BỨC TRANH LỤA “SƠN NỮ” CỦA LÊ THỊ LỰU Ở BẢO TÀNG MỸ THUẬT VIỆT NAM

 

Cuối năm ngoái (2018), khi có thông tin gia đình họa sĩ Lê Thị Lựu sẽ tặng một số tranh của bà cho Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, đã có người hỏi tôi: “Tại sao họ lại tặng tranh Lê Thị Lựu cho Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh mà lại không tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhỉ?”

Tôi đã trả lời: “Lê Thị Lựu là người Bắc, miền Nam cũng là nơi bà có nhiều kỷ niệm một thời dạy học. Giá gia đình bà tặng cho cả hai nơi thì hay hơn”.

Nói vậy thôi, chứ tôi cũng mập mờ hiểu nguyên do. Nó có thể nằm trong câu chuyện dưới đây.

  1.  Sau tết Giáp Tuất (1994), có một người lạ đến tìm tôi ở Nhà xuất bản Mỹ thuật. Tôi không nhớ là nam hay nữ, chỉ nhớ người ấy mang theo một lời nhắn: Chồng của họa sĩ Lê Thị Lựu mới từ Pháp về, và ông muốn gặp tôi, tại một địa chỉ ở Khu tập thể Nghĩa Tân đã ghi sẵn trên một tờ giấy kèm theo số điện thoại.

Tôi phấn khởi lắm, vì đây có thể là một dịp tốt hiếm có để xin thông tin về các họa sĩ Việt Nam sống ở Pháp, mà khi ấy chúng ta hầu như chưa có gì.

  1.  Thực ra, mối liên hệ này đã nảy sinh từ hơn một năm trước (1993), khi tôi làm biên tập cho cuốn sách “Các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương”, và rất cần tư liệu về bà Lê Thị Lựu, nữ họa sĩ hiện đại đầu tiên của nước ta. Nghe theo chỉ dẫn của họa sĩ Nguyễn Dũng (còn gọi là Dũng Trắng) ở 13 phố Bà Triệu, tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Đào, em gái bà Lê Thị Lựu, khi ấy có cô con gái đang mở tiệm may tại nhà, lấy tên “Lê Đào”, trên đường Kim Mã. Đó là một tiệm may nhỏ, có vẻ đông khách.
LÊ THỊ LỰU (1911 – 1988) – Sơn nữ. Lụa. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Bà Lê Thị Đào đã gần 80 tuổi, nhỏ gầy, lanh lẹn và dễ mến. Hàng ngày bà vẫn nhận dạy tiếng Anh cho một lũ trẻ, vừa dạy vừa tranh thủ lo cơm nước… Khi nói chuyện với tôi, bà tỏ ra vô cùng tự hào về người chị tài sắc của mình. Nhưng có thể vì chị em bà xa cách nhau đã quá lâu, nên thông tin về Lê Thị Lựu nhận được từ bà Đào cũng không nhiều (thông tin quan trọng nhất: Lê Thị Lựu sinh năm 1911, mất năm 1988). Rất may bà Đào vẫn còn giữ được mấy tấm ảnh cũ chụp bà Lê Thị Lựu trước khi bà Lựu sang Pháp (khoảng 1938-1939), rất đẹp, cùng một bản in màu bức tranh lụa “Mẹ con” (loại phiên bản cao cấp, cỡ khổ A3). Và thể theo nguyện vọng của tôi, bà đã cho tôi mượn cả. Bà bảo: “Ở đây mà có người nghĩ đến Lê Thị Lựu thì còn gì quý bằng.”

… Sách in xong, tôi đem một cuốn đến tặng bà Lê Thị Đào. Trong sách có in lại bức tranh và ảnh do bà cung cấp. Bà mừng lắm.

Sau tôi có quay lại thăm bà Đào đôi ba lần, cho đến khi… đường Kim Mã mở rộng, và không biết bà đã chuyển đi đâu nữa. Thật buồn quá!

  1. Tôi nhớ tôi đến gặp cụ ông – chồng bà Lê Thị Lựu, chỉ sau lời nhắn của ông ít hôm. Ồ! Ông cụ tóc bạc trắng, vóc người cũng nhỏ, sống ở Pháp đã hơn nửa thế kỷ nhưng phong thái rất Việt Nam.

Ông vừa đi thăm vịnh Hạ Long về, mượn ô tô tự lái lấy. Ông bảo: “Tôi quen lái xe ở bên Pháp, không dùng còi, vì vậy không đi nhanh được. Ra đến Hạ Long cũng phải mất gần một ngày mới tới nơi”.

Ông tự giới thiệu: “Tôi tên là Ngô Thế Tân. Bà Lê Thị Lựu là vợ tôi. Đây là nhà của đứa cháu tôi.”

Họa sĩ Lê Thị Lựu (ngoài cùng bên phải) đến thăm gia đình ông Đức Minh trong dịp về thăm Việt Nam năm 1975

Rồi ông vào đề rất rành rọt: “Tôi đã có cuốn sách do cháu biên tập. Muốn gặp cháu để cảm ơn vì đã in tranh Lê Thị Lựu, lại có cả Lê Phổ, Mai Thứ, Vũ Cao Đàm đều là bạn thân. Trước ở miền Nam cũng đã có một cuốn gần giống như cuốn này, nhưng cuốn này tôi thích hơn”.

Dừng một lát, ông Ngô Thế Tân nói tiếp: “Chỉ tiếc, tranh Lê Phổ, Vũ Cao Đàm in trong sách chưa thực sự tiêu biểu cho phong cách, bút pháp của hai ông. Bởi vậy, nếu có lần xuất bản sau, tôi sẽ tình nguyện huy động tư liệu cho cháu… Lê Thị Lựu cũng có nhiều tranh khác hay không kém bức đã in. Tất nhiên, những người làm sách không có thiếu sót gì cả, chỉ vì chúng ta chưa được gặp nhau.”

Buổi trò chuyện hôm ấy của ông Ngô Thế Tân diễn ra khá lâu, rất thân tình, vui vẻ. Song, có một tình tiết cuối cùng hơi “gờn gợn”.

Ông Ngô Thế Tân kể: “Năm nhà tôi về thăm Việt Nam (1975), nhà tôi có tặng Việt Nam một bức tranh. Hình như Bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội giữ. Gần đây tôi có hỏi lại, nhưng người ta trả lời không có”…

  1. Trở về Pháp, ông Ngô Thế Tân thường xuyên viết thư cho tôi. Cũng có lần ông nhờ tôi hỏi xem bức tranh của Lê Thị Lựu “tặng Việt Nam” liệu có còn không? Và nếu còn thì đang ở đâu?

Ông Tân rất yêu vợ, nâng niu tất cả những gì bà để lại. Ông hay bảo: “Lựu vẽ đẹp lắm!” Ông còn dự định in cho bà một cuốn sách, nhưng tình hình tài chính của ông có vẻ eo hẹp. Có lúc ông còn chỉ định in dăm chục bản, bằng máy photocopy màu, để lưu lại như một kỷ niệm nho nhỏ, không biết sau có thực hiện được không?

Riêng lời hứa giúp tôi về tư liệu ở Pháp, ông Ngô Thế Tân đã giúp không tiếc công sức. Ông “điều động tấn công” (chữ của ông) cả ông bà Lê Phổ, gia đình ông Victor Tardieu, gia đình ông Vũ Cao Đàm cùng vào việc. Khi gửi tư liệu về cho tôi, trong thư ông Tân viết: “Đây là những tài liệu quý hóa không sao còn có được nữa. Cháu giữ cẩn thận mà dùng riêng hoặc đưa vào trường mỹ thuật. Khi nào có in sách, tôi chỉ cần dăm bản, một bản để chơi, còn lại để trả ơn người ta”.

Tết Bính Tý (1996), ông Tân còn gửi thiếp chúc mừng năm mới cho tôi. Thiếp là một bức ảnh hoa do ông tự chụp, dán trên nền giấy điều (ông Ngô Thế Tân là kỹ sư canh nông, đồng thời là một họa sĩ, nhà nhiếp ảnh tài tử).

Mãi về sau tôi mới được biết ông đã mất vào năm 1997, sau đó một năm.

  1.  Việc ông Ngô Thế Tân nhờ tôi hỏi về bức tranh của Lê Thị Lựu “tặng Việt Nam”, tôi rất nhớ và muốn giúp ông, nhưng quả tình tôi cũng chẳng biết hỏi ai và hỏi như thế nào.

… Rốt cuộc, phải cần đến hơn 20 năm sau, cơ hội để giúp ông Ngô Thế Tân làm việc ấy mới đến, như tôi đã nói ở đầu bài viết: Gia đình bà Lê Thị Lựu chính thức tặng tranh của bà cho Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh!

Thư của ông Ngô Thế Tân gửi tác giả bài viết, đề ngày 6-7-1995 (mặt sau)

Trước khi anh Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội đi dự “Lễ trao tặng” theo lời mời của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, tình cờ gặp anh, tôi có hỏi: “Trước đây, trong lần về thăm Việt Nam, bà Lê Thị Lựu cũng đã có tặng một bức tranh. Nghe nói, nó nằm ở Bảo tàng anh. Nhưng sao không thấy trưng bày? Gia đình người ta hỏi thì lại bảo không có?”

Ngay lập tức, anh Minh cho cán bộ đi kiểm tra lại – thì quả đúng trong kho lưu trữ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện có một bức tranh lụa của bà Lê Thị Lựu, với nhan đề “Sơn nữ”(*), ở tình trạng bảo quản tốt (xem minh họa).

Tôi thấy nhẹ cả người, lòng xốn xang nhớ tới ông Ngô Thế Tân.

Anh Nguyễn Anh Minh bảo tôi: “Nếu bức tranh anh hỏi chính là bức tranh này thì không còn gì phải bàn nữa”.

Tôi lắc đầu: “Không biết ông Ngô Thế Tân, chồng bà Lê Thị Lựu đã hỏi ai, chứ biết sự thật như thế này, mọi việc có thể sẽ khác đi ít nhiều”. Tôi còn nói thêm với anh Minh: “Nếu gặp gia đình bà Lê Thị Lựu, anh nên khéo trình bày vấn đề. Không phải để thanh minh, mà là để tránh hiểu nhầm. Việc tặng tranh Lê Thị Lựu cho quê hương lần này chắc chắn xuất phát từ ý nguyện của ông Ngô Thế Tân lúc sinh thời, nhưng không thể ngoại trừ việc chọn nơi để tặng đã có sự tác động của một thành kiến nào đó”.

* Trong cuốn “Lê Thị Lựu, ấn tượng hoàng hôn” của Thụy Khuê (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018), ở phần viết của ông Ngô Thế Tân: “Cuộc đời Lê Thị Lựu”, trang 24, ghi: “Năm 1975 khi Lựu về Hà Nội thăm gia đình, Hội Mỹ thuật tỏ ý muốn có một bức tranh. Lựu rất lúng túng. Làm sao chọn được chủ đề ăn khớp với hiện thực xã hội chủ nghĩa? Sau khi hội ý cùng gia đình, Lê Thị Lựu đã chọn vẽ bức ‘Phụ nữ gặt lúa’. Bức tranh này hiện nay không biết ở đâu?”

Nhưng theo tác giả bài viết được biết: Trong lần về thăm Việt Nam của bà Lê Thị Lựu, chúng ta có ngỏ ý mong muốn bà vẽ tặng một bức tranh, và đã mời bà đi “thực tế” ở nhiều vùng nông thôn. Song có lẽ vì thời gian eo hẹp, nên thay vì vẽ tặng một bức tranh, bà đã tặng một bức khác. Ông Ngô Thế Tân có thể đã nhớ nhầm về nội dung tranh và tên tranh?! Việc tặng có thể thông qua Hội Mỹ thuật Việt Nam, thời gian và thủ tục trao tặng cũng chưa rõ.

Bởi vậy, khả năng bức tranh “Sơn nữ” hiện lưu tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính là bức tranh mà bà Lê Thị Lựu đã tặng dường như là chính xác, vì cũng chưa tìm được tư liệu nào ghi còn có thêm lần tặng nào khác.

Nhân đây, tác giả bài viết cũng mong bạn đọc gần xa nếu ai có thông tin cụ thể hơn thì xin rộng lòng cung cấp.

Quang Việt

 

Tin cùng chuyên mục

Vũ Đình Lương và hành trình bứt phá trong nghệ thuật

Đã có hơn 23 năm trong nghề báo, hiện công tác tại Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng, Vũ Đình Lương có cơ hội được tham gia, tiếp cận nhiều chương trình văn hoá nghệ thuật cũng như hội...

Tiễn biệt họa sĩ Mai Long: Họa sĩ vẽ lụa tài năng của khóa kháng chiến

Họa sĩ Mai Long, người nghệ sĩ đa tài của khoá Kháng chiến vừa từ giã cõi trần ngày 21/07/2024. Ông để lại cho cuộc đời một di sản nghệ thuật quý giá, từ tranh lụa đầy chất thơ tới những...

Shireen Narizee và nghệ thuật đương đại ở Việt Nam

Shireen Narizee (1947 – 2018) là một trong những nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật người Malaysia, bà đồng thời là một giám tuyển có tầm cỡ quốc tế. Trong suốt cuộc đời sự nghiệp của mình,...

Trao tặng 32 tượng chân dung chiến sĩ cách mạng cho Bảo tàng Côn Đảo

NDO – Tối 16/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao tặng 32 tượng chân dung các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước tại nhà tù Côn Đảo,...

Điềm Phùng Thị và những dấu ấn trên bản đồ nghệ thuật điêu khắc quốc tế

Điềm Phùng Thị (1920 – 2002), tên thật Phùng Thị Cúc, là một người con của Thừa Thiên Huế. Khi đã là một tiến sĩ, bác sĩ, bà tìm đến điêu khắc và được biết đến là một trong những nữ...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

“Cảm xúc tháng 6” – Hơi thở mùa hạ, đầy đam mê, sáng tạo

“Cảm xúc tháng 6” là triển lãm bởi các tác giả là cán bộ, viên chức đang công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 58 năm ngày thành lập Bảo tàng (24/6/1966 – 24/6/2024). Triển...

Chiêm ngưỡng tác phẩm của hai thiên tài hội họa Claude Monet và Van Gogh trong triển lãm tương tác đa giác quan

NDO – Từ 21/6, tại Trung tâm thương mại Gigamall (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), lần đầu tiên hai thiên tài hội họa vĩ đại là Claude Monet và Vincent Van Gogh sẽ cùng hội ngộ công...

Bộ sưu tập Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 5-6 năm 2020

  Linh Chi (1921 – 2016) Tác phẩm: Thiếu nữ vùng cao Năm sáng tác: Khoảng 1990 Chất liệu: Lụa Kích thước: 55x37cm Bộ Sưu tập Nghệ thuật Quang San, TP. Hồ Chí Minh     Trần Đông Lương...

Khai mạc cuộc thi và triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc năm 2023

Sáng ngày 15/09, tại Bảo tàng Hà Nội (Phạm Hùng, Hà Nội), đã diễn ra buổi lễ khai mạc cuộc thi và triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc năm 2023. Sự kiện do Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Cục...

TÌM VỀ MỘT LÀNG TRANH XƯA

LTS: Tên của dòng tranh Kim Hoàng được công bố trên báo Văn nghệ (Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam) số Tết Bính Thìn 1976 và trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1975 đến nay, đã...