Giống như những người Hy Lạp cổ “thời kỳ Apelle” cách ngày nay hơn hai ngàn năm, về căn bản, Nguyễn Gia Trí chỉ sử dụng có bốn màu: đỏ, đen, vàng, trắng- nhưng, như một nhà ảo thuật lão luyện, ông biến hóa chúng thành những “chất màu” chưa ai biết đến: “thấm đượm như bóng đêm, sáng như vầng trăng bạc, lấp lánh như lá vàng dưới nắng”- trong vô vàn sắc thái kỳ lạ như được ánh ra từ nhung, lĩnh, men sứ, đồi mồi, đá quý.
Người phương Tây thường hỏi: Cái khối hổ phách trong veo này đến từ đâu?
Ngay từ 1938, Tô Ngọc Vân đã thay ta trả lời: “… Đến cuộc thí nghiệm Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người ấy ra nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng. Nghệ thuật của Gia Trí là ý tưởng, tình cảm của Gia Trí đúc lại, một nét, một vết, một màu đều phải ở tay nghệ sĩ mà ra. Đứng trước những tác phẩm ấy, người ta cảm thấy tất cả các băn khoăn, yêu mến, khoái lạc, thứ nhất là khoái lạc- của Gia Trí”.
Nguyễn Gia Trí đã từng vẽ nhiều đề tài: phong cảnh, lễ hội, Kinh Thánh, hoặc cách quãng chuyển hẳn sang những thử nghiệm thuần túy trừu tượng, nhưng có lẽ đề tài ông vẽ hay nhất vẫn là đề tài “thiếu nữ- vườn cây- lầu tạ”, bởi có lẽ chỉ ở đề tài này, ông mới thể hiện được hết trí tuệ và tâm hồn của một thi sĩ cổ điển Á Đông, và gieo được những vần thơ hay nhất về cái tồn tại và cái vĩnh cửu của cuộc sống và của con người, giống như Đào Duy Từ đã viết (dịch ý từ thơ chữ Hán):
Bóng trăng như đèn tỏa sáng trên mặt nước
Hương hoa thoang thoảng bay theo gió đưa.
F.A.M.