Nhà thơ Trần Lê Văn, ông làm thơ và viết sách công tác ở Viện Hán Nôm. Ông có nhiều công đóng góp cho nền văn học Việt Nam, là bạn thân với nhà thơ Quang Dũng. Hai người thân nhau như hình với bóng.
Ông rất hâm mộ Bùi Xuân Phái và thường nói: “Trông Bùi Xuân Phái như hình tượng Đức chúa Jesus”.
Thấy ông Phái vẽ tranh hề chèo, nhân dịp ngày giáp Tết, Trần Lê Văn bèn xin ông Phái vẽ bức tranh “lão say”.
Đáp ứng sở thích của bạn, ông Phái chỉ vạch vài ba nét bút trên tờ giấy dó đã hiện lên hình ảnh một ông lão râu tóc bạc phơ, đầu cuốn chiếc khăn nhiễu màu Tam Giang, với chiếc áo màu lam và chiếc quần điều. Tay chống chiếc gậy trúc, tay kia cầm chiếc quạt giấy, chân đi đôi giầy Gia Định, bước đi lảo đảo,… thật đúng là “Lão say”.
Ông Văn thích quá cầm ngay tranh về. Lúc đi qua đường Hàng Trống, gần hồ Hoàn Kiếm, có cơn gió thổi mạnh làm bay mất bức tranh…
Trần Lê Văn ngẩn người, nghĩ ngợi tiếc nuối nên bèn quay lại gặp Phái nói giọng thảng thốt: “Ông Phái ơi! Lão say bay mất rồi!”
Ông Phái hỏi: “Ai bay?”
Trần Lê Văn vẻ mặt thẫn thờ, giọng nói buồn bã: “Lão say!”
Hiểu ý bạn, ông Phái nói không sao, ngồi chờ tôi một chút tôi sẽ vẽ cho ông bức khác. Chỉ nhoáng độ mươi phút, hình lão say thứ hai đã hiện lên trông không khác gì bức trước.
Mừng quá, ông Văn cẩn thận mang về tới nhà, lồng vào khung rồi treo ngay lên trên tường ngồi ngắm nghía ai đến ông cũng khoe.
Khi ông Văn mất, vợ ông là bà Lung (người dân tộc Thái Trắng ở miền Tây Bắc) vẫn giữ bức tranh đó để cạnh bức ảnh của chồng mình trên ban thờ. Khi đó nhà còn ở phố Hàm Long.
Sau chuyển nhà ra phố Lò Đúc thì bà cho cô con gái bức tranh đó.
Ông Nguyễn Mạnh Phúc muốn sưu tầm tranh này nên tìm đến chỗ cô con gái ông Văn để hỏi mua. Nhưng cô ta giữ lại chứ không bán.
Đã mấy chục năm rồi không rõ bức tranh đó giờ ở đâu?
Ngày 19/10/2019
Nguyễn Bá Đạm