CHÂN DUNG HỌA SĨ TRẦN HÀ – MỘT PHƯƠNG TRÌNH NHIỀU ẨN SỐ

 

Nếu có ai đặt câu hỏi: Cụ Trần Hà là ai? Thì câu trả lời nhanh nhất, dễ dàng nhất có lẽ sẽ đến từ những người Nam Bộ cũ, đặc biệt người Sài Gòn cũ: Cụ Trần Hà là một đại gia của nghề sơn, sánh ngang với đại gia sơn Thành Lễ!

… Năm 2018, khi giới thiệu một bức tranh sơn mài của Trần Hà, bức “Tiếng gọi huyền diệu”, đăng trên Tạp chí Mỹ thuật, chúng tôi cũng mới chỉ đưa ra được một số thông tin tối thiểu về cụ:

– Tên đầy đủ: Trần Văn Hà.

– Sinh năm 1911, mất ngày 13/2/1974 tại Sài Gòn.

– Hiện mộ tại Bình Dương.

– Sáng lập và điều hành Hãng sơn mài Trần Hà. Địa chỉ chính số 43 Hùng Vương, Phú Cường, Bình Dương. Chi nhánh tại Hotel Continental, Công trường Lam Sơn, Sài Gòn.

Họa sĩ Trần Hà (1911-1974). Ảnh chụp trong thời gian học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tư liệu của Lynda Trouvé.

– Nhãn thương hiệu gắn sau mỗi sản phẩm: Est Tran Ha, Factories of arts & crafts, 43 Hung Vương Street, Thu Dau Mot, Viet Nam.

– Đã tham dự Triển lãm Mùa xuân Kỷ Hợi năm 1959 do Trường Mỹ thuật Gia Định tổ chức với ba tác phẩm: “Rước kiệu Hai Bà Trưng”, “Chùa Nam Vang”, “Chùa Thiên Mụ”. Triển lãm bao gồm 78 nghệ sĩ miền Nam thời bấy giờ như Duy Liêm, Đinh Cường, Nguyễn Thanh Lễ (Thành Lễ)…

– Sau khi Trần Hà mất, xưởng của cụ vẫn tiếp tục sản xuất sơn mài cho đến khoảng những năm 1980 thì dừng hẳn. Nhà nước tiếp quản gian hàng ở Continental, trưng dụng xưởng vẽ lập nên Tỉnh hội Phụ nữ.

– Con trai lớn của cụ Trần Hà, ông Trần Thiện Tỵ, trước sống ở Pháp, nay định cư ở Australia. Con trai thứ tư đang sống và làm việc cho một công ty sơn mài ở Pháp…

Trong các thông tin về cụ Trần Hà, chúng tôi cũng đã đưa ra một thông tin rất đáng chú ý do anh Ngô Kim Khôi cung cấp: Cụ Trần Hà đã từng là học trò của cụ Nguyễn Nam Sơn, trong nhà cụ có thờ ảnh cụ Nam Sơn.

Như vậy cũng có nghĩa, cụ Trần Hà có học về hội họa, chỉ có điều chưa biết cụ học vào thời gian nào và học ở đâu? Và nếu cụ Nam Sơn có mối quan hệ thầy trò với cụ Trần Hà thì liệu cụ Trần Hà có từng học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội hay không? Và thêm nữa, cụ Trần Hà có được xem là một họa sĩ thực thụ không?

Có thể vì cho rằng cụ Trần Hà chỉ là một “nghệ nhân” thuần túy hoạt động trong lĩnh vực mỹ nghệ, nên trong một cuốn sách khảo cứu rất công phu nhan đề “Mỹ thuật Đô thị Sài Gòn-Gia Định 1900-1975”, tác giả Uyên Huy đã không xếp cụ vào danh sách các họa sĩ?!

Trần Hà (đứng giữa, cầm mũ) tại phòng trưng bày của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Có thể dễ dàng thấy treo trên tường là một số bức tranh lụa nổi tiếng của Nguyễn Phan Chánh như “Chơi ô ăn quan”, “Cô bé và lồng chim”, “Lên đồng”… Bức ảnh chắc chắn đã được chụp trong khoảng thời gian từ cuối 1930 đến đầu 1931, vì hầu hết các bức tranh kể trên đã được Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1930, và ngay sau đó đã được gửi sang tham dự triển lãm tại Đấu xảo Paris 1931, được người Pháp mua và lưu giữ tại Pháp. Đây là một bức ảnh then chốt để chứng thực sự có mặt của Trần Hà tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đúng vào thời gian ông bắt đầu theo học tại trường này ở khóa VI (1930-1935). Tư liệu của Lynda Trouvé.
Trần Hà (đứng thứ 2 từ trái sang) cùng một số sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Một người nữa có thể xác định chắc chắn là Lưu Đình Khải (đứng ngoài cùng bên phải) học khóa IV (1928-1933). Tư liệu của Lynda Trouvé.

* * *

Thật may mắn làm sao, trong hồ sơ đấu giá của Lynda Trouvé vừa công bố mới đây, người Pháp đã đưa ra một số tư liệu quý về cụ Trần Hà, bao gồm:

– Một ảnh chụp Bằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cấp vào năm 1935, trên đó có ghi danh tính của người được cấp: “Trần Văn Hà, sinh ngày 22 tháng 12 năm 1911 tại Thanh Phước, Tây Ninh.”

– Khoảng mười ảnh chụp cụ Trần Hà và hoạt động của cụ tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mà chúng ta có đủ căn cứ để xác định chính xác rằng những tấm ảnh này đã được chụp trong khoảng từ 1930 đến 1935, tương ứng với tấm bằng trên về mặt thời gian (xem các hình minh họa và chú dẫn của Q.V).

Tuy nhiên, từ tấm bằng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cấp cho cụ Trần Hà, lại nảy sinh ít nhất hai “nghi vấn” nếu đối chiếu nó với một số tư liệu đã có từ trước.

Bằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương của Trần Hà. Tư liệu của Lynda Trouvé.

 

Bằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương của Nguyễn Khang. Tư liệu của gia đình họa sĩ Nguyễn Khang.

Nghi vấn thứ nhất: Nếu cụ Trần Hà tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1935 thì tức là cụ đã học khóa VI (1930-1935) của nhà trường, nhưng trong danh sách khóa này (in trong cuốn “Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1925-1990”) lại không hề ghi tên của cụ. Những người có tên là: Nguyễn Khang, Lê Văn Ngoạn, Ngô Thúc Dung, Nguyễn Bá Hài, Vũ Đình Ngọc, Nguyễn Anh, Thimonier và Trần Văn Minh (?)

Nghi vấn thứ hai: Năm 1935 cũng là năm ông Victor Tardieu đang làm hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (ông Tardieu làm hiệu trưởng đầu tiên và liên tục từ 1925 đến 1937), nhưng chữ ký xác nhận của “hiệu trưởng” trên tấm bằng cấp cho cụ Trần Hà lại không phải chữ ký của Victor Tardieu, mà là của một người Pháp khác, đọc không rõ tên.

Bế tắc chăng? Không! Bởi vì vẫn có một khả năng chưa được kiểm chứng là đối chiếu “tấm bằng” của cụ Trần Hà với tấm bằng của một họa sĩ khác học cùng khóa 1930-1935 “với” Trần Hà.

Sáng ngày 5/8/2019, chúng tôi gọi điện cho họa sĩ Nguyễn Thái Dũng, con trai của họa sĩ Nguyễn Khang, hỏi: “Gia đình ta có còn giữ được Bằng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương của cụ Nguyễn Khang không ạ?”

Trần Hà trong thời gian học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, bên bức tranh lụa “Sự yên bình” vẽ năm 1934 của ông. Tư liệu của Lynda Trouvé.
TRẦN HÀ. Sự yên bình. 1934. Lụa. Sưu tập tư nhân nước ngoài. Đấu giá tại Christie’s Singapore năm 2002, đạt giá 275.000 HKD

Ô! Quả là vui, một niềm vui tưởng như xa vời vợi, anh Dũng trả lời ngay: “Vẫn còn, tình trạng tốt”. Anh còn nói thêm: “Chiều tớ đem ảnh chụp cho các cậu xem nhé.”

Và, khoảng 4-5 tiếng sau thì anh đến.

Hóa ra, hai tấm bằng: một của cụ Trần Hà, một của cụ Nguyễn Khang, rốt cuộc có cùng một “phôi” (từ dùng của anh Nguyễn Thái Dũng), giống i xì nhau, chỉ khác ở phần ghi danh tính của người được cấp (xem minh họa).

Vấn đề còn lại: xác định tên của người đã ký thay ông Victor Tardieu, và xác định chỉ để biết và thỏa mãn trí tò mò của chúng ta mà thôi. (Theo anh Ngô Kim Khôi, đây có thể là chữ ký của một người có thẩm quyền nào đó đại diện cho nhà trường trong thời gian ông Victor Tardieu vắng mặt. Rất lô-gíc, vì trên thực tế, trong suốt 12 năm lãnh đạo, ông Tardieu đã có mấy lần trở về Pháp. Những lần trở về này cũng đã được ghi trong một bài viết của con trai ông, nhà thơ Jean Tardieu, và trong cuốn hồi ký viết tay của họa sĩ Trần Quang Trân).

TRẦN HÀ. Tiếng gọi. Khoảng 1938-1940. Sơn mài. Sưu tập tư nhân, Hà Nội

 

Đồ nội thất mỹ nghệ của Hãng sơn mài Trần Hà. Tư liệu của Lynda Trouvé.

Riêng việc cụ Trần Hà không có tên trong danh sách khóa VI của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (tất nhiên là cái danh sách đã được in trong cuốn “Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội 1925-1990”) – cũng không có gì quá lạ, bởi vì, chẳng hạn, cùng trong cuốn sách ấy, ở khóa XV (khóa của Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Huỳnh Văn Gấm), thi tuyển năm 1941, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lấy vào 9 người, nhưng chưa hiểu tại sao sách chỉ ghi tên có 6 người, thiếu hẳn đến 3 người ?!

* * *

Kể từ hôm nay, trong tiểu sử của cụ Trần Hà  (Trần Văn Hà), chúng ta có thể ghi một dòng chắc chắn: Họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa VI (1930-1935)!!!

Lịch sử vô hình trung đã để lại cho các thế hệ sau rất nhiều câu hỏi thú vị. Cho dù “chân dung” của cụ Trần Hà lúc ban đầu có vẻ như một phương trình chứa nhiều ẩn số khó giải, nhưng thật đáng mừng thay, cái phương trình ấy không phải là một phương trình vô nghiệm.

Quang Việt 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Tiểu tự sự của Hoàng Đỗ Cường

Triển lãm cá nhân Họa sĩ và những người bạn của cố họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (18/4/1959 – 15/2/2023) sẽ khai mạc lúc 17h ngày 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày...

Họa sĩ Đỗ Đức: Triển lãm và bán đấu giá tranh góp tiền xây trường cho trẻ em vùng cao

NDO – 50 năm lăn lộn với các tỉnh miền núi phía bắc trong vô vàn các chuyến công tác đã để lại trong họa sĩ Đỗ Đức những ký ức và cảm hứng để đến khi về hưu, ông đã dành toàn bộ...

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu – Những vệt màu cảm xúc!

Triển lãm tranh sơn mài Nghe kể chuyện làng mình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đang diễn ra Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 15/9, bày khoảng 65 tranh sơn mài, đa số khổ lớn. Trên địa...

Nguyễn Gia Trí – Một đời phiêu lưu với hội họa

Nhiều thập kỷ phiêu lưu trong hội họa, Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) thuộc lớp người xưa mang lại nhiều thành tựu to lớn cho nền mỹ thuật sơn mài hiện đại ở Việt Nam. Năm 1927, Nguyễn Gia Trí...

Họa sĩ Sophie Trịnh và hành trình sáng tạo 23 tác phẩm trong 6 năm

Họa sĩ Sophie Trịnh vừa trình làng triển lãm đầu tay mang tên “Lớp lang cảm xúc” tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nữ họa sĩ đã dành hơn 6 năm để...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Thi vẽ tranh “Đan Mạch trong mắt em” 2023

(ĐCSVN) – Với chủ đề “Tương lai xanh”, cuộc thi vẽ tranh “Đan Mạch trong mắt em” 2023 là hoạt động nằm trong chương trình kỷ niệm 10 năm ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện giữa Việt...

TRẦN LƯU HẬU – HOA

  Trần Lưu Hậu là một trong mấy họa sĩ đã xóa bỏ định kiến về tính “bảo thủ” của thế hệ ông, nếu không muốn nói ông là người duy nhất đã triệt để làm điều ấy. Suy cho cùng,...

SƠ LƯỢC VỀ NHÂN TRẮC HỌC TRONG THIẾT KẾ NỘI THẤT

Nhân trắc học là khoa học về đo đạc kích thước của các đoạn cơ thể người. Nhân trắc học phát triển từ khoa học chuyên nghiên cứu về con người: Khoa nhân chủng học. Từ xa xưa nhân trắc...

Danh sách Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam; Giải thưởng Mỹ thuật Khu vực; Giải thưởng ngành Phê bình Mỹ thuật năm 2018

  Tổng số Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam: 05 giải thưởng: 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 03 giải Ba Tổng số Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Khu vực và ngành Phê bình Mỹ thuật: 90 Trong...

Khai mạc triển lãm tranh sơn mài của hoạ sĩ Đinh Quân

Ngày 27 tháng 5, triển lãm tranh sơn mài chủ đề Thiên Khải (Genesis) của hoạ sĩ Đinh Quân do Bến Thành Art tổ chức đã chính thức được khai mạc tại An Gallery, 159 Đồng Khởi, TP. HCM. Trong triển lãm...