Đã thành lệ, mỗi khi Tết đến xuân về tôi cùng các hoạ sĩ lại ngả giấy ngả màu ra vẽ 12 con Giáp. 12 con vật thiêng ấy mỗi con một vẻ mang nhiều màu sắc tâm linh ngàn xưa trong truyền thuyết dân gian Việt Nam và nhân loại… Đến bây giờ người ta cũng không hiểu tại sao loài người lại chọn 12 con vật ấy làm biểu tượng tâm linh? Những con cao quý như Rồng, Hổ, Ngựa… đã đành, những con hữu ích như Gà, Mèo, Chó, Dê, Trâu… dễ hiểu… còn chú Chuột thì không hiểu nổi, lại còn đứng đầu 12 con Giáp nữa chứ ? Nhiều hoạ sĩ tới những năm có những con vật khó vẽ (khó bán nữa) như năm Chuột, năm Khỉ, năm Rắn… là không thèm vẽ nữa! Rất ít hoạ sĩ kiên cường chiến đấu không bỏ qua năm nào trong đó có tôi!
Năm nay là năm con Lợn (Hợi) năm cuối cùng của địa chi 12 con Giáp. Có nhẽ vì ý nghĩa vậy mà nó được đặt trong cái Kết? Con Lợn từ xa xưa ông cha ta đã miêu tả trong Tranh Dân gian Đông Hồ như Lợn ăn cây ráy, Lợn đàn… miêu tả sự dũng mãnh của chú lợn đực, ông chủ gia đình và một đàn lợn quây quanh mẹ có vòng xoáy âm dương trên lưng và đủ ngũ hành trên sắc màu. Ngày nay, các hoạ sĩ tân thời có thêm các hình khối hiện đại cùng lối vẽ tân kỳ mô đéc vào nhưng cũng vẫn với mục đích miêu tả một ước mơ sâu lắng của dân tộc: Một cuộc sống no đủ, phồn thịnh, một gia đình đông vui, sung túc, quây quần, trong một đời sống văn hoá tâm linh phong phú, đất nước thăng hoa, kinh tế phát triển đủ đầy…!
Đó cũng là lời chúc của người viết bài này nhân dịp Tết đến Xuân về và thêm lời chúc nữa là sức khỏe như lợn đực nhân dịp năm Kỷ Hợi.
Tranh vẽ các con giáp (năm 2018) của họa sĩ Lê Trí Dũng
Lê Trí Dũng