PHỎNG VẤN HỌA SĨ TRẦN VĂN CẨN – CÂU CHUYỆN SAU CHUYỂN THĂM NƯỚC PHÁP (1)

Vào tuổi 80, họa sĩ Trần Văn Cẩn còn minh mẫn lắm. Trong căn phòng ở vừa dùng là xưởng họa ở gác ba phố Nguyễn Thượng Hiền tôi đến thăm và phỏng vấn anh.
Hữu Ngọc (H.N): Từ ngày anh đi Pháp về chưa có dịp đến chơi hỏi anh về cảm tưởng chuyến đi.
Trần Văn Cẩn (T.V.C): Tôi rất hài lòng về chuyến đi do Chính phủ Pháp mời. Điều tôi mừng nhất là mang về được một bộ sưu tập phiên bản gồm 78 tác phẩm hội họa và 7 tác phẩm điêu khắc, hiện trưng bày thường xuyên ở Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là một cái vốn rất quý, vì nhiều họa sĩ và sinh viên chúng ta không có dịp đi nghiên cứu ở các viện bảo tàng nước ngoài. Nghệ thuật phiên bản hiện đại lại rất cao nên bộ sưu tập này thật có giá trị. Ngay từ thời tôi học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trường cũng không có được một bộ như bộ này. Cũng may là ông Victor Tardieu, giám đốc nhà trường, rất thiết tha với sinh viên nên cho học sinh xem trong thư viện riêng của ông rất nhiều tranh phiên bản, sách báo tư liệu về hội họa phương Tây.
Trần Văn Cẩn đầu những năm 1970 (Ảnh sưu tập Phạm Văn Thông)
H.N: Tôi thấy anh và các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đều có cảm tình với họa sĩ Tardieu, người sáng lập ra nhà trường.
T.V.C: Đúng vậy. Nếu không có hướng đào tạo đúng, đào tạo nghệ sĩ chứ không phải đào tạo nghệ nhân, sự quyết tâm, bền bỉ của ông Tardieu, thì trường không thể ra đời và tồn tại được. Thalamas, giám đốc Học chính Đông Pháp (Đông Pháp tức Đông Dương thuộc Pháp / L’Indochine francaise-TCMT), mới đầu ủng hộ đề án rồi sau chống lại với lý do là đào tạo nghệ sĩ ở thuộc địa ra trường không có việc làm, thêm rắc rối chính trị. Cả bọn Phạm Lê Bổng ở Viện dân biểu Bắc Kỳ cũng ùa theo. Nhưng Tardieu vẫn thắng do có anh là André Tardieu làm thứ trưởng Pháp từ 1929 đến 1932.(2)
H.N: Phải chăng nhà thơ đương đại nổi tiếng Jean Tardieu là con họa sĩ Victor Tardieu?
T.V.C: Tôi không biết rõ, nhưng chắc chắn là người trong họ.(3) Họ Tardieu có thế lực đến nỗi xin tách Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra khỏi Nha học chính Đông Pháp và đặt nó dưới quyền kiểm soát trực tiếp của Phủ Toàn quyền Đông Pháp.(4) Có thể nói là nếu không có vai trò của Tardieu thì Hội họa Việt Nam hiện đại theo một con đường khác. Tardieu phải vật lộn với vấn đề kinh phí. Cơ sở của trường (hiện nay là Trường Đại học Mỹ thuật của ta) nguyên là một cái kho của nhà ga Hà Nội, nơi Tardieu mượn để vẽ một bức tranh tường to cho giảng đường Đại học Đông Pháp.
H.N: Phải chăng trước Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, ở các thuộc địa khác, ở toàn bộ Đông Nam Á, không có nơi nào có một trường tương tự như Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương?
T.V.C: Có lẽ là thế.
Trần Văn Cẩn đang vẽ tranh sơn mài Trong địa đạo Vĩnh Mốc, khoảng 1976 (Ảnh sưu tập Phạm Văn Thông)
H.N: Thế sao có lúc anh cùng Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đã phản đối quan điểm thực dân của một số giáo sư Pháp, nhất là Jonchère, đặc biệt qua báo chí?
T.V.C: Việc đó xảy ra vào thời kỳ cuối của trường, những năm sắp xảy ra Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Chúng tôi chống lại việc biến trường thành trường mỹ nghệ.
H.N: Tôi nghe nói Tardieu có con mắt tinh đời đã phát hiện ra tài năng của Nguyễn Phan Chánh?
T.V.C: Ông Chánh học khóa đầu của trường cùng Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Nguyễn Tường Tam… Đúng là một ông nông dân, thầy đồ xứ nghệ, vào lớp kè kè cái ô để bên chỗ ngồi. Thấy ông không hợp với lối vẽ chính thức académique và phát hiện khả năng ông không hợp sơn dầu, khi đi Vân Nam Tardieu mang về một số tranh lụa và đồ vẽ tranh lụa cho ông Chánh nghiên cứu.(5) Ông Chánh nghiên cứu thành công, tạo ra một phong cách tranh lụa Việt Nam độc đáo, không tô từng mảng phẳng mà áp dụng ít nhiều quy luật viễn cận về kỹ thuật bố cục hội họa phương Tây. Khác hẳn lụa Trung Quốc và Nhật Bản, mà vẫn giữ được cái chất mờ ảo Á Đông. Bức “Chơi ô ăn quan” thật tuyệt về màu sắc, đặc biệt “gam” nâu. Truyền thống và hiện đại phương Tây kết hợp nhuần nhuyễn. Tardieu tìm cách cho triển lãm tranh lụa Nguyễn Phan Chánh ở Pháp, vận động tạp chí L’Illustration in màu lại, do đó tranh lụa Việt Nam được khẳng định.
H.N: Trong cuốn “Việt Nam giữa hai huyền thoại” nhà ngoại giao Pháp Claude Palazzoli có nhận xét là người Việt Nam bao giờ cũng tiếp thu ảnh hưởng nước ngoài qua một quá trình chuyển hóa và thích nghi, những yếu tố ngoại lai tích lũy một cách uyển chuyển, luôn luôn kèm theo những nét dân tộc cơ bản. Phải chăng tranh sơn mài Việt Nam, một sự đóng góp nữa của hội họa Việt Nam, cũng nằm trong quá trình đó như tranh lụa?
T.V.C: Có thể nói thế cũng được. Tranh sơn mài Việt Nam ra đời một cách bất ngờ, trên cơ sở một tổ chức phụ của trường [Mỹ thuật Đông Dương] do người Pháp mở. Chúng tôi học hai buổi, buổi sáng mỹ thuật [hội họa], buổi chiều nghiên cứu trang trí, đặc biệt có nghề thủ công sơn mài. Chúng tôi, những họa sĩ Việt Nam, đã mầy mò dần ra môn họa mới này.
Trần Văn Cẩn cuối những năm 1970 đầu 1980 (Ảnh sưu tập Phạm Văn Thông)
H.N: Ngoài Tardieu, tôi cũng nghe nói nhiều đến Inguimberty.
T.V.C: Ông này nêu gương cho anh em về say mê nghệ thuật, tài năng và lao động hết sức nghiêm túc. Muốn vẽ một cái nhà, ông đo cẩn thận bề dài, bề rộng đã. Ông ăn mặc như phu lục lộ, đi cái xe đạp tàng tàng, tay cắp bức vẽ dưới nách… Những nghệ sĩ như Tardieu, Inguimberty… đã tạo ra ở trường của họ một “khí hậu nghệ thuật” chưa từng có ở Việt Nam: quan niệm về học nghệ thuật vì thích cái đẹp chứ không phải để làm quan, sống bằng nghề tự do, vẽ không những hoa lá, phụ nữ… mà còn nghiên cứu vốn cổ dân tộc, vẽ chùa chiền, đất nước, nông dân…
H.N: Một số người ngoại quốc xem tranh của họa sĩ Việt Nam cho là chúng ta chịu ảnh hưởng khá đậm của trường phái Ấn tượng (impressionnisme) Pháp. Tôi thấy điều này không rõ lắm dưới góc độ kỹ thuật như bỏ đường viền, phá sự liên tục đường nét, sử dụng vệt bút hay chấm màu để diễn tả ánh sáng…
T.V.C: Tôi thấy nhận xét trên cũng đúng về vai trò của ánh sáng: ánh sáng là vai chính trong tranh Ấn tượng Pháp và tranh của ta. Lúc trường phái Ấn tượng ra đời ở Pháp vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, các họa sĩ phái này đã làm một cuộc cách mạng trong hội họa bằng cách đoạn tuyệt với lối vẽ trong xưởng. Họ ra ngoài trời để tóm bắt những ấn tượng thoáng qua, những màu sắc đổi thay tùy theo thời gian trong ngày, trong tháng, ở những yếu tố lung linh như sắc mây, da trời, cây lá… Các họa sĩ ta tiếp thu rất dễ việc vẽ ngoài trời vì đất nước ta ở vùng nhiệt đới, thiên nhiên đầy màu sắc và quyến rũ.
Trần Văn Cẩn cùng một số bạn nghệ sĩ. Khoảng 1985-1990 (Ảnh sưu tập Phạm Văn Thông)
H.N: Đi Pháp chuyến vừa rồi, anh chú ý đến viện bảo tàng nào?
T.V.C: Các gian triển lãm nghệ thuật hiện đại ở Beaubourg(6) gây ấn tượng mạnh nhất đối với tôi. Tôi thú thật với anh, lần đầu tiên vào cái “bát quái đồ” ấy, tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi chỉ tự an ủi họ vẽ trừu tượng đến mức này chắc là để đáp ứng những nhu cầu của một xã hội hậu công nghiệp đặt ra. Có điều là tất cả những tìm tòi đều được chấp nhận. Tôi cũng “bâng khuâng” lắm, tôi dùng chữ của anh Nguyễn Đỗ Cung. Ít nhất, [các] triển lãm ấy cũng làm tôi suy nghĩ về sứ mệnh của nghệ thuật. Tôi nhớ đến tên một bức tranh của Gauguin vẽ ở Tahiti: “Chúng ta ở đâu đến? Chúng ta đang ở đâu? Chúng ta đang đi đâu?”(7)
H.N: Xin cảm ơn anh.
Hữu Ngọc 
Chú giải của Tạp chí Mỹ thuật:
1. Bài phỏng vấn này được thực hiện vào năm 1990 và đã được in trong cuốn “Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1925-1990” (quyển nhỏ, lưu hành nội bộ), với tiêu đề “Phỏng vấn họa sĩ Trần Văn Cẩn”. Tiêu đề ở đây do Tạp chí Mỹ thuật đặt.
2. Do tình trạng thiếu thông tin ở vào thời kỳ trước năm 1995, chúng ta vốn thường cho rằng ông André Tardieu là người trong họ của Victor Tardieu, nhưng trên thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy. Theo thông tin từ chính gia đình Victor Tardieu, giữa André Tardieu và Victor Tardieu không hề có quan hệ họ hàng gì, mà chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên về tên họ.
André Tardieu (1876-1945) là một nhà chính trị Pháp, thuộc phe hữu, từng nhiều lần làm bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng (président du Conseil, tương đương chức Thủ tướng) – “là chức danh do Tổng thống chỉ định, dành cho chính trị gia chịu trách nhiệm thành lập và lãnh đạo chính phủ trong các nền Cộng hòa III và IV ở Pháp” (theo Lexique de politique, Éditions Dalloz, 2001).
3. Jean Tardieu (1903-1995) là người con độc nhất của Victor Tardieu. Ông đã từng đi nghĩa vụ quân sự ở Đông Dương vào khoảng những năm 1928-1932, sau trở thành một trong những nhà văn quan trọng bậc nhất của nước Pháp thế kỷ 20.
4. Như đã nói ở chú giải 2, ông Victor Tardieu không có họ hàng gì với ông André Tardieu. Vì vậy, về mặt lịch sử, chuyện “họ Tardieu có thế lực” ở đây cần phải được chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu lại. Từ một số tư liệu hiện có, chúng ta có thể suy diễn “thế lực” này có thể đã hình thành từ một vài nhân tố khác.
5. Chính xác là “phiên bản tranh lụa” chứ không phải “tranh lụa”.
6. Trung tâm Beaubourg (Centre Beaubourg) là một trung tâm văn hóa và bảo tàng lớn dành cho nghệ thuật hiện đại và đương đại, khánh thành năm 1977, nằm ở khu Beaubourg thuộc quận IV, Paris.
7. Nguyên văn tiếng Pháp: “D’où venons-nous? Que sommes-nous? Où allons-nous” (Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là gì? Chúng ta đi đâu?) Câu thứ hai và câu thứ ba đã được Gauguin viết trực tiếp trên một bố cục lớn vẽ vào năm 1897, hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Hoa Kỳ.

 

Bút tích của Trần Văn Cẩn: Một trang nghiên cứu về cuộc đời và nghệ thuật của Modigliani. Khoảng 1960-1964 (Sưu tập tư nhân Hà Nội)

Bút tích của Trần Văn Cẩn: Hai trang nghiên cứu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam (Sưu tập tư nhân, Hà Nội)
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Hà Nội, khoảng 1935-1936. Trần Văn Cẩn (người ngồi thứ năm từ trái sang), Nguyễn Gia Trí (người đứng thứ tư từ trái sang?), Joseph Inguimberty (người đứng thứ năm từ trái sang), Lưu Văn Sìn (người ngồi thứ ba từ trái sang) và một số sinh viên khác

 

Trần Văn Cẩn đang vẽ trên đường công tác. Khoảng 1947-1950

 

Trường Mỹ thuật Việt Nam Khóa Kháng chiến. Việt Bắc, khoảng 1950-1951 Trần Văn Cẩn (người thứ hai từ trái sang) đang hướng dẫn các sinh viên

 

Trường Mỹ thuật Việt Nam Khóa Kháng chiến tại triển lãm tại Lào Cai giải phóng, 1951. Hàng đứng, từ trái sang: Tô Ngọc Vân, Trịnh Phòng, Bùi Trang Chước, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Thế Vỵ, Trần Đông Lương, Nguyễn Khang. Hàng ngồi, từ trái sang: Lê Nguyên Lợi, Lưu Công Nhân, Trần Quốc Ân (phía sau), Quang Phòng, Dư Tá, Phan Thông (phía sau) và Ngô Tôn Đệ (Chú giải ảnh: Ngọc Linh)

 

Trần Văn Cẩn (người thứ hai từ trái sang, đội mũ) cùng một số học sinh Trường Mỹ thuật Việt Nam Khóa Tô Ngọc Vân. Hà Nội 1955-1957 (Ảnh sưu tập Phạm Văn Thông)

 

Trần Văn Cẩn trong thời gian giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Việt Nam Khóa Tô Ngọc Vân. Khoảng 1955-1957 (Ảnh sưu tập Phạm Văn Thông)

 

Trần Văn Cẩn trong thời gian đi công tác tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Khoảng 1958-1959 (Ảnh sưu tập Phạm Văn Thông)

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn công tác ngành mỹ thuật Việt Nam tại Liên Xô. Khoảng 1958-1959. Hàng đứng từ trái sang: Mai Văn Hiến, Tố Hữu (người thứ tư), Phan Kế An và Diệp Minh Châu. Hàng ngồi: Trần Văn Cẩn (người bên trái) và Lương Xuân Nhị (người bên phải) (Ảnh sưu tập Phạm Văn Thông)

 

Hà Nội 1960, Công viên Thống nhất. Trần Văn Cẩn đang vẽ chân dung quyên góp tiền để ủng hộ đồng bào miền Nam (Ảnh sưu tập Phạm Văn Thông)

 

Trần Văn Cẩn cùng người dân tộc trong một chuyến đi thực tế ở vùng cao (Ảnh sưu tập Phạm Văn Thông)

 

Hà Nội 1964 Trần Văn Cẩn đang vẽ tranh Nguyễn Văn Trỗi (Ảnh sưu tập Phạm Văn Thông)

 

Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Hà Nội, khoảng 1960-1964 Trần Văn Cẩn đang trao đổi với nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần về tranh dân gian Việt Nam (Ảnh sưu tập Phạm Văn Thông)

 

Trần Văn Cẩn đang vẽ trên đường Trường Sơn, tháng 3/1975 (ông phải đeo khẩu trang vì đường quá bụi) Ảnh: Hồng Nghi (Sưu tập Phạm Văn Thông)

 

Trần Văn Cẩn đang phát biểu tại Hội nghị ngành Mỹ thuật Giải phóng. Khoảng 1975-1976 (Ảnh sưu tập Phạm Văn Thông)
Trần Văn Cẩn đang vẽ ở Tây Nguyên. Khoảng 1977-1979 Ảnh: Hồng Nghi (sưu tập Phạm Văn Thông)

 

Trần Văn Cẩn (người bên phải) cùng Quang Thọ, Thanh Ngọc bên xác xe tăng địch. Khoảng 1977-1979. Ảnh: Hồng Nghi (sưu tập Phạm Văn Thông)

 

Trần Văn Cẩn cùng Thẩm Đức Tụ, Mai Văn Hiến, Lê Công Thành, Phạm Văn Đôn tại một triển lãm tranh tượng thiếu nhi. Khoảng 1970-1980 (Ảnh sưu tập Phạm Văn Thông)

 

Nhà điêu khắc Trần Thị Hồng đang sáng tác tượng chân dung Trần Văn Cẩn

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Odilon Redon người tự minh họa giấc mơ

Odilon Redon (1840 – 1916) là một nghịch lý khuất lấp. Ông sống giữa thời đại Ấn tượng và hậu-Ấn tượng trăm hoa đua nở của những Renoir, Gauguin và Van Gogh. Song, ngoại trừ được công nhận trong...

Thực hành giám tuyển trong giáo dục nghệ thuật

Với tư cách là một nghệ sĩ-nhà giáo dục, tôi ví vai trò cố vấn-hướng dẫn của mình giống như vai trò của một curate-người chăm lo, được tin tưởng chăm sóc những sinh viên đại học bằng...

Mối quan hệ giữa mỹ thuật ứng dụng và các loại hình nghệ thuật khác

Khi nói tới mối quan hệ qua lại giữa các ngành nghệ thuật, tới sự trợ giúp và ảnh hưởng lẫn nhau của chúng; cũng như sự tác động của các loại hình nghệ thuật khác tới sự sáng tạo mỹ...

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Tiến trình phát triển điêu khắc Phật giáo hệ Bắc tông và sự biến đổi kiến trúc ngôi chùa Việt

Chùa Việt là một trong những thực thể kiến trúc gắn liền với đời sống của người Việt, cùng với sự biến động và bồi đắp của lịch sử. Các ngôi chùa cổ ở Đồng bằng Bắc Bộ chính là...

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thăm và làm việc tại Gwangju, Hàn Quốc

Trong khuôn khổ hợp tác trưng bày giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Châu Á tại Hàn Quốc (ACC), đoàn công tác của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do Giám đốc Nguyễn Anh Minh làm...

CỬA THOÁT HIỂM

  Trong lần khai mạc cuộc triển lãm tranh minh họa sách báo và tranh cỡ nhỏ của Bùi Xuân Phái, ông Kim Sang Ug – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội đã trò chuyện với tôi qua cô...

Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20 – Phiên đấu giá của Nhà đấu giá Le Auction House

  Hướng tới mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, Nhà Đấu giá LE AUCTION HOUSE tổ chức phiên Phiên đấu giá “Nghệ Thuật Việt Nam Thế Kỷ 20” vào ngày 10/03/2024. Quy...

Phát huy giá trị di sản qua hội họa

(Chinhphu.vn) – Ngày 16/5, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Trịnh Gia tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Di sản văn hoá Việt Nam qua hội họa”....