Triển lãm “Ngược Dòng” của Nguyễn Ngọc Đan: Cuộc phản biện với định kiến của giới mỹ thuật

Sau 5 năm, kể từ triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM, họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan tái ngộ công chúng yêu nghệ thuật bằng triển lãm cá nhân lần thứ tư có tên: Ngược Dòng.

Ngược Dòng tập hợp 30 tác phẩm sơn dầu, đa số là tranh khổ lớn được sáng tác trong khoảng thời gian 2019 – 2023, thuộc 2 series: Series tĩnh vật Chim Hoa Cá Lá và Series Ngược Dòng với các tác phẩm hội họa giá vẽ kết hợp với những bộ khung độc đáo tạo thành những tác phẩm sắp đặt trên tường. Cả hai series là sự tiếp nối của tư duy nghệ thuật mang đậm phong cách cá nhân được Nguyễn Ngọc Đan xây dựng và phát triển một cách thống nhất từ 2011 đến nay.

Dấu ấn phong cách của Nguyễn Ngọc Đan được nhận biết bằng ngôn ngữ tạo hình hiện đại dựa trên cấu trúc vững chắc của không gian, nhịp điệu của mảng hình lược giản, bảng màu phong phú không trùng lặp, đặc biệt là sự tương tác, cộng hưởng lẫn nhau của màu tạo nên sắc thái của ánh sáng, gợi nên bầu khí quyển phi thực trong từng tác phẩm.

Chọn “chim, hoa, cá, gái” làm những chủ thể chính cho các sáng tác trong suốt những năm qua, cuộc trưng bày này của Nguyễn Ngọc Đan là sự phản biện lại những định kiến lâu đời trong giới mỹ thuật, vốn luôn không đánh giá cao những hình tượng này.

Chim, hoa, lá, cá – ngược dòng định kiến

Với Series tĩnh vật: Chim Hoa Cá Lá gồm 16 bức tranh sơn dầu, họa sĩ cho thấy quan điểm nghệ thuật: “Chủ thể không hoàn toàn là yếu tố quyết định. Quan trọng là cách thức mà ngôn ngữ tạo hình được sử dụng để biểu đạt tư tưởng, mang thông điệp và triết lý của người nghệ sĩ đến với công chúng”.

Trong bộ tranh tĩnh vật này, chỉ với lọ hoa, chậu cá, chú chim và những gì gần gũi xung quanh như mèo con, ngựa gỗ, mặt nạ, vỏ ốc, họa sĩ đưa người xem đi từ những câu chuyện này sang câu chuyện khác. Từ ngày tháng đắm chìm trong giấc mộng vô thức đến thực tại phũ phàng trong Giấc mơ mắc cạn (2019); Chu trình vận động của thế giới tự nhiên, gởi gắm triết lý vạn vật chung sống hòa bình trong Cộng sinh (2020); Giữa đời hư thực (2021) chứa đựng những suy tư về nhân thế với vầng trăng khuyết trên cao soi xuống biểu tượng mặt nạ cười, khóc. Những tháng ngày tuyệt vời của hạnh phúc cũng như tận cùng của khổ đau được khắc ghi như từng trang nhật ký của cảm xúc trong Trung thu mùa phong tỏa (2021), Hoa cho ngày sinh nhật (2021), Chào mùa đông (2022), Ngựa đỏ mừng năm mới (2023), Khúc mùa xuân (2023).

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan bên tranh “Độc thoại” (2020-2023)

Chuyện trò (2022) là tác phẩm được vẽ trong những ngày họa sĩ nằm trên giường bệnh: bông hoa cát tường duy nhất nghiêng cành chuyện trò với bóng nó trong gương. Những đêm trăng rằm, bâng khuâng nhớ núi rừng, nhớ cả tiếng cắc tùng dinh dinh của tết Nguyên tiêu xa vắng, Nguyễn Ngọc Đan đã đưa hình ảnh những cành chuối rừng Tây Bắc được cắm trong chậu gốm xưa và chiếc đầu lân bằng giấy vào cùng một không gian giản lược màu vàng ấm áp, sâu lắng với chú chim trên cành hoa chuối mang đầy nỗi nhớ đêm trăng: Hoài niệm (2023).

Tác phẩm Chuyện muôn thuở có kích thước 120x240cm, lớn nhất trong series tĩnh vật Chim Hoa Cá Lá kể về một câu chuyện tình yêu với chủ thể chính là hai nhân vật biểu trưng cho vẻ đẹp của thần thoại Hy Lạp. David tượng trưng cho vẻ đẹp tuổi trẻ và người còn lại là nữ thần sắc đẹp Aphrodite. Bức tranh có cấu trúc như một khung cửa sổ với 3 ô cửa gắn liền những khối mắt, môi, tai (nhìn, nói, nghe), mỗi ô mang tính ẩn dụ về một giai đoạn của tình yêu. Khởi nguồn từ ánh mắt, ô đầu tiên là câu chuyện tình lãng mạn tựa những đóa hồng tươi thắm với đôi chim quấn quít, ô thứ hai chứng kiến sự phát triển của tình yêu nhờ lời ngọt ngào của đôi môi. Bước sang ô thứ ba, những đóa hồng héo úa như tình yêu tàn lụi khi tai nghe quá nhiều điều tiếng của thế gian.

Tác phẩm “Giấc mơ mắc cạn” (2019) trong Series tĩnh vật: Chim Hoa Cá Lá

 

Tác phẩm “Cộng sinh” (2020)

Nghệ thuật chắt lọc từ đời sống

Series Ngược Dòng gồm 10 tác phẩm sơn dầu khổ lớn, nhiều bức khởi nguồn từ 2019 đến 2023 mới hoàn thành. Đặc trưng của series này là sự kết hợp đa dạng các chất liệu: gỗ, sắt, kẽm gai, composite (nhựa tổng hợp), kính màu dưới nhiều hình dạng: bình phong cũ, chạn bát cách điệu, khung cửa sổ, ô kính màu, hàng rào lưới mắt cáo, kẽm gai, mái chèo. Tất cả liên kết chặt chẽ với bố cục tranh tạo thành những bộ khung độc nhất vô nhị, là thành phần không thể tách rời khiến các tác phẩm vượt khỏi bề mặt của hội họa giá vẽ trở thành một tổng thể hoàn thiện của nghệ thuật sắp đặt.

Series Ngược Dòng được tách làm 2 phần khi trưng bày. Phần một gồm 4 tác phẩm ra đời trong giai đoạn cả nước bước vào hai đợt phong tỏa lớn do dịch bệnh: Hãy kể tôi nghe về bầu trời (2020), Chờ ra khơi (2021), Chờ bão tan (2021), Sống còn (2021).

“Hoài niệm” (2023) mang nỗi nhớ đêm trăng

 

Tác phẩm “Chuyện muôn thuở” ẩn giấu những lãng mạn vô thường

Hãy kể tôi nghe về bầu trời được sáng tác trong đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ nhất trước ảnh hưởng của dịch Covid năm 2020 là tác phẩm sắp đặt kết hợp sắt và những chú chim composite tạo thành một khung cửa sổ bao bọc tranh. Khung cửa sổ chia đôi với hai góc nhìn từ hai chiều không gian được đưa vào tranh như một sự đối lập. Một nửa khung cửa sổ là góc nhìn quan sát từ bên trong, cũng là góc nhìn hiện thực đầy vật chất với những vật dụng thực tế ở thì hiện tại đời sống con người cần có để vượt qua những ngày dài giãn cách xã hội. Một nửa còn lại của tranh là góc nhìn từ bên ngoài khung cửa sổ, là ánh mắt và niềm vui của nhân vật khi được hòa mình và tương tác với thiên nhiên, những chú chim cũng không còn sợ hãi mà đến gần với con người hơn, đậu trên cành cây hay trên khung cửa sổ. Những khoảng trống của khung sắt cửa sổ nơi bầy chim đậu tượng trưng cho không gian và bầu trời tự do mà con người luôn hướng đến.

Ý chí đã không bị hiện tại ngặt nghèo trói buộc, tinh thần đã phá tan ranh giới của hoàn cảnh, góc nhìn của tâm hồn đã vượt thoát khỏi những giới hạn của bối cảnh và hoàn cảnh xã hội, tìm được tự do đích thực.

Tác phẩm “Chuyện trò” (2022)
“Hãy kể tôi nghe về bầu trời” (2020)

Hai tác phẩm Chờ bão tan và Chờ ra khơi lấy cảm hứng từ làng chài cổ Nam Ô, Đà Nẵng. Dãy thuyền thúng xếp hàng trong những tháng ngày không được ra biển, những mái chèo phải gác lại xung quanh trong cảnh ngư dân đang trông ngóng về hướng biển để chờ cơ hội được ra khơi sau bão giông dịch bệnh.

Sống còn là bộ tác phẩm ghép từ nhiều khổ tranh nhỏ được sáng tác trong không gian chật chội ở nhà riêng suốt gần 5 tháng Sài Gòn phong tỏa. Những mảnh ghép kết hợp với thực thể những hàng rào kẽm gai, hình ảnh bình oxy, những cuộc tháo chạy ồ ạt, những con đường quạnh quẽ và không gian hoang vắng, trơ trọi hàng người chờ giúp đỡ, những phần quà cứu trợ đã trở thành ký ức không thể nào quên trong những ngày Sài Gòn trải qua thảm họa. Khoảng trời yên lành của tự do là khoảng không bao la trước mặt mà ngay cả trẻ con vẫn dang tay ao ước, ngóng chờ sau những mất mát.

Phần hai gồm 6 tác phẩm: Rồi mai có còn (2019), Ngược dòng (2020), Truyền thống (2022-2023), Độc thoại (2020-2023), Chim hoa cá gái (2019-2023), Phù hoa (2022). Tên của các tác phẩm nằm trong chuỗi ý niệm liên kết. Chim hoa cá gái, Ngược dòng, Truyền thống, Độc thoại được họa sĩ  lấy cảm hứng từ câu thành ngữ xưa: cá chậu chim lồng, với biểu tượng chú chim bên ngoài chiếc lồng trống, con cá chạm tới mặt trăng mang tính ẩn dụ về sự tự do; những lọ hoa trong bình, chiếc váy phụ nữ trên mắc treo là phép hoán dụ, gợi suy tưởng về cuộc sống và vai trò của con người trong thế giới hiện đại, đặc biệt là người phụ nữ Á Đông.

Chờ ra khơi (2021)

 

Chờ bão tan (2021)

Phù hoa ra đời khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina, những biểu tượng văn hóa và nghệ thuật của nước Nga như búp bê Matrioska, đàn balalaika, palette 3 màu cờ Nga truyền tải tình yêu của họa sĩ đối với đất nước nơi chị học tập và sinh sống nhiều năm đặt bên cạnh những biểu tượng của cuộc chiến Ukraine như 2 màu cờ vàng xanh, con gà gốm trên kệ tủ bếp trong tổng thể tạo hình khung chạn bát gỗ thời xưa của Việt Nam là bài ca thiết tha cất lên từ chú chim nhỏ mang thông điệp về hòa bình và lòng nhân ái với mong ước hai quốc gia đình chiến.

Cuộc sống vận động mỗi ngày. Người làm nghệ thuật cũng không đứng ngoài vọng động đó. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan chia sẻ: “Quãng thời gian 5 năm ra đời của Ngược Dòng cũng là lúc thế giới có quá nhiều biến động: dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh khiến cuộc sống con người xoay chuyển bất ngờ, mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm và cảm xúc chưa từng có trong đời. Tất cả tạo nên một tập hợp chất liệu quý giá để tôi thực hiện những tác phẩm đặc biệt trong giai đoạn này. Với tôi, đặc tính thời đại và thực tại xã hội là bối cảnh để nhận diện con người trong hành trình của sự sống. Nghệ thuật của tôi tập trung khai phá thế giới nội tâm và sức mạnh tinh thần của con người trên hành trình tìm về cội nguồn của nền văn minh”.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan bên tác phẩm “Phù hoa” (2022)

Về họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan

Nguyễn Ngọc Đan là họa sĩ thuộc thế hệ 8x của Sài Gòn. Tốt nghiệp xuất sắc thạc sĩ Viện Mỹ thuật Surikov thuộc học viện Hàn lâm quốc gia Nga năm 2005, họa sĩ đã có quãng thời gian 9 năm sinh sống và làm việc tại Nga trước khi về Việt Nam chuyên tâm hoạt động nghệ thuật.

Triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Ngọc Đan mang tên Desolation (tạm dịch: Cô đơn) diễn ra ở thủ phủ nghệ thuật Yogyakarta, Indonesia năm 2015. Từ đó đến nay họa sĩ liên tục hoạt động, tham gia các cuộc triển lãm và giao lưu nghệ thuật, thường xuyên kết nối, tổ chức các trại sáng tác trong nước cũng như quốc tế.

5 năm trước, vào tháng 11/2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan đã ra mắt công chúng yêu nghệ thuật triển lãm cá nhân mang tên Dải hẹp của bầu trời – giới thiệu thành quả của 7 năm làm việc qua 3 bộ tranh: Desolation (2011-2014), Sự sống mong manh (2015-2016) và Dải hẹp của bầu trời (2017-2019). Sau 5 năm, cũng tại không gian Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Nguyễn Ngọc Đan trở lại với triển lãm cá nhân: Ngược Dòng.

Triển lãm “Ngược Dòng” của họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan, diễn ra từ 18.11 – 27.11.2023, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM, 97A, Phó Đức Chính, Quận 1.

Tin cùng chuyên mục

Nối sợi chỉ dài

Triển lãm cá nhân “Đường kim mũi chỉ” của họa sĩ Hoàng Đăng Nghiễm, bày 22 tác phẩm vật liệu tổng hợp, khổ lớn. Triển lãm khai mạc lúc 18h00 ngày 13/5, kéo dài đến hết ngày 31/5/2024....

Bức tranh toàn cảnh Panorama – thêm dấu ấn về Chiến dịch Điện Biên Phủ

(ĐCSVN) – Từng đặt chân đến miền đất lịch sử Điện Biên Phủ nhiều lần, nhưng chưa lần nào chúng tôi thấy hào hứng như lần này. Đó là trong không khí hân hoan cả nước hướng tới kỉ...

Vẻ đẹp nội Tâm trong hội hoạ Văn Chiến

Đường “link” dẫn dắt đến với hội hoạ trải qua 40 năm, mang đến cho hoạ sĩ một trái tim đầy rung cảm với nhiều trạng thái của cảm xúc mà tạo nên cú hích trong nghệ thuật mang sắc thái...

Dám – Trong “Khoảng lặng II” của họa sĩ Dũng trống

Những bức tranh này hay quá, cả nội dung và màu, xem rất thích. Vị khách ngắm tranh thốt lên khi gặp các tác phẩm mới của hoạ sĩ Dũng Trống, thành quả anh vẽ gần hai năm nay, anh âm thầm sáng tác...

Mạn đàm về sáng tác mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng”, đánh giá và giải pháp

Có thể khẳng định rằng tranh – tượng về đề tài Lực lượng vũ trang & Chiến tranh Cách mạng (LLVT & CTCM) đã hiện diện trong đời sống và lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam trước...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Sưu tập tranh kháng chiến nhân xem bộ sưu tập của Nguyễn Phi Hùng

Người chơi tranh, sưu tập tranh ở nước ta xưa nay thường có một trình tự sưu tập, cho dù chỉ là một trình tự mang tính tương đối, nhưng ít khi bị đảo ngược-như sau: Đầu tiên: Tranh hoa, tranh...

Những áng mây bay của nghệ sĩ Việt giữa lòng Paris

NDO – Con phố Matignon, nằm ngay giữa trung tâm quận 8 của thủ đô Paris (CH Pháp), nổi tiếng với vô số không gian trưng bày của những nghệ sĩ tên tuổi trong nhiều lĩnh vực như: hội họa, kiến...

Triển lãm Mỹ thuật khu vực và Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2018

  Hội Mỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với các Tỉnh, Thành đăng cai và 63 Hội Văn học Nghệ thuật Địa phương tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Khu vực lần thứ 23 năm 2018 nhằm giới thiệu những...

TRÒ CHUYỆN ĐẦU XUÂN CÙNG NHÀ GIÁO – NHÀ SƯU TẬP NGUYỄN BÁ ĐẠM: NHỮNG NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ, HỒN Ở ĐÂU BÂY GIỜ ?

  “Người muôn năm cũ” ở đây mà tôi muốn nhắc đến chính  là cụ Nguyễn Bá Đạm – nhà giáo – nhà sưu tập tranh, được mọi người mặc nhiên coi là người bạn tri kỷ nhất của...

TRANH CỔ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG COVID-19 CỦA TỈNH SÓC TRĂNG

Tranh của họa sĩ Thái Châu Xuân     Tranh cổ động của Trần Đức Duy      Tranh cổ động Lữ Công Phương    Tranh cổ động Ngô Thanh Phong    Tranh khắc gỗ Ngô Thanh Sử   ...