỡng mộ mà người ta thấy trên bờ biển châu Phi hoặc trên biển Ấn Độ. Đó là màu xanh biển đậm và do đó hơi có sắc chì sạm. [..] Tôi tuyệt nhiên không có ý nói là xứ sở này không cung cấp sự thú vị nào cho một hoạ sĩ, mà tôi muốn nhấn mạnh tới cái ý niệm sai lầm mà chúng ta đang mắc phải ở Pháp với những từ ngữ Đông và Viễn Đông. [..] Đối với tôi, tôi hài lòng vì trở thành một hoạ sĩ châu Âu đầu tiên, đang tìm kiếm một thông điệp mới ở một xứ sở vẫn chưa được biết đến đối với thế giới nghệ thuật”.
Hà Vũ Trọng
Chú thích:
(1) Họa sĩ Hải quân (Peintre de la Marine) là danh hiệu của Bộ Quốc phòng Pháp trao cho những nghệ sĩ cống hiến tài năng cho biển cả, cho Hải quân Pháp và những chủ đề khác về ngành hàng hải. Danh hiệu này được lập ra vào năm 1830 do July Monarchy, phong cho các họa sĩ, nhiếp ảnh gia, và điêu khắc gia. Ta thấy trong số đó cũng có một số họa sĩ đặc biệt như Paul Signac của trường phái Ấn tượng. Trong danh sách các Họa sĩ Hải quân chính quy suốt khoảng 150 năm qua, ở đây chỉ nêu tên những họa sĩ đã có mặt ở Đông Dương để vẽ tranh trong những chuyến du hành qua các thuộc địa, đầu tiên là Gaston Roullet (được phong danh hiệu năm 1885), rồi tới Marius Perret (1899), Adolphe Camille Laurens (là sĩ quan Hải quân, tới Đông Dương những năm đầu thế kỷ 20), đặc biệt Charles Fouqueray (1908) đã vẽ rất nhiều cảnh các hải cảng và tàu bè ở Đông Dương; Josephe de la Nézière (?); Nardeau Menardeau (1936); Jean Bouchard (1942); và người cuối cùng có lẽ là Roger Chapelet (1946). Các họa sĩ có danh hiệu này được hưởng những lợi ích như được tài trợ trong thực hiện nhiệm vụ, được giải thưởng Đông Dương hoặc dạy trong các trường nghệ thuật.
(2) Gọi tạm là “Đông Dương” ở đây với lưu ý chỉ khoảng một năm sau khi Roullet rời Bắc Kỳ và Trung Kỳ thì Liên bang Đông Dương hay “Đông Pháp” mới thành lập; vả lại, ông đã vẽ cả ba miền Việt Nam cũng như đã vẽ một số bức phong cảnh Angkor Wat ở cambodia.
Tham khảo:
1) Gaston Roullet, Un Artiste au Tonkin et en Annam (Một hoạ sĩ ở Bắc kì và Trung kì) 1886, là những ghi chép về hành trình của ông mà một số đoạn được trích dẫn trong bài này với chữ in nghiêng. Cuốn này in chung với Thư mục tranh triển lãm tháng 11. 1886 tại Paris, tìm trên trang thư khố điện tử của Thư viện Quốc gia Pháp: Gallica, hoặc Archives.org: https://archive.org/details/unartisteautonki00roul
2) L’Indochine: un lieu d’exchange culturel. Les peintres francais et indochinois – fin 19-20 ciècle (Đông Dương: một nơi giao lưu văn hoá? Hoạ sĩ Pháp và Đông Dương (cuối thế kỉ 19-20),
3) Trang blog Paris-Saigon: http://parissaigon.blog.lemonde.fr/2018/01/15/gaston-roullet-le-premier-peintre-officiel-au-tonkin-et-en-annam/
4) Wikipedia: https://fr.wikipedia.org/wiki/Gaston_Roullet
5) Artnet: http://www.artnet.com/artists/gaston-marie-anatole-roullet/3