Họa sĩ Trần Văn Cẩn – Một thời Hà Nội

Trần Văn Cẩn tìm cái thú thầm lặng trong hội hoạ như người đãi cát tìm vàng, mò trai dưới biển. Và ngọc trai của ông là màu sắc, là hiệu quả ánh sáng của hai màu đặt bên nhau. Một xe ngựa chở cát bên sông Hồng, một góc phố Hà Nội, những người nông dân ra đồng sớm mai khi trời còn ướt nước mờ sương lần lượt được thể hiện trôi chảy trên những tranh lụa mỏng mềm.
Họa sĩ Trần Văn Cẩn quê ở Bắc Ninh nhưng sinh tại Kiến An, Hải Phòng ngày 13/8/1910 trong một gia đình công chức nghèo. Người cha làm ở Sở Bưu điện, mẹ làm nghề thủ công nặn con giống bằng bột dẻo cùng đèn giấy nan tre. Những trò chơi dân gian, đêm rằm trung thu đã in sâu trong ký ức trẻ thơ kéo dài đến năm 1924, khi Trần Văn Cẩn 14 tuổi. Ông học hết tiểu học ở Kiến An rồi chuyển lên Hà Nội học trung học, ở với bà nội.
Năm 1925 đánh dấu sự kiện quan trọng của lớp thanh niên bấy giờ là trường Mỹ thuật Đông Dương được thành lập ở Hà Nội do Victor Tardieu, họa sĩ người Pháp khởi xướng. Trần Văn Cẩn lỡ nhịp ở sự kiện này. Khi các bạn cùng trang lứa ở năm xứ Đông Dương thuộc Pháp (Bắc, Trung, Nam, Lào, Campuchia) kéo nhau thi vào trường Mỹ thuật Đông Dương khóa đầu tiên thì cùng năm đó, Trần Văn Cẩn thi vào trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội, ban thiết kế đồ gỗ, vẽ mẫu đăng ten. Ra trường năm 1930, ông được điều về làm việc tại Viện nghiên cứu Hải dương học Nha Trang, phụ trách công việc hàng ngày khá tẻ nhạt là vẽ lại những con cá lạ đánh bắt từ biển để lưu trữ trong hồ sơ gốc.
Tuy vậy, tuổi hoa niên của Trần Văn Cẩn lại được may mắn mở rộng tầm mắt với không gian thiên nhiên biển biếc Nha Trang, những đền đài Champa trầm mặc uy nghi dọc biển miền Trung, những xóm chài lúp xúp dưới chân núi, những xóm thợ cần lao, nối tiếp những ký ức về Bến Bính, Cầu Rào, Cầu Đất nơi quê hương Hải Phòng gắn bó tuổi thơ êm đềm dịu ngọt. Tại Sở Cá Nha Trang, ông được các đồng nghiệp người Pháp cho xem những hộp màu nước, sơn dầu, cùng với đó là bảng màu hội họa Ấn tượng thế kỷ XX với những sự biến đổi nhanh chóng của ánh sáng, màu sắc cảnh vật trong ngày. Bài học từ Claude Monet phảng phất trên bức “Ấn tượng, mặt trời mọc” (Impression, Sunrise) đã cuốn hút Trần Văn Cẩn. Những trải nghiệm ấy dẫn đến việc ông chia tay Sở Cá Nha Trang, tìm đến trường Mỹ thuật Đông Dương đang ngự trị tại Hà Nội. Đó là năm 1931, khóa VII (1931-1936).
Niên khóa 1931 – 1936 mở đầu cho thời kỳ thăng hoa nhất của trường, một giai đoạn cực kỳ phấn chấn trong đào tạo với những thành quả bất ngờ. Tranh lụa “Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh có tiếng vang lớn tại Đấu xảo Paris 1931. Bức khắc gỗ “Bến thuyền sông Hồng” của An Sơn Đỗ Đức Thuận đã vượt qua chuẩn mực tranh dân gian Đông Hồ với những nét khắc tinh tế tỉ mỉ, mở đầu cho dòng tranh khắc hiện đại Việt Nam. Trần Quang Trân thể hiện thành công bức sơn mài “Bờ ao” có bóng tre long lanh đáy nước, báo hiệu một trường phái sơn mài đã định hình.
Trong nhiều lần đến nói chuyện tại Viện Mỹ thuật (tiền thân của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) những năm 60, họa sĩ Trần Văn Cẩn luôn nhớ lại giai đoạn lịch sử 1930 – 1945 đầy biến động trong đời sống xã hội và mỹ thuật Hà Nội đã tác động đến tầng lớp trí thức trẻ trong buổi đầu tiếp xúc với phương Tây qua trường Mỹ thuật Đông Dương (L’Ecole des Beaux – Arts de L’Indochine). Ngôi trường được thành lập với tôn chỉ đẹp đẽ, sáng sủa:
“Dung hợp tự nhiên với truyền thống, khiến học sinh phải quan sát và biểu diễn tự nhiên theo những nguyên tắc mỹ học phổ thông của loài người, phát triển những tinh thần đặc biệt của nghệ thuật Việt Nam và phương Đông khiến học sinh lãnh hội lấy cái đẹp của nghệ thuật xưa và hiểu rằng nó vốn có quan hệ mật thiết với mình.” (Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, 1938).
Với tôn chỉ “dung hợp tự nhiên với truyền thống”, nghệ thuật Việt Nam phải giữ được bình diện tự nhiên vốn có của nó, tuy nhiên hoạt động của trường lại mang khuynh hướng nghệ thuật vị nghệ thuật. Sau 5 năm theo học, sinh viên tiếp thu nền mỹ thuật phương Tây theo phép viễn cận duy lý, các trường phái và lịch sử mỹ thuật Hy Lạp, La Mã cổ đại trong khi nghệ thuật dân tộc bị quên lãng.

TRẦN VĂN CẨN – Em Thúy. 1943. Sơn dầu. 58x44cm. Bảo vật Quốc gia – Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Năm 1929, cuộc triển lãm đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương được tổ chức tại Hà Nội, bày tranh của sinh viên khóa I, khóa II. Họa sĩ Tô Ngọc Vân (khóa II) trong bài viết “Bước đầu của hội họa Việt Nam hiện đại” nhận xét:
“Sự đụng chạm của trường mỹ thuật với công chúng bắt đầu ở cuộc triển lãm thứ nhất vào năm 1929 tại ngay trường mỹ thuật. Có tranh “Thiếu nữ” rũ tóc mặt buồn của Lê Phổ, tranh “Thiếu phụ” ngồi trên sập hai mắt ươn ướt như sắp khóc của Mai Trung Thứ, có tranh “Ông già” của cô Lê Thị Lựu, những tranh nặng nề màu nâu tối “Cảnh nhà quê” của Nguyễn Phan Chánh”
Lúc cuộc triển lãm diễn ra, Trần Văn Cẩn vẫn đang cặm cụi đo đạc, học hành chăm chỉ tại trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội. Bước nhập môn hội họa của ông tuy chậm nhưng may mắn khi vào học khóa VII, lúc sinh viên đã không còn loay hoay tìm về bản ngã dân tộc như lời than thở của Tô Ngọc Vân trong bài báo kể trên, đăng trong tập san Xuân Thu Nhã Tập 1942:
“Người ta muốn tác phẩm của mình có vẽ Tàu, Nhật. Người ta đóng lên tranh những dấu son chi chít, viết lên những hàng chữ Hán dài dòng, vẽ ra những hòn đá cái cây dáng điệu mà chỉ thấy ở tranh Tàu. “Tàu thực” là một lời khen bức tranh mà tác giả mở lòng nhận lấy”.
Do đó, ngay buổi đầu của gặp gỡ phương Đông – phương Tây, thái độ nghệ thuật của các họa sĩ Việt Nam đã trở nên đa dạng trong bút pháp và đề tài. Tinh thần tự tôn dân tộc còn được thể hiện khá rõ trong sáng tác. Sinh viên nhanh chóng làm quen với kỹ thuật sử dụng sơn dầu phương Tây nhưng họ cũng thành công lớn trong chất liệu với sơn mài của Nguyễn Gia Trí, lụa của Nguyễn Phan Chánh, khắc gỗ của An Sơn Đỗ Đức Thuận mà sau này tạo thành những phong cách khác biệt của Việt Nam.
Năm 1931, Trần Văn Cẩn trở về Hà Nội, trúng tuyển vào trường Mỹ thuật Đông Dương sau 3 tháng học dự bị do họa sĩ Nam Sơn hướng dẫn. Ông học khóa VII (1931 – 1936) cùng Nguyễn Gia Trí, Lưu Văn Sìn, Vũ Đức Nhuận, Nguyễn Văn Tại, Nguyễn Thụy Nhân, Nguyễn Trọng Bang. Như một sự tình cờ, Nguyễn Gia Trí bỏ ngang việc học ở khóa IV, đến khóa VII ông theo học tiếp thì cùng khóa với Cẩn để rồi cả hai cùng ở trong tứ trụ Trí – Lân – Vân – Cẩn.
Niên khóa này (1931-1936) gắn liền với hoàn cảnh lịch sử Việt Nam những năm 30. Đó là thời kỳ cuối cùng của cuộc vận động cách mạng tổ chức bởi các sĩ phu yêu nước Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập năm 1930 và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở miền Trung.
Trên văn đàn công khai, nhóm Tự Lực Văn Đoàn ra đời với tuyên ngôn “lúc nào cũng mới trẻ yêu đời, không có tính cách trưởng giả quý phái, tôn trọng tự do cá nhân, làm cho người ta biết đạo Khổng không hợp thời nữa.” (Báo Phong hóa năm 1934). Một loạt thơ ca, tiểu thuyết được ra đời để ca ngợi cuộc sống tự do lãng mạn, những mối tình Trống Mái (tên một tiểu thuyết của Khái Hưng) đả kích chế độ đại gia đình tam tòng tứ đức, kêu gọi tự do, giải phóng thân phận con người nhất là phụ nữ. Khuynh hướng hiện thực được phản ánh qua những tác phẩm Giông tố, Làm đĩ, Lục xì của Vũ Trọng Phụng, Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan. Phong trào Thơ mới cũng phát triển mạnh trong thời gian này và những năm 1937, 1938. Thế Lữ có công đầu trong việc xây dựng nền Thơ mới, là thi sĩ nặng lòng yêu dấu những vẻ đẹp làm cho trái tim ông rung động. Cùng với đó là Lưu Trọng Lư chìm đắm trong tình và mộng, Xuân Diệu với thơ yêu say đắm lòng người, Vũ Hoàng Chương thơ say, Hàn Mặc Tử chơi vơi trong cảm xúc…
Trần Văn Cẩn – Hai thiếu nữ trước bình phong. 1943. Lụa. 45x48cm. Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Trong hoàn cảnh đầy biến động này của xã hội, Trần Văn Cẩn can đảm dấn thân trên con đường mới, chế ngự cảm xúc, cân bằng trong mọi xử thế để đặt tên tuổi mình vào vị thế những người mở đường cho nền mỹ thuật cận đại Việt Nam.
Năm 1935 kỷ niệm 10 năm thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương, hiệu trưởng Victor Tardieu tổ chức triển lãm mỹ thuật lần thứ nhất. Triển lãm này do Hội khuyến khích mỹ thuật và kỹ nghệ (Société Annamite d’Encouragement à L’Art et à l’Industrie) viết tắt là SADEAI do Tardieu làm hội trưởng. Một cuộc triển lãm lớn tập hợp các họa sĩ đã tốt nghiệp ra trường các khóa đầu: Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Trần Bình Lộc, Lê Văn Đệ, Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh. Tuy mới học năm thứ tư, Trần Văn Cẩn cũng tham gia bốn tranh thử sức ở những chất liệu khác nhau: “Em gái tôi” (sơn dầu), “Cha con” (lụa), “Đi làm đồng” (lụa), “Cảnh bờ sông Hồng” (khắc gỗ màu). Thời gian học tại trường, thành công của Nguyễn Phan Chánh trong vẽ lụa đã gợi ý cho ông theo đuổi chất liệu này. Tác phẩm “Mẹ tôi” (lụa, 1934) chất chứa kỷ niệm về người mẹ hiền trong niềm xúc cảm của người con. Khi tham gia phòng triển lãm họa sĩ Pháp ở Paris, bức tranh đã gửi đến người xem một hòa sắc xanh nâu êm dịu phương Đông với dáng hình người phụ nữ Việt Nam chân quê. Rất tiếc sau triển lãm ở Paris, thông tin về tác phẩm biến mất.
Theo họa sĩ Trần Văn Cẩn, triển lãm SADEAI 1935 lần đầu tiên ông tham gia là một sự kiện văn hóa nổi bật. Báo Ngày nay số 3 ngày 30/11/1935 ca ngợi:
“Chúng ta nên cảm ơn Hội Chấn hưng Mỹ thuật và ông Tardieu người sáng lập ra trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã mở một phòng triển lãm vào đầu xuân năm nay. Mỹ thuật trong nước ta vẫn là một sự mới mẻ, một cuộc trưng bày như thế bao giờ cũng được công chúng hoan nghênh và những ngày phòng triển lãm mở cửa là những ngày đáng kỷ niệm trong cái xã hội buồn tẻ này.”
Hai tranh Tô Ngọc Vân sáng tác từ Huế êm đềm tham dự triển lãm là “Thuyền trên Sông Hương” (sơn dầu), “Lăng Tự Đức” (sơn dầu). Các tác phẩm khác của ông là tranh lụa, gồm “Bức thư, Tiễn đưa, Chợ hoa ngày Tết, Bên hòn Trống Mái”. Hiện Bảo tàng Mỹ thuật đang sở hữu hai trong số các tranh kể trên của Tô Ngọc Vân là “Thuyền trên sông Hương” (sơn dầu) và “Bức thư” (lụa).
Trần Văn Cẩn kết thân với Tô Ngọc Vân từ triển lãm này. Cả hai cùng ảnh hưởng lối vẽ của thầy giáo Inguimberty dạy trang trí. Đó là một người thầy giản dị dễ gần nhưng rất nghiêm túc, nhận xét bài chỉ gật hay lắc đầu, sinh viên tự đoán điểm yếu của mình mà sửa bài. Tuy vậy ông thầy này lại rất yêu mến thiên nhiên Việt Nam, thường dẫn trò đi vẽ ngoài trời nơi đường thôn ngõ xóm, rặng chuối, rặng tre, cùng sinh viên nghiên cứu cách vẽ người nông dân đội nón gồng gánh với váy sồi, áo tứ thân.
TRẦN VĂN CẨN – Đan len. 1959. Sơn mài. 75x100cm. Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Cũng tại triển lãm này, Trần Văn Cẩn yêu mến những tác phẩm lụa Nguyễn Phan Chánh và rất trân trọng người họa sĩ này. Trong những cuộc hội thảo tranh lụa Nguyễn Phan Chánh năm 1978 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sau này, ông nhận định:
“Đặc điểm tranh lụa Nguyễn Phan Chánh những năm 1930 – 1935 là sử dụng những gam màu ấm, sắc nâu đen, trắng phớt, ít dùng màu xanh, hồng. Các độ đậm nhạt điểm tô cho nhau trên một gam màu chủ đạo là nâu, đỏ nâu tạo nên một sắc độ ấm áp quyện lấy nhau. Một không khí dịu dàng êm đềm mà đằm thắm. Cách tạo hình của ông là diễn tả theo mặt phẳng. Lối diễn tả này tiếp thu nhiều ở những tranh cổ Việt Nam mà ông làm quen hồi thơ ấu.”
1936 là năm cuối cùng để Trần Văn Cẩn làm bài thi tốt nghiệp, nhưng ông vẫn gửi đến triển lãm SADEAI lần thứ 2 ba tranh mới sáng tác là “Cô đơn”, “Chân dung”, “Chăn ngựa” trên chất liệu lụa. Đó là những tác phẩm đánh dấu tài năng của ông khi tiếp nhận bài học qua những kỹ thuật nhà trường giảng dạy. Tại triển này, ông cũng mạnh dạn đưa một tranh khỏa thân ra trưng bày, bức vẽ mang nhiều nét nghiên cứu hình thể hơn là một tác phẩm. Một ký giả người Pháp bình luận trên báo Le Monôme ngày 7/2/1937:
“Trần Văn Cẩn nhà họa sĩ trẻ tuổi vừa ra trường nhưng có bút pháp rất chắc. Anh trưng bày ít có ba bức tranh lụa có tên “Cô đơn”, “Chân dung”, “Những người chăn ngựa”. Như thế cũng đã đủ khiến chúng ta có một ý niệm rộng rãi về tài năng phong phú của anh. “Nghiên cứu vẽ khỏa thân” là một bức bán thân bằng chì, nhân vật được ánh sáng mờ mờ ở góc phòng chiếu rọi đã gợi cho chúng ta cái cảm giác như bức vẽ của bậc thầy. Cũng nhẹ nhàng và mềm mại, cũng cùng một ngọn bút lông có kinh nghiệm, tài hoa. Bức “Những người chăn ngựa” được thoát thai từ những sắc màu đất ấm áp, trình bày những người trồng rau đầy sức sống, giữa những con ngựa đang hí vang. Bố cục cân bằng hòa hợp rất đáng ca ngợi qua bức vẽ vững chãi này chứng minh sự mềm mại của một ngọn bút lông trên lụa.” (Bản dịch của ông Nguyễn Đỗ Hải, chuyên viên Viện Mỹ thuật, 1965).
Triển lãm năm 1936, Lưu Văn Sìn là bạn cùng khóa với Trần Văn Cẩn có tranh “Đường đi bản Muốn” (sơn dầu). Tác phẩm không sở hữu nét tế nhị duyên dáng, già dặn như Trần Văn Cẩn nhưng mang lại ánh sáng cuộc sống miền thượng du Bắc Bộ với bảng màu xanh ngát. Trần Văn Cẩn từng nhận xét: “Màu của Sìn nặng như núi”. Tác phẩm có mặt trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật cùng tranh “Việt Bắc” (sơn dầu, 1937) vẽ anh thanh niên người Thổ với con ngựa. Sau này, hai ông Cẩn và Sìn lại là hai nhân vật quan trọng hàng ngày đến Viện Mỹ thuật giúp ông Viện trưởng Nguyễn Đỗ Cung tìm màu quét vôi cho các phòng trưng bày của Bảo tàng. Màu sắc đối chọi giữa hai ông năm nào giờ đây hòa hợp mềm mại thơ mộng, để lại một kỷ niệm khó quên cho những ai từng đến đây.
Trần Văn Cẩn tìm cái thú thầm lặng trong hội hoạ như người đãi cát tìm vàng, mò trai dưới biển. Và ngọc trai của ông là màu sắc, là hiệu quả ánh sáng của hai màu đặt bên nhau. Một xe ngựa chở cát bên sông hồng, một góc phố Hà Nội, những người nông dân ra đồng sớm mai khi trời còn ướt nước mờ sương lần lượt được thể hiện trôi chảy trên những tranh lụa mỏng mềm.
Thế nhưng với bài thi tốt nghiệp, ông lại chọn sơn mài, thứ chất liệu mang vẻ đẹp rung lên từ những màu cổ truyền: cánh gián, then, son, vàng, bạc. Ông dành nhiều thời gian thực hiện bài thi sơn mài “Lều chõng” trên tấm bình phong sáu tấm khổ lớn 0,6 x 1,8 m. Đề tài Lều chõng miêu tả cảnh đi thi của các sĩ tử xưa, cũng là hình ảnh anh chàng Vân Hạc trong tiểu thuyết “Lều chõng” của Ngô Tất Tố.
Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ kể lại bài thi được chấm thứ nhất bởi đã làm bật lên hình ảnh của giới trí thúc xưa vào kinh dự thi. Cả một làng quê tưng bừng rộn rã, ruộng lúa đang chín trải vàng, người làng tiễn đưa, người gánh thùng sách đi trước, chú ngựa bước thong thả phía sau, ngang qua những khóm tre phơ phất bên đường làng. Cả đoàn người người như hân hoan chuyển động. Dưới bàn tay điêu luyện, Trần Văn Cẩn đã làm sống lại một kỷ niệm xưa nơi thôn dã Việt Nam.
Nói đến sự nghiệp sáng tác của Trần Văn Cẩn, chúng ta không thể bỏ qua đóng góp rất lớn của ông trong việc tìm kiếm, định đoạt cho số phận sơn ta để chất liệu này trở thành trường phái hội họa Sơn mài Việt Nam.
Trong quá khứ, nghệ nhân Đinh Văn Thành là cộng tác viên thân thiết của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1932, từ chất sơn quang dầu, ông đã sáng tạo ra chất liệu sơn cánh gián và sơn then (đen), mở ra một phương pháp vẽ tranh sơn mài. Thời gian này những thí nghiệm mò mầm của Trần Quang Trân rồi Lê Phổ, Mai Trung Thứ cũng thể hiện lối vẽ sơn ta nhưng phần màu sơn không mài được.
Họa sĩ Lê Quốc Lộc, bậc thầy của sơn mài Việt Nam nhớ lại: “Vào năm 1932, người tìm ra cách mài được tranh vẽ bằng sơn ta là họa sĩ Trần Văn Cẩn phối hợp với bác Phó Thành. Hai người qua nhiều lần thể nghiệm đã khám phá ra cách nấu sơn cánh gián có pha nhựa thông chứ không pha dầu trẩu để có thể cùng mài được với sơn then vốn đã pha nhựa thông từ xưa. Như vậy, cả hai thứ sơn đều có độ dính như nhau, có sức bền chắc, chịu được sức mài của hòn đá mài”.
Năm 1933, nhóm họa sĩ Trần Văn Cẩn cùng Lê Phổ, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Trần Quang Trân nghiên cứu kỹ về kỹ thuật sơn ta để có thể vẽ được nhiều lớp sơn chồng lên nhau rồi mài, thể nghiệm thành công tranh sơn mài với sơn son, vỏ trứng, vàng, bạc truyền thống.
Năm 1936, tốt nghiệp ra trường, Trần Văn Cẩn xứng đáng được chấm giải Nhất với bài thi “Lều chõng”. Tuy vậy, ông vẫn khiêm tốn, lặng lẽ hướng về những thành công của Nguyễn Gia Trí qua những nhận xét dí dỏm rất tình người: “Khi đi qua đường Quần Ngựa (nơi có xưởng vẽ của Trí – HY) đã khiến chúng ta trẻ lại. Đi qua vườn Bách Thảo, chúng ta như muốn biết Trí sẽ làm sống lại như thế nào cái hồ sen đó”. (Trò chuyện của Trần Văn Cẩn với các nhà nghiên cứu trẻ, trích Tư liệu của Hải Yến)
TÔ NGỌC VÂN – Thuyền trên sông Hương. 1935. Sơn dầu. 50x65cm. Sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Học cùng khóa, hai người bạn Nguyễn Gia Trí và Trần Văn Cẩn chắc có nhiều gắn bó nhưng rất ít bộc lộ ra ngoài. Như đã kể ở phần viết về Nguyễn Gia Trí, năm 1992, họa sĩ đã yếu nhiều, cuộc trò chuyện giữa tôi và ông luôn đứt quãng bởi ông còn im lặng suy nghĩ rồi mới trả lời. Nhưng khi nhắc đến họa sĩ Trần Văn Cẩn, mắt ông sáng lên như nhận ra một người bạn cũ. Ông nói rất nhỏ: “Cẩn và tôi… chúng tôi cùng học một khóa…”.
Tôi cũng từng cho họa sĩ Trần Văn Cẩn xem một tấm ảnh chụp tác phẩm sơn mài theo phong cách trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Gia Trí có tên là “Vô đề” (hay “Thông và vách đá”) và lời tự bạch của ông khi có người hỏi liệu ông có nhớ hết tác phẩm của mình hay không: “Tôi chỉ nhớ những tranh trừu tượng của tôi vì nó là unique (duy nhất). Tôi vẽ nó bằng chính ruột gan tôi, không có sự can thiệp nào của ngoại vật, sự imitation (bắt chước) đã làm mất bản thân tôi quá nhiều” (Trích trong An Ocean Apart, Vựng tập triển lãm mỹ thuật Việt – Mỹ, tổ chức tại Hoa Kỳ 1996). Đọc tự bạch và xem ảnh, họa sĩ Trần Văn Cẩn không nói gì, chỉ nhìn xa xăm. Có lẽ ông nhớ lại kỷ niệm xưa với những tranh sơn mài lộng lẫy chất vàng son, sự linh biến của vỏ trứng, sơn then, sơn cánh gián mà Gia Trí đã để lại cho đời. Rồi như một sự hẹn hò, Gia Trí rời cõi tạm năm 1993, một năm sau, 1994, Trần Văn Cẩn cũng ra đi.
Triển lãm SADEAI lần thứ ba (1937), Trần Văn Cẩn không tham gia. Ông dành ba tác phẩm vẽ lụa “Chợ hoa”, “Chăn ngựa”, “Thêu” gửi đi dự triển lãm quốc tế Paris lần thứ II (1937). Đó là các tác phẩm được sáng tác ngay trong thời gian làm bài thi sơn mài “Lều chõng” (1936) để tốt nghiệp. Với thành công của bài thi tốt nghiệp, Trần Văn Cẩn luôn được nhắc tới trong triển lãm 1937, một sự kiện hội họp đông đủ các họa sĩ với những cảnh đẹp ở Bắc, Trung, Nam, Lào và Campuchia.
Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung học trên Trần Văn Cẩn hai khóa (khóa V), có một cảm tình trân trọng tài năng của người bạn hơn mình 2 tuổi. Mặc dù triển lãm 1937 không có tranh của Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung vẫn dành những lời tốt đẹp:
“Tô Ngọc Vân lại cho ta ngắm một nghệ thuật lưu loát và chắc chắn của trí thông minh già dặn. Nguyễn Phan Chánh vẫn dịu dàng với nhiều hy vọng mới. Những tác phẩm của Lương Xuân Nhị đứng đắn và xinh, nhẹ nhàng để yêu. Trần Văn Cẩn âm thầm, hoạt động rất cân đối trong tìm tòi mạnh dạn.”
(Phòng triển lãm năm 1937, Nguyễn Đỗ Cung, Báo Ngày nay 23/12/1937)
Khi họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung được Bộ Văn hóa ủy quyền thành lập Viện Mỹ thuật Mỹ nghệ vào năm 1962 để từ đó sáng lập nhà Bảo tàng Mỹ thuật, họa sĩ Trần Văn Cẩn là một cộng tác viên đắc lực trong giảng dạy hướng dẫn các nhà nghiên cứu trẻ bước vào nghiên cứu hội họa Việt Nam. Trong những buổi giảng dạy như thế, ông có nhắc đến những tác phẩm thành công của mình trên chất liệu sơn mài. Sau bức bình phong “Lều chõng”, ông đã tự tin hơn rồi dần nắm vững kỹ thuật thể hiện sơn mài.
Nhà báo Triều Dương đã kể lại trong cuốn sách Trần Văn Cẩn (NXB Văn hóa, 1983):
“…và thế là năm sau (1938), ông hoàn thành bức sơn mài “Trong vườn” kích thước 1,2 x 0,8m. Bức tranh tả cảnh sinh hoạt của bốn thiếu nữ thành thị. Hai cô ngồi thêu ở trong nhà, hai cô dạo chơi ngoài vườn dưới những khóm hoa phù dung. Ở tác phẩm này, Trần Văn Cẩn muốn kết hợp giữa lối sơn khắc chìm, đắp nổi như cách làm cũ với lối sơn mài vừa được tìm thấy để diễn hình và tạo không khí. Những khóm hoa phù dung được đắp nổi theo độ cao thấp dày mỏng khác nhau như muốn đưa hai cô gái dạo chơi ngoài vườn (được khắc chìm) ra xa tầm nhìn, tạo không khí rộng rãi thoáng đãng cho khu vườn. Còn hai cô gái ngồi thêu trong nhà vẽ theo lối sơn mài như cho ta cái cảm giác êm mát yên tĩnh. Bức tranh được vẽ rất kỹ hình, trau chuốt hòa sắc nâu, tham gia triển lãm SADEAI lần thứ ba tại Hải Phòng (một người Nhật đã mua đem về nước)…”.
Triển lãm của tổ chức SADEAI ngày càng lôi cuốn các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương đóng góp những tác phẩm hội họa, điêu khắc xuất sắc, phù hợp với cảm nhận của người Hà Nội, hài hòa với thẩm mỹ Đông – Tây trong buổi đầu tiếp xúc.
Biến động lớn xảy ra vào năm 1937 khi Victor Tardieu mất tại Hà Nội, một người Pháp là nhà điêu khắc Evariste Jonchère sang Việt Nam làm Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Đông Dương giai đoạn 1938 – 1945. Vừa đến Sài Gòn, Jonchère đã trả lời phóng viên báo Opinion: “Tôi đi Hà Nội chuyến này chỉ muốn đào tạo những thợ mỹ nghệ chứ không phải nhà nghệ sĩ. Cái giỏi của Đông Dương là một thứ khéo léo rõ rệt. Vậy ta không nên đợi ở họ những tác phẩm về cảm hứng”.
Trên báo Ngày nay số 114 ngày 07/1/1939, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung viết bài phản đối Jonchère với sự hưởng ứng mạnh mẽ của các họa sĩ Lưu Văn Sìn, Trần Văn Cẩn, Hoàng Lập Ngôn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Khang.
Triển lãm SADEAI tổ chức lần thứ tư và cũng là lần cuối vào năm 1939, Trần Văn Cẩn gửi hai tranh “Phong cảnh Huế” (sơn dầu) và “Bên sông Hồng” (lụa). Họa sĩ Trần Văn Cẩn nhớ lại, lúc này tình hình sáng tác không còn như trước, tổ chức SADEAI không còn hội trưởng, các họa sĩ không muốn bầu Jonchère nên SADEAI phải giải tán, chấm dứt một thời gian dài hoạt động của Tardieu. Một tổ chức khác lấy tên là Trung tâm Nghệ thuật Việt Nam Foyer de L’Art Annamite (FARTA) được thành lập, do Lê Văn Đệ (sinh viên khóa I) làm chủ tịch, thành viên gồm Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị. Lê Văn Đệ là con một điền chủ giàu có ở Mỏ Cày, Bến Tre. Ông rất có khả năng tổ chức để FARTA hoạt động triển lãm và trao giải thưởng.
Năm 1943, FARTA ra mắt phòng tranh ở nhà Khai Trí Tiến Đức. Triển lãm này đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ khuynh hướng lãng mạn trong tác phẩm của Tô Ngọc Vân với những tranh lụa thiếu nữ gợi cảm, quan niệm duy mỹ cái đẹp trong tranh không phải cái đẹp ngoài đời. Những tranh Thiếu nữ của Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân thì mang đầy vẻ huyền ảo, mộng mị quyến rũ, đắm chìm trong hình và sắc.
Ở triển lãm FARTA 1943 này, Trần Văn Cẩn tham gia bày hai tác phẩm “Gội đầu” (khắc gỗ) và “Em Thúy” (sơn dầu). Đến FARTA năm sau (1944), ông bày bức “Hai thiếu nữ trước bình phong” (lụa). Điều may mắn nhất là cả ba tác phẩm này hiện là sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt nam, trong đó tác phẩm “Em Thúy” là Bảo vật quốc gia.
Từ trước đến nay, giới nghệ thuật vẫn nhắc đến một câu ngắn gọn Nhất Trí, Nhì Lân, Tam Vân, Tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn). Sự sắp xếp này có lẽ thông qua con đường cảm giác sự thích thú và lòng ngưỡng mộ. Tài năng của bốn họa sĩ trải dài suốt năm tháng đầy biến động thời cận đại (1930 – 1945) khi tiếp xúc với phương Tây trên nền Nho giáo đã suy tàn.
Cuộc đời sáng tác của Gia Trí, Tường Lân, Tô Ngọc Vân là một cuộc đời tràn đầy cảm xúc với những đam mê tận cùng cái Đẹp. Những đêm dài khắc khoải ẩn ức của một dân tộc không mấy bình yên lướt qua trên tác phẩm của họ.
Trần Văn Cẩn là một trong những hiện tượng đáng lưu ý trong lịch sử hội họa cận đại Việt Nam. Là môn đệ của trường phái lãng mạn, với tâm trạng cô đơn cùng nỗi buồn u hoài giữa cái chung và cuộc sống riêng tư, tác phẩm của ông phần nào nói lên nỗi lòng đó, biểu hiện tình cảm yếu đuối của một thành viên tiểu tư sản trong xã hội thượng lưu. Hình ảnh thiếu nữ trong tranh Trần Văn Cẩn với vẻ đẹp kín đáo nhẹ nhàng dù là ở nông thôn hay thành thị: Đi làm đồng (lụa, 1935), “Thêu” (lụa, 1937), “Trong vườn” (sơn mài, 1938), “Em Thúy” (sơn dầu, 1943), “Hai thiếu nữ trước bình phong” (lụa, 1944) với màu sắc dung dị, ấm áp không khoa trương dữ dội, từng nét từ tốn chân thực cho đến nay vẫn khiến ta nhận ra phong độ Trần Văn Cẩn của một thời Hà Nội vang bóng.
Trong nhóm Tứ trụ ấy, Trần Văn Cẩn là người duy nhất được chứng nghiệm biến động xã hội ở những thời điểm lịch sử quan trọng nhất của đất nước, quãng thời gian đã đóng khung vàng mà không dễ mấy ai được trải qua trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình.
Cuộc hành trình của ông theo cùng năm tháng, từng tác phẩm của ông là diện mạo nền mỹ thuật Việt Nam, với những suy cảm của một nghệ sĩ dấn thân không mệt mỏi cho lý tưởng nghệ thuật đã lựa chọn trong suốt cuộc đời mình.
Sáng tác năm 1943 , tranh “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn là một trong những tác phẩm tranh chân dung xuất sắc nhất của hội họa Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Tranh được vẽ bằng sơn dầu, một chất liệu rất mới đối với các họa sĩ Việt Nam khi tiếp xúc với hội họa phương Tây qua trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập năm 1925. Đây cũng là tranh chân dung thành công trong xử lý kỹ thuật, màu sắc, ánh sáng, tạo hình sơn dầu của Trần Văn Cẩn. Nhân vật trong tranh là một em gái khoảng 12, 13 tuổi ngồi trên ghế mây. Một em gái chưa đến tuổi thành niên, đôi vai gầy nhỏ mảnh dẻ, đôi tay dài, nét mặt thơ ngây với cái mũi nhỏ và đôi môi còn trẻ con. Đôi mắt to, đen huyền, ngây thơ mở rộng chăm chú nhìn thẳng vào người xem với đầy vẻ trong sáng, tin tưởng, chưa vương chút gợn của sự hoài nghi, chán nản hay buồn bã. Đây là sự tin tưởng vào cuộc đời mà nhân vật cho là đẹp nhất. Ai có thể lừa dối đôi mắt mở to ấy? Nét ghế mây bao quanh ôm lấy thân hình như che chở cho cô bé. Phần nền là các mảng màu đỏ, vàng, trắng, hồng được sử dụng như họa tiết trang trí, tạo sự đồng điệu về màu sắc với chủ thể chính. Màu áo trắng phơn phớt hồng nhấn mạnh ý nghĩa trong sáng của tuổi thơ, nền vàng nhè nhẹ như đang dần hòa vào thân thể nhân vật. Toàn bộ sự trong sáng toát lên từ nét bút tác giả, nhẹ nhàng vờn ở khuôn mặt, nét tóc, đôi tay cho đến cả nền nhẹ phớt hồng, phớt trắng ở phía sau nhân vật. Toàn bộ bức tranh như một bản nhạc êm dịu chan chứa tinh thần Việt Nam, khiến người xem phải se sẽ bước lại gần, se sẽ thở để thưởng thức.
Có một mùa thu cũ mà nền son xưa đã lẳng lặng giữ chiều vàng, nét đẹp em. Vườn rối rít tiếng chim năng tím nhạt bên thềm, mắt ai nhìn im im ai luống cuống tay mềm và ai đợi ai đan áo.
Em – Nhan sắc Hà Nội của tôi được vùi ấm trong nền son thắm tháng mười. Thật quyến rũ là tà áo dài em bay trong nắng, vỏ trứng âm ỷ trắng.
Tiếng ai gọi sâm cầm lạc giọng những ngày thu. Heo may cạn gió chiều đồng vọng. Anh vẫn mơ về thu ấy, mơ em. Nhà cổ có còn trong phố Phái? Áo cũ có đợi mùa nhận lại chút hương quen?
Hà Nội tháng 10 năm 2006
Lương Xuân Đoàn
(Tạp chí Người đẹp Việt Nam,
chuyên san của báo Tiền Phong số ra ngày 1/11/2006).
NGUYỄN HẢI YẾN

Tin cùng chuyên mục

Tiểu tự sự của Hoàng Đỗ Cường

Triển lãm cá nhân Họa sĩ và những người bạn của cố họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (18/4/1959 – 15/2/2023) sẽ khai mạc lúc 17h ngày 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày...

Họa sĩ Đỗ Đức: Triển lãm và bán đấu giá tranh góp tiền xây trường cho trẻ em vùng cao

NDO – 50 năm lăn lộn với các tỉnh miền núi phía bắc trong vô vàn các chuyến công tác đã để lại trong họa sĩ Đỗ Đức những ký ức và cảm hứng để đến khi về hưu, ông đã dành toàn bộ...

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu – Những vệt màu cảm xúc!

Triển lãm tranh sơn mài Nghe kể chuyện làng mình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đang diễn ra Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 15/9, bày khoảng 65 tranh sơn mài, đa số khổ lớn. Trên địa...

Nguyễn Gia Trí – Một đời phiêu lưu với hội họa

Nhiều thập kỷ phiêu lưu trong hội họa, Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) thuộc lớp người xưa mang lại nhiều thành tựu to lớn cho nền mỹ thuật sơn mài hiện đại ở Việt Nam. Năm 1927, Nguyễn Gia Trí...

Họa sĩ Sophie Trịnh và hành trình sáng tạo 23 tác phẩm trong 6 năm

Họa sĩ Sophie Trịnh vừa trình làng triển lãm đầu tay mang tên “Lớp lang cảm xúc” tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nữ họa sĩ đã dành hơn 6 năm để...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

CLB Nữ tác giả khai mạc triển lãm ngày Quốc tế Phụ nữ

Ngày 8/3/2024, triển lãm Phụ nữ Yêu và Vẽ do câu lạc bộ Nữ tác giả (Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức khai mạc tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội). Triển lãm gồm 2 phòng tranh với 116...

Triển lãm “Non nước Biên thùy”

Ngày 11/9/2024, triển lãm “Non nước biên thùy” sẽ khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ bảy của họa sĩ Đỗ Đức ở Hà Nội. Triển lãm giới thiêu...

Hàng trăm thiếu nhi quốc tế tham dự Cuộc thi “Em yêu Hà Nội – Thành phố vì hòa bình”

(ĐCSVN) – Hơn 300 học sinh đến từ các trường tiểu học, trung học cơ sở, các câu lạc bộ năng khiếu của Hà Nội, các đại sứ quán, trường quốc tế với nhiều quốc tịch khác nhau đã tham...

Hyo Lynn Yi – Trở thành giám tuyển là khả năng đa nhiệm của nghệ sĩ

   “Nếu ví mỗi nghệ sĩ, mỗi tác phẩm là một nhạc công trong dàn nhạc thì giám tuyển chính là vị nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc ấy để làm nên một bản hòa tấu tuyệt diệu. Và tôi muốn...

NGHỆ THUẬT CHÂU Á: BIỂU TƯỢNG VÀ KỸ THUẬT – NGÀY MÙNG 5 THÁNG 12 (ARTS D'ASIE SYMBOLISME & TECHNICITÉ LE 5 DÉCEMBRE)

  Các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ được giới thiệu trong phiên đấu giá Nghệ Thuật Châu Á tới đây vào ngày mùng 5 tháng 12 tại Neuilly-Sur-Seine. Trong...