NGUYỄN SÁNG, MỘT NGƯỜI CON CÓ HIẾU

 

Trong một lần gặp gỡ tình cờ tôi quen biết bác Nguyễn Đình Tân (sinh 1936) là anh em cọc chèo với Nguyễn Sáng. Khi biết tôi làm ở báo Mỹ thuật, bác quý mến lắm. Thi thoảng, hai bác cháu gặp nhau khi ngồi uống chén trà nóng buổi sáng ở ngã tư Hàm Long – Hàng Bài… là bác luôn kể những câu chuyện về Nguyễn Sáng với một tình cảm trìu mến và nể trọng. Nguyễn Sáng sinh năm 1923, hơn bác Tân rất nhiều tuổi nhưng ông luôn xưng “em và anh” một cách rất lễ phép với bác Tân. Vợ bác Tân là Nguyễn Ái Lan (sinh 1942) là chị gái của Nguyễn Thị Thủy (sinh 1955). Cô Thủy sau này là vợ Nguyễn Sáng. Bác Tân chơi với ông Sáng từ những năm 1960 từ khi bác Tân còn làm ở Viện Khoa học Việt Nam. Trong trí nhớ của bác Tân về Nguyễn Sáng luôn đầy ắp những kỷ niệm. Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019, tôi xin ghi ra đây mấy mẩu chuyện nho nhỏ để bạn đọc thêm yêu mến một tài năng hội họa…

NGUYỄN SÁNG – Chân dung tự họa. 1962. Sơn dầu trên vải. 60x45cm Sưu tập Bảo tàng Đức Minh, Tp. Hồ Chí Minh

… Sáng đi cái xe đạp tòn ten, đầu không bao giờ rời cái mũ cáu bẩn nửa catket, nửa lưỡi trai – vì lưỡi trai quá ngắn. Chúng tôi quen nhau trước khi Sáng cưới Thủy. Quen nhau bởi tôi tuy làm ở Viện Khoa học nhưng lại thích chơi với nhóm văn nghệ sĩ. Chúng tôi hay về nhà nhau uống rượu, chuyện trò; rồi có những lúc tôi, Nguyễn Sáng, Hoàng Trung Thông, Mai Văn Hiến cùng “nhóm rượu” rủ nhau ra quán bia chui ở số 7 phố Huế. Lại có những hôm Sáng và tôi cùng nhau đi ăn sốt vang ở Bát Đàn, rồi rẽ qua Thuốc Bắc thăm nhà Bùi Xuân Phái. Cũng có những lúc “đời lên hương”, khi tranh của Sáng được một gia đình Việt kiều tại Pháp yêu quý, họ đã gửi cho Sáng chiếc xe máy Peugeot 102 city màu đỏ chót và Sáng rủ tôi vi vu lượn phố, sau đó đi ăn bún chả ở chợ Ngô Sỹ Liên chỗ ga Hàng Cỏ. Đi chơi la đà, rồi uống rượu là thế nhưng khi Sáng làm việc là làm liên tục, cặm cụi tập trung sáng tác trong căn phòng nhỏ 65 Nguyễn Thái Học. Tranh Nguyễn Sáng để lại ít vì ông dành thời gian nhiều cho rượu, thời gian để vẽ có vẻ ít hơn…đã thế lại phải thích mới vẽ; vẽ lại phải theo đúng sự sáng tạo trong tâm, còn những lời mời vẽ chân dung dù có trả bao nhiêu nếu không hợp hoặc nếu hợp mà lại kỳ kèo thì Sáng gạt phăng không bao giờ nhận. Vì thế, có những hợp đồng “rất hời” nhưng người đặt tranh lại muốn Sáng vẽ theo ý họ, Sáng thẳng thừng từ chối dù lúc đó Sáng nợ nần khắp nơi. Nhưng Sáng không vẽ là kiên quyết không vẽ…

Từ trái qua phải: Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Sáng trong triển lãm tranh của Nguyễn Sáng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 

Cô Nguyễn Thị Thủy (1955 – 1979) vợ của Nguyễn Sáng

Còn chuyện hôn nhân của Sáng thì thật long đong. Sáng yêu Thủy cũng khổ lắm. Khổ từ lúc yêu tới lúc cưới. Thời ấy, chuyện Thủy yêu Nguyễn Sáng là chuyện “không thể chấp nhận được”, vì Nguyễn Sáng bằng tuổi và chơi với ông Nguyễn Tuynh (bố ruột của Thủy). Sáng và Thủy cách nhau tới 32 tuổi. Gia đình Thủy có thoáng hơn chút, tuy trong lòng không đồng ý lắm nhưng cũng không ai “biểu hiện ra mặt”. Cho đến một hôm, vào buổi tối, Thủy đột ngột tới nhà thăm vợ chồng tôi. Sau khi sụt sịt một hồi Thủy nói với tôi :“Nó (Hưng – em trai Thủy, hiện nay vẫn sống tại căn phòng của Nguyễn Sáng tại 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) tát em”. Hóa ra, sau một buổi đi chơi với Sáng về, hai chị em có lời qua tiếng lại và Hưng đã tát chị. Tôi thấy chuyện này căng rồi, em tát chị là không thể được. Hôm sau tôi gọi Hưng tới nói chuyện đại ý là “Em không được phép tát Thủy. Thời buổi bây giờ tân tiến lắm rồi;  trai chưa vợ, gái chưa chồng; họ yêu nhau tự nguyện, đến pháp luật còn chẳng có quyền gì nữa là mình…”. Không ngờ sau chuyện đó thì bố vợ tôi trước có phản đối ngầm thì nay lại chuyển ý vui vẻ đồng ý. Câu chuyện dần trở nên tốt đẹp, hai người thực sự rất yêu nhau. Sáng yêu và chăm lo cho Thủy lắm, bởi Thủy vốn đã yếu sẵn do căn bệnh thiếu kali trong máu. Tôi nhớ, trước khi lấy Thủy, Nguyễn Sáng còn có mấy cô học trò cũng mê Sáng lắm. Trong đó có một cô rất mê Sáng. Mê đến mức tận sau này, khi Thủy mất, cô ấy còn đến tận nhà tìm tôi, nhờ tôi tác động với Sáng, để Sáng đồng ý yêu và lấy cô ấy làm vợ. Nhưng Sáng nhất quyết không đồng ý…

Còn chuyện về đám cưới của Sáng thì quả là một câu chuyện buồn, buồn lắm. Khoảng mùa thu năm 1977, trước ngày cưới một hôm, thì tôi nhận được tin khẩn cấp. Bố mẹ vợ hốt hoảng gọi tôi xuống chỗ chợ Mơ đưa Thủy đi cấp cứu. Thủy bị chóng mặt, ngã xe (vẫn là căn bệnh thiếu kali trong máu) khi đi mời nốt thiếp cưới. Tôi đi ngay xuống và đưa Thủy vào cấp cứu ở bệnh viện Việt Đức. Tuy Thủy ốm, mệt nhưng hôm sau đám cưới vẫn phải diễn ra vì mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng. Chỉ khác là phải rước dâu trong bệnh viện. Và có lẽ đây là đám cưới độc nhất vô nhị…

Từ trái qua phải: bà Nguyễn Thị Huê, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, bà Nguyễn Thị Tụy, anh Nguyễn Trường Sơn. Ông Nguyễn Kim Sơn (ba của Nguyễn Trường Sơn giới thiệu họa sĩ Nguyễn Sáng với dược sĩ Cao Xuân Toàn (con của bà Nguyễn Thị Tụy) vẽ bức chân dung má mình. Sau đó ông Toàn gửi từ Pháp về cho Nguyễn Sáng một xe máy Peugeot 102 city màu đỏ, áo khoác, mũ nồi (beret) và một cái chăn có khóa kéo lại làm túi ngủ. Ảnh chụp tại nhà ông Cao Xuân Toàn, tháng 6/1975 tại Paris
NGUYỄN SÁNG – Chân dung bà Nguyễn Thị Tụy

Buổi sáng hôm sau là ngày cưới, tôi và cậu họa sĩ tên Dậu tháp tùng Nguyễn Sáng ôm hoa cưới, cả ba lên chiếc xe ô tô mượn của Hội Mỹ thuật Việt Nam vào trong bệnh viện rước dâu. Cô Thủy lúc ấy vẫn nằm trên giường bệnh, bên cạnh là cô em ruột tên là Ngọc. Hai người trao hoa cho nhau trươc sự chứng kiến của bác sĩ, y tá, các bệnh nhân và người nhà của họ. Đám cưới gây xôn xao bệnh viện suốt mấy ngày sau đó.

Ở nhà Sáng, đám cưới vẫn diễn ra bình thường, mọi người vẫn tới dự đông đủ. Đích thân nhà văn Nguyễn Tuân làm chủ hôn. Tất cả đều đầy đủ trọn vẹn, chỉ thiếu mỗi cô dâu. Thật tội cho Sáng…

Sau ngày cưới vài hôm thì Thủy ra viện. Bệnh của Thủy không quá phức tạp, chỉ là thiếu kali. Nếu được truyền kali kịp thời thì cũng nhanh khỏi. Khi vào Sài Gòn, Thủy mất đột ngột cũng do người nhà không mua kịp kali. Bởi thời đó thuốc men thiếu thốn và khó khăn, mỗi đơn thuốc phải nhờ vả cậy cục người quen rất nhiều mới mua được.

Ở ngoài Hà Nội, Sáng còn người em trai tên là Nguyễn Văn Hoa, dạy ngoại ngữ ở trường Đại học Ngoại giao. Ông Hoa dáng người cao gầy, giọng nói nhỏ nhẹ, ăn mặc giản dị. Sau giải phóng gia đình ông Hoa mới quay về miền Nam. Năm 1983 – 1984, tôi công tác hai năm tại Sài Gòn, có lại chơi nhà Nguyễn Sáng (thời kỳ đó Sáng ở với gia đình ông Hoa). Ông Hoa rất thương quý anh trai. Chỉ có bà vợ hai của Hoa tên Nga, rất “tác ta”. Bà Nga luôn cần tiền. Khi Sáng bán được tranh là bà ta “ngọt nhạt”. Khi Sáng không có tiền, ốm đau thì bà ta không những mặc kệ mà còn tỏ thái độ khó chịu, coi thường. Có một lần tôi tới thắp hương vào ngày giỗ mẹ Sáng.

Ông Nguyễn Đình Tân, nhà báo Bùi Hoàng Anh. Hà Nội tháng 12 năm 2018

Hồi ấy Sáng cũng ốm lắm. Thấy tôi đến chơi Sáng vui ra mặt, sau khi thăm hỏi thì Sáng có vẫy tôi tới gần nói nhỏ, ngỏ ý muốn nhờ tôi “giặt cho cái quần dài” đã ngâm trong chậu ba ngày ở buồng tắm. Tôi xót xa thở dài thương cho Sáng. Sau này, có lần được đến nghĩa trang thắp hương cho Thủy, nhìn thấy ngôi mộ “song táng” của Thủy và Sáng (đã để sẵn – nghe đâu do Hội Mỹ thuật chuẩn bị trước theo ý nguyện của Sáng), trong lòng tôi dâng lên một nỗi buồn chia ly khó tả với ý nghĩ “có lẽ chỉ khi nào Sáng ra đi, được nằm cạnh bên Thủy thì Sáng mới mỉm cười  thanh thản, hạnh phúc…”.

Lại nhớ, Sáng là người con rất hiếu lễ với cả hai bên nội ngoại. Kể cả sau này khi cô Thủy mất thì Nguyễn Sáng vẫn không quên bất cứ một ngày giỗ nào bên nhà mẹ vợ. Lễ, Tết đều có mặt đầy đủ mang hoa quả, bánh trái tới thăm hỏi bố mẹ vợ. Năm 1996, sau ngày Nguyễn Sáng mất tám năm, Sáng được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, số tiền giải thưởng cũng được Chính phủ gửi lại cho ông Nguyễn Tuynh, bố vợ của Sáng. Vậy là, sau khi Sáng đã qua đời thì những thành tựu của ông cho mỹ thuật vẫn trở thành món quà ý nghĩa dành tặng người thân.

Nguyễn Sáng sở hữu một cá tính mạnh mẽ, rượu bất cần đời, có chút kiêu căng của người biết mình có tài…nhưng với gia đình, ông là một người sống rất biết cách cư xử sau trước theo đúng tôn ti trật tự. Những gì thuộc về lễ nghĩa, với bố mẹ, với vợ, với anh em trong gia đình của Nguyễn Sáng đều để lại những thương nhớ khôn nguôi về ông trong lòng người còn sống…

Hà Nội tháng 12/2018

Hoàng Anh

(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Đình Tân)

 

 

Tin cùng chuyên mục

Hoạ sĩ Thái Tĩnh trong sắc thu vĩnh cửu

Lắng đọng trong tâm khảm mỗi người nghệ sĩ, khi nắm bắt được ý tưởng trong sáng tạo nghệ thuật với sự chuyển hóa của mùa luôn mang sắc thái rất riêng và rất đẹp. Ý niệm đã sẵn có...

Hội Mỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028

Sáng 10/9, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Hội Mỹ thuật Hải Phòng đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028. Tham dự và chúc mừng Đại hội có họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ...

Khai mạc triển lãm tranh “Sắc màu Non nước Cao Bằng”

NDO – Sáng 6/9, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng đã phối hợp Hội Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Thông tin Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức triển lãm tranh với chủ đề “Sắc màu Non...

Tình cảm của Lãnh đạo và nhân dân các nước trên thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các Di tích tưởng niệm Người  

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đi bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu lại những dấu ấn sâu đậm về tình hữu nghị, tình đoàn...

Triển lãm các tác phẩm nghệ thuật từ Đông Dương đến đương đại mang tên “Sắc màu thời gian”

NDO – Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9 và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Câu lạc bộ Sưu tập nghệ thuật Ngọc Hà, thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức triển lãm các tác phẩm...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

SƠN TRÚC – NGƯỜI PHỤ NỮ SÁNG TẠO

  Trong thế hệ của mình, có thể nói, Sơn Trúc là một trong những họa sĩ sớm có tên tuổi và sớm tìm ra được một tiếng nói riêng, một con đường đi riêng, là mình nhưng không hề lạc lõng,...

“NHẬT THỰC” CỦA PHƯƠNG QUỐC TRÍ, MỘT CỰC ĐOAN ĐẦY THI TÍNH VÀ NHÂN BẢN

  Phương Quốc Trí, là một trong vài hoạ sĩ Việt Nam mà nhiều năm qua, tôi đặc biệt theo dõi với nhiều hứng thú. Ngay ở những bước đầu sáng tác của anh, tôi đã tin anh sẽ đi xa và để lại...

Tổ chức Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 năm 2024

(Chinhphu.vn) – Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 năm 2024 được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Ban Tổ chức dự kiến sẽ lựa chọn khoảng 200-250 tác phẩm mỹ thuật của các các họa sỹ, nhà...

Bộ sưu tập tranh – Collection Tạp chí Mỹ thuật tháng 7-8 năm 2019

             ...

Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết Ban Chấp hành khoá IX (Nhiệm kỳ 2019 – 2024)

Sáng ngày 30/05/2024, tại tầng 3 Nhà triển lãm Mỹ Thuật 16 Ngô Quyền, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết Ban Chấp hành khoá IX (Nhiệm kỳ 2019 – 2024) kỳ thứ 7...