VĂN GIAO – NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI

 

Họa sĩ Văn Giao vốn là người tài khéo, quan hệ rất rộng với các văn nghệ sĩ nổi tiếng như nhà văn Kim Lân, họa sĩ Văn Đa. Đặc biệt ông rất thân với Bùi Xuân Phái. Xuất phát điểm của ông là người vẽ truyền thần ở chợ Đồng Xuân. Trong khi các thợ khác chỉ vẽ đen trắng thì Văn Giao lại vẽ truyền thần màu. Thứ nhất do sự đam mê, tìm tòi những thứ khác lạ; thứ hai cũng do hoàn cảnh phải kiếm sống nên ông phải tạo ra những điều đặc biệt để thu hút khách. Trong quá trình vẽ truyền thần ông lại mê tranh thủy mặc Trung Quốc, thích đồ cổ nên càng gắn bó với hai loại hình này. Thoạt tiên, Văn Giao vẽ các bức theo chủ đề “mai, điểu, tùng, hạc” chép lại từ tranh thủy mặc Trung Quốc trên lụa… thích hợp với người chơi cổ vật. Nhưng tranh của ông được ưa chuộng hơn bởi vì ông đã khéo léo lồng vào cảnh sắc con người quê hương Việt Nam. Tranh lại vẽ trên lụa nên mang nét  trong sáng, nhẹ nhàng, gần gũi với người Việt. Và trong suốt một khoảng thời gian dài, tranh Văn Giao có mặt tại hầu hết trên tường nhà những người yêu cổ vật, cây cảnh, gia đình trí thức xưa.

VĂN GIAO – Sapa tan sương. Khoảng 1980 – 1990. Lụa. 85x105cm

 

TRẦN TUY – Chân dung Văn Giao. 1999. Ký họa
VĂN GIAO – Non nước hữu tình. Khoảng 1980 – 1990. Lụa. 70x125cm

Tưởng như Văn Giao chỉ giỏi vẽ lụa nhưng không phải như vậy. Có câu chuyện này khiến tôi nhớ mãi. Hồi đó, Bùi Xuân Phái rất nổi tiếng nhưng ko bán được tranh mấy. Ông Văn Giao không nổi tiếng bằng nhưng tranh lại bán được. Chơi thân với nhau nên ông Văn Giao đã có một hành động hết sức nhân ái… thương ông Phái không có tiền nên đã mua khá nhiều tranh của Phái và treo đầy tường nhà. Đây là ý tốt Văn Giao giúp bạn lúc bạn khó khăn. Thời đó, thời gian rỗi cũng nhiều nên việc nghệ sĩ “trà dư tửu hậu” thường xuyên diễn ra. Họ có bàn đến chuyện dạo này Văn Giao vẽ cũng khá và bán cũng khá; rồi ông ấy vẽ được, bán được mà sao lại phải mua tranh của Phái. Có một người nói: “Mua của Phái là phải thôi vì tranh của Phái là tranh sáng tác còn tranh của Văn Giao là tranh “Bờ Hồ”, cho nên phải mua tranh sáng tác là lẽ đương nhiên…”.

Hồi ấy, chưa có việc chơi tranh sưu tập, mà chỉ mua hỗ trợ nhau, mua vì thích thôi. Nhưng một số người không hiểu ý tốt của Văn Giao mà lại cho rằng ông Văn Giao “suy tôn” ông Phái vì không “vẽ sáng tác” được nên phải mua tranh Phái. Câu chuyện này sau đó đến tai ông Văn Giao, tất nhiên là ông Văn Giao giận ông Phái lắm (mà thật sự khổ thân ông Phái vì ông Phái không biết câu chuyện này. Về sau nghe nói hai ông có chơi lại với nhau nhưng cũng không thể thân thiết như xưa nữa). Ngay lập tức, ông Văn Giao gọi ông Việt Chiến đến nhà chơi và nói: “Này, anh có thích tranh của Phái không?”. Ông Việt Chiến nói: “Tranh Phái ai mà chả thích. Tôi cũng thích. Anh cũng thích”. Nghe vậy, ông Văn Giao nói ngay: “Tôi cho anh tất cả phòng tranh Phái của tôi đấy”. Việt Chiến ngỡ ngàng: “Anh làm sao đấy, anh nói đùa à?”. Ông Văn Giao nói rất nghiêm túc: “Tôi không nói đùa. Tôi cho anh hết vì tôi không muốn hủy nó… tôi cho anh để anh xếp vào trong cặp, không được treo lên, không được tuyên truyền, chỉ để giữ thôi”. Việt Chiến sướng quá, tự nhiên được món quà may mắn trời cho, liền ôm lấy hết mang ngay về nhà. Hôm sau, cụ Luyện (cũng là người chơi cổ vật có tiếng rất thân với ông Văn Giao và tôi) tới chơi, thấy trong nhà ông Giao không còn bức tranh nào của Phái, cụ ngạc nhiên hết sức kêu lên: “Tranh Phái đâu hết cả rồi?”. Văn Giao thủng thẳng trả lời: “Tôi cho hết rồi”. Ông Luyện thốt lên kinh ngạc: “Ông cho ai, sao không cho tôi?”. Văn Giao nói: “Tôi cho Việt Chiến hết cả rồi. Mới cho hôm qua, ông chậm chân rồi”. Ông Luyện ra sức gặng hỏi lý do nhưng ông Giao chỉ trả lời chung chung rằng “gần đây tôi không thích nữa nên tôi cho người khác chơi tiếp…”. Thấy chắc chắn có uẩn khúc gì ở đây mà ông Luyện chỉ lờ mờ đoán ra…vì thế mới khích ông Văn Giao: “Ông vẽ đẹp, ông vẽ rất được, việc gì ông phải đi mua tranh ông Phái”. Chính vì lời khích này đã khiến cho ông Văn Giao vẽ một loạt tranh phố (khoảng hơn chục bức) giống hệt phong cách Bùi Xuân Phái. Khi tôi đến chơi, thấy treo trên tường một loạt tranh phố, tôi cứ tưởng tranh ông Phái chứ không nghĩ là tranh Văn Giao vẽ; vì không những giống mà lại còn rất đẹp. Sở dĩ ông Văn Giao vẽ được “ngay luôn và giống” đến như thế bởi do Văn Giao vẽ hàng ngày. Không những thế, ông đã từng chép và phóng tác nhiều tranh Trung Quốc nên ông có sự cảm nhận rất tinh phong cách, nét vẽ của người khác. Tôi chỉ có thể nói rằng Văn Giao vẽ phố bằng sơn dầu đẹp lắm, giống Phái vô cùng mặc dù ông không hề học qua một trường lớp nào cả.

Nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc và họa sĩ Văn Giao trong một chuyến đi xuyên Việt khoảng 1990

 

Từ trái qua: họa sĩ Trần Khánh Chương, họa sĩ Đào Đức, họa sĩ Văn Đa, họa sĩ Lương Xuân Nhị, không rõ tên (Ảnh chụp tại triển lãm của họa sĩ Văn Giao năm 1999 tại Gallery Thế giới, Trần Hưng Đạo, Hà Nội)

 

Từ trái qua: họa sĩ Mai Long, họa sĩ Trần Lưu Hậu, họa sĩ Văn Đa, họa sĩ Đào Đức, họa sĩ Hồng Hải, không rõ tên
Từ trái qua: Nhà điêu khắc  Trần Tuy, Nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm, họa sĩ Cao Trọng Thiềm, họa sĩ Văn Thơ, họa sĩ Trần Khánh Chương

Vào những năm thập kỷ 90, tranh bán được nên giá bắt đầu leo thang. Nhiều người đến nhà ông Giao mua cây cảnh, nhìn thấy tranh phố trên tường liền bảo: “Bức kia đẹp thế, sao cụ nhiều tranh phố Phái thế, mà ông Phái sao không ký tên?”. Một số người lại gặng “Bác có bán không, cháu thích lắm!”. Ông Văn Giao thủng thẳng “mua cây tôi tặng tranh” nhưng không hề nói là tranh của ông hay của ông Phái vẽ. Thế là nghiễm nhiên một số người được tặng nghĩ là ông Phái vẽ. Hồi đó, có một vài người từ Sài Gòn ra lùng tranh của Phái họ mua lại từ người mua cây nhà ông Giao. Khi ấy, giá tranh của Phái đã lên đến hơn một nghìn đô. Từ những bức tranh này, lại có thêm một câu chuyện nữa mà tôi trực tiếp chứng kiến.

Hồi đó, tôi và Văn Giao lên nhà anh Vượng đồ cổ. Anh Vượng là người chuyên làm đồ gỗ kiểu giả cổ. Xưởng của Vượng có kiểu khung khuyết góc, có móc đồng rất hợp tranh của ông Giao. Vì thế ông Văn Giao đặt Vượng đóng khung cho mình.

Vượng biết tôi là người sưu tầm tranh Phái và ông Văn Giao chơi thân với Phái, khi thấy chúng tôi đến chơi liền hồ hởi khoe: “Cháu mới có một bức tranh Phái đẹp lắm, Sài Gòn đã trả cháu hơn một nghìn đô mà cháu chưa bán”. Nghe thấy thế tôi liền bảo: “Thế đưa tranh ra đây cho tôi xem, tôi mua”. Bức tranh của Vượng đang có đẹp quá, rất đẹp. Tôi xuýt xoa tấm tắc nhưng ông Giao không nói gì, lẳng lặng bấm vào tay tôi rồi bảo nhỏ: “Tranh của tôi vẽ đấy”. Sau đó, ông mới hắng giọng và nói thẳng với Vượng: “Đây là tranh bác vẽ, không phải ông Phái đâu… là do bác tức ông ấy nên bác vẽ đấy. Bác vẽ để cho những người ‘nói xấu’ bác hiểu là bác cũng không kém tài đâu. Còn bức này chắc cháu mua trôi nổi từ những người mua cây cảnh, đồ cổ họ bán phải không?”. Vượng ngạc nhiên trả lời: “Đúng thế ạ, cháu mua trôi nổi nhưng cháu thấy đấy đúng là tranh ông Phái, không những thế còn rất đẹp nữa nên cháu đinh ninh là tranh ông Phái dù không có chữ ký”.

Lúc ấy, Vượng có ý hơi ngượng (chắc vì không phân biệt được tranh Phái) nên phân bua “hóa ra bác vẽ đẹp thế mà có phần đẹp hơn…”. Bức tranh này sau một thời gian nữa, Vượng bán cho một người buôn tranh ở Sài Gòn với giá năm nghìn đô. Còn có một người chơi tranh mà tôi biết, đã nhờ người thạo chữ ký của ông Phái ký lên một trong những bức phố của Văn Giao, sau đó bán cho giới buôn tranh Sài Gòn…

VĂN GIAO – Phố cổ Hà Nội. Khoảng 1980 – 1990 Lụa. 28x41cm
VĂN GIAO – Phi minh túc thực. Khoảng 1980 – 1990. Lụa. 42x125cm

 

VĂN GIAO – Gánh lúa về làng. Khoảng 1980 – 1990. Lụa. 60x85cm

Không những có tài mà Văn Giao lại còn là người rất hào phóng. Thời ấy, Văn Giao là người tạo dáng số một về cây cảnh ở Hà Nội. Nói đến Văn Giao là nói đến tạo dáng cây cảnh. Ông Giao có một sân cây cảnh trên gác. Tôi là người học được từ ông rất nhiều kinh nghiệm cây cảnh, cây thế. Các bạn tôi thích cây, thích cả tranh Văn Giao. Họ bảo cháu muốn mua một bức tranh phong cảnh này và một số cây của cụ nữa. Khi Văn Giao ra giá, các ông bạn tôi sướng quá vì ông Giao lấy giá rất mềm, vừa phải. Ông Giao nói: “Nhân tiện anh thích cây, tôi bán tranh và tặng cây…”.

Trong quá trình sáng tác của Văn Giao, tôi có giúp ông tổ chức ba cuộc triển lãm. Hai cuộc liên tiếp năm 1994 tại gallery 61 Tràng Tiền, một cuộc năm 1999 tại gallery Thế Giới. Cả ba triển lãm ấy đều bán rất tốt. Hội họa Việt Nam hồi đó đa phần theo trào lưu phương Tây. Hội họa truyền thống có phần lép vế. Tranh thủy mặc, tranh theo lối phương Đông có phần bị coi nhẹ. Tranh của ông Giao hoàn toàn phương Đông. Mặc dù ông Giao không học vẽ bài bản ở trường lớp nào cả nhưng kỹ thuật của ông tốt nên tranh rất đẹp. Ba cuộc triển lãm tranh đều bán hết. Hồi đó, đạo diễn Lê Thanh ở Đài truyền hình Việt Nam còn giúp ông làm một bộ phim nhân triển lãm.

Sau khi Văn Giao mất, con trai là họa sĩ Văn Đức cũng học bố vẽ và vẽ khá đẹp, nhưng không thể đạt được cái thần như tranh của bố. Người kỹ tính vẫn chỉ yêu thích tranh Văn Giao.

Năm 2013, tôi cũng mời anh Văn Đức mang một số tranh lên triển lãm tại Phú Thọ của tôi, nhân triển lãm cổ vật ở bảo tàng Hùng Vương được đánh giá tốt dù tranh của anh Đức không phải tranh sáng tác, chỉ kỹ thuật tốt chép lại.

Còn một điều đặc biệt nữa là tranh của ông Giao là hoàn toàn do ông tự bồi. Ông học một số kỹ thuật bồi lụa của Trung Quốc, sau đó tự mày mò nghiên cứu tạo ra một chất hồ đặc biệt được làm từ bột mì và một số chất liệu khác. Khi bồi, ông làm trên một cái bàn đá lớn. Vì vậy, sau rất nhiều năm tháng tranh của ông vẫn rất tốt, phẳng và không bao giờ bị mốc…

Tôi mua rất nhiều tranh của Văn Giao và cũng bán giúp cho ông nhiều. Tranh Văn Giao đặc biệt thích hợp với chơi những không gian cổ vật, nội thất mang phong vị xưa trang nhã và cổ điển.  Khi mở gallery Thế Giới tôi ít sưu tập tranh Văn Giao. Khách họ thích tạo hình có tính phương Tây và nói thật là cũng lãi nhiều hơn. Thời gian gần đây, tranh Văn Giao được nhiều người thích và sưu tập lại nhưng tôi cũng không còn. Chỉ giữ lại vài bức đã gắn bó với tôi trong suốt nhiều năm qua.

Nay “ôn cố tri tân” tôi lại rưng rưng nhớ tới Văn Giao, người bạn tốt bụng, lịch thiệp, tài khéo và nhân ái hơn người…

Nguyễn Mạnh Phúc

 

 

Tin cùng chuyên mục

Triển lãm tranh của các họa sĩ trẻ về Hà Nội

NDO – Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, chiều 8/10, triển lãm “Lớp Love Hà Nội” khai mạc tại Aqua Art, 44 Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội.                       Không gian...

Khai mạc Triển Lãm Mỹ Thuật Bắc Giang năm 2024

Sáng 9/10/2024, tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh tổ chức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật Bắc Giang năm 2024. Nhằm thúc đẩy tiềm năng văn học nghệ thuật, mỹ thuật trong thời kỳ hội nhập có...

Triển lãm “Hồn của đất” gửi gắm tình yêu với Bác Hồ và Thủ đô Hà Nội

NDO – Ngày 8/10, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), 65 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Bát Tràng (1959-2024), Triển lãm “Hồn của Đất” đã được khai mạc tại...

LỘC – DUYÊN – ĐẤT – TRỜI.

Thuần khiết tinh giản, tinh giản đồng nhất, hồn hậu tự nhiên dưỡng như không có gì là gì gắng gượng… là cảm giác mênh mông vô định… khi một mình trầm ngâm – tha thẩn trong phòng tranh...

Triển lãm “Bản diện kim cương II”

Vào lúc 16h30 thứ Ba ngày 1 tháng 10 năm 2024, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Bản diện kim cương II” của họa sĩ Đinh Quang Tỉnh (Nghệ danh: Ba Tỉnh)....

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

Triển lãm phác thảo tranh Nguyễn Gia Trí

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh danh họa Nguyễn Gia Trí, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm Những phác thảo tranh của họa sĩ...

TRÒ CHUYỆN CÙNG HỌA SĨ ĐỖ HỮU HUỀ: KHÓA TÔ NGỌC VÂN VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN KHÁC

Ở tuổi 85, chú Đỗ Hữu Huề vẫn hồng hào, tươi vui, tinh tường. Chú vẫn thường xuyên vẽ, đọc sách, tham gia triển lãm hoặc đi thăm bạn bè… Để có được bài phỏng vấn này (và giúp xác...

Tổ chức Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện “Cuộc thi và Triển lãm Mỹ...

KHỔNG ĐỖ TUYỀN – LIỆU CÓ NGẪU NHIÊN DỪNG LẠI Ở BIÊN, ĐÍCH NÀO ?

  Những năm sau năm 2000, tôi mới tốt nghiệp trường Mỹ thuật 42 Yết Kiêu, thường quay lại cổng trường ngồi uống trà tán dóc, thích thú quan sát những người ở khoa Điêu khắc vì bản thân...

VIẾT VỀ CHA TÔI

  Nhân dịp Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cha tôi – họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908 – 20.6.1993), tôi xin có mấy lời cảm tưởng như sau. Tôi chưa được về...