Họa sĩ Nam Sơn là người đã cống hiến suốt cuộc đời không hề mệt mỏi cho sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam đương đại. Ông đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong nền hội họa nước nhà. Đồng sáng lập trường Mỹ Thuật Đông Dương cùng họa sĩ Pháp Victor Tardieu, tuy nhiên, tác phẩm của Nam Sơn rất hiếm hoi, thuộc về các sáng tác được truy tìm gay gắt trong giới thưởng ngoạn cũng như các nhà sưu tập.
Ngày 12/4/2019, nhà đấu giá Aguttes sẽ đưa lên sàn đấu danh tiếng Drouot tại Paris (sảnh 9, lúc 14h30) bức tranh sơn dầu có tên “Ông già Kim Liên” của họa sĩ Nam Sơn, với giá khởi điểm 100.000 / 150.000 euro.
Ra đời gần 100 năm, “Ông già Kim Liên” là một trong những tác phẩm quan trọng trong cuộc đời sáng tác của họa sĩ Nam Sơn, đã được nhắc đến trong rất nhiều những biên khảo, sách vở cũng như luận án liên quan đến nền mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đông Dương.
Bức tranh có kích thước 40,2 x 52,3 cm, thực hiện vào năm 1926, bằng chất liệu sơn dầu, vào thời đó là một kỹ thuật hoàn toàn xa lạ và mới mẻ đối với người An Nam.
Nên biết Nam Sơn tự học sơn dầu rất sớm. Trước khi trường Mỹ Thuật Đông Dương thành lập, ông đã có thể sử dụng chất liệu này một cách nhuần nhuyễn và sáng tác những tác phẩm để đời.
Tại Hà Nội vào đầu thế kỷ XX, những cuộc đấu xảo (hội chợ) được tổ chức, là những sự kiện làm nổi bật đời sống văn hóa và nghệ thuật. Năm 1923, một cuộc đấu xảo do hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức, đã kêu gọi và quy tụ nhiều tài năng mới.(1)
Lần đầu tiên Nam Sơn tham gia triển lãm, những bức tranh sơn dầu “Nhà nho xứ Bắc”, “Tĩnh vật” của Nam Sơn đã làm ông trở thành một trong những người vẽ tranh sơn dầu đầu tiên của nước Việt Nam.(2) Chính vì nhận thấy kỹ thuật vẽ sơn dầu tuy tự học nhưng có rất nhiều triển vọng này, trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với Nam Sơn tại Hội quán Sinh viên An-nam (Foyer des Étudiants annamites)(3) tại Hà Nội, Victor Tardieu, giải thưởng Đông Dương 1920, đã quyết định chấp nhận hướng dẫn chàng trai trẻ đầy đam mê ấy vào con đường nghệ thuật.(4) Cuộc hạnh ngộ bất ngờ và kỳ diệu đó đã đưa hội họa Việt Nam, vốn dĩ có nhiều ảnh hưởng Trung Hoa, vào một bước ngoặc lịch sử, lập ra một nền móng nghệ thuật Việt Nam hoàn toàn mới lạ mà sau này tiếng tăm đã lừng lẫy khắp hoàn cầu: Sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1924.
Năm 1926, Nam Sơn tiếp tục thân quen với kỹ thuật sơn dầu, theo xu hướng ngày càng thiên về một nghệ thuật dung hòa giữa phong cách cổ xưa và tân thời, kết hợp tính hiện đại Tây phương vào các ước lệ truyền thống Á Đông. “Ông già Kim Liên” được ra đời với tinh thần ấy.
Một số nhà nghiên cứu cũng như trong vài tài liệu đã nhầm lẫn khi ghi rằng “Ông già Kim Liên” được vẽ năm 1923, và đã triển lãm tại hội Khai Trí Tiến Đức cùng với “Nhà nho xứ Bắc” và “Tĩnh vật” đã nói ở trên.
Người sở hữu bức tranh đã tìm đến gặp bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, con gái thứ ba của họa sĩ Nam Sơn, hiện nay 87 tuổi, để nghe bà kể chuyện về tác phẩm danh tiếng của đấng sinh thành. Trước tranh, bà Ngọc Trâm bồi hồi nhớ lại dĩ vãng thời thơ ấu cách đây gần 80 năm. Thuở còn tấm bé bà đã từng có dịp ngắm nhìn gương mặt gầy gò của người đàn ông trong tranh, với trí óc con trẻ, lòng ngây thơ tự hỏi tại sao bao nhiêu trai thanh gái lịch, ông già nông dân này có điểm gì đặt biệt để cha của mình thể hiện lên tranh ?
Quả nhiên, chân dung “Ông già Kim Liên” có một phong thái mới. Tổng thể, bức tranh diễn tả chân dung một người đàn ông dáng ngồi nghiêng, ánh mắt nhìn về xa xa… Gương mặt ông trầm tư, có vẻ khắc khổ với đôi chân mày nhíu lại, ngực để trần lộ ra nét gầy gò rạm nắng. Đầu ông vấn chiếc khăn cũ kỹ, màu sắc đã phai mờ theo thời gian. Cơ thể học thể hiện rõ ràng ông là một người Á Đông, có dáng vấp đặc biệt của người nông thôn miền kinh Bắc đất Việt. Miệng ông hô (vẩu) một cách đặc trưng, tạo nên phong thái riêng biệt, với cái nhìn của người ngoại quốc ông có nét duyên dáng nổi bật (charme exotique) khó quên. Phải chăng chính vì vẻ đặc thù này mà ông được Nam Sơn chọn đưa lên tranh?
Bà Ngọc Trâm kể rằng, với cái nhìn sắc bén và nhạy cảm, Nam Sơn thường chọn những người mẫu tình cờ bên đường, từ lão nông dân, ông bán lạc rang, người làm thuê, đến anh gánh hàng rong hay ngay cả người hành khất… Bà đã từng chứng kiến cha của mình vừa miệt mài vẽ dưới bóng râm bên đường, hay ven đình chùa miền quê…, vừa trò chuyện giải khuây người mẫu ngẫu nhiên, và cuối cùng là phần thưởng hậu hĩ dành riêng cho họ. Quang cảnh này đã lôi kéo rất nhiều khách tò mò dừng lại xem với đôi mắt trầm trồ tán thưởng, khi họ nhìn thấy người mẫu mà đối với họ rất tầm thường dần dần hiện lên tranh như một phép màu. Nhân vật được chọn làm mẫu bỗng nhiên trở nên quan trọng hơn, duyên dáng đẹp đẽ muôn phần…
Phong thái Tây phương để lại nhiều dấu vết trên hậu cảnh bức tranh. Những tán cây được hình dung bằng những mảng màu lớn, như một bức thảm hoa lá dệt thêu, diễn tả theo lối nhìn Âu Châu. Thấp thoáng màu vàng đất đậm nhạt, nhưng màu xanh lá cây chiếm ưu thế với nhiều sắc độ khác nhau. Victor Tardieu đã từng tuyên bố với sinh viên rằng đất nước Đông Dương được thiên nhiên ưu đãi một màu xanh huyền diệu, với muôn nghìn sắc độ, phải biết tận dụng món quà quý báu này, làm ngà ngọc mà đưa lên tranh…
Chúng ta có thể nhận ra chân dung lão nông làng Kim Liên có ảnh hưởng sắc thái Cézanne, người được mệnh danh là “cha đẻ của nghệ thuật hiện đại”, qua cách xử lý màu sắc, nhất là ở những mảng tối và đường viền. Nhưng tinh thần và cá tính của Gauguin cũng hiện lên rõ ràng, vì tuy ảnh hưởng kỹ thuật Tây phương nhưng tranh không mất đi tính Á Đông, Nam Sơn lột tả được nét “bản xứ” người Kinh Bắc một cách tài tình và khéo léo.
Hãy xem lời phê bình tác phẩm “Ông già Kim Liên” của Nadine André-Pallois, nhà nghiên cứu và sử gia mỹ thuật, đã viết trong luận án của mình “Đông Dương: Nơi chốn trao đổi văn hóa?”:
“Chân dung bán thân của lão nông dân được thể hiện góc nghiêng ba phần tư. Phía sau, nền tranh là những khối màu đất son, xanh lá cây, vàng, tượng trưng cho thực vật cây cối. Người mẫu nổi lên trên không gian được xây dựng bằng những điểm nhấn nhiều màu sắc tầng tầng lớp lớp, dấu vết những vệt rãnh nhỏ của nét cọ vẫn còn để lại rõ ràng. Họa sĩ đã kết hợp việc sử dụng cọ và dao, kỹ thuật này được mượn từ trường phái Ấn tượng, kết quả những ngày tháng ông học tại Paris, có nghĩa là diễn đạt biến tấu màu sắc thoáng qua của thiên nhiên bằng cách sử dụng khéo léo ánh sáng và bóng tối. Kỹ thuật này gợi nhớ phương pháp của Cézanne, vượt trên tính cách của phong trào ấn tượng, ông vẫn giữ ý niệm về hình thể, nhưng làm đổi mới phong cách của mình bằng màu sắc, đôi khi được đánh dấu bằng các đường viền phức tạp và khúc khuỷu (phương pháp xử lý không gian kiểu mới xuất hiện khoảng năm 1880)“.
(“LIndochine: un lieu déchange culturel? Les peintres français et indochinois, fin XIXème – XXème siècle”, op.cit., trang 225).
Tác phẩm “Ông già Kim Liên” được căng lên trên khung nguyên thủy. Phía dưới, góc trái, chúng ta đọc được “Kim Liên, Nam Sơn, 1926”, có nghĩa là tranh của họa sĩ Nam Sơn, được vẽ tại Kim Liên, một ngôi làng xinh xắn nằm ven Hà Nội(5) hoàn thành năm 1926.
Bức chân dung này trước đây thuộc bộ sưu tập Nguyễn Văn Lâm (Lâm cà-phê). Phía sau lưng, ông Lâm còn ghi lại dòng chữ viết tay “tranh của cụ Nam Sơn tặng tôi”, dưới là chữ ký và địa chỉ.
Lần đầu tiên, một bức tranh sơn dầu của họa sĩ Nam Sơn được đưa lên sàn đấu giá. Tác phẩm đặc sắc, trên quan điểm kỹ thuật cũng như phương diện lịch sử hội họa Việt Nam, “Ông già Kim Liên” xứng đáng được hiện diện trong những bộ sưu tập lớn nhất trên thế giới hay trong bảo tàng chuyên môn.
Họa sĩ Nam Sơn từng viết: “Lập nên một trường Đại học để đào tạo lấy nghệ sĩ có tài duy trì lấy nền tảng Mỹ thuật của tổ tiên để lại, ngõ hầu cải tạo, sáng tác lấy một nền Mỹ thuật Đông Phương có cá tính Việt Nam“. “Ông già Kim Liên” hoàn toàn có cá tính Việt Nam!
Paris, ngày 31/3/2019
NGÔ Kim-Khôi
Chercheur indépendant en art vietnamien.
Tài liệu tham khảo:
– Các họa sĩ trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (Les peintres de l’École Supérieure des Beaux-Art de l’Indochine), Quang Việt, nxb Mỹ Thuật, Hà Nội 1993.
– Hội họa sơn dầu Việt Nam (Vietnamese oil painting), nxb Mỹ Thuật, Hà Nội 22/12/2008.
– L’Indochine: Un lieu d’Échange Culturel? Les peintres français et indochinois (Đông-dương: Nơi trao đổi văn hóa?), Nadine André-Pallois, édition École Français d’Extrême-Orient (EFEO), Paris 1997.
– Paris – Hanoi – Saigon, l’aventure de l’art moderne au Vietnam (Paris – Hà Nội – Sài Gòn, cuộc phiêu lưu của nghệ thuật hiện đại Việt Nam), collectif, édition Paris Musées, 02/4/1998.
– La peinture vietnamienne : Une aventure entre tradition et modernité (Hội họa Việt Nam, cuộc phiêu lưu giữa truyền thống và hiện đại), Corinne de Ménonville, édition ARHIS, 2003.
– Rénovation de l’art vietnamien (Cách tân nghệ thuật Việt Nam), A. N. Beun, revue Orient-Occident (Đông-Tây tạp chí), No 5, 11/1952, pages 74-88.
– Trois écoles d’Art de l’Indochine (Ba trường Mỹ Thuật tại Đông Dương), nha Học-chính, Toàn-quyền Đông-dương xuất bản, Hà-nội 1931.
– Trường Mỹ Thuật Đông Dương, Ngô Kim-Khôi, tạp chí Ngày Mới Paris, số 34 và 35, Paris 2000.
– Từ điển họa sĩ Việt Nam (Encyclopedia of Vietnamese painters), Quang Việt, nxb Mỹ Thuật, Hà Nội 05/12/2007.
Chú thích:
- Diễn ra tại trụ sở của Hội gần hồ Hoàn Kiếm, từ ngày 25/11 đến ngày 10/12/1923. Hội Khai Trí Tiến Đức (Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites) được thành lập ngày 02/5/1919 với chủ tịch là Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, phó chủ tịch Bùi Đình Tá, tổng thư ký Phạm Quỳnh. Cùng với Nam Sơn, có sự tham gia của những nhà mỹ nghệ thời bấy giờ như họa sĩ Thăng Trần Phềnh, mộc gia Phúc Mỹ Trần Diễn Giệm, điêu khắc gia Nguyễn Đức Thục, họa sĩ Ngô Đặng Đĩnh…
- Trước Nam Sơn, chúng ta có thể nhận ra rằng những tranh sơn dầu đầu tiên xuất hiện tại Đông Dương là tác phẩm của một họa sĩ người Huế, Lê Huy Miến (1873-1943), sinh tại Nghệ An. Ông được triều đình An Nam và chính quyền bảo hộ gửi sang Paris năm 1892 để theo học trường Thuộc Địa. Ông vào trường Mỹ Thuật Paris trong xưởng họa Jean-Léon Gérôme, họa sĩ có khuynh hướng đông phương (orientalisme, xuất hiện trong bước đi của chủ nghĩa lãng mạn Pháp nửa đầu thế kỷ XIX). Đó là những tấm tranh “Chân dung cụ Tú mền” (49 x 60cm, 1896), hoặc hai bức “Chân dung ông bà Nguyễn-Khoa Luận” (khoảng 1900)…
- Trụ sở đặt tại số 9 đường Vọng-Đức, được thành lập với muôn vàn khó khăn bởi Paul Monet, đại-úy Lục-binh thuộc địa, tác giả quyển “Les Jauniers, histoire vrais”, xuất bản năm 1930. Thời đó, chính quyền thuộc địa chỉ chấp nhận những sinh hoạt có tính cách chính trị hay tôn giáo, từ chối cấp kinh phí cho những hoạt động văn hóa xã hội nên việc thành lập Hội quán Sinh viên An-nam đã gặp rất nhiều cản trở. Cuối cùng Paul Monet đã xin được kinh phí từ Hoa-Kỳ !
- Thoạt đầu, Victor Tardieu tỏ vẻ ngần ngại vì ông thường tuyên bố rằng “trong thế giới nghệ thuật có rất nhiều người được triệu đến song rất ít người được chọn”, dựa theo một câu trong Thánh Kinh “il y a beaucoup d’appelés et peu d’élus” (Phúc Âm, Mathieu 22:14)
- Thời đó thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Bức “Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh cũng được vẽ tại làng Kim Liên.