HỌA SĨ TÔN ĐỨC LƯỢNG – LÀM GÌ, SÁNG TÁC TRƯỚC HẾT PHẢI XUẤT PHÁT TỪ LÒNG NHÂN ÁI, TỰ TRỌNG

 

Họa sĩ Tôn  Đức Lượng sinh năm 1925 ở làng Đại Tráng, Bắc Ninh trong một gia đình viên chức. Ông là một trong 15 sinh viên khóa XVIII (1944-1945), khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Suốt cuộc đời gắn bó với một cơ quan là Trung ương Đoàn. Là họa sĩ của báo Tiền Phong, Sức trẻ, Thiếu niên…

Một thời gian dài, rất dài, tên tuổi của ông ít được nhắc tới. Bởi có lẽ ông là một người luôn tự thấy hài lòng những gì mình đã có. Một công việc, một mái nhà, một gia đình ấm áp… tuy giản dị nhưng vui vẻ, hạnh phúc. Hơn thế nữa, ông là người lạc quan, hóm hỉnh nên những điều thuộc về danh vọng và hào quang nó không nằm nhiều trong tâm thức.

Các họa sĩ cùng thời như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng,… hoặc như Phan Kế An, bạn cùng khóa đều đã trở thành những tên tuổi. Tôn Đức Lượng không có những tác phẩm “đinh” đánh dấu tên tuổi. Nhưng ông lại có rất nhiều ký họa, trực họa thực tế trải dài suốt những năm tháng thanh xuân trên nhiều nẻo đường Tổ quốc. Năm 1965, ông theo Thanh niên xung phong Hà Nội, Hải Phòng vào làm đường ở Nghệ An. Năm 1967, ông đi vẽ tại mỏ than Cồ Kênh, Hải Dương. Năm 1970, ông đi vẽ Thanh niên xung phong mở đường ở Hà Tĩnh. Năm 1971-1972, ông vẽ tại khu Kinh tế Thanh niên Phú Thọ. Năm 1974 ông lại lên vẽ tại nông trường bò sữa Mộc Châu, Sơn La,…

Năm 2009, tôi đã có dịp trò chuyện với họa sĩ Tôn Đức Lượng khi thực hiện chuyên mục : “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Năm ấy, tôi đến gặp ông tại một căn phòng nhỏ đầu phố Hàng Trống (ngay sát Khách sạn Phú Gia cũ), nơi từ 1961 gia đình họa sĩ Tôn Đức Lượng sinh sống. Tranh của ông hầu như còn nguyên. Những tập tranh ký họa được bó lại và để trên nóc tủ, dưới gầm giường. Trên vách tường ít ánh sáng treo những bức tranh sơn dầu vẽ cảnh lao động của thanh niên xung phong. Họa sĩ Tôn Đức Lượng râu tóc bạc phơ như tiên ông với nụ cười tươi tiếp chuyện. Ấy vậy mà 10 năm đã trôi qua. Nay quay trở lại căn phòng ấy mọi thứ trông gọn gàng ngăn nắp hơn, nhiều ánh sáng hơn và các tập tranh đã không còn nữa bởi đã có người mua. Trên tường chỉ còn 3, 4 bức. Chủ nhân thì vẫn như tiên ông, không thay đổi mấy sau một thập kỷ; đón khách vẫn với nụ cười tươi, hóm hỉnh. “Phỏng vấn ngay và luôn, sớm sớm đi nhé kẻo ông đi lúc nào không biết đấy”- ông nói

Tôi thì tranh thủ trêu ông: “Ông ơi, còn mấy bức sơn dầu to và đẹp này ông không bán hả ông?”  Ông cười sung sướng tí tỏm: “Không, không, không. Phải để lại một ít chứ. Ông để dành cho mấy anh chị làm thừa kế rồi. Bao giờ ông mất thì tùy các anh chị ấy quyết định”.

Nhân dịp Kỷ niệm 74 năm ngày Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2 tháng 9, hai ông cháu trò chuyện về những năm tháng cách mạng.

Còn những câu chuyện thú vị sau này về sáng tạo nghệ thuật, về những năm tháng tham gia kháng chiến, xây dựng Tổ quốc của họa sĩ Tôn Đức Lượng, tôi xin sẽ viết tiếp ở những phần sau.

Họa sĩ Tôn Đức Lượng (sinh 1925). Ảnh chụp tại nhà riêng của ông ở số 125 Hàng Trống, Hà Nội

Nhà báo Hoàng Anh (H.A): Cơ duyên nào đưa ông đến với Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thưa ông?

Họa sĩ Tôn Đức Lượng (T.Đ.L): Câu chuyện này thực ra rất đơn giản nhưng nó cũng bắt đầu từ việc nhìn thấy cảnh “áp bức”. Trước Ngày Cách mạng Tháng 8, bố tôi là một viên chức có chút chức nhỏ làm cho một Sở canh nông ở Sơn Tây. Việc của ông là trông coi, phụ trách việc gieo cấy mấy chục héc-ta lúa giống ở đồn điền. Đồn điền này chuyên phân phối lúa giống cho toàn tỉnh Sơn Tây. Hàng tuần đều có một người Pháp đến gặp bố tôi trao đổi bàn bạc công việc tại Sở. Điều tôi bức xúc thay cho bố tôi chính là thái độ hách dịch và coi thường người Việt Nam của tên quan Pháp. Mỗi lần hắn đến là bố tôi phải lễ mễ bê ghế, rót nước cho hắn. Hắn quát nạt, hạch sách bố tôi rất nhiều thứ trong khi bố tôi là một người làm việc chăm chỉ và có trách nhiệm, được rất nhiều người yêu mến và nể trọng. Tôi nung nấu một quyết tâm trong đầu. Mình sẽ phải làm một nghề gì đó thật tự do, không chịu sự quản thúc của một ai. Như thế mới hạnh phúc.

 

H.A: Vậy việc trở thành họa sĩ như một cơ duyên. Câu chuyện ông thi vào trường như thế nào ạ?

T.Đ.L: Nhẽ ra, sau khi tốt nghiệp tú tài tôi định trở thành thư ký cho một Sở nào đó. Sẽ trở thành một viên chức nhà nước. Chính vì những suy nghĩ trên và cũng là cơ may, hồi ấy do chiến tranh nên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đi sơ tán trên Sơn Tây nên tôi mới biết. Tôi thấy, nếu làm anh họa sĩ cũng hay. Tranh mình vẽ chẳng chịu sự quản thúc của ai. Vẽ đẹp thì bán được. Vẽ xấu thì tự chịu trách nhiệm với bản thân mình. Thế là tôi đăng ký vào thi. Khi thi vào trường, có lẽ tôi là người duy nhất không học bàng thính (luyện thi) một ngày nào. Hôm thi, tôi ngớ ngẩn đến mức vẽ goát mà tôi không dùng hồ. Vẽ bột màu là phải dùng hồ. Khi ấy, họ để keo da trâu và thùng sắt tây hồ có đậy nắp ở ngay chỗ bậc thềm  bước vào phòng thi mà tôi không biết. Họ đưa tôi một khay có 7,8 chén, mỗi chén một màu. Tôi không biết tí gì về hồ. Nhưng khéo hồi ấy dùng hồ tôi lại trượt mất. Nên khi vẽ, tôi cứ nước và bột màu mà trộn đều. Tôi vẽ một bức diềm trang trí hoa hồng mà có lẽ chả có ai vẽ như thế bao giờ. Chính những bông hoa hồng ấy làm ông Inguimberty mê. Hôm ấy, ông Inguimberty làm giám thị coi thi. Khi tôi vẽ xong tờ tranh to như cái chiếu con con, tôi lễ mễ bưng hai tay đưa cho ông Inguimberty xem. Bức tranh có một vài chỗ rạn và rơi màu do ko dùng hồ nhưng tranh trông lại rất đẹp. Inguimberty thấy tranh rơi màu vậy liền cất giọng (chua như dấm):  “Anh không dùng hồ à? – N’utilisez-vous pas de la colle dans votre peinture ?” Tôi trả lời thành thực: “Không, tôi không dùng hồ – Non, je n’en utilise pas.” (thực ra mình có biết hồ là cái quái gì đâu). Các sinh viên khác thì họ học luyện thi hết rồi nên họ biết. Ông Inguimberty không biết là tôi không biết dùng hồ mà lại nghĩ là “cậu này giỏi, biết là không cần dùng hồ… vì tranh chấm thi xong là bỏ đi, không lưu giữ thì vẽ như vậy là thông minh, là biết nghề, tranh vẽ không hồ và keo da trâu sẽ đẹp hơn”.

TÔN ĐỨC LƯỢNG – Thanh niên xung phong. 1960. Sơn dầu. 70x50cm. Sưu tập gia đình họa sĩ

 

H.A: Ông không học vẽ một ngày nào, thế có phải nhờ bài thi trang trí khác người không dùng hồ ấy mà ông đỗ không ạ?

T.Đ.L: Ấy, câu chuyện là ở chỗ ấy đấy. Khóa thi năm đó trường lấy chỉ tiêu là 10 người. Cuối cùng lại có tới 15 người đỗ vào. Sau này, khi đã học thầy Nam Sơn, hai thầy trò thân mật hơn thì tôi mới dám hỏi thầy. Thầy mắng yêu tôi: “Tại cậu đấy, tất cả là tại cậu hết. Điểm thi của cậu cộng hết cả lại chỉ đứng thứ 15, trường chỉ lấy 10 người. Cậu thì lại có năng khiếu, không lấy cậu thì tiếc. Nếu lấy 10 người, cậu mà là người thứ 10 thì tội cho 5 người kia quá. Chính vì vậy các giáo sư, thầy giáo trong trường đã bàn bạc và vẫn để cậu đứng đúng thứ 15. Nhưng phải nhận tất 5 người kia vào học…”

 Hì hì hì, thì ra là thế! Tôi lâng lâng sung sướng,…

 

H.A:  Quả tình “nghề chọn người” ông nhỉ. Tại cái bài thi không có hồ tưởng là bất lợi thì hóa ra lại là một lợi thế. Hồi ấy khóa thi có bao nhiêu người mà chỉ lấy ít như vậy, thưa ông?

T.Đ.L: Nhiều lắm, tới  bốn, năm trăm thí sinh từ Nam ra Bắc và khắp ba nước Đông Dương nữa cơ. Cụ thể là chia thành năm xứ. Ở Việt Nam có Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Trung Kỳ. Hai xứ còn lại là Campuchia và Lào. Khóa thi ấy, Nam Kỳ có mỗi ông Phan Kế An trúng thôi. Phan Kế An hồi đó vào Sài Gòn rồi dự kỳ thi luôn trong đó. Lào và Campuchia không chọn được ai. Vì vậy phải rất giỏi mới đỗ. Khi nhập trường, tất cả tập trung lên khu Văn Miếu ở Sơn Tây học.

 

H.A: Thưa ông, hồi ấy trong trường có thầy nào dạy?

T.Đ.L: Tôi chỉ học có thầy Nam Sơn thôi. Còn thầy Tô Ngọc Vân tôi không được học. Từ năm thứ nhất tới năm thứ ba, thầy Nam Sơn dạy chính tất cả các môn từ hình họa đến trang trí. Từ năm thứ tư đến năm thứ năm có giáo sư Inguimberty và thầy Jonchère dạy. Và các khóa khác đều sắp xếp như thế. Do trường chỉ hoạt động thêm được gần một năm nên tôi chưa được học hai thầy người Pháp. Thời gian đi học tôi rất gắn bó với thầy Nam Sơn. Càng gần thầy, học nhiều điều từ thầy tôi mới thấy con người thầy rất cẩn thận, rất có tâm và có tầm. Thầy rất quý học trò. Dạy dỗ, chỉ bảo từng ly, từng tí một. Trò nào giỏi cái gì thầy đều biết và có ý hướng trò theo ưu thế đó.

TÔN ĐỨC LƯỢNG – Chân dung Hồ Chủ tịch và bài Tiến quân ca. 1945. In khắc kim loại

 

TÔN ĐỨC LƯỢNG. Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên 5/11/1951 (trên). 10/11/1951 (dưới). Sưu tập Hội đồng Di sản Quốc gia Singapore

H.A: Tuyệt quá thưa ông. Vậy, cụ thể những việc ấy là như thế nào ạ? Câu chuyện về thầy Nam Sơn thì luôn hấp dẫn những người yêu nghệ thuật…

T.Đ.L: Hồi ấy, tôi và thầy Nam Sơn mỗi người có một chiếc xe đạp. Hai thầy trò hay đạp xe từ trường về thị xã, cách 3 cây số. Thầy vừa đạp xe vừa giảng cho trò. Có một lần, thầy chỉ vào một bức tường trắng và hỏi tôi: “Nếu là cậu thì cậu vẽ cái tường trắng này như thế nào?”. Tôi hấp tấp trả lời ngay: “Thưa thầy, tường màu trắng thì con cứ lấy màu trắng con tô vào là xong”. Thầy liền mắng tôi: “Thế thì cậu không phải là họa sĩ, cậu là thợ quét vôi”… (sau đó thầy cười sảng khoái). Rồi thầy ôn tồn giảng giải cho tôi biết: “Cậu phải để ý xem trên cái tường trắng ấy thì cái nền trời màu xanh nó phản chiếu vào như thế nào, cái lá cây màu xanh nó hắt màu ra làm sao…rồi cái lu nước màu nâu nữa, nó đổ bóng màu gì trên tường. Rồi các thứ cây cỏ nó ảnh hưởng nữa”. Đấy, thầy giảng như thế làm sao mà trò không giỏi cho được.

Cũng có lần thầy chỉ những hàng cây và bảo tôi: “Cậu sẽ vẽ những màu cây này như thế nào?” . Tôi ngắm nghía một hồi và trả lời: “Con sẽ vẽ những màu xanh”. Thầy lại bảo: “Cây màu nó như thế nhưng mình không thể vẽ đúng như màu nó mọc lên. Mà mình phải xem không khí, ánh sáng, không gian, thời gian nó ảnh hưởng như thế nào lên cái màu xanh nữa. Mà màu lá xanh ở nông thôn rất khác màu lá xanh ở thành thị,… bởi do cái không gian xung quanh nó khác… Còn khi vẽ nét cậu phải vẽ các nét to, nhỏ, đậm, nhạt khác nhau, không được vẽ đều đều như anh thợ can nét”.

Chính vì nhớ lời thầy giảng, sau này tôi mới nghĩ ra việc chế cái bút mực waterman mà ngòi không có bi để tôi có thể vẽ nét thanh nét đậm, nét to, nét nhỏ khác nhau. Về sau, nó trở thành công cụ đắc lực cho các bức ký họa bút sắt rất chi tiết cả cảnh lẫn người trong nhiều năm, cả kháng chiến chống Pháp và cả chống Mỹ khi tôi tham gia thanh niên xung phong.

Sở dĩ hồi đó trò hay được các thầy dạy một cách trực quan sinh động như thế là do tình trạng sơ tán, trường lớp không đầy đủ, thiếu thốn tiện nghi học lý thuyết nên trường chủ trương việc học tập của sinh viên tiếp xúc nhiều với thực tế. Cũng chính vì vậy, sinh viên được bay bổng hơn trong thế giới quan nghệ thuật của thiên nhiên.

Còn về hình họa vẫn dạy nghiêm túc, đầy đủ lắm. Thầy Nam Sơn có cách chấm hình họa hay lắm nhé. Thầy luôn đặt bài hình họa theo thứ tự. Cuối cùng bên trái là bài kém. Ngoài cùng bên phải là bài tốt. Hồi mới vào trường (do không được học bàng thính), bài của tôi thoạt tiên toàn đứng bên trái; sau chuyển dần vào giữa rồi đứng ở bên phải. Lúc bài được đứng vào giữa, tôi đã biết là mình khá rồi đấy.

 

 

TÔN ĐỨC LƯỢNG – Viết chung một lá thư, TNXP Hà Nội. C811 – Nghệ An 1965. Bút sắt trên giấy. 36.46cm

H.A: Trong cuốn “Lê Thị Lựu, ấn tượng hoàng hôn” của nhà văn Thụy Khê, xuất bản năm 2018, có in bài “Nói chuyện với họa sĩ Lê Phổ”, trong có viết:

“Thụy Khê: Lúc ấy lớp bác có mười người cơ mà?

Lê Phổ: À, còn có Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Tam cũng bồ lắm. Tường Tam viết văn. Tóm lại, trong lớp có: Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tường Tam, Lê Văn Đệ …”.

Vậy, có phải thầy Nam Sơn học cùng lớp với họa sĩ Lê Phổ không thưa ông?

T.Đ.L: Ai bảo thế, sao lại có thể nói thế được cơ chứ! Trước năm 1925 thầy Nam Sơn không học thầy nào cả, và chỉ được Victor Tardieu “chỉ dạy” đôi chút. Năm 1923, thầy đã tham dự Triển lãm Khai Trí Tiến Đức hai bức tranh sơn dầu: “Nhà Nho” (vẽ chân dung cụ Nguyễn Sĩ Đức) và “Tĩnh vật” với bút pháp ảnh hưởng hội họa cổ điển châu Âu.

Tháng 3/1925 thầy Nam Sơn được cử sang học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia và Trường Cao đẳng Nghệ thuật Trang trí Quốc gia ở Paris nhằm đảm nhiệm một chân phụ tá cho Ban giám hiệu nhà trường và hỗ trợ Victor Tardieu trong việc điều hành Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Theo như sự biết của tôi thì thầy Nam Sơn là chất xúc tác chính cho việc thành lập trường. Suốt quãng thời gian học, tôi  và các bạn cùng khóa cũng chỉ có một người thầy duy nhất là thầy Nam Sơn.

Theo tôi nghĩ chính nhờ có sự nhiệt tình của thầy Nam Sơn mà ông Tardieu đã xúc động và quyết tâm xin với ngài M. Merlin cho thành lập trường. Vì nếu không, ông Victor Tardieu xong việc sẽ trở về Paris đoàn tụ với vợ con, chứ ở lại làm gì trên mảnh đất Đông Dương xa xôi không người thân thích.

TÔN ĐỨC LƯỢNG – Mở đường. 1970-1975. Sơn dầu. Sưu tập gia đình họa sĩ
TÔN ĐỨC LƯỢNG – Nữ dân quân. 1964. Sơn dầu. 63x53cm

 

H.A: Vâng thưa ông. Thời điểm Nhật đảo chính Pháp và thời điểm tháng 8 năm 1945 thì ông đang ở đâu và làm gì?

T.Đ.L: Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Trường đóng cửa luôn. Thầy Nam Sơn không ở đấy nữa. Các thầy Tây cũng về Pháp hết. Tôi vẫn ở Sơn Tây cùng gia đình thôi vì bố tôi vẫn làm ở đó mà. Hồi toàn dân cướp chính quyền là tôi đang làm đội trưởng đội tự vệ Việt Minh, Sơn Tây. Sau đó tôi “chuồn” về Bắc Ninh vì không thể tham gia vào một số hoạt động mà cấp trên giao…

 

H.A: Cụ thể những nhiệm vụ ấy là gì, hay nhiệm vụ khó khăn, gian khổ quá nên ông “chuồn” về Bắc Ninh cho yên thân?

T.Đ.L: (Cười nửa hóm hỉnh, nửa kiểu bí mật gì đó). Ôi, chuyện tày trời ấy chứ lị. Liên quan đến “mạng người” đấy. Cụ thể là như thế này. Những ngày cách mạng ấy, tôi được cấp trên (Việt Minh ở Sơn Tây) cử làm Đội trưởng đội tự vệ tỉnh Sơn Tây.  Cũng là do thời thế chứ trước đó tôi chưa tham gia Việt Minh. Năm 1945 nạn đói kinh hoàng lắm, người chết như ngả rạ. Hồi ấy bố tôi vẫn phụ trách Sở canh nông chuyên gieo cấy cung cấp lúa giống cho Sơn Tây. Sau khi gặt và đập lúa xong, còn lại những bó rạ chất đầy sân. Thấy trong đó còn sót khá nhiều thóc, tôi liền rủ mấy anh em mót số thóc rơi vãi ấy, sau đó xay xát thành gạo, nấu cháo tổ chức cứu đói cho người dân cũng được nhiều lần. Việc này hoàn toàn xuất phát từ sự cảm thông, thương xót khi thấy đồng bào khổ quá, đói quá. Không ngờ tiếng lành đồn xa. Cán bộ Việt Minh ở Sơn Tây mời tôi làm đội trưởng đội tự vệ thành. Hồi ấy, Phan Kế An thì ở trong nhóm Việt Minh hoạt động bí mật, chuyên thông tin liên lạc hai chiều từ Sơn Tây về Hà Nội. Tôi vốn trẻ tuổi, nhiệt tình, thấy Việt Minh cũng hay, họ giúp dân nghèo nên tôi tham gia. Làm điều gì mà tốt cho đồng bào mình tôi đều dốc lòng.

Thẻ vào bảo tàng do Bộ Mỹ thuật Pháp cấp cho họa sĩ Nguyễn Nam Sơn trong thời gian ông học ở Paris

Một lần, cấp trên giao cho đội của tôi phải “đi thủ tiêu” mấy nhân vật phản động. Tôi hoảng quá. Biết họ có tội như thế nào mà lại xử bắn. Mình có phải tòa án đâu mà biết người ta có tội hay không có tội. Mạng người chứ có phải chuyện đùa đâu. Đã thế, mấy tay đội viên trong đội tự vệ do tôi quản lý lại “hăng máu” lắm. Họ cứ giục tôi : “Anh Đô (tên gọi của tôi ở đấy) bao giờ thì bắn”. Ôi giời ơi, sao họ lại có thể “hăng” cái việc này được cơ chứ. Sau mấy đêm suy nghĩ tính kế nát óc làm sao thoát được vụ này thì may thay tôi gặp người anh họ, con bác ruột lên Sơn Tây ghé qua gặp tôi và bảo: “Cậu làm Việt Minh à, ở làng mình chưa có ai cướp chính quyền đâu, sao không về làng mà cướp chính quyền?”  Hóa ra, làng Đại Tráng, Bắc Ninh quê nội tôi hiện do một người họ hàng khác (tôi gọi là ông) đang là Chánh hội, không chịu Việt Minh vào làng. Chính vì vậy làng tôi vẫn chưa cướp chính quyền. Thấy anh họ tôi nói thế, tôi mừng quá, lấy cớ đó “chuồn” ngay về Bắc Ninh với lý do: “Về cướp chính quyền ở quê”, thoát được cái vụ “thủ tiêu, xử bắn” kia…

 

H.A: Trời ơi, đúng là buổi giao thời ông nhỉ. Vậy sự việc tiếp tục diễn ra như thế nào, có ai chỉ đạo không ạ?

T.Đ.L: (Cười  khùng khục rất thích thú) Nào, làm gì có ai chỉ đạo. Chả có ai chỉ đạo gì sất. Ông anh họ hay đọc báo, thấy họ viết cách thức để “cướp chính quyền” thì cần có ban bệ gì, làm những việc gì và làm như thế nào. Hai anh em cứ thế học lỏm theo. Ông Chánh hội đứng đầu làng thì vốn là họ hàng xa của tôi rồi. Sau khi sắp xếp, bày ảnh Bác Hồ, cờ đỏ sao vàng,  tôi, người anh họ mời ông Chánh hội và các kỳ mục trong làng đến họp.  Tôi dõng dạc tuyên bố lý do, phế ban kỳ mục cũ. Sau đó, chọn ra một người trong số các kỳ mục cũ đứng lên phụ trách chính quyền mới. Chỉ đơn giản vậy thôi. Chả ai có ý kiến gì cả. Việc rất nhanh và thuận lợi. Tôi nhận trách nhiệm làm trưởng ban quân sự. Khi chính quyền thành lập xong, cần thấy phải mua vũ khí (để còn tự vệ khi có biến chứ),  thế là tôi cho mua gỗ làm giáo mác, vũ khí cho thanh niên trong làng…

(“Cô thấy oách chưa!?” Ông hóm hỉnh nhìn tôi nói)

Sau đó, tôi làm báo cáo lên tỉnh là chúng tôi đã “cướp chính quyền ở Đại Tráng, Bắc Ninh”, thế là xong.

TÔN ĐỨC LƯỢNG – Mùa hoa gạo, khu Kinh tế Thanh niên. 1972. Ký họa bút sắt và thuốc nước. 48x60cm

 

 

TÔN ĐỨC LƯỢNG – Buổi biểu diễn kịch truyền thanh về phong trào thuế nông nghiệp đêm 2/10 /1951. Thị xã Minh Đức, Đan Thượng, Phú Thọ. Bút sắt trên giấy.16 x48cm.

H.A: Thời điểm đó trước hay sau Cách mạng Tháng 8 ạ? Như vậy là ông chuyển hẳn sang công tác cách mạng. Thế còn việc học thì như thế nào ạ?

T.Đ.L: À, việc ở quê cũng phải sau Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2 tháng 9; khoảng tháng 11 năm 1945. Một thời gian ngắn sau, tôi lên Hà Nội, về Sở Nội vụ làm công an mật ở chỗ ông Lê Giản phụ trách, chuyên theo dõi phát hiện các phần tử phản động quốc dân đảng. Sau đó, tôi có quay về học nhưng không được. Trường Mỹ thuật Việt Nam có mở, tuyển sinh được một khóa mới, nhưng không học được do chiến tranh bùng nổ. Vậy là sự nghiệp học hành của tôi dừng lại… Khoảng năm 1947-1948 tôi vào làm công tác cho đoàn thanh niên. Năm 1949, lên Việt Bắc vào Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam.

Ở chiến khu Việt Bắc, công việc chính của tôi là họa sĩ.  Nhưng thú thực chẳng có gì mấy để vẽ cả. Tôi chỉ kẻ biển, khẩu hiệu, vẽ chân dung Bác Hồ phục vụ các hội nghị. Chính vì hay ở hội nghị nên năm 1951 tôi được gặp Bác Hồ ở Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua Toàn quốc. Lại nhớ, Bác Hồ vui tính lắm. Bác thích những người làm việc vô tư, không toan tính. Bác rất hóm hỉnh, hài hước… rất hay kéo tai chúng tôi và luôn chỉ nói những lời động viên vui vẻ với các anh chị em nghệ sĩ.

Sau kháng chiến chống Pháp 1954, tôi theo Trung ương Đoàn về Hà Nội làm ở Tổng đoàn Cứu quốc. Tôi làm việc trong cơ quan, ăn ngủ tại chỗ. Vợ con ở Hà Nam. Tôi cưới vợ năm 1948 khi ở Bắc Ninh. Vợ tôi là người do gia đình đã mai mối, sắp xếp sẵn. Năm 1961, cả gia đình mới đoàn tụ tại Hà Nội. Căn phòng ở 128 Hàng Trống do Trung ương Đoàn phân cho mỗi người một gian. Tôi làm ở Trung ương Đoàn Thanh niên đến tận khi về hưu

Họa sĩ Tôn Đức Lượng và Nhà báo Hoàng Anh. Ảnh chụp tại nhà riêng họa sĩ, tháng 7/2019

 

H.A: Cả cuộc đời ông hoạt động, làm việc phục vụ cách mạng. Vậy ông vào Đảng năm bao nhiêu ạ?

T.Đ. L: Tôi không phải là đảng viên, bởi bố tôi đã từng làm cho chính quyền cũ. Vì vậy khi có đề xuất cho tôi gia nhập  Đảng, lý lịch cứ nâng lên đặt xuống. Nhiều người bảo tôi ông Phan Kế An lý lịch như vậy mà cũng là đảng viên cơ mà (nhưng rốt cuộc cuối cùng Phan Kế An vẫn chưa làm đảng viên trọn vẹn). Mà nói thực nhé, vào Đảng hay không vào Đảng tôi cũng không quá quan trọng. Điều tuyệt nhất là tuổi thanh xuân của tôi được phục vụ cho nhân dân, cho đất nước. Tôi tự hào vì mình là một người tốt, chăm chỉ và lương thiện. Là một họa sĩ, đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tôi luôn hoàn thành tốt công việc của mình. Làm việc và vẽ, cố gắng ghi lại những cảm xúc trên tranh về thời cuộc, về cách mạng. Chỉ cần vậy thôi là tôi đã thấy cuộc đời thanh thản và đủ đầy.

 

H.A: Ước muốn của ông bây giờ là gì?

T.Đ.L: Rất đơn giản thôi, một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, thanh bình bên con  cháu.

H.A: Ông sinh năm 1925, đúng năm thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông cũng là người học khóa cuối cùng (1944-1945) của trường. Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ở tuổi 94 tuổi, ông có muốn nhắn nhủ gì tới thế hệ trẻ không thưa ông?

T.Đ.L: Các bạn cứ học tập, làm việc, cống hiến. Trước là tốt  cho chính mình, gia đình mình. Sau là tới xã hội, tới đất nước và tới những gì tốt đẹp hơn. Làm gì thì làm, sáng tác gì thì sáng tác trước hết đều phải xuất phát từ chính con người mình, từ lòng nhân ái, và cả sự tự trọng trong lòng…

Hoàng Anh

 

 

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Tin cùng chuyên mục

TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ MỘNG BÍCH: NGƯỜI PHỤ NỮ VẼ LỤA ĐI GIỮA HAI THẾ KỶ

Đúng hẹn, tôi cùng Hoàng Anh-Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, đến thôn Na, xã Hiên Vân (Tiên Du, Bắc Ninh) vào 8 giờ sáng ngày 29/12/2020. Nắng đẹp, gió thổi mát rượi, chưa có dấu hiệu gì của...

TRÒ CHUYỆN CÙNG CHARLOTTE AGUTTES- REYNIER: HỘI HỌA VIỆT NAM NHỮNG CÂU CHUYỆN

Giới thiệu từ trang web chính thức: Aguttes là nhà đấu giá thứ tư của Pháp và là nhà đấu giá độc lập đầu tiên, không có cổ đông bên ngoài. Aguttes được thành lập vào năm 1974 bởi Claude Aguttes...

NGUYỄN KHẮC CHINH – HẠNH PHÚC KHI LÀ CHÍNH MÌNH

  Nguyễn Khắc Chinh: sinh năm 1984. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật hà nội (2006). Hiện sống và sáng tác tại Hà Nội. Tạp chí Mỹ thuật (TCMT): Nghệ thuật Việt Nam nhìn chung biến chuyển như thế...

ĐỖ HIỆP – NGHỆ SĨ LÀ TẤM HÌNH PHẢN CHIẾU TỪ XÃ HỘI

  Đỗ Hiệp: sinh năm 1984. tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật hà nội (2007). Cao học Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2012). Hiện đang sống và hoạt động nghệ thuật tại Hà Nội. Chủ nhiệm...

Tia- Thủy Nguyễn – Nghệ sĩ độc lập và tự chủ về tài chính dễ sáng tác và tự do hơn

  Tia-Thủy Nguyễn: sinh năm 1981, lớn lên ở Hà Nội, hiện ở TP. Hồ Chí minh. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2006. học bổng du học tại Học viện Nghệ thuật và Kiến trúc...

Có thể bạn quan tâm

NGUYỄN KHẮC CHINH – HẠNH PHÚC KHI LÀ CHÍNH MÌNH

  Nguyễn Khắc Chinh: sinh năm 1984. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật hà nội (2006). Hiện sống và sáng tác tại Hà Nội. Tạp chí Mỹ thuật (TCMT): Nghệ thuật Việt Nam nhìn chung biến chuyển như thế...

TRIỂN LÃM CHUYÊN ĐỀ TRANH SƠN MÀI

  Đây là triển lãm chuyên đề về tranh sơn mài, với quy mô khá hoành tráng. Đã lâu lắm rồi Hội Mỹ thuật Việt Nam mới có một triển lãm chuyên đề về một chất liệu: Sơn mài. Các tác phẩm...

“Ego – Người”, triển lãm lạ và độc đáo của họa sĩ Ngô Xuân Bính

Được chọn là 1 trong 50 sự kiện của Lễ hội Thiết kế sáng tạo TP Hà Nội năm 2022, lễ khai mạc triển lãm “Ego – Người” trưng bày các tác phẩm của họa sĩ Ngô Xuân Bính vừa được Sở Văn...

Triển lãm Nguyễn Đình Thuần tại Bình Minh art gallery

  Hoạ sĩ Nguyễn Đình Thuần, sinh năm 1948, tại Huế. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, ông đi làm lao động tự do tại quê nhà một thời gian. Do Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế gần...

SHIN SAIMDANG – NỮ DANH HỌA THỜI JOSEON

  Nói đến thời đại Joseon, Hàn Quốc (1392-1910) là nói đến thời kỳ hưng thịnh của Nho giáo. Thời kỳ này ảnh hưởng tư tưởng đạo Khổng sâu đậm nên bên cạnh những thành tựu vẻ vang,...