Ngày 20/12, triển lãm tranh và ra mắt sách mang tên “Họa sĩ Linh Chi – Sống trong nghệ thuật” của hoạ sĩ Linh Chi được tổ chức tại Phòng triển lãm Nhà Xuất bản Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Họa sĩ Linh Chi (1921 – 2016) – một trong các học trò khóa Mỹ thuật kháng chiến (1951 – 1954) do thầy Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy. Ông tên thật là Nguyễn Tài Lương, sinh ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), năm 18 tuổi ông học lên bậc Tú tài và được các thầy dạy văn hóa thời kỳ này là: Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, các thày dạy hội họa là Nguyễn Đỗ Cung, Trần Quang Trân giảng dạy.
Tháng 9/1944, khi mới 23 tuổi ông đã bày triển lãm cá nhân đầu tiên trưng bày 43 tác phẩm sơn dầu và bột mầu tại Phòng Thông tin Tràng Tiền (Hà Nội).
Từ năm 1954 đến khi nghỉ hưu, ông về công tác tại Nhà in Quốc gia sau đó chuyển về tại Xunhabasa (Cơ quan xuất nhập khẩu sách báo). Những năm cuối đời, ông vẫn miệt mài sáng tác.
Họa sĩ Linh Chi là người hoạt động nghệ thuật cần mẫn và bền bỉ. Ông vẽ các chất liệu, nhưng nổi tiếng nhất là tranh lụa, với đề tài đa dạng, về phụ nữ thành thị, sơn nữ, cảnh sắc nông thôn, miền núi… bút pháp chân thực, mộc mạc. Nhiều tác phẩm của ông nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và các bảo tàng, bộ sưu tập cá nhân tại Nga, Ba Lan, Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản…
Cuốn sách “Họa sĩ Linh Chi – Sống trong nghệ thuật” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, dày gần 300 trang, chọn lọc gần 100 tác phẩm trên nhiều chất liệu như bột màu, màu nước, tổng hợp, lụa, các ký họa trên giấy, được sáng tác từ năm 1954 đến năm 2004.
Triển lãm nhân dịp ra mắt cuốn sách này giới thiệu hơn 40 tác phẩm của họa sĩ Linh Chi có trong cuốn sách. Đây là các tác phẩm tiêu biểu cho các giai đoạn sáng tác của họa sĩ, từ tranh và ký họa thời kỳ kháng chiến đến sau này, với đầy đủ đề tài mà ông quan tâm. Tranh của ông có đề tài rất đa dạng trên các chất liệu sở trường, mà ở đó người xem có thể cảm nhận được một góc tinh thần thuần hậu Việt Nam, dung dị, thanh bình, chan chứa tình cảm và đầy hoài niệm. Trong đó, lụa là chất liệu ông vẽ nhiều nhất và để lại dấu ấn riêng.
Triển lãm kéo dài từ ngày 20 đến ngày 29/12/2023.