BOB THOMPSON – KẺ NỔI LOẠN GIỐNG GOYA

 

Khám phá các tác phẩm của họa sĩ Bob Thompson

Bob Thompson (1937- 1966) là một họa sĩ Mỹ gốc Phi nổi tiếng với những bức tranh tranh táo bạo, đầy màu sắc, mà bố cục tranh lại chịu ảnh hưởng từ các bậc thầy hội họa cổ điển (Old Masters). Ông thường được so sánh với Basquiat, bởi tuổi đời ngắn ngủi (cả hai nghệ sĩ đều qua đời trước 30 tuổi) nhưng đều để lại những tác phẩm nghệ thuật mang tầm ảnh hưởng sâu rộng. Phong cách nghệ thuật của ông còn được đánh giá là sự tổng hợp từ các kiệt tác Baroque và Phục hưng với Chủ nghĩa Trừu tượng Biểu hiện của kỉ nguyên nhạc jazz (1920- 1930). Các tác phẩm của ông được đánh giá là mang tính thách thức, đối thoại với lịch sử mỹ thuật phương Tây.

Bob Thompson đã có tám năm sự nghiệp sung mãn, cho ra đời hơn 1.000 tác phẩm trước khi qua đời tại Rome vào năm 1966 ở tuổi 28. Bảo tàng Nghệ thuật Whitney (Mỹ) từ năm 1998, đã sưu tầm số lượng lớn tác phẩm của ông. Ngoài ra, các tác phẩm của Bob Thompson còn nằm trong nhiều bộ sưu tập tư nhân và bảo tang khác trên khắp nước Mỹ.

                                                                                           Chân dung nghệ sĩ Bob Thompson vào năm 1964

 

                                                                            Bob Thompson – Vườn âm nhạc. 1960

Cuộc đời của Bob Thompson khá bi kịch giống như Basquiat, ông qua đời khi mới 28 tuổi cũng vì dùng heroin quá liều và biến chứng phẫu thuật túi mật sau đó. Nhưng hơn năm thập kỷ sau khi ông qua đời, những sáng tác bí ẩn của Bob Thompson vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng, thu hút các nghệ sĩ và sử gia nghệ thuật.
Bob Thompson với vai trò là một nghệ sĩ da màu hoạt động trong giai đoạn đỉnh cao của phong trào dân quyền, chống phân biệt chủng tộc, đã thể hiện các khía cạnh, hình ảnh sinh hoạt của người Mỹ gốc Phi trong các tác phẩm của mình. Ông khai thác và thách thức lịch sử mỹ thuật bằng cách sử dụng những bố cục kinh điển trong tranh cổ điển Châu Âu kết hợp với phong cách sáng tác theo trường phái Biểu hiện đầy sống động, qua đó thể hiện các vấn đề về chủng tộc.

Tác phẩm của ông, thường là những hình tượng con người và động vật không có đặc điểm, đặt trong những cảnh quan cây cối rậm rạp. Đây cũng có thể được coi là một sự phản biện, thách thức đối với trường phái trừu tượng thuần túy đang thống trị trong giới nghệ thuật New York thời bấy giờ.

Triển lãm “Bob Thompson: This House is Mine” (khai mạc ngày 20/7/2021 tại Bảo tàng Nghệ thuật College Colby ở Maine, Mỹ) đã gây tiếng vang tại Mỹ. Triển lãm đi sâu vào tầm nhìn của nghệ sĩ và khai thác các phân nhánh của thực hành nghệ thuật đương đại. Đây là triển lãm lớn nhất về Bob Thompson kể từ triển lãm các tác phẩm của ông tại Bảo tàng Nghệ thuật Whitney năm 1998. Triển lãm mang đến cho công chúng khoảng 85 bức tranh và tác phẩm trên giấy từ hơn 20 tổ chức và 25 bộ sưu tập tư nhân, trong đó có năm bức được Quỹ Alex Katz tặng cho bảo tàng Colby. Triển lãm sẽ tiếp tục hành trình tại Chicago, Atlanta và Los Angeles cùng nhiều hoạt động bên cạnh khác.

 

                                                                              Bob Thompson – The Hanging. 1959

 

                                                                        Bob Thompson – Đây là nhà tôi. 1960

 

                                                                              Bob Thompson – Tử hình. 1961

Triển lãm lấy tên từ tác phẩm “This House is Mine” (Đây là nhà tôi) được Thompson vẽ năm 1960, đây là một tiêu đề mang tính tuyên ngôn và tự giới thiệu khác thường.

Tới thăm triển lãm, du khách có thể trải nghiệm những đối thoại nghệ thuật đầy khiêu khích mà Thompson đặt ra đối với những bậc thầy hội họa cổ điển châu Âu như Piero della Francesca, Lucas Cranach the Elder, Tintoretto, Goya và Poussin. Bên cạnh đó, khán giả có thể hình dung, hồi tưởng quá trình, bối cảnh sáng tạo của nghệ sĩ những năm 1950 và 1960, như sân khấu nhạc jazz của Greenwich Village và những cuộc phiêu lưu sôi nổi của các nghệ sĩ và nhà thơ da màu Mỹ xa xứ ở châu Âu. Bên cạnh đó, người xem suy ngẫm về số phận tài hoa bạc mệnh, tiềm năng phát triển lớn hơn nữa của họa sĩ nếu ông không ra đi khi sự nghiệp chỉ mới ở giai đoạn đầu.

Diana Tuite, giám tuyển nghệ thuật Hiện đại và Đương đại tại bảo tàng Colby, khi bàn về cái chết năm 1966 của Thompson ở Rome, nói: “Thật là quá đau lòng. Theo một cách nào đó, điềm báo cho bi kịch nay đã luôn hiện hữu trong các tác phẩm của Thompson: có một thứ bóng tối, một linh cảm về cái chết tồn tại trong tranh ông”.

Bob Thompson sinh năm 1937 tại Louisville, bang Kentucky, Mỹ, trong một gia đình trung lưu. Ông lớn lên tại Elizabethtown, cũng thuộc bang Kentucky. Cha của Thompson mất trong một vụ tai nạn xe hơi khi ông mới 13 tuổi. Sau đó ông cùng gia đình chuyển về quê nhà Louisville sống cùng cha dượng, một họa sĩ chuyên vẽ bản đồ, cũng là người đã khuyến khích phát triển tài năng của Bob Thompson.

                                                                                     Bob Thompson – Đám tang của Jan Müller. 1958

 

                                                                              Bob Thompson – The Blue Madonna. 1961

 

                                                                                                     Bob Thompson – Vô đề. 1962

Thompson từng học tiền y khoa tại Đại học Boston, xong với đam mê mãnh liệt với hội họa, ông đã bỏ học và chuyển sang học nghệ thuật tại Đại học Louisville, ông tốt nghiệp năm 1957. Tại đây, ông bắt đầu nghiên cứu, vẽ lại các tác phẩm Phục hưng Ý, đây cũng là tiền đề cho các tác phẩm mang tính thách thức của ông đối với các tác phẩm kinh điển sau này với tư cách là một nghệ sĩ nước ngoài ở châu Âu.

Mùa hè năm 1958 tại Provincetown, nơi ông theo học các lớp nghệ thuật bổ sung, đã đặt nền móng cho các bước ngoặt tiếp theo trong sự nghiệp của ông. Thompson đã tiếp xúc với tác phẩm của họa sĩ theo trường phái biểu tượng tượng hình Jan Müller (1922-1958), họa sĩ người Đức định cư ở New York. Thompson chưa bao giờ gặp trực tiếp Jan Müller – Müller mất đầu năm đó –nhưng các tác phẩm và triết lí của Müller “Đừng bao giờ tìm kiếm giải pháp sáng tác từ những họa sĩ cùng thời — hãy học hỏi từ các bậc thầy cổ điển (Old Masters) ” lại gây ảnh hưởng sâu sắc tới ông,

Thompson bị nghệ thuật của Müller hấp dẫn đến mức ông đã vẽ lại một sự tái tạo trong tưởng tượng của một sự kiện mà ông chưa bao giờ tham dự: Tang lễ của Jan Müller năm 1958. Không giống như phần lớn các tác phẩm của Thompson, bức tranh này mang màu sắc đặc biệt u ám. Giám tuyển nghệ thuật Diana Tuite nhận xét: “Đây là một tác phẩm mang tính tuyên ngôn: Thompson dường như đang đau buồn cho một bậc thầy mà ông hy vọng sẽ học hỏi được nhiều thứ. Với bảng màu tối của nó, bạn liên tưởng đến bức “Đám tang ở Ornans” của Gustave Courbet”. Trong những năm tiếp theo, Thompson tiếp tục mang chủ đề lịch sử sử thi của Müller vào trong các tác phẩm của mình.

                                                          Bên trái: Francisco Goya –  Hasta la Muerte. 1799.  Bên phải: Bob Thompson – Vô đề. 1962

                                   Bên trái: Francisco Goya – El sueno de la razón produce monstrous. 1799. 

                                   Bên phải: Bob Thompson – The circus. 1963

 

Năm 1959, Thompson định cư ở New York, nơi ông kết bạn với nhiều nghệ sĩ lớn khác. Ông cũng có quan hệ thân thiết với nhiều nhạc sĩ nhạc jazz và hình ảnh các nghệ sĩ, tinh thần văn hóa jazz đã đi vào tranh của Thompson. Tại đây các sáng tác của ông chịu ảnh hưởng phong cách của kỷ nguyên nhạc jazz (Jazz age). Thompson được nhớ đến là người hoạt bát và hấp dẫn, một nghệ sĩ đầy tham vọng nhưng lại vô cùng hào phóng và tốt bụng.
Triển lãm cá nhân đầu tiên của Bob Thompson vào năm 1960 tại New York đã gây được tiếng vang, trong vài năm tiếp theo. Các tác phẩm của ông bắt đầu được đưa vào các bộ sưu tập Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại quan trọng. Nhưng vào năm 1961 Thompson đã tách mình ra khỏi khung cảnh phóng túng của Mỹ và thực hiện chuyến đi đầu tiên đến châu Âu, khám phá London và Paris cùng vợ, bà Carol Plenda Thompson, và sau đó cùng bà định cư tại Ibiza, Tây Ban Nha. Sự học hỏi và nghiên cứu từ các bảo tàng nghệ thuật lớn ở châu Âu đã dẫn đến một trong những đột phá lớn nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông: đặt ra sự đối thoại giữa trừu tượng biểu hiện với các tác phẩm hội họa kinh điển, mang tính biểu tượng.

Bức “The Blue Madonna” (1961), mang dấu ấn của họa sĩ – nhà văn theo trường phái Dã thú người Pháp Maurice Denis, với hình ảnh những thân cây biểu tượng cho tội lỗi, Đức mẹ Đồng trinh và Chúa Hài đồng ở bên phải.

Bức “Untitled” (Vô đề), 1962, của Bob Thompson lấy cảm hứng từ bức “Hasta la muerte” (Cho tới chết) từ loạt tranh in “Los Caprichos” của họa sĩ bậc thầy Tây Ban Nha- Goya, một bức tranh phê phán về sự phù phiếm của phụ nữ khi đối mặt với vẻ đẹp đang tàn lụi. Triển lãm “Bob Thompson: This House Is Mine” (7/2021) đã ứng dụng công nghệ, cài đặt các hình ảnh tranh gốc của các họa sĩ cổ điển trên iPad cho khách tham quan có thể so sánh với các tác phẩm của Thompson. Thompson tìm thấy nhiều điểm chung trong sáng tác với Goya vì ông cũng là một “kẻ nổi loạn”.

                                                                           Tintoretto – Thánh George giết rồng. Khoảng năm 1555-58

 

                                                                          Bob Thompson – Thánh George giết rồng. Khoảng năm 1961-62

Bức “The Circus” (Gánh xiếc), 1963, của Thompson đặt ra cuộc đối thoại với bản in nổi tiếng của Goya: “El sueño de la razón produce monstrous” (Giấc mộng của lí trí tạo ra những con quái vật). Trong bức tranh của Thompson, hai nhân vật xảy ra đụng độ với những quái vật tượng hình giống loài chim.

Nhà giám tuyển nghệ thuật Diana Tuite nhận xét bức “St. George and the Dragon” (Thánh George giết rồng), Thompson vẽ khoảng năm 1961-62, lấy cảm hứng từ một bức tranh từ năm 1555 của Tintoretto: “Phiên bản của Tintoretto nói về đức tin về Chúa, ca ngợi Thánh George đã cứu ngôi làng và giải cứu công chúa khỏi con rồng hung dữ – những đám mây mang ánh sáng thiêng liêng, nơi Chúa đang theo dõi mọi việc. Nhưng Thompson đã hạ thấp bố cục, tạo hình bố cục tam giác giữa ba nhân vật như muốn phơi bày sự bất bình đẳng giới tính trong nhận thức của con người.”

                                                                   Piero della Francesca – Truyền thuyết về cây Thập giá Đích thực Khoảng năm 1452–66

 

                                                                                    Bob Thompson – Khám phá cây Thập giá Đích thực. 1966

Thompson định cư tại Rome trong chuyến đi thứ hai đến châu Âu của ông vào năm 1965-66, không lâu trước khi ông qua đời. Tại đây, Thompson bắt đầu nghiên cứu các tác phẩm bích họa từ thế kỷ 15 của Piero della Francesca, “The Legend of True Cross” (Truyền thuyết về cây Thập giá Đích thực), một kiệt tác thời Phục hưng được vẽ trong một vương cung thánh đường ở Arezzo. Thompson vẽ bức “Discovery of True Cross” (Khám phá cây Thập giá Đích thực), năm 1966 tái hiện một cách sống động, mới mẻ một trong những bức bích họa của Piero, Thompson đã thay thế những hình tượng các tín đồ bằng hình ảnh con người trần trụi, ông cũng sử dụng bút chì màu để gợi lên vẻ rực rỡ của tác phẩm gốc.
Giới phê bình nghệ thuật Mỹ tin rằng triển lãm “Bob Thompson: This House Is Mine” sẽ mở đường cho các nghiên cứu đối thoại nghệ thuật mới trong tương lai. Đồng thời cũng sẽ mở ra các nghiên cứu kĩ hơn về các nghệ sĩ Mỹ gốc Phi khác sử dụng các tác phẩm kinh điển để tạo nên phong cách riêng của họ và đặt ra những câu hỏi đối thoại về vấn đề phân biệt chủng tộc còn đang hiện hữu.

Triển lãm được gây được sự chú ý của công chúng trong bối cảnh cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đã và đang diễn ra khắp nước Mỹ. Triển lãm “Bob Thompson: This House Is Mine” sẽ được diễn ra lần lượt tại:
Colby College Museum of Art, Waterville, Maine, (20/7/2021- 9/1/2022);
Smart Museum of Art, University of Chicago (10/2/2022- 15/5/2022);
High Museum of Art, Atlanta( 18/6/20220 11/9/2022);
Hammer Museum, University of California, Los Angeles (9/10/2022–8/1/2023).

NANCY KENNY 

NGUYỄN ANH THƯ (Biên dịch)

 

Tin cùng chuyên mục

10 tranh đắt nhất thế giới trong năm 2023

Tranh người tình của Picasso giá 139,4 triệu USD, “Quý cô cầm quạt” của Gustav Klimt đạt hơn 108 triệu USD, là những tác phẩm đắt nhất năm nay. Theo thống kê từ trang web nghệ thuật Artsy,...

Vấn đề đương đại và nghệ thuật đương đại

Vấn đề đương đại (contemporary issues) và nghệ thuật đương đại (contemporary art) là một trong những mấu chốt quan trọng trong công việc thực hành nghệ thuật (art practice) của mỗi nghệ sĩ. Khái...

“Femme à la montre” của Picasso trở thành tác phẩm đấu giá đắt giá nhất trong năm nay

NDO – Kiệt tác “Femme à la montre” (tạm dịch: Người phụ nữ đeo đồng hồ) sáng tác năm 1932 của danh họa Pablo Picasso đã được bán với giá hơn 139 triệu USD tại cuộc đấu giá của...

Abanindranath Tagore – Người đặt nền móng cho nghệ thuật hiện đại Ấn Độ

Vào giữa thế kỷ 19, lợi dụng sự xung đột nội bộ giữa các tôn giáo, các tiểu vương quốc trên lãnh thổ Ấn Độ, người Anh, thông qua công ty Đông Ấn, đã dần dần kiểm soát gần hết tiểu...

Những bức tranh đắt giá nhất thế giới

Trong số hàng triệu bức tranh đang tồn tại trên thế giới, có những bức đắt và hiếm đến mức đa số người yêu nghệ thuật không có cơ hội chạm đến. Theo The Collector, định giá tác phẩm nghệ...

Có thể bạn quan tâm

SƠ LƯỢC MỸ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI TRUNG QUỐC

  Năm 1978, Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền và thực hiện những cải cách kinh tế quan trọng. Đảng Cộng sản Trung Quốc sau đó nới lỏng kiểm soát của chính phủ đối với đời sống cá nhân...

ĐÔI NÉT VỀ KHÓA MỸ THUẬT KHÁNG CHIẾN

 (Bài viết riêng cho số chuyên đề của Tạp chí Mỹ thuật) Năm nay, 2020, vừa tròn 70 năm ngày khai giảng Khóa” Mỹ thuật Kháng chiến” ở chiến khu Việt Bắc… Mấy chục năm đã trôi qua, từ lúc...

BA LẦN GỌI CHO HỌA SĨ TRẦN HỮU CHẤT

  Cuốn sách đã được xuất bản đầu năm 2008.ăm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục...

DÒNG CHẢY NGHỆ THUẬT CỦA MỘT GIA ĐÌNH

  “Dòng chảy” là tên triển lãm của gia đình họa sĩ Lợi Hoan Trang- Nguyễn Lệ Dung, các tác phẩm trưng bày đa dạng về chất liệu, từ sơn mài, sơn dầu, lụa đến các bức ký họa màu...

CỬA THOÁT HIỂM

  Trong lần khai mạc cuộc triển lãm tranh minh họa sách báo và tranh cỡ nhỏ của Bùi Xuân Phái, ông Kim Sang Ug – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội đã trò chuyện với tôi qua cô...