GIÁO SƯ PHẠM CÔNG THÀNH – MỘT NGƯỜI THẦY, MỘT HỌA SĨ HIỆN THỰC

 

Hà Nội đẹp nhất từ khoảng giữa tháng 11 đến giữa tháng 12…

Khi nắng vàng rót mật trên hàng cây, trên các con đường; lá chuyển vàng rơi đầy ngõ nhỏ; gió heo may xao xác thổi về; không khí hơi se se lạnh mỗi sáng; hồng, bưởi, mía…ngọt thơm đậm đà hơn bao giờ hết… cũng là khoảng thời gian chúng ta tri ân các thầy cô giáo.

Có thể nói, đối với nhiều thế hệ sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Mỹ thuật Việt Nam), Giáo sư – Họa sĩ  Phạm Công Thành là một người thầy đặc biệt. Nhà Phê bình Mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đã viết trong cuốn Phạm Công Thành (NXBMT-2016): “Trong nền hội họa Việt Nam, Phạm Công Thành là người có tố chất đặc biệt, đã thành danh ở cả hai lĩnh vực nghệ thuật và học thuật. Vì thế, trước công chúng ông vừa là họa sĩ, vừa là học giả”.

Quả đúng là như thế!

Tôi cũng là một trong những thế hệ học trò đã được thầy dạy dỗ. Lớp Lý luận chúng tôi là khóa đầu tiên của những năm 1990 được nhà trường cho học thử nghiệm chương trình đào tạo mới với quan điểm “lý thuyết phải đi đôi với thực hành”. Sáng học lý thuyết về nghệ thuật học, mỹ học, lịch sử; chiều lên lớp thực hành các loại hình tạo hình cơ bản; hình họa, bố cục, màu sắc được dạy khá kỹ lưỡng và nhiều thời gian hơn so với bất cứ khóa lý luận nào trước đó. Các chất liệu như sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ, in ấn đồ họa…chúng tôi đều được học cả. Những giờ lên lớp thật là vui và hào hứng. Đặc biệt là những giờ dạy môn nghệ thuật học của thầy Phạm Công Thành.

Thầy rất hiếm khi cầm tài liệu lên lớp. Nhưng ở trên bục giảng, não bộ của thầy dường như chứa cả kho tàng kiến thức đồ sộ vô tận khiến lũ học trò chúng tôi ngày ấy say sưa lắng nghe. Với lối giảng thiên về dẫn dụ và ví dụ bằng rất nhiều hình ảnh và các câu chuyện khác nhau liên quan đến tạo hình, gần gũi với cuộc sống nên các bài giảng của thầy đều hết sức sinh động. Ký ức những giờ học sôi nổi  ấy còn lưu lại mãi trong tôi đến tận hôm nay…

Lũ sinh viên chúng tôi hồi ấy chỉ biết ngưỡng mộ kiến thức sâu rộng của thầy theo kiểu đơn giản nhất như “yêu một thần tượng”. Còn nghệ thuật tạo hình thì “thầy mình lúc nào cũng là nhất rồi”. Đến bây giờ, 20 năm sau ngày ra trường, được ngồi chuyện trò với thầy về các quan niệm nghệ thuật, các tìm tòi trong tạo hình, được xem tận mắt những công việc nghệ thuật âm thầm khác mà thầy đã từng làm…thấy trong lòng dâng lên một sự yêu kính sâu sắc rõ rệt với những thành tựu của cả một đời làm nghệ thuật và học thuật của thầy gây dựng.

Hai thầy trò bắt đầu câu chuyện trong không khí se lạnh, vô cùng dễ chịu trong căn nhà ấm áp của vợ chồng thầy tại khu tập thể trường Đại học Mỹ thuật 42 Yết Kiêu (bây giờ lối cổng vào là 149 Lê Duẩn). Khắp bốn bức tường treo đầy tranh. Những bức tranh phong cảnh, tĩnh vật, hoặc cảnh xưa cũ như hát văn, hát ca trù… đẹp theo một vẻ bình dị, cổ điển và tao nhã…

 

Nhà báo Hoàng Anh (H.A): Trong hầu hết các tác phẩm của thầy, em thấy thầy sử dụng nhiều bức tranh dân gian làm nền cho nhân vật  chính. Tuy chỉ là hình phụ mà sao thầy vẽ rất công phu,  chi tiết và kỹ lưỡng; cộng thêm lối vẽ hiện thực khiến các tác phẩm trở nên đậm nét hoài cổ và phảng phất không khí xưa… có phải thầy chủ ý như thế để tạo nên một phong cách riêng biệt không thưa thầy?

Giáo sư – Họa sĩ Phạm Công Thành (PCT): Tôi luôn yêu thích nghệ thuật dân gian. Có thể nói là yêu thích vô cùng. Còn về tạo hình thì cũng vậy. Tôi thích lối vẽ hiện thực, vẽ như những gì thiên nhiên và sự vật có sẵn khác để tái hiện những vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống. Những phong cảnh đồng quê, vùng núi tĩnh lặng, những công trường làm việc đầy ắp các nhân vật với những khuôn mặt tươi rói, hồn hậu. Nói chung  là tất cả những chi tiết và bối cảnh ấy phải thực đúng như những gì tôi cảm nhận. Và tôi có thể vẽ mãi không thôi; chỉ là vẽ góc này hay góc khác.

Giáo sư – Họa sĩ Phạm Công Thành

H.A: Thưa thầy, em xem tranh thầy thấy bức nào cũng  theo lối Hiện thực, kiểu “Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa” ấy. Vậy, tại sao lại là “Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa” mà không phải là tên gọi nào khác ạ?

P.C.T: À, người ta gọi thế vì đây là các tác phẩm được vẽ theo “Trường phái  Hiện thực”, bao gồm các đề tài về xây dựng Chủ nghĩa Xã hội như: nông dân lao động sản xuất ở hợp tác xã, trên cánh đồng; công nhân trong nhà máy, trên công trường… nói chung là những đề tài liên quan đến sinh hoạt, hoạt động đổi mới về lao động, xây dựng và học tập do Nhà nước, do Đảng lãnh đạo.

Tranh của tôi thì chỉ nói gọn là vẽ theo lối Hiện thực…

 

H.A: Trong hầu hết những tác phẩm thầy đã sáng tác, em chưa nhìn thấy những bức tranh thầy vẽ một trường phái khác. Ví dụ như: Siêu thực, Trừu tượng hay Lập thể… Tại sao thầy không vẽ theo những trường phái đó ạ?

P.C.T: (trầm ngâm) Quả tình là tôi có thử vẽ theo những trường phái ấy. Nhưng thú thực là nó không hợp với tôi, vẽ chẳng ra đâu vào đâu nên tôi lại quay trở về với phong cách đã quen thuộc của mình. Tôi luôn muốn vẽ những cái tốt đẹp, cái trong sáng của con người và cuộc sống. Và điều ấy trong tôi là không thay đổi. Chất nhân văn, chất trữ tình nó nằm ở trong những tạo hình về phong cảnh và con người ấy. Nông thôn vẫn là nông thôn mấy mươi năm trước; nông trường tập thể vẫn như xưa rộn rã tiếng cười và hăng say lao động…Tôi muốn thể hiện con người Việt Nam với niềm lạc quan về cuộc sống, tình yêu với cuộc sống!

 

H.A: Có ý kiến cho rằng phong cách “Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa” của thầy có vẻ “cổ và cũ ” chứ không phải là “Cổ điển”; cộng thêm quan điểm về đề tài nên nhiều khi đã hạn chế sáng tạo cái mới của thầy dù thầy luôn được đánh giá là một người có kỹ thuật tạo hình cơ bản và chuẩn mực. Quan điểm của thầy về việc này như thế nào ạ?

P.C.T: Dĩ nhiên, phong cách “Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa” không phải là Cổ điển; và phong cách của tôi cũng không gọi là phong cách “Hiện thực Xã hội Chủ nghĩa” – nó là Hiện thực thôi. Quan điểm nghệ thuật của tôi kỳ thực rất đơn giản, tôi luôn muốn tái hiện lại trong tranh những gì ngoài thiên nhiên và xã hội vốn có. Thiên nhiên rất thú vị và luôn luôn đẹp. Chỉ cần tái hiện lại được đúng như thế đã vô cùng khó khăn. Tôi luôn quan niệm tranh là cuộc sống. Ví dụ như khi trời mưa xong thì không khí trong lành, tươi tắn như thế nào. Phố ban đêm thì nó trầm mặc u tịch ra sao. Cảnh lao động của hợp tác xã thì phải thể hiện được cái không khí náo nức và hăng say. Phong cảnh nông thôn thì nó phải hiền hòa, thanh bình và êm đềm. Với tôi, để thể hiện được như thế phải mất rất nhiều thời gian và tâm sức. Tranh không phải là ảnh chụp một cách đơn giản, nó phải chắt lọc những nét đẹp và tiêu biểu nhất của hiện thực khách quan.

Bản thảo cuốn Luật xa gần của Giáo sư – Họa sĩ Phạm Công Thành được biên soạn từ năm 1975 và đã được xuất bản lần đầu tiên năm 1982

 

PHẠM CÔNG THÀNH – Trên đồi hoang. 1962. Sơn dầu. 120x160cm

 

PHẠM CÔNG THÀNH – Trai gái làm thủy lợi. 1967. Lụa. 60x100cm

 

H.A: “Những cái khó của hội họa mà nhiều người rất ngại diễn tả là: ánh sáng, chiều sâu trong không gian và những hiện tượng thiên nhiên như nắng, mưa, sương, gió…” (theo Phan Cẩm Thượng) thì thầy lại đặc biệt làm kỹ và làm rất chuẩn. Vậy, tại sao bây giờ người ta lại thích thú và trầm trồ với tranh của một số họa sĩ trẻ theo trường phái Hiện thực…mà lại quan niệm tranh của thầy là cổ là cũ. Hay là đề tài họ thể hiện tươi mới hơn thưa thầy?

P.C.T: (cười hiền, rất hiền) Tôi cũng không hiểu được và nói thật tôi cũng không quan tâm lắm đâu. Mình làm nghệ thuật hết với những gì mình cảm nhận, mình yêu thích là mình đã thấy hạnh phúc, sung sướng và thanh thản. Nghệ thuật là cái tôi cá nhân;  có người thích người không thích. Phong cách cũng vậy; có người yêu, người không yêu. Nhưng mà cũng có thể họ không thích phong cách của tôi… nên em thấy không, bức “Trên đồi hoang” vẽ năm 1962 đây này (thầy giở sách) nhiều người nhận xét là “chuẩn mực về kỹ thuật, về bố cục, ánh sáng” và các tác phẩm khác cũng có vẻ được đánh giá như thế. Nhưng rồi tôi vẫn cứ nằm ngoài tất cả các hệ thống giải thưởng. Có lẽ là do mệnh tôi không có duyên với các giải rồi…

 

H.A: Nhân nói chuyện về giải thưởng. Quả đúng là trong các bản thống kê giải thưởng chính thống khá lớn em không tìm thấy tên thầy. Vậy, không có bất cứ giải nào đã trao cho thầy ạ?

P.C.T: Cũng là do tôi bận dạy trên lớp và ngoài giờ thì hướng dẫn các em sinh viên làm luận văn nên tôi không có nhiều tác phẩm tham gia giải. Tôi chủ yếu gửi Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc; mà họ treo cho đã là may rồi đấy (thầy cười rất tươi). Song Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia cũng chọn lưu giữ tới 7 bức lụa và sơn dầu của tôi. Đến tận bây giờ tôi cũng chỉ sáng tác được hơn 100 tác phẩm to, nhỏ trên chất liệu sơn mài, sơn dầu, lụa, giấy; chủ yếu vẫn là sơn dầu. Còn sơn mài tôi cũng vẽ nhưng rất hiếm khi mài. Tôi thường làm sơn mài sống nhưng vẫn ra sơn mài. Bài viết nghiên cứu khoa học tôi cũng thế. Tôi viết rất nhiều, nhưng rồi nó cứ tản mát vào các cuốn sách khác nhau. Nên bây giờ cũng chỉ có một cuốn duy nhất…

 

H.A: Cuốn “Luật xa gần” xuất bản năm 1982 phải không ạ? Một cuốn sách kinh điển đã tái bản tới bốn lần, là cuốn giáo trình gối đầu giường cho các thế hệ sinh viên chuyên ngành mỹ thuật 35 năm qua. Nhìn cuốn sách 300 trang mà trong đó đầy ắp những minh họa, có thể thấy sự dày công của thầy khi rất vất vả để vẽ minh họa và biên tập…

P.C.T: Tôi bắt đầu biên soạn cuốn “Luật xa gần” từ năm 1975 và đến tận năm 1982 mới xong và xuất bản. Trước đây chỉ có thầy Công Văn Trung dạy bộ môn Luật xa gần cho sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật. Còn sinh viên Trung cấp thì chưa. Ngay từ năm 1959, thầy Trần Đình Thọ khi ấy đang làm Hiệu trưởng đã khuyến khích cán bộ, sinh viên viết đề cương cho môn đó. Tôi lúc đó mới là sinh viên năm thứ 3 trường Cao đẳng Mỹ thuật cũng mạnh dạn viết đề cương. Bản đề cương đó được đánh giá cao. Và tôi được chính thức dạy bộ môn Luật xa gần cho hệ Trung cấp. Khi ra trường năm 1962, tôi được giữ lại làm giảng viên đại học và phụ trách bộ môn này thay thầy Công Văn Trung.

Dạy Luật xa gần nhiều năm như thế nhưng bản thảo đầu tay của cuốn sách này chỉ bắt đầu hình thành khi tôi lấy vợ (năm 1971). Vợ tôi, bà Trịnh Kim Chi, khi đó là giảng viên khoa Thư viện trường Đại học Văn hóa biên tập và ghi chép lại từ những tập bản thảo mà tôi viết ra.  Để có một bức minh họa hoàn chỉnh là tôi phải vẽ tới 10 bản khác nhau để chọn lấy một. Cuốn sách đó chiếm của tôi rất nhiều thời gian và được Nhà xuất bản Văn hóa ấn hành năm 1982. Nhuận bút hồi ấy là 20 nghìn đồng. Chúng tôi quyết định mua một chiếc tivi đen trắng cho các con là Phạm Thục Quyên và Phạm Bình Chương xem. Rồi hàng xóm khu tập thể trường Đại học Mỹ thuật xem nữa. Nhà tôi hồi đó nhộn nhịp, có cả sinh viên ra vào xem tivi mỗi tối. Vui lắm.

Phạm Bình Chương cũng theo truyền thống của tôi giảng dạy môn Luật xa gần. Chỉ hơi buồn là bây giờ trường mỹ thuật đã bỏ môn học luật xa gần, chỉ dạy vài tiết ghép vào các bộ môn khác… (giọng thầy chùng xuống).

PHẠM CÔNG THÀNH – Rừng tre. 1985. Lụa. 40x60cm

 

PHẠM CÔNG THÀNH – Cầu tre. 1993. Sơn mài. 90x120cm

 

PHẠM CÔNG THÀNH – Dừng chân bên suối. 198/0. Sơn dầu. 120x90cm

H.A: Có lẽ do tiêu chí về các môn học cơ bản của trường đã thay đổi chăng thưa thầy. Nhưng dù thế nào đi nữa thì luật xa gần vẫn là một trong nhưng yếu tố cốt lõi của tạo hình. Nhân nói chuyện về các môn học cơ bản của tạo hình, em thấy thầy cũng vẽ nhiều tranh truyện phải không ạ. Hồi nhỏ em có đọc được một số truyện tranh mà thầy minh họa…

P.C.T: Vẽ tranh truyện hay lắm đấy nhé. Tôi vẽ nhiều thể loại; cả tranh truyện lịch sử, tranh truyện thiếu nhi… cũng như tranh truyện về cuộc sống đổi mới ở nông thôn. Tôi còn có câu chuyện vui liên quan đến cuốn tranh truyện “Cô dâu mới” đấy. Chả là sau khi tôi vẽ hơn 50 tranh minh họa cho cuốn ấy xong là tôi cũng  đủ kinh phí để đón “cô dâu mới” vợ của mình về dinh đầu năm 1971. Do đám cưới cũng giản dị, đơn sơ nên nhuận bút của nhà xuất bản cũng đủ chi trả.

 

H.A: Có thể nói, trong những tranh minh họa của thầy thì sự mẫu mực về tạo hình luôn hiện diện. Bố cục, đường nét, màu sắc đều hài hòa và chuẩn. Nhất là các cuốn truyện tranh lịch sử như “Người cầm cờ lệnh của vua Quang Trung”, “Chiến thắng Chi Lăng”, “Cờ nghĩa Hoa Lư”. Chắc hẳn thầy phải có rất nhiều tư liệu lịch sử về trang phục, kiến trúc thời đó phải không thưa thầy?

P.C.T: (cười rất tươi và hiền) Không, tôi có tư liệu gì đâu, làm gì có nhiều tư liệu thế. Có thể khi tôi nghiên cứu, đọc sách về lịch sử văn hóa, thơ ca nên có phần nào dễ hình dung và mường tượng ra hơn những lối phục trang, sinh hoạt của con người thời đó.  Nhà xuất bản cũng thấy đẹp và hợp lý nên in thôi. Với tôi, dù là vẽ minh họa thì cũng phải vẽ chuẩn và nghiêm túc. Tranh minh họa tuy có diện tích nhỏ nhưng tôi vẫn vẽ rất bài bản theo luật xa gần, lớp lang, bố cục hoàn chỉnh như một bức tranh nhỏ. Chính vì sự nghiêm túc ấy mà các nhà xuất bản, tạp chí, báo cứ đặt hàng đều đều khiến cho tôi có việc suốt thời bao cấp và đời sống kinh tế của gia đình thời bao cấp không đến nỗi khó khăn… các con được cải thiện “món tươi” mỗi tuần.

Giáo sư – Họa sĩ Phạm Công Thành và nhà báo Hoàng Anh (học trò cũ) trò chuyện tại nhà riêng của ông tháng 11/2016

 

PHẠM CÔNG THÀNH – Thiếu nữ và đàn tỳ bà. 1993. Lụa. 40x60cm

 

 

Một số trang bìa tranh truyện do Giáo sư – Họa sĩ Phạm Công Thành vẽ minh họa

H.A: Ngoài bộ môn Luật xa gần thầy còn giảng dạy 11 môn khác như: Hình họa; Trang trí; Bố cục; Giải phẫu; Sơn dầu; Đạc biểu kiến trúc; Lịch sử mỹ thuật; Nghệ thuật học; Chuyên luận và cả văn học nữa. Có thể nói thày đã dạy hầu hết các môn cơ bản của cả chuyên ngành nghệ thuật và học thuật. Để dạy được như thế thầy phải có khối lượng kiến thức đồ sộ và rất nhiều thời gian nghiên cứu và đọc. Những năng lượng ấy chắc hẳn phải được xuất phát từ một niềm say mê mãnh liệt với nghệ thuật…

P.C.T: Tôi mê những thứ liên quan đến cái đẹp, đến nghệ thuật từ nhỏ. Bố tôi vốn là chủ nhà may áo dài Tân Mỹ. Từ nhỏ, tôi đã tiếp xúc với những gì đẹp đẽ, thanh lịch và tao nhã. Đến tận bây giờ tôi vẫn yêu thích những gì hoài niệm xưa cũ. Tôi không thể vẽ nông thôn với đường bê tông và thu hoạch với máy gặt đập; không thể vẽ khai hoang với máy xúc và máy cẩu; không thể vẽ phố đầy ô tô và xe máy. Tôi nặng lòng với những gì xưa cũ. Phạm Bình Chương cũng đã dạy môn Luật xa gần, rồi cũng lại vẽ theo trường phái Hiện thực giống bố. Chương cũng chỉ vẽ phố, vẽ một Hà Nội cũ và mới đan xen như cố níu lại một miền ký ức, kẻo mai kia Hà Nội đổi mới hết thì không còn gì xưa cũ nữa…

H.A: Truyền thống nghệ thuật gia đình đã được tiếp nối trọn vẹn. Những thành tựu về học thuật, nghệ thuật và giáo dục cả một đời lao động của thầy đã quá đủ đầy để xứng đáng đạt một danh hiệu cao được Chính phủ ghi nhận và vinh danh. Vậy mà bây giờ vẫn chưa có điều ấy…

P.C.T: Có chứ. Tôi đã được phong học hàm Giáo sư và danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Còn giải thưởng tranh không có thì đó là do đánh giá của các Hội đồng Nghệ thuật. Tôi rất vui vẻ, thanh thản hạnh phúc sống và làm việc. Bao nhiêu thế hệ học trò được dạy dỗ; đã thành đạt, trở thành những con người có ích là món quà lớn nhất, quý nhất mà tôi cũng như bất cứ một nhà giáo nào cũng đều mong mỏi.

 

H.A: Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, thay mặt cho các thế hệ học trò đã được thầy dạy dỗ, thay mặt Ban Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, em xin kính chúc thầy sức khỏe, hạnh phúc, gặp thật nhiều niềm vui và may mắn.

Hoàng Anh

(*) Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 287 & 288 tháng 11 – 12 năm 2016

Tin cùng chuyên mục

Những dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của kiến trúc sư Ernest Hesbrard

Ernest Hébrard (1875 – 1933) sinh ngày 11/9/1875 tại Paris. Ngày 15/10/1891, khi 16 tuổi ông đã bắt đầu theo học tại xưởng vẽ của Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de...

Thành phố sáng tạo và nghĩa cử tri ân sự sáng tạo

Hà Nội là thủ đô ngàn năm văn hiến, với danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình đang tiến về phía trước với mục tiêu trở thành thành phố sáng tạo hàng đầu trong khu vực. Trải qua nhiều cuộc chiến...

Biến chuyển cảnh quan truyền thống – hiện đại từ phù thế họa (ukiyo-e) đến phim của Ozu Yasujiro

Tranh khắc gỗ (Ukiyo-e, Phù thế hội) là thể loại độc đáo riêng có của hội họa Nhật Bản, thể hiện một cách đầy thi vị và đa diện về cõi phù thế của những thị dân Edo. Ukiyo-e cũng đã...

Đấu xảo hoàn vũ Paris năm 1867 – Hội chợ triển lãm quốc tế đầu tiên có người Việt tham gia

Hoàn cảnh và lý do người Việt có mặt tại Đấu xảo Hoàn vũ ở Paris năm 1867 Sau Hòa ước Nhâm Tuất (05-06-1862), thực dân Pháp được quyền chiếm đóng và quản lý ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vào...

Đào tạo sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật trong đại học đa ngành

Các trường đại học đa ngành cùng tư duy liên ngành được kỳ vọng có thể đóng góp vào cách tiếp cận mới trong đào tạo đội ngũ sáng tác và lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật (VHNT). Ðó...

Tin cùng chuyên mục

TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ MỘNG BÍCH: NGƯỜI PHỤ NỮ VẼ LỤA ĐI GIỮA HAI THẾ KỶ

Đúng hẹn, tôi cùng Hoàng Anh-Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, đến thôn Na, xã Hiên Vân (Tiên Du, Bắc Ninh) vào 8 giờ sáng ngày 29/12/2020. Nắng đẹp, gió thổi mát rượi, chưa có dấu hiệu gì của...

TRÒ CHUYỆN CÙNG CHARLOTTE AGUTTES- REYNIER: HỘI HỌA VIỆT NAM NHỮNG CÂU CHUYỆN

Giới thiệu từ trang web chính thức: Aguttes là nhà đấu giá thứ tư của Pháp và là nhà đấu giá độc lập đầu tiên, không có cổ đông bên ngoài. Aguttes được thành lập vào năm 1974 bởi Claude Aguttes...

NGUYỄN KHẮC CHINH – HẠNH PHÚC KHI LÀ CHÍNH MÌNH

  Nguyễn Khắc Chinh: sinh năm 1984. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật hà nội (2006). Hiện sống và sáng tác tại Hà Nội. Tạp chí Mỹ thuật (TCMT): Nghệ thuật Việt Nam nhìn chung biến chuyển như thế...

ĐỖ HIỆP – NGHỆ SĨ LÀ TẤM HÌNH PHẢN CHIẾU TỪ XÃ HỘI

  Đỗ Hiệp: sinh năm 1984. tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật hà nội (2007). Cao học Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2012). Hiện đang sống và hoạt động nghệ thuật tại Hà Nội. Chủ nhiệm...

Tia- Thủy Nguyễn – Nghệ sĩ độc lập và tự chủ về tài chính dễ sáng tác và tự do hơn

  Tia-Thủy Nguyễn: sinh năm 1981, lớn lên ở Hà Nội, hiện ở TP. Hồ Chí minh. Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2006. học bổng du học tại Học viện Nghệ thuật và Kiến trúc...

Có thể bạn quan tâm

Phát hành bộ tem bưu chính kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Nguyễn Sáng

Bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-2023)” thể hiện hình ảnh chân dung quen thuộc của họa sĩ Nguyễn Sáng và tác phẩm “Giặc đốt làng tôi”. Ngày 29/7/2023, Bộ...

Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc lần thứ 28

Sáng 27/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc – Việt Bắc lần thứ 28 năm 2023. Dự buổi lễ có các...

NGUYỄN LINH 4 – BÙNG NỔ VÀ THĂNG HOA VỚI CHÈO, VÀ…

  6h30 tối ngày 20 tháng 12 năm 2020, ngày cuối của triển lãm “Nguyễn Linh 4”, khi các nhân viên phục vụ tại nhà triển lãm Art Space, 42 Yết Kiêu, Hà Nội, đang hạ tranh xuống để đóng gói, thì...

Hiện thực và Siêu thực: Hai trạng thái của vòng lặp

Trong nghệ thuật biểu hình, hiện thực và siêu thực là hai ngôn ngữ thể hiện rất rõ cách nhìn về đời sống và thế giới nội tâm của mỗi họa sĩ. Triển lãm Vòng lặp khai mạc vào ngày 30/5 vừa...

Bài 3: Công nghệ – Sự thay đổi có tính cách mạng trong hoạt động bảo tàng

(Chinhphu.vn) – Công nghệ đã làm cho ngôn ngữ bảo tàng trở nên sống động, đa dạng, hấp dẫn, tăng khả năng tiếp cận công chúng. Có thể nói, công nghệ đã góp phần không nhỏ đem lại sự thay...