ANDY CAO – XAVIER PERROT: CẢNH QUAN NHƯ NHỮNG CẤU TRÚC CỦA TÂM TRÍ

    

Xuất thân từ chuyên ngành kiến trúc cảnh quan, và có nhiều năm làm việc với phong cảnh ở nhiều dự án và công việc khác nhau, Andy Cao người Mỹ gốc Việt cư trú tại Los Angeles (Hoa Kỳ) là một kiến trúc sư-nghệ sỹ phong cảnh hoạt động tích cực trong môi trường kiến trúc và nghệ thuật địa hình bình diện quốc tế hiện nay. Kết hợp với Xavier Perrot – kiến trúc sư cảnh quan người Pháp để thành lập Cao-Perrot từ những năm 1998, họ đặt trọng tâm vào nghiên cứu và phát triển từ nghệ thuật vườn cảnhvốn có lịch sử phát triển và truyền thống lâu đời trong văn minh nhân loại.Những giải pháp nghệ thuật của Cao-Perrot không bị giới hạn bởi không gian vật lý, có năng lực tích hợp và chuyển hóa các đặc điểm sẵn có của khung cảnh vào tác phẩm, và kết hợp với cách sử dụng vật liệu độc đáovà công nghệ xây dựng hiện đại. Từ đó họ đưa ra những cấu trúc và phương án nghệ thuật đa dạng: các thiết kế vườn cảnh cho không gian công cộng và tư nhân, sắp đặt ngoài trời ngắn hạn và dài hạn, tác phẩm cộng đồng và ứng tác địa hình… với triết thuyết sáng tạo mang nhiều âm hưởng của tinh thần phương Đông và đương đại.

Nhà điêu khắc Andy Cao (sinh 1966)

Tạo dựng phong cách khác biệt với các nghệ sỹ cảnh quan lừng danh như Christo & Jeanne-Claude, cách tiếp cận của Cao-Perrot nhấn mạnh nhiều hơn vào sự hòa hợp giữa khung cảnh tự nhiên để đặt ra những cách thức tiếp cận và tác động tinh tế, biểu tượng hóa sự vật với mỗi cảnh quan và tìm kiếm sự tương tác phi công nghiệp giữa phần nghệ thuật và đời sống. “Vườn kính”(1), tác phẩm cảnh quan đầu tay (?) của các nghệ sỹ, khái quát và chuyển hóa hình ảnh của những ruộng muối lấp lánh dưới ánh mặt trời biển miền Trung, vào không gian của khu vườn ở bờ Nam nước Mỹ đem lại những ấn tượng thị giác siêu thực và lãng mạn cổ điển. Nhấc sự vật ra khỏi khung cảnh nguyên bản chuyển sang cảnh quan mới, tự nó đã định nghĩa lại giá trị thông tin và giá trị thẩm mỹ.

“Mây”(2), một sắp đặt cho không gian công cộng tại Washington DC (Mỹ) năm 2013, kết hợp giữa các vật liệu dây thép, vụn gương kính tái chế tạo thành một hình thể đám mây dựng ở cao độ nhìn xuống thành phố. Khung cảnh đô thị nhìn từ trên cao trở nên mềm hóa và lãng mạn bởi đám mây điêu khắc, sự hiện diện của nó hoàn toàn thay đổi đặc tính vật lý và thị giác và tính chất của cảnh quan.

ANDY CAO – Mây – Confetti Cloud. 2013. Tác phẩm công cộng tại Bow Lake Transfer Station, Washington DC, Virginia, Hoa Kỳ. Cao 4,5m, chiều ngang 11m, được làm bởi kính vụn thu thập từ trung tâm sản xuất kính Pilchuck tại địa phương. Nguồn ảnh: Caoperrotstudio.com

“Vườn khổng lồ”(3) tạo một đám mây pha lê bao phủ diện tích hơn 4,500m2 của khu vườn tại Wattens (Áo) với vật liệu chủ đạo là lưới kim loại và pha lê của hãng Swarovski. Khu vực sắp đặt bao quanh hồ nước nhỏ, những lưới thép liên kết nhau tạo thành một cấu trúc mây liên miên quanh những con đường và vườn cảnh ven hồ, điểm nhấn là hàng trăm ngàn hạt pha lê cài trên đó. Diện tích dàn trải phù hợp, cao độ được khống chế hợp lý với cây cối tự nhiên xung quanh, tạo ra một khung cảnh huyền hoặc và choáng ngợp. Điểm nhấn tác phẩm thể hiện ở khả năng phản chiếu ánh sáng tự nhiên và nhân tạo liên tục của các hạt pha lê, liên tục biến đổi từ ngày sang đêm, tạo nên hiệu quả thị giác đặc biệt cả khi nhìn từ xa hay tiếp cận vào bên trong cảnh quan đó.

ANDY CAO – Vườn khổng lồ – Garden of the Giant. 2015. Tác phẩm cảnh quan và sắp đặt địa hình tại Wattens (Áo), hợp tác với công ty pha lê Swarovski Kristallwelten để tạo dựng một sắp đặt trên diện tích 1.400m2 của khu vườn rộng 7,5ha. Nguồn ảnh: Caoperrotstudio.com

 

ANDY CAO – Vườn khổng lồ – Garden of the Giant. 2015. Tác phẩm cảnh quan và sắp đặt địa hình tại Wattens (Áo), hợp tác với công ty pha lê Swarovski Kristallwelten để tạo dựng một sắp đặt trên diện tích 1.400m2 của khu vườn rộng 7,5ha. Nguồn ảnh: Caoperrotstudio.com

“Mây Pha Lê sau đó được tái hiện ở một quy mô nhỏ, là một Sắp đặt địa hình trên ngọn đồi Mâm Xôi tại khu vực ruộng bậc thang danh tiếng của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), tháng 6-2018 vừa qua. Ở một diện tích nhỏ hơn nhiều so với phiên bản trước, tính biến đổi và lãng mạn hóa khung cảnh vẫn xuất hiện với phương án thiết kế linh hoạt, tạo ra cơ hội để người xem tiếp cận gần tác phẩm. Tuy vậy quy mô triển khai nhỏ tạo ra những hạn chế làm tác phẩm dễ bị hút, biến mất khi đứng ở các điểm nhìn từ xa, phần nào không đủ tạo nên sức ép thẩm mỹ cho người xem.

ANDY CAO – Mây pha lê. 2018. Tác phẩm cảnh quan và sắp đặt địa hình tại ngọn đồi Mâm Xôi thuộc xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Yên Bái. Trưng bày dự kiến kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10/2018, sau rút xuống chỉ trưng bày trong 4 tuần. Nguồn ảnh: Caoperrotstudio.com

Lựa chọn và sử dụng vật liệu là một trong trong những điểm mạnh của Cao-Perrot trong khả năng tiếp cận với một phong cảnh mới, phát triển ý tưởng và đưa ra giải pháp thẩm mỹ. Tạm bỏ qua những dẫn dắt tự sự có xu hướng lãng mạn của nghệ sỹ trong lý do chọn lựa, có thể nhìn nhận các vật liệu chủ đạo trong công trình của Cao-Perrot luôn mang nhiều hơn hai đặc tính thị giác để tạo ra những hiệu ứng đa dạng: khả năng phản chiếu hình ảnh và ánh sáng của gương kính, thủy tinh và pha lê, khả năng kết nối, mở rộng và tự tạo những cấu trúc rỗng-đặc phi tuyến của hệ dây thép, lưới hay sợi. Tính tự thân của vật liệu quyết định cấu trúc của tác phẩm, quyết định nhận thức thẩm mỹ và đa dạng thông tin thẩm mỹ tới người xem. Vật liệu ở đây được thay đổi công năng trong cấu trúc của tác phẩm: từ vị thế bị kiểm soát trong việc chuyển tải thông điệp thị giác và thẩm mỹ tới người xem, thành vị thế chủ động đưa ra thông tin đó. Mỗi loại vật chất trong cảnh quan của Cao-Perrot luôn hàm chứa thành phần động – moving parts,chúng tự tạo ra những đối thoại với sự vật và khung cảnh xung quanh: màu sắc của cánh đồng gương biến ảo theo thời gian trong ngày và thời tiết của từng mùa, hay các cấu trúc dây có độ lỏng lẻo nhất định để di động bởi gió, sự đụng chạm của con người, và kết cấu không gian ngẫu hứng mà các mảng lưới thép tạo ra khi liên kết với nhau, chồng chéo và đan cài, va đập hay tách rời nhau. Khả năng tạo ra nhiều biến thiên củanội hàm tác phẩm dẫn đến các biến thiên trong thị giác đưa ra nhiều biến số thẩm mỹ. Với mỗi một thời điểm, trạng thái khác nhau của thời gian và thời tiết, người xem được hưởng thụ và cảm nhận những vẻ đẹp thị giác khác nhau, linh hoạt, không nhàm chán. Tính động của tác phẩm là phần phức tạp nhất, thách thức nhất, khó kiểm soát nhất và thú vị nhất của tác phẩm cảnh quan.

ANDY CAO – Vườn kính – Glass garden. 1998. Tác phẩm vườn cảnh tại một khu vườn tư nhân thuộc thành phố Los Angeles, California Hoa Kỳ. Nguồn ảnh: Caoperrotstudio.com

Tính phi bền vững trong kết cấu tác phẩm của Cao-Perrot là một phần đáng lưu tâm khác khi nhìn nhận tác phẩm ở các giá trị về bền vững trong sáng tạo đương đại (ecologically, sustainability). Không phụ thuộc vào các vật liệu truyền thống của kiến trúc và điêu khắc (đá, gỗ, bê-tông, kim loại), Cao-Perrot lựa chọn những vật liệu có khả năng tái chế, nhẹ nhõm ở thể vật lý, phát triển về các cơ thể, cấu trúc kết nối và linh hoạt. Phong cách này ngẫu nhiên (?) mà phù hợp với “phản tượng đài” – counter monument, một trong những trào lưu đang được nhìn nhận nghiêm túc của nghệ thuật phương Tây.Trào lưu này khước từ các hệ thống biểu tượng hoành tráng, tác phẩm đồ sộ tốn kém, tạo ra những gánh nặng kinh tế (cho người thực hiện) và những gánh nặng trên tinh thần xã hội khi phải chịu đựng những hình tượng – có thể là phù hợp trong một khoảng thời khắc và hoàn cảnh nhất định – nhưng trở thành thừa thãi, phù phiếm và độc đoán khi tồn tại lâu dài. Những khu vườn cảnh hay Sắp đặt công cộng của Cao-Perrot có khả năng đứng lâu hơn các biểu tượng hoành tráng bởi sự hòa hợp luôn có với cảnh quan xung quanh, sự tương thích với chuyển đổi của môi trường và hành vi con người, và kết cấu nhẹ, linh hoạt, đơn giản khi cần di chuyển hay thay đổi hoặc phá bỏ. Cuối cùng chúng ta nhớ gì về một tác phẩm nghệ thuật: hình bóng của chúng trong tâm trí bởi trí nhớ hình ảnh, hay giá trị của cảm xúc và lĩnh ngộ mà nó tạo ra? Chúng ta có vẫn cần một cơ thể vật lý của tác phẩm để luôn nhắc nhở ta về một hệ giá trị, một cảm xúc hay một ý nghĩ không?

Những cảnh quan của Cao-Perrot mở ra khung cảnh của tâm trí, ám ảnh, ký ức và lãng quên, để người xem có cơ hội trải nghiệm những cảm xúc kỳ diệu hiếm hoi trong hành trình phù du và hữu hạn của cuộc đời

Nguyễn Anh Tuấn

 

(1) Glass Garden, 1998, Los Angeles (California, Hoa Kỳ). Sử dụng 45 tấn gương kính vụn tái chế trên diện tích hơn 600m2 tại một khu vườn tư nhân.

 (2) Confetti Cloud, 2013, Washington DC (Hoa Kỳ).

(3) Garden of the Giant, 2015, Wattens (Áo).

Nói đến Andy Cao, cần phải nhắc tới danh tự Cao Perrot, được bởi tên hai kiến trúc sư-nghệ sỹ cảnh quan Andy Cao và Xavier Perrot. Hai nghệ sỹ là cộng sự, sáng lậpvăn phòng Cao Perrot hoạt động hơn 20 năm trong lĩnh vực thiết kế cảnh quan và giải pháp cho các không gian đa dạng.

Andy Cao là nghệ sỹ cảnh quan gốc Việt cư trú tại Los Angeles (Hoa Kỳ). Ông nhận học bổng về Kiến trúc cảnh quan bởi Học viện Hoa Kỳ ở Rome năm 2002, và  học bổng Loeb từ trường Thiết kế của Đại học Harvard năm 2011. Ông đã tham gia ngành Kiến trúc Cảnh quan của trường Đại học Kiến trúc Houston (University of Houston College of Architecture) và nhận bằng Cử nhân Khoa học trong Kiến trúc cảnh quan của trường Đại học Bách khoa tiểu bang California (California State Polytechnic University). Andy đã từng giảng dạy thiết kế cảnh quan tại trường Kiến trúc USC và Cal Poly Pomona.

Nghệ sỹ cảnh quan Xavier Perrot cư trú tại Paris, Pháp. Anh theo học thiết kế cảnh quan ở trường Saint-Ilan tại Brittany, và Conservatoire International des Parcs et Jardins et du Paysage ở Chaumont-sur-Loire. Năm 2008, Xavier được trao giải thưởng dành cho Kiến trúc sư Trẻ nổi bật của ngành Kiến trúc cảnh quan bởi Bộ văn hóa Pháp (Lauréats des Nouveaux Albums des Jeunes Architectes et Paysagistes).

Xem thêm về hai nghệ sỹ tại: https://www.caoperrotstudio.com/EN_about.html

Nghệ thuật vườn cảnh (garden, paradise garden) thoát thai từ những khát vọng về xây dựng một thế giới không tưởng, ý niệm về cuộc sống vĩnh hằng từ vũ trụ Thiên Chúa giáo (Garden of Eden) và biểu tượng của sự phồn vinh, là một trong những hình thái nghệ thuật lâu đời, gắn với những vương triều sớm của loài người. Những khu vườn cổ xưa nhất được biết đến là  thuộc đế chế Assyrian (Lưỡng Hà), nối dài tới vườn cảnh của La Mã, Ba Tư, Ấn Độ, châu Âu. Những khu vườn hiện đại nổi tiếng như Taj Mahal (Ấn Độ), Vườn Versailles và cung điện Lourves ở Pháp và Công viên Trung tâm của New York (Mỹ) cũng nằm trong mạch nghệ thuật này. Xem thêm tại:   https://en.wikipedia.org/wiki/Landscape_design

Tin cùng chuyên mục

Hoạ sĩ Thái Tĩnh trong sắc thu vĩnh cửu

Lắng đọng trong tâm khảm mỗi người nghệ sĩ, khi nắm bắt được ý tưởng trong sáng tạo nghệ thuật với sự chuyển hóa của mùa luôn mang sắc thái rất riêng và rất đẹp. Ý niệm đã sẵn có...

Họa sĩ Đỗ Đức: Triển lãm và bán đấu giá tranh góp tiền xây trường cho trẻ em vùng cao

NDO – 50 năm lăn lộn với các tỉnh miền núi phía bắc trong vô vàn các chuyến công tác đã để lại trong họa sĩ Đỗ Đức những ký ức và cảm hứng để đến khi về hưu, ông đã dành toàn bộ...

Hội Mỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028

Sáng 10/9, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Hội Mỹ thuật Hải Phòng đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028. Tham dự và chúc mừng Đại hội có họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ...

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu – Những vệt màu cảm xúc!

Triển lãm tranh sơn mài Nghe kể chuyện làng mình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đang diễn ra Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 15/9, bày khoảng 65 tranh sơn mài, đa số khổ lớn. Trên địa...

Khai mạc triển lãm tranh “Sắc màu Non nước Cao Bằng”

NDO – Sáng 6/9, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng đã phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Thông tin Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Sắc màu Non...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Danh sách Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam; Giải thưởng Mỹ thuật Khu vực; Giải thưởng ngành Phê bình Mỹ thuật năm 2018

  Tổng số Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam: 05 giải thưởng: 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 03 giải Ba Tổng số Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Khu vực và ngành Phê bình Mỹ thuật: 90 Trong...

80 tác phẩm “Vẽ con Rồng” được triển lãm tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Chiều 19/1, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp cùng doanh nghiệp sáng tạo TiredCity, Cộng đồng Việt Nam Local Artist Group (VLAG) đã khai mạc triển lãm tranh với...

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 289&290 tháng 1-2/2017

...

BÙI TIẾN TUẤN: “VẼ KHỎA THÂN LÀ ĐỂ KHÁM PHÁ CÁC KHÍA CẠNH CỦA SỰ QUYẾN RŨ”

  Triển lãm và giới thiệu sách cùng tên Nguyệt sáng gương trong của Bùi Tiến Tuấn diễn ra tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, TP.HCM) từ ngày 23/5 đến 6/6/2021. Đây là cuốn sách tranh lụa khỏa...

TRANH VẼ THIẾU NỮ CỦA TRẦN ĐÔNG LƯƠNG

  Jean Carzou, một họa sĩ Pháp nổi tiếng, đã từng nói: Những quả táo của Cézanne, cho dù có kỳ lạ đến đâu thì cũng không thể sánh nổi với mấy người “đi tuần đêm” của Rembrandt –...