Không chỉ có vậy, Ban tổ chức cũng đã dày công chuẩn bị để giới thiệu cho du khách về nghề làm tranh, nguyên liệu, các sản phẩm tranh đặc sắc của làng tranh Đông Hồ. Và nếu may mắn, bạn có thể được chính các nghệ nhân hướng dẫn thực hiện một công đoạn trong sản xuất tranh Đông Hồ.
Hào hứng cùng các bạn tham dự chợ tranh, em Hà Quý Minh Tuấn, học sinh Trường trung học cơ sở Song Hồ hồ hởi nói: “Hôm nay là tiết giáo dục công dân, em rất vui khi được các thầy cô đưa đến tham quan và dự trưng bày Chợ tranh Đông Hồ. Không chỉ được xem tranh, chúng em còn được thưởng thức các làn điệu dân ca quan họ và múa rối nước, nặn phỗng đất. Em mong có thêm nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế bổ ích như sự kiện này”.
Tỉ mỉ ngồi khắc từng nét trong bức tranh ‘‘Chăn trâu thổi sáo’’, chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Đạo, con trai của nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Hữu Quả chia sẻ: “Từng mang nghệ thuật tranh Đông Hồ đi giới thiệu khắp miền đất nước, hôm nay tôi rất vui khi được tham dự tái hiện không gian Chợ tranh Đông Hồ lần đầu tiên được tổ chức ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Những phiên chợ tranh xưa tôi mới chỉ được nghe kể lại qua ký ức của những người cao niên trong làng. Gia đình tôi đã làm tranh qua nhiều đời, tiếp nối di sản để lại, tôi mong muốn có thêm nhiều dịp để được góp phần quảng bá, truyền dạy, thực hành vốn cổ của cha ông”.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp thông tin: Tranh Đông Hồ có tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, một dòng tranh dân gian Việt Nam có xuất xứ từ làng Đông Hồ (nay là khu Tú Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành). Đây là loại tranh thường được phát hành vào dịp Tết Nguyên đán, nên còn gọi là tranh Tết.
Chợ tranh Tết xưa diễn ra tại đình Đông Hồ vào các ngày 6, 11, 16, 21 và 26 tháng Chạp hằng năm. Trong mỗi phiên chợ có hàng nghìn bức tranh các loại được mang ra bày bán. Sau năm 1945, cùng với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc, chợ tranh Đông Hồ không còn được tổ chức. Nhằm tái hiện một di sản văn hóa quý báu của quê hương, Trung tâm Bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch tổ chức trưng bày không gian “Chợ tranh Đông Hồ”. Qua đó, chúng tôi mong muốn tái hiện không gian tranh truyền thống, đồng thời định hình xây dựng một sản phẩm du lịch của tỉnh Bắc Ninh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp.
Tranh Đông Hồ, tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, một dòng tranh dân gian Việt Nam có xuất xứ từ làng Đông Hồ (khu Tú Khê, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Tranh Đông Hồ thường được phát hành vào dịp Tết nguyên đán, còn gọi là tranh Tết.
Vào thời kỳ cực thịnh trước năm 1944, tại Đông Hồ có 17 dòng họ cùng tham gia sản xuất tranh. Hiện chỉ còn 3 dòng họ giữ được nghề của cha ông với khoảng 30 người trực tiếp tham gia vào hoạt động làm tranh.
Để bảo tồn, phát huy giá trị của làng tranh, tỉnh Bắc Ninh đã khánh thành Trung tâm bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ.
Thông qua các hiện vật, hình ảnh, sơ đồ, câu trích tại Trung tâm, người xem có thể nắm được gốc tích của một nghề truyền thống nổi tiếng. Hoạt động tổ chức trưng bày không gian “Chợ tranh Đông Hồ” là một việc làm thiết thực góp phần bảo vệ, phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.
Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2017, nghề tranh Đông Hồ bắt đầu được lập hồ sơ quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách các Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Tháng 3/2020, Việt Nam đệ trình UNESCO hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” để được xem xét ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và dự kiến được xem xét tại Kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể vào năm 2024.