“ỐNG THỞ” – CUỘC ĐỐI THOẠI VÀ TƯƠNG TÁC GIỮA KIẾN TRÚC VÀ NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI

 

Theo tư liệu Địa chính Hà Nội, trong suốt thời gian đô thị hoá cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 (1885-1955) ở Hà Nội đã hình thành 30.000 thửa đất hình ống. Khu phố cũ có hình dạng tự nhiên, còn khu phố mới được bố trí phần lớn theo kích thước tiêu chuẩn với chiều sâu 25 mét và mặt tiền thường từ 4 đến 6 m. Trải qua thời gian diện tích của Hà Nội đã tăng lên nhiều lần, con số của những thửa đất hình ống đó đã nhân lên gấp bội, tiếp tục chia nhỏ hơn nữa hoặc lại gộp vào tuỳ theo sự phát triển của từng thời kỳ kinh tế trong lịch sử. Câu chuyện về những ngôi nhà ống với mặt tiền hẹp và sâu hun hút cùng lịch sử bắt nguồn từ trong quá khứ xa xưa, ngày nay càng trở nên kỳ thú khi chúng được nhấn mạnh bằng hình dáng “lênh khênh” bởi kỹ thuật xây dựng nhà cao tầng phát triển từng ngày. Cùng với đó, công nghệ làm biển quảng cáo tấm lớn với các kỹ thuật ngày càng hiện đại cũng làm phong phú hơn hình thái mặt tiền nhà ống đô thị. Trong suốt chiều dài phát triển đô thị hơn trăm năm nay, công năng của nhà ống trên các con phố đã nhiều lần thay đổi theo những biến cố lịch sử  cũng như những tác động của toàn cầu hoá.

Nguyễn Thế Sơn – Nhà mặt phố. 2020. Bộ 5 bức ảnh phù điêu

 

 

Không gian triển lãm tòa nhà VUUV.

“ỐNG thở” là một nỗ lực thử nghiệm các khả năng tương tác của những thực hành nghệ thuật đương đại trong không gian một ngôi nhà ống nằm trên một thửa đất hết sức phổ biến như thế:  Ngôi nhà VUUV do anh em kiến trúc sư Vũ Hoàng Sơn, Vũ Hoàng Hà thiết kế. Trong gần một tháng, 16 nghệ sĩ đã nỗ lực nghiên cứu tìm hiểu lịch sử địa hình, cấu trúc cũng như ngôn ngữ kiến trúc độc đáo của tòa nhà  để cố gắng đề xuất những phương án nghệ thuật có khả năng đối thoại với các yếu tố của nó. 16 nghệ sĩ đã có những thử nghiệm nghệ thuật bằng các chất liệu đa dạng và các cách tiếp cận đầy ngẫu hứng. Lần đầu tiên nghệ sĩ trẻ Cấn Văn Ân dùng chính chất liệu “bê tông” của toà nhà để làm thành 1 tác phẩm tranh sơn dầu được “đổ bê tông”. Nghệ sĩ Phạm Khắc Quang tương tác ngay trên những ô kính màu của toà nhà để tạo thành những bức tranh in đồ hoạ điểm ảnh hấp nhiệt trên kính, tạo nên những cảm xúc được nối dài từ chính kiến trúc của ngôi nhà. Nghệ sĩ Lê Đăng Ninh tiếp tục thủ pháp khắc lazer trên kim loại kết hợp đèn led, tạo nên tác phẩm “nhà tối” của những người dân nghèo miền Tây sống lênh đênh trên những ngôi nhà nổi, tương tác trực tiếp với một khung tường bê tông trong toà nhà. Hay như nghệ sĩ trẻ Ngô Thu Hương lại sử dụng kỹ thuật video tạo nên 2 tác phẩm sắp đặt video tương tác ngay trong chính 2 phòng vệ sinh của tầng triển lãm.

Cấn Văn Ân – Linh hồn. 2020. Bê tông trên tranh sơn dầu

 

Oanh phi phi – The Great Wall. 2020. Sơn ta trên gỗ và bạc, aluminum và bột màu

Nghệ sĩ Vũ Xuân Đông từng nổi tiếng với hình tượng sông Tô Lịch khai thác trong các tác phẩm sơn mài và sắp đặt gò đồng, lần này cũng thử nghiệm ứng biến sử dụng ngay hai chậu rửa bát tại khu bếp biến thành một tác phẩm sắp đặt “máy lọc nước sông Tô”. Tác phẩm sắp đặt video art rất nổi tiếng của nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm đã từng triển lãm nhiều nơi trên thế giới, lần này cũng tham dự như một tác phẩm sắp đặt tương tác với ô cửa kính lớn và ngõ của toà nhà. Những nét vẽ chi tiết tỉ mẩn và bay bổng bằng mực tàu trên giấy dó của nghệ sĩ Vũ Kim Thư cũng được thoả sức đối thoại với mảnh vườn rợp mát trong toà nhà từ một ô kính lớn của khu bếp. Những viên gạch tỉ lệ thật được vẽ bằng sơn mài cùng với bức tranh sơn mài bộ bốn tấm đầy mê hoặc gợi tả một bức tường gạch trong loạt tranh về đề tài xây dựng của nghệ sĩ Nguyễn Oanh Phi Phi từng triển lãm ở Bảo tàng Mỹ thuật Singapore cũng được tuyển chọn để đối thoại với kiến trúc thô mộc của toà nhà trong lần triển lãm này. Nghệ sĩ Trần Tuấn đến từ Huế lại lựa chọn hệ thống dây điện treo trên trần trong toà nhà như một đối tượng để tương tác khi sắp đặt cùng những cây lúa trên sàn nhà. Nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thị Hoài Giang lại lựa chọn chính những bản vẽ thiết kế toà nhà làm chất liệu để thể hiện những bức ký hoạ màu nước ghi chép về ngôi nhà trong suốt hai tuần trước triển lãm.

Nguyễn Thị Hoài Giang – Trước lạ sau quen. 2020. Ký họa trên bản vẽ kỹ thuật tòa nhà

 

Phạm Khắc Quang – Lỗ sáng. 2020. Sắp đặt khắc kính

Hay như nghệ sĩ giám tuyển Nguyễn Thế Sơn lại tiếp tục tạo hình chính toà nhà VUUV trên chất liệu nhiếp ảnh phù điêu, tiếp nối với chuỗi tác phẩm thuộc dự án “Nhà Mặt Phố” đã thực hiện nhiều năm nay cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế lại đưa phần trình diễn múa Nghê và sắp đặt Nghê của mình vào không gian nhà ống một cách khéo léo, gợi nên một sự gặp gỡ bất chợt nhưng cũng đầy định mệnh của truyền thống và hiện đại. Ngoài ra còn có sự góp mặt tác phẩm sắp đặt video tương tác của nghệ sĩ Triệu Minh Hải, tác phẩm thử nghiệm “đốt gỗ” mới nhất của nghệ sĩ Vương Văn Thạo và cả phần sắp đặt âm thanh của nghệ sĩ âm thanh Nguyễn Xuân Sơn. Sự tập hợp khá đa dạng các hình thức thực hành nghệ thuật đương đại đã biến không gian kiến trúc của toà nhà trở thành một thực thể nghệ thuật sống động giữa một đô thị đang vật vã vận động để tìm một hướng đi phát triển trong giai đoạn mới.

Cuộc gặp gỡ đối thoại đầy bất ngờ và ngẫu hứng này hy vọng sẽ mang lại những nguồn cảm hứng mới trong cách người xem có thể quan niệm về một tác phẩm nghệ thuật cũng như về không gian sống của chính mình.

Nguyễn Thế Sơn

 

Tin cùng chuyên mục

Bức tranh toàn cảnh Panorama – thêm dấu ấn về Chiến dịch Điện Biên Phủ

(ĐCSVN) – Từng đặt chân đến miền đất lịch sử Điện Biên Phủ nhiều lần, nhưng chưa lần nào chúng tôi thấy hào hứng như lần này. Đó là trong không khí hân hoan cả nước hướng tới kỉ...

Vẻ đẹp nội Tâm trong hội hoạ Văn Chiến

Đường “link” dẫn dắt đến với hội hoạ trải qua 40 năm, mang đến cho hoạ sĩ một trái tim đầy rung cảm với nhiều trạng thái của cảm xúc mà tạo nên cú hích trong nghệ thuật mang sắc thái...

Dám – Trong “Khoảng lặng II” của họa sĩ Dũng trống

Những bức tranh này hay quá, cả nội dung và màu, xem rất thích. Vị khách ngắm tranh thốt lên khi gặp các tác phẩm mới của hoạ sĩ Dũng Trống, thành quả anh vẽ gần hai năm nay, anh âm thầm sáng tác...

Mạn đàm về sáng tác mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng”, đánh giá và giải pháp

Có thể khẳng định rằng tranh – tượng về đề tài Lực lượng vũ trang & Chiến tranh Cách mạng (LLVT & CTCM) đã hiện diện trong đời sống và lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam trước...

Mỹ thuật ứng dụng: Tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Mỹ thuật ứng dụng là một lĩnh vực rộng, đã và đang chạm vào mọi mặt của đời sống xã hội. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, việc phát triển mỹ thuật ứng dụng, với các sản phẩm, thiết...

Có thể bạn quan tâm

Nguyễn Gia Trí – Vườn xuân

  Giống như những người Hy Lạp cổ “thời kỳ Apelle” cách ngày nay hơn hai ngàn năm, về căn bản, Nguyễn Gia Trí chỉ sử dụng có bốn màu: đỏ, đen, vàng, trắng- nhưng, như một nhà ảo thuật...

Bìa Tạp chí Mỹ thuật số 289&290 tháng 1-2/2017

...

HOA TRONG TRANH NĂNG HIỂN

  Trong các bức tranh thiếu nữ của ba tôi không thể thiếu hoa. Hoa và thiếu nữ luôn bên nhau, hoa tôn vẻ đẹp của người thiếu nữ, biểu đạt một cảm nhận tinh tế của họa sĩ với người...

GIẢI THƯỞNG TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC IV (BẮC MIỀN TRUNG) LẦN THỨ 26 NĂM 2021

...

Văn Xương – Người họa sĩ đa tài

60 năm trước ở tuổi học sinh, tôi rất thích vẽ, nhưng chỉ biết say sưa vẽ theo các hình, ảnh trên báo chí, chứ không biết làm gì khác trên phương diện mỹ thuật. Lúc này nhà tôi ở một ngôi nhà...