Chiêm ngưỡng suy tư những tác phẩm hội họa của họa sĩ Đỗ Quang Em – có một số nhà phê bình, họa sĩ cho rằng ông là họa sĩ vẽ theo khuynh hướng Hyperrealism (Chủ nghĩa Cực thực).
Tôi nhận thấy nghệ thuật hội họa của ông có một vài yếu tố cảm xúc suy tư theo khuynh hướng Hyperrealism, chứ không hẳn ông là thành viên của Hyperrealism.
Tôi cho rằng Hội họa Đỗ Quang Em thiên về tả thực theo phong cách cổ điển nhiều hơn và tranh ông có bóng dáng của siêu thực.
Chúng ta khảo sát qua một số ý tưởng chính yếu của Hyperrealism – Theo giới học thuật và các nhà phê bình nghệ thuật:
“Sự xuất hiện của thuật ngữ Hyperrealism (Chủ nghĩa Cực thực)- chủ yếu được áp dụng cho một phong trào nghệ thuật độc lập và phong cách nghệ thuật ở Hoa Kỳ và châu Âu đã phát triển từ đầu những năm 1970.
Chủ nghĩa Cực thực, mặc dù về bản chất là nhiếp ảnh, thường đòi hỏi sự tập trung nhẹ nhàng hơn, phức tạp hơn vào các đối tượng được mô tả những vật thể còn thật hơn cả thật , thể hiện nó như một vật thể sống động đang hiện hữu. Chủ nghĩa Cực thực có nguồn gốc từ triết lý của Jean Baudrillard (1929 – 2007) – nhà xã hội học, nhà triết học và nhà lý luận văn hóa người Pháp, ông xây dựng các khái niệm về sự mô phỏng và cực thực, ông muốn nghệ thuật tạo ra “sự mô phỏng của một thứ thực sự chưa bao giờ tồn tại”.Như vậy, những người theo Chủ nghĩa Cực thực tạo ra một thực tế giả, một ảo ảnh thuyết phục dựa trên một mô phỏng của đời sống thực , họ đề cập đến cách những nghệ sĩ sử dụng tầm nhìn nội tại chủ quan, kết hợp với các yếu tố của chủ đề về cảm xúc, xã hội, văn hóa và chính trị như một phần mở rộng của ảo ảnh thị giác về hiện thực để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật.
Phong cách cực thực tập trung nhiều hơn vào các chi tiết và chủ đề. Những bức tranh và tác phẩm điêu khắc cực thực không phải là những diễn giải chặt chẽ về các bức ảnh, cũng không phải là những minh họa theo nghĩa đen của một cảnh hoặc chủ đề cụ thể. Thay vào đó, họ sử dụng các yếu tố hình ảnh bổ sung, thường là tinh tế, để tạo ra ảo giác về một thực tại mà trên thực tế không tồn tại hoặc không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Hyperrealism tạo ra ảo ảnh bằng cách nâng cao hiện thực một cách sâu sắc, gây sự tò mò ấn tượng thị giác hơn. Các nhân vật, hình thể và khung cảnh được miêu tả nhấn mạnh vào các chi tiết, tăng cảm giác về chiều sâu không gian, và từ đó, kể cả các nghệ sĩ có sử dụng một tấm ảnh gốc để làm mẫu, thì tác phẩm của họ vẫn miêu tả ra được một “hiện thực” khác không hiện hữu trong tấm ảnh gốc đó, nhưng vẫn hết sức sinh động và chân thực. Về cơ bản chúng cũng tạo ra cảm giác giống như ảnh chụp và có thể còn tạo cảm giác sinh động và chân thật cuốn hút thị giác và cảm xúc hơn ảnh chụp, nhưng nhắm đến sự phức tạp hơn trong cả chủ đề lẫn cách thể hiện.
Hội họa cực thực chơi với cường độ màu sắc, ánh sáng, độ tương phản và độ sắc nét để tạo ra một mô tả sống động hơn về những gì chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Các nghệ sĩ theo trường phái Hyperrealism thường chọn hội họa và điêu khắc trong nỗ lực để mang lại một khía cạnh thực tế bổ sung cho cuộc sống.
Thay vì đơn giản mô phỏng lại hiện thực trước mắt, các nghệ sĩ cực thực lại tạo ra một “ảo giác về hiện thực”. Họ tạo ra một bức tượng, hay vẽ ra một bức tranh để nhằm mang lại cho khán giả cảm giác về một sự thật thực ra không có thật, cùng lúc với việc đưa cảm xúc, các quan điểm về xã hội, văn hóa, chính trị của mình vào đó. Họ hư cấu ra một thế giới mới, nhưng lại làm bạn tưởng rằng đó là thế giới hiện hữu mà bạn vẫn thường thấy bằng đôi mắt của mình. Tác phẩm của họ, vẫn phải là cái đến từ bên trong, chứ không phải là sự sao chụp đơn giản thế giới bên ngoài ”.
Theo những quan niệm trên – chúng ta có thể nhận thấy Hội họa Đỗ Quang Em có sự gần gũi tình bạn với những quan niệm của khuynh hướng Hyperrealism, nhưng hội họa của ông vẫn là một nhánh riêng mà không phải như là một thành viên, một hiệp sĩ trung thành của Vương quốc Hyperrealism.
Đề tài nội dung các tác phẩm của họa sĩ Đỗ Quang Em thường giản dị: vẽ chân dung, vẽ các nhân vật nữ trong trang phục truyền thống thời xưa , vẽ các đồ vật của đời sống thường nhật như bàn ghế tre, bình gốm, ấm chén tách trà, đèn dầu… Bố cục Tranh của Đỗ Quang Em đơn giản, chân phương, không cầu kỳ phức tạp, không có gì đặc biệt, người mẫu hay các vật thể được sắp đặt tự nhiên không cầu kỳ bất thường về kiểu dáng để gây ấn tượng cho hình thể. Điều hệ trọng tối cao nhất mà sở trưởng của Đỗ Quang Em hay sử dụng đó là kỹ năng sử dụng nghệ thuật sơn dầu hoàn hảo thượng thặng trong sự biểu hiện các sắc độ tương phản sáng – tối, trong một không gian khép kín nhỏ hẹp, ẩn hiện mờ ảo chìm trong ánh màn đêm, cùng tài nghệ tinh túy lão luyện trong kỹ năng diễn tả chính xác chi tiết của các sự vật. Các tác phẩm đều sử dụng bóng tối có khoảng trống lớn bao trùm là gam màu chủ đạo phủ gần kín hết bề mặt tranh, còn hình thể các nhân vật các vật thể đều biến ảo không đầy đủ trọn vẹn thường cho nhòa khuất chìm vào bóng tối, ánh sáng chắt lọc tinh tế chỉ lóe sáng nổi bật ở một vài điểm chính trên khuôn mặt, thân thể, tay chân, váy áo, trên các vật thể mang tính tương trưng…
Ngắm nhìn suy tư hội họa Đỗ Quang Em – tôi băn khoăn tự hỏi: Có phải ông có ảnh hưởngtừ nghệ thuật nhiếp ảnh đen trắng hiện đại !?
Có phải !? – Đỗ Quang Em có ảnh hưởng sâu sắc bởi phong cách của hai danh họa:
1 – Danh họa Caravaggio (1571 – 1610). Ông là một họa sĩ bậc thầy người Ý, cha đẻ của phong cách Baroque. Caravaggio đã đặt các nhân vật gần với mặt phẳng hình ảnh và sử dụng độ tương phản sáng tối mạnh mẽ , tạo cho khung cảnh một cảm giác lạ thường bằng sự đơn giản hóa các hình thể được chiếu sáng bằng nến hoặc ngọn đuốc.
2 – Họa sĩ người Pháp – Georges de La Tour (1593 – 1652) là họa sĩ chủ yếu vẽ các chủ đề dưới ánh sáng nến tạo nên những hiệu ứng gây ấn tượng bằng sự tương phản rất mạnh của ánh sáng và bóng tối. Cảm giác kịch tính trong các tác phẩm của ông trong việc dàn dựng và cách xử lý giữa ánh sáng và bóng tối cũng đã ảnh hưởng trực tiếp truyền cảm hứng cho nhiều đạo diễn trong lĩnh vực điện ảnh thời hiện đại.
Nhưng điều hệ trọng để tạo nên sự khác biệt – hội họa của Đỗ Quang Em có vẻ gần với nghệ thuật nhiếp ảnh đen trắng hiện đại hơn. Các tác phẩm có cấu trúc bố cục giản lược triệt để ít nhân vật hơn so với hai danh họa Caravaggio và Georges de La Tour.
Chúng ta đều biết rằng – trong lĩnh vực nghệ thuật có những cảm xúc mà con người không thể lý giải – đó là những khoảnh khắc xuất thần của trực giác hòa nhập cùng những giai điệu linh thiêng của vũ trụ công hưởng với những tiếng vọng trong sâu thẳm nội tâm của người nghệ sĩ đã làm nên kiệt tác.
Những tác phẩm của họa sĩ Đỗ Quang Em gợi lên cảm xúc lắng đọng chìm sâu trong sự thâm trầm, gợi nên trong ta những rung động của nội tâm tĩnh lặng, phơi lộ những khát khao thầm kín đời thường của cuộc sống con người. Ông nhìn ra vẻ đẹp mơ hồ trừu tượng trữ tình siêu hình tĩnh lặng vô ngôn của ánh sáng trong bóng tối màn đêm và ánh sáng chính là vị thần đã làm nên vẻ đẹp kỳ diệu cho thế giới này. Bất kể mọi vật thể khi được lăng kính của ánh sáng chiếu dọi đều có thể trở nên huyền ảo huy hàng tráng lệ. Điều hệ trọng là chúng ta điều chế ánh sáng ra sao để một vật thể có thể trở nên có vẻ đẹp bí ẩn và tuyệt mỹ. Bóng tối là người bạn thân thiết của ông, đã tri ân ông. Ánh sáng ẩn hiện hư ảo như người bạn tình say đắm luôn thủ thỉ tâm tình với ông… Một giai điệu bí ẩn nào đó của trực giác đã giúp ông phát hiện ra vẻ đẹp của những dòng ánh sáng mộng du hư ảo cộng hưởng với nguồn ánh sáng bí ẩn trong sâu thẳm nội tâm của ông …Ông đưa chút ánh sáng nhỏ nhoi của ngọn đèn dò tìm cái đẹp trong bóng tối màn đêm, và ông đã tìm thấy …Ông đã chiết xuất tinh lọc ánh sáng và bóng tối để làm nên một thứ rượu tinh hoa quý hiếm trở thành những kiệt tác của cuộc đời ông và của nhân thế – đó có phải là đặc tính vượt trội của tâm hồn trí tuệ ông. Ở đây tôi thấy sức mạnh trực giác của ông vượt qua sức mạnh lý trí – có nghĩa rằng cảm xúc nơi tâm hồn ông có trải nghiệm trực giác mạnh hơn trải nghiệm của lý trí, ông nhận thức được yếu tính của nghệ thuật bằng trực giác chứ không phải bằng lý trí. Đó có phải là sinh khí thẩm mỹ đã giúp ông thành tựu !? Tôi cho rằng – đó chính là vẻ đẹp cao quý đắt giá nhất mà họa sĩ Đỗ Quang Em đã tạo dựng đạt được thành tựu.
Hội họa Đỗ Quang Em cho thấy: Tài nghệ bậc thầy của một tay nghề tinh xảo lão luyện, một khả năng diễn tả sự vật như ảnh chụp nhưng khác nhiếp ảnh ở phương pháp xử lý sáng tối một cách chủ động theo cảm xúc chủ quan. Chúng ta có thể nhận thấy tranh Đỗ Quang Em gợi lên sự tĩnh lặng thâm trầm, chất chứa thiện căn tình người. Tác giả như ẩn khuất kín đáo ẩn dụ muốn tri kỷ tâm sự một điều gì đó trong nội tâm mà không thể nói ra …ví dụ như: Tham sân si, sự tao nhã thanh tịnh của tâm hồn, phẩm hạnh, danh lợi, phải quấy, hơn thua, buồn vui, yêu thương, giận hờn… Tôi tin tưởng sâu sắc rằng: Trong quá trình sáng tạo – Đỗ Quang Em đã tìm thấy bản ngã của ông trong trong chính hội họa của ông.
Đứng trước những bức tranh tĩnh vật của ông, tâm trí ta cảm nhận như một bài thơ mang giọng điệu cổ thinh lặng vô ngôn ngân nga trong một không gian nhỏ kín đáo ẩn hiện mơ hồ mông lung kỳ ảo chập chờn, trong ánh sáng nội tâm trầm tĩnh của chính tác giả đang hiện hữu lan tỏa. Phải chăng – bởi vậy mà chúng ta thấy nghệ thuật của ông không giao tiếp với thiên nhiên, với núi rừng, với dòng sông, với mùa thu, với cỏ cây hoa lá …!? Ông khiêm nhường giữ vẻ lịch lãm thâm trầm, ẩn dật, ông chỉ giao tiếp với một không gian nhỏ hẹp kín đáo, nhưng sâu thẳm mênh mang rộng lớn theo chiều sâu hư ảo đó là những tiếng vọng trong vô thức của ông, trong thế giới nội tâm sâu lắng của ông.
Uống rượu say lòng thinh lặng vô ngôn
Tâm hồn thảnh thơi chơi vơi với đời
Ngắm nhìn pho tượng cổ thấy chiều tàn bóng xế
Khi màn đêm buông
Giấc mộng rơi trước ánh đèn khuya mờ ảo mông lung.
Các hình thể, các vật thể, các chi tiết ẩn hiện mông lung mờ ảo trên bề mặt tranh đã tạo nên biểu cảm gây ấn tượng cho những tác phẩm. Kỹ thuật điều chỉnh tỷ lệ tương phản mạnh như chỉ có một nguồn chiếu sáng ẩn mộng du rất gần gũi ở đâu đó được chiếu vào người mẫu và các vật thể đã xây dựng nên những hình ảnh mà chúng ta không thấy có trong thực tế cuộc sống (điều này ông có chung quan niệm hay có thể gọi là ảnh hưởng của Hyperrealism đồng thời tạo cho tác phẩm trở nên có tính siêu thực). Đa số bề mặt của nền tranh được phủ một diện khá lớn bằng một màu xám đen, nâu đen đậm ánh đỏ, trầm mặc, u uẩn thinh lặng khiến người xem không thể xác định được bối cảnh nơi chốn thực của không gian trong tác phẩm. Hình như tác giả đam mê đến sự biểu lộ tính cách cá nhân như một sự du hý trong việc xử lý sắc độ sáng tối trên bề mặt tranh nhiều hơn là sự thể hiện miêu tả chính xác tâm trạng tính cách của các người mẫu và tính chất các vật thể được vẽ. Việc sử dụng độ tương phản mạnh của ánh sáng và bóng tối đã trở nên là một thành phần quan trọng chính yếu trong chủ đề của tác phẩm đã được thể hiện bằng xúc cảm tưởng như thinh lăng vô ngôn của tâm hồn ông. Tất cả những điều trên đã làm nên phong cách Đỗ Quang Em.
Tôi cho rằng: Hội họa Đỗ Quang Em không hư cấu về chủ đề nội dung, không hư cấu về tạo hình, mà chủ yếu hư cấu về ánh sáng và bóng tối. Hội họa Đỗ Quang Em không có sự đột biến bất thường trong tạo hình, trong chủ đề nội dung để có thể làm tâm trí ta bàng hoàng choáng váng phải suy tư về thẩm mỹ cấu trúc tạo hình hội họa, suy tư về cuộc đời về thân phận kiếp người. Các tác phẩm của ông là sự hôn phối của hai vẻ đẹp: Kỹ thuật tài nghệ tả thực đạt đến đỉnh cao bậc thầy cùng với vẻ đẹp của sự u tịch thâm trầm tĩnh lặng phảng phất một chút trữ tình ẩn dật kín đáo của nội tâm. Những cảm xúc trong tác phẩm biểu lộ không niềm vui, không nỗi buồn, không lãng mạn, không siêu hình trừu tượng, không biểu lộ sự cô đơn, lòng trắc ẩn, nỗi đau đáu ám ảnh, sự trầm tư suy tưởng, sự gay cấn xung đột mãnh liệt bạo liệt giằng xé của nội tâm, hay trí tưởng tượng ngông cuồng khùng điên của lý trí cảm xúc nỗi loạn nhằm kích thích sự sáng tạo, tạo dòng điện mạnh trong tâm trí làm bùng nổ chấn động cảm xúc truy tìm những hình thể thẩm mỹ khác lạ…
Có lẽ tác giả muốn gửi gắm tâm trạng hoài niệm về vẻ đẹp chân chất nguyên sơ, nhưng mang tính lễ nghi, sự tôn nghiêm, sự khiêm nhường, tinh tế, cầu kỳ, vương giả… của một thời quá khứ… Cho dù vậy hội họa Đỗ Quang Em luôn làm chúng ta phải trân trọng kính nể ngưỡng mộ bởi tài nghệ lão luyện của ông trong kỹ thuật thể hiện tác phẩm.
Tôi cho rằng một số bức chân dung phụ nữ có thể được coi là những tác phẩm kiệt xuất nhất của hội họa Đỗ Quang Em.
Có một số người cho rằng tranh Đỗ Quang Em gần gũi sự huyền bí …Tuy vậy – tôi không hề cảm nhận thấy sự huyền bí trong các tác phẩm của Đỗ Quang Em. Tôi không nghĩ rằng cứ mơ hồ huyền ảo trong bóng tối màn đêm là có khí sắc tâm linh cũng như không phải ngôi chùa nào cũng linh thiêng có Thánh thần viếng thăm cư ngụ. Khi nói đến sự huyền bí – ở đó thường hé lộ gợi cho ta liên tưởng đến thế giới tâm linh, nơi diễn ra những khung cảnh, những ảo ảnh huyền bí siêu hình cuộc sống của những linh hồn ở nơi thế giới bên kia. Những người mẫu, những đồ gốm, những vật thể của đời sống thường ngày được ông thể hiện miêu tả rất thật rất tinh tế cho dù không đầy đủ trọn vẹn hình thể, nhưng không thấy hiện lên sự ám ảnh của khí sắc thần bí hay dấu ấn bí ẩn của thế giới tâm linh, của những linh hồn tự do bơ vơ lang thang trong cõi hư vô…
Thưởng ngoạn tranh Đỗ Quang Em, ta thấy ngay nghệ thuật của ông không đòi hỏi nhiều về trí tưởng tượng, nhưng đòi hỏi phải có sự công phu khổ luyện ý chí kiên trì bền bỉ dài lâu để có được một kỹ năng vượt trội ở tầm bậc thầy. Đồng thời ta có cảm giác hình như tác giả rất yêu thích nghệ thuật sân khấu cải lương. Tôi cảm nhận rằng: Tranh ông phảng phất chút ít dáng vẻ của sân khấu kịch cải lương.
Tôi không có cơ duyên được gặp gỡ tiếp xúc với danh họa, nhưng qua tác phẩm cho thấy ông là người nhạy cảm, tinh tế, sâu sắc, có niềm đam mê mãnh liệt với hội họa Tả thực – một phong cách luôn đòi hỏi sự trang nghiêm chuẩn mực chính xác…và hình như ông ưa lối sống ẩn dật giản dị tĩnh lặng như một người có Tâm thức Đạo Thiền sống theo tư tưởng Phật giáo.
Tôi cho rằng: “Cảm thụ vẻ đẹp nghệ thuật là khả năng thấu thị thẩm mỹ của Tôi – là cái nhìn của Tôi“ – hay nói cách khác là: ”Cảm thụ cái đẹp là khả năng thấu thị nhận thức thẩm mỹ của mỗi cá nhân“. Bởi nên hy vọng các bạn đọc, các họa sĩ, các nhà phê bình nghệ thuật, các nhà sưu tập yêu thích hay không đánh giá cao hội họa Đỗ Quang Em có thể cảm thông cho những suy tư nhận định của cá nhân tôi, những lời bình có thể chưa đủ độ thâm thúy cao xa sâu dày, chưa thật hoàn hảo và cần có thêm thời gian, cần có sự tham kiến của nhiều giác độ khác nhau của những cặp mắt khác có sự trải nghiệm suy tư thẩm mỹ khác nhau để có thể đánh giá chuẩn mực hơn công bằng hơn về vẻ đẹp hội họa Đỗ Quang Em.
Tôi ngưỡng mộ trân trọng tài nghệ bút lực của họa sĩ Đỗ Quang Em – một tài năng lớn, một bậc thầy về lối vẽ tả thực tinh túy phảng phất siêu thực của Hội họa Việt Nam thời đương đại.
Tôi nghĩ rằng: Rất có thể – giới Mỹ thuật Việt Nam sẽ đặt ông ngồi trên “ngai vàng” của hội họa Tả thực của Việt Nam.
Paul Éluard – nhà thơ người Pháp viết: “Chúng ta sống cuộc đời này, nhưng số mệnh của mỗi chúng ta là tranh đấu để sống một cuộc sống khác“ – Có lẽ cuộc đời danh họa Đỗ Quang Em đã theo đuổi đến cùng một sứ mệnh của hội họa tả thực mang thần thái khí sắc hư ảo thâm trầm tĩnh lặng như muốn biểu lộ tâm trạng hoài cổ của chính tác giả…và có thể trở nên bất tử với thời gian.
Paul Vân Thuyết