Nổi tiếng trên văn đàn từ những năm 90 thế kỷ trước với những cuốn tiểu thuyết: “Lời cuối cho em”, “Kẻ mắc chứng điên”, “Phố” hay những truyện ngắn “Nô tỳ được trang sức”, “Sóng vỗ mạn thuyền”, “Thời gian ngoảnh mặt”, “Thị Lộ”… Từng nhận Giải thưởng của Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, của Hội Nhà Văn Việt Nam, hay Giải thưởng của Hội đồng Anh về Nghệ thuật sắp đặt “Âm thanh và Ánh sáng”, bỗng nhiên, giờ đây nhà văn Trần Thị Trường quay về với hội họa giá vẽ, với lối vẽ hiện thực và ấn tượng.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Hải Kiên, giảng viên Trường Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, bằng một phương pháp sư phạm khoa học, họa sĩ Hải Kiên đã giúp Trần Thị Trường mau chóng nhớ lại nghệ thuật tạo hình và có được một phong độ đáng chú ý, gây ấn tượng cho đồng nghiệp và báo giới, bao gồm: Báo Phụ nữ mới, Tiền Phong, Văn nghệ công an, Thương gia, An ninh thế giới…. Trong 35 bức sẽ bày trong triển lãm sắp tới của nữ nhà văn tại 16 Ngô Quyền trong tháng 12 này thì tới 30 bức là tĩnh vật. Thông qua các đồ vật, đã từng có mặt trong cuộc sống của bà, bà cho rằng mọi đồ vật đều có linh hồn, và bà vẽ cái linh hồn của nó. Trước khi triển lãm diễn ra, tranh của bà đã được một số nhà sưu tập chú ý, bà cho biết các bức như: “ Kinh Thánh dưới ánh sáng”; “Chiếc ấm cổ”; “11 đóa hồng”; “Chiếc ấm Nga”; “ Hoa hồng 2”; “Hoa sen”; “Lọ men ngọc”… đã rời không gian của bà về với không gian của người yêu tranh và nhà sưu tập.
Được biết Trần Thị Trường đỗ Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khóa 73 – 78 nhưng do hoàn cảnh gia đình bà chỉ học đến năm thứ 2, sau đó bà sang làm việc tại Bulgaria, trở về bà chuyển sang viết văn làm báo. Là một nhà báo có nhiều bài bình luận về âm nhạc sắc sảo, am hiểu quyền tác giả, bà đã có 9 năm làm việc trong cương vị Phó Giám đốc khu vực phía Bắc của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (thuộc Hội nhạc sĩ Việt Nam). Bà cho biết: “Mặc dù chưa bao giờ ngừng viết, chưa bao giờ thôi hy vọng chữ viết là một phương tiện hữu hiệu có thể tác động đến đời sống con người. Nhưng ngôn ngữ biểu đạt còn có những hình thức khác, trong đó có hội họa, và hiện tại tôi thấy rất hào hứng, say mê với môn nghệ thuật tạo hình này”.
35 bức có thể gọi là: “Những xúc cảm của Trường”, cũng có thể gọi là: “Cuộc đời màu hồng” (La vie En Rose), bởi vì có đến 3 bức mang tên như vậy (Cuộc đời màu hồng 1- 2-3), với những gam màu giàu cảm xúc, màu phong phú, bố cục chặt chẽ ngay cả khi buông lơi một không gian khoáng đạt trong tranh…
Một số tác phẩm trưng bày trong triển lãm sắp tới:
Phúc Hưng