Sự kiện được tổ chức bởi Đại sứ quán Peru nhân dịp kỉ niệm 29 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Peru.
Triển lãm tượng bò tót Pucará bao gồm 18 tác phẩm gốm nghệ thuật thủ công, mang thiết kế và trang trí độc đáo, có giá trị thẩm mỹ cao, phản ánh khả năng sáng tạo và tay nghề tài hoa của các nghệ nhân nghề gốm Peru.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khẳng định: Đây một trong những triển lãm rất độc đáo, lần đầu tiên người yêu nghệ thuật Việt Nam được tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật gốm thủ công của các nghệ nhân Peru. Hơn thế nữa, hai họa sĩ của Việt Nam là Trần Anh Tuấn và Lê Huy cùng đồng hành sáng tạo nên một phiên bản nghệ thuật “Bò tót Pucará” Việt Nam – Peru, tác phẩm cho quý vị sẽ cảm nhận sự kết nối, giao lưu văn hóa thú vị giữa Việt Nam và Peru qua hình ảnh linh vật bò tót Pucará khoác tấm áo hội họa truyền thống Việt Nam.
Kể từ năm ngoái, chuỗi triển lãm đã được nối dài qua nhiều quốc gia trên thế giới, giới thiệu tới bạn bè quốc tế về di sản phong phú của vùng cao nguyên phía nam Peru.
Theo ông Augusto Morelli Salgado, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Peru tại Việt Nam, sự góp mặt của các nghệ sỹ Việt vào dự án văn hoá được triển khai bởi Bộ Ngoại giao Peru mang ý nghĩa vô cùng lớn lao, qua đó, nhân dân hai nước có thể hiểu biết sâu sắc hơn về các nét đẹp trong văn hoá dân gian của mỗi bên, góp phần gia tăng sự hiểu biết, kết nối tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai đất nước xa cách nhau về mặt địa lý.
Câu chuyện về sự ra đời của những bức tượng bò tót Pucará
Tượng bò tót Pucará là một trong những tinh hoa, biểu tượng của nghề gốm thủ công Peru, được tạo ra dưới bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân của làng nghề gốm thủ công ở Checca Pupuja thuộc quận Jose Domingo Choquehuenca, tỉnh Azangaro, vùng Puno (phía nam Peru).
Nguồn gốc của tượng bò tót Pucará gắn liền với tập tục và truyền thống của người Peru xưa. Khi thực dân Tây Ban Nha bắt đầu đô hộ, những người nghệ nhân gốm phía nam Peru đã tạo dựng lại các hình tượng “conopas” (bức tượng mô phỏng những loài lạc đà không bướu được chăn nuôi phổ biến của người thổ dân Peru như llamas, alpacas và vicuña) để sử dụng như linh vật may mắn và đồng thời, góp phần nỗ lực bảo tồn các phong tục truyền thống của họ. Thế nhưng, các linh vật này đã bị cấm vì được xem là một hình thức thờ ngẫu tượng. Để tìm ra giải pháp, những người nghệ nhân gốm Pucará đã nảy ra ý tượng thay thế các con vật truyền thống của họ bằng những con bò tót được người Tây Ban Nha mang sang và là một phần thiết yếu trong chăn nuôi và phát triển nông nghiệp.
Theo thời gian, những linh vật này dần trở thành một yếu tố quan trọng trong các lễ hội truyền thống. Những chú bò tót được đeo đầy phụ kiện và tô điểm màu sắc sặc sỡ vào các dịp lễ hội năm xưa đã tạo nguồn cảm hứng cho các tác phẩm tượng bò được duy trì và chế tác tới tận ngày nay. Những bức tượng này được người dân Peru đặt trên nóc nhà hoặc trang trí trong phòng như một linh vật may mắn, mang lại sự an toàn, hạnh phúc và sức khoẻ sinh sản cho dân làng./.