Trong hội họa Việt Nam đương đại, nhiều họa sĩ sử dụng trực tiếp hình ảnh của những sản phẩm nghệ thuật dân gian để xây dựng tác phẩm. Một điều khác ở nghệ thuật của Vũ Hiệp, tranh của anh học hỏi dân gian ở ý tứ, tinh thần để trình bày ra một cách hóm hỉnh những câu chuyện dân gian vẫn còn có giá trị trong xã hội đương đại của chúng ta ngày nay.
Triển lãm tranh “Biến tượng” của họa sĩ – kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Hiệp khai mạc ngày 6 tháng 12 tại không gian nghệ thuật The Muse Artspace 47 sẽ kéo dài đến 20 tháng 12 năm 2023. Triển lãm trưng bày 33 bức tranh lụa khổ vừa và nhỏ. Một điều đặc biệt ở tác giả Vũ Hiệp, anh đã có một chặng đường dài nghiên cứu trước khi sáng tác. Anh là tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu về văn hóa – nghệ thuật Việt Nam. Trong đó, nhiều sách được trao giải của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, giải thưởng Sách Quốc gia, giải thưởng kiến trúc quốc gia. Có thể nói, những tính chất của nghệ thuật dân gian Việt Nam, thứ mà tác giả Vũ Hiệp đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu chắt lọc lại trong những cuốn sách, đã được chuyển hóa vào tranh lụa của Vũ Hiệp.
“Ngoa” và “Phồn thực” trong tranh Vũ Hiệp
Tranh Vũ Hiệp không sử dụng trực tiếp hình ảnh của nghệ thuật tạo hình dân gian (Ví dụ như dùng hình ảnh con chó, con rồng nhưng không lấy trực tiếp nguyên mẫu từ con chó đá hay hình tượng rồng thời nào) mà dùng lối vẽ khi thì tả thực, khi thì ước lệ quy giản để xây dựng những hình tượng nhân vật siêu thực mới.
Xuyên suốt tác phẩm, những hình tượng “ngoa” luôn gắn liền với tính “phồn thực”. Trong đó phụ nữ là một hình tượng độc đáo được xây dựng trong tranh Vũ Hiệp. Suốt chiều dài lịch sử tạo hình, chưa bao giờ hình tượng phụ nữ lại trở nên hoang dại, mạnh mẽ và siêu thực như thế. Lấy cảm hứng từ câu ca dao Việt Nam: “Gái một con trông mòn con mắt
/Gái hai con vú quặt đằng sau”, ghi chép trong sách Giao Chỉ về Bà Triệu: “Vú dài ba thước”, hay “Mẹ âu cơ trăm trứng trăm con” tác giả Vũ Hiệp tạo nên hình ảnh những người phụ nữ có rất nhiều bầu vú dài và họ biến hoạt trong mọi tư thế xã hội. Từ những hình ảnh thường nhật xuề xòa nhất như trong “Mẹ và con”, “Mang bầu”, “Mẹ mướp” đến những hoạt động đa dạng và phức tạp như “Phụ nữ trèo”, “Giấc mộng đêm hè”, “Vinh quang”, “Cứu chuộc”, “Thiền định”, “Đấu vật”… rồi trong thế giới tưởng tượng về những “Chị Hằng”, “Cung oán ngâm khúc”, “Mẹ âu cơ”, Vũ điệu buồn”, người phụ nữ vẫn mang theo “gánh” vú dài loằng ngoằng. Hình ảnh về người phụ nữ vừa hài hước, vừa ai oán, nhưng cuối cùng đều được thu vén chu đáo. Phụ nữ trong tranh Vũ Hiệp mang vẻ rất nhanh nhẹn, tinh anh, điệu bộ thoăn thoắt, chẳng kém gì nam giới trong đủ các trạng thái xã hội. Vũ Hiệp xây dựng họ với bản năng hoang dã và nguyên thủy nhất.
Với loạt tranh về các con vật, tác giả Vũ Hiệp cũng sử dụng thủ pháp “kéo dài”. Lấy cảm hứng từ câu tục ngữ: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, trong tranh “Tuất”, điều đặc sắc của “cậu vàng” là lưỡi dài không tưởng, vắt lên cột ngồi thở. Con chó ngồi trên “vì kèo” gỗ lại được tạo hình khúc xương vừa ngoa dụ vừa hài hước. Hay tranh “Hợi”, hình tượng lợn với hàng vú dài nặng trĩu đứng trên những đám mây kiến trúc gỗ. Ý tưởng siêu thực, tạo hình mới, nhưng màu sắc và tinh thần hài hước gợi cho người xem một chất dân gian – đương đại khó phân định.
Yếu tố dân gian và phồn thực còn gắn liền với không gian kiến trúc trong các bức tranh. Đa phần tranh của anh có chứa các chi tiết kiến trúc gỗ truyền thống. Mái mũi hài, các “vì kèo” kiểu “chồng rường”, các xà, cột… đều được anh khéo kéo điều chỉnh thành những chi tiết phồn thực mà nếu không để ý quan sát, người xem khó nhận ra, và vẫn thấy nó hợp lý.
Biểu tượng dân gian trong thời hiện đại
Tác giả Vũ Hiệp hay dùng hình ảnh biểu tượng của xã hội đương đại để thay thế cho biểu tượng cùng chức năng trong quá khứ. Ví dụ như hình ảnh trong tác phẩm “Cá mõ”, “Chọi trâu”, “trùm truyền thông”…
Mõ là một bộ gõ (nhạc khí) rất quen thuộc ở những ngôi đình chùa làng quê Bắc Bộ nói riêng và trong Phật Giáo nói chung. Mõ thường được khắc hình con cá hoặc có nơi tạc luôn thành hình con cá để treo lên đánh (như đình làng Đường Lâm nay vẫn còn). Còn vì sao lại tạc hình con cá trên mõ? có nhiều tích ghi chép lại cả ở Việt Nam và Trung Quốc, nhưng tựu trung, vì con cá ngày đêm mắt đều không nhắm, nên người xuất gia mượn hình tượng cá để biểu thị sự tinh tấn, không dám lười biếng, còn đại chúng thì luôn nhớ cảnh tỉnh. Ở đây, tác giả mượn ý nghĩa của cá mõ nhưng mang đến cho nó một diện mạo mới với miệng hình loa phát thanh. Con cá trở nên hiện đại, đầy ý tứ mà vẫn giữ được vẻ lãng mạn của hội họa trong một không gian mơ hồ và chuyển sắc tinh tế.
Trâu là một con vật mang nhiều ý nghĩa biểu tượng trong đời sống người dân Việt Nam từ xưa và đặc biệt trong Phật giáo. Trong bức tranh “Chọi trâu”, những vòng tròn mang lại cảm giác đủ đầy. Tên gọi của tác phẩm nêu lên hai thái cực đối lập nhưng trong bức tranh lại có vẻ ngược lại. Hai con trâu ở hai thái cực, dường như đã gắn liền hai vòng tròn sừng vào nhau không thể tách rời khiến chúng vừa như “đấu tranh”, vừa “thống nhất” hay có thể nói, vừa là “đối thủ” vừa là “tâm giao”… Những kết nối biểu tượng như trên đem đến cho người xem những liên tưởng thú vị và tái nhận thức về cả hai hình tượng quá khứ và hiện tại.
Về nghệ thuật của Vũ Hiệp
Vũ Hiệp lựa chọn con đường dài và khó khi nghiên cứu mỹ thuật, kiến trúc gắn liền với thực hành nghệ thuật. Không có gì lạ khi hình hài nghệ thuật của anh khác biệt. Đó là sự nhào nặn của những giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc cổ và một trí tưởng tượng dị biệt mang hơi hướng siêu thực trên chất liệu hội họa truyền thống: Lụa. Không nhiều họa sĩ đương đại theo đuổi một câu chuyện hội họa với tư duy đặc thù và mạch lạc như thế. Đặc trưng trong tranh Vũ Hiệp có lẽ là tính dân gian phồn thực, vừa nôm na vừa khôn ngoan hài hước, đôi khi là cường điệu (hay chính anh gọi là “ngoa” khi nói về cá tính nghệ thuật Việt Nam). Tranh của anh chú trọng chi tiết, có tính ước lệ, ẩn dụ, mang nhiều tư tưởng phương Đông. Có thể nói, tính chất kiến trúc ít nhiều đã tạo ra sự độc đáo trong tranh của Vũ Hiệp.
Trên hết, điều đặc sắc mà người xem thấy được trong hội họa của Vũ Hiệp có lẽ là một vẻ mộng mị khó diễn tả từ những thứ tưởng chừng như mạch lạc ấy. Trong đó cái thân quen và lạ lẫm nhào nặn để tạo nên sự lôi cuốn. Người xem có thể cảm thấy rõ niềm yêu mến nơi chốn, văn hóa Việt Nam, có suy tư cá nhân, giấc mơ, huyền thoại, đức tin và cả những biểu tượng, hình tượng được biến tạo.
Về tác giả Vũ Hiệp
Nhà nghiên cứu, họa sĩ Vũ Hiệp sinh năm 1982 tại Hải Dương, hiện đang sống, nghiên cứu và sáng tác tại Hà Nội. Vũ Hiệp tốt nghiệp ngành kiến trúc Trường Đại học Kiến trúc – Xây dựng St Petersburg (Liên bang Nga), hiện là giảng viên tại Trường Đại học Giao thông vận tải.
Anh đã xuất bản các cuốn sách: “Tinh thần khai phóng của nghệ thuật” (NXB Mỹ thuật, 2015), “Đô thị Việt Nam – Góc nhìn từ những nơi chốn” (NXB Xây dựng, 2016), “Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật” (NXB Mỹ thuật, 2018), Nghệ thuật dưới góc độ di truyền (NXB Mỹ thuật, 2019), “Sự kiến tạo các nền nghệ thuật” (NXB Mỹ thuật, 2022)…
Anh tham gia triển lãm “Mùa thu” ở Gallery MART, Saint Petersburg, 2010. Từ năm 2009 – 2015 Vũ Hiệp vẽ tranh thủy mặc. Từ 2016 đến nay, Vũ Hiệp tập trung vào hội họa trên Lụa.
Các tác phẩm của nhà nghiên cứu Vũ Hiệp đã được tặng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (giải bạc và đồng) năm 2016, 2018, 2020, 2022 ; Giải B Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2018; Tặng thưởng hạng A Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương năm 2019. Cuốn sách ‘Sự kiến tạo các nền nghệ thuật’ – Giải Bạc giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2022 – 2023
Hà Giang