Ngôi nhà 41 Hàng Bài

 

Căn biệt thự cổ kính thiết kế theo lối kiến trúc Pháp, nằm trên phố Hàng Bài, một con phố chính rất đẹp gần Hồ Hoàn Kiếm. Tầng một của căn biệt thự trước kia là nơi nấu bếp, để xe, hầm than, chỗ cho kẻ ăn người ở trong nhà. Sau năm 1954 chủ nhà hiến cho nhà nước, tầng một trở thành cửa hàng mậu dịch quốc doanh làm nơi bán phở. Tầng ba có các phòng ở, phòng ngủ. Riêng tầng 2 là phòng khiêu vũ, có 1 phòng xép nhỏ để thay trang phục. Đầu năm 1954 họa sĩ Năng Hiển may mắn thuê được tầng hai của ngôi nhà này. Căn phòng có view rất đẹp, mặt sân nhìn xuống phố Hàng Bài, cửa sổ nhìn ra hướng đông nam. Diện tích căn phòng khoảng 50m2, trần cao 4m, có hai cửa chính rộng, cửa sổ trong kính ngoài chớp, đúng tiêu chuẩn với căn hộ của Pháp phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Trong nhà có hai cột lớn đối xứng hài hòa như một vòm sân khấu biểu diễn. Góc phòng có hai lò sưởi kiểu cổ. Sân và hành lang rộng, diện tích căn nhà lên đến 100m2. Nơi đây diễn ra nhiều hoạt động nghệ thuật thăng trầm gắn với số phận và cuộc đời của ba tôi Năng Hiển – Zuy Nhất. Ngôi nhà là nơi đoàn kịch Zuy Nhất dàn dựng các vở kịch mới, nơi diễn tập kịch cho những người thân trong gia đình họa sĩ, như bác Rĩnh, chú Minh, bác Diễm, cô Mỵ… là những khán giả đầu tiên duyệt và đóng góp ý kiến cho các vở diễn. Mọi sinh hoạt của cả nhà thường nhường chỗ rộng rãi cho sân khấu. Ở đây từng diễn ra đám cưới của kịch sỹ Zuy Nhất và người đẹp Thúy Nga. Là địa điểm sinh hoạt văn hoá của các tao nhân mặc khách, nghệ sĩ đất Hà Thành.

LÊ NĂNG HIỂN – Tĩnh vật mùa xuân. 1982. Sơn mài. 60x80cm. Sưu tập nước ngoài

 

LÊ NĂNG HIỂN – Chân dung vợ tôi. 1980 Sơn dầu. 53x38cm
Bà Ngoạn, vợ của họa sĩ Năng Hiển bên bức chân dung sơn dầu, sáng tác năm 2002 tự họa của họa sĩ trên giá vẽ tại xưởng vẽ ở Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội.

Năm 1969 ba tôi kết hôn lần thứ hai với mẹ tôi. Khi tôi ra đời chị tôi đã 10 tuổi. Tôi mới được 1 tuổi thì ông nội tôi mất, lúc đó mẹ tôi đang mang bầu em gái tôi. Khi nhập quan ông nội, ba tôi thấy một cuốn sách bằng chữ nho định chôn theo song nghĩ thế nào ông lại bỏ ra. Sau này ba tôi đưa đến Viện hán nôm nhờ dịch thì đó chính là cuốn sách Gia phả của gia tộc họ Lê: (Giang Bắc Lê Thị Gia Phả) từ thế kỷ thứ 10 khi vua Lý Công Uẩn dời đô. Từ cụ tổ đời thứ nhất đến ba tôi là đời thứ 13 sống tại Kinh Đô Thăng Long xưa.

Năm 1972, cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ ở Miền Bắc trở nên khốc liệt. Thủ đô Hà Nội máy bay Mỹ gầm rú suốt ngày đêm. Lúc này tôi còn nhỏ nên chỉ nhớ được từng hồi còi báo động ở Nhà hát Lớn cứ rú lên liên hồi, sức ép của bom đạn làm vỡ tung cửa kính các toà nhà. Mẹ tôi có kể một câu chuyện trong những ngày tháng đầy cam go ác liệt này:

Bữa ăn hôm đó có món đậu phụ rán rất ngon, thấy hết nước chấm xì dầu, ba tôi vội vác xe đạp ra phố mua về bằng được. Ông ra khỏi nhà thì tiếng còi báo động nổi lên, mẹ tôi vội bế em Hồng, tay dắt tôi và chị tôi chạy ra hầm trú ẩn ở đầu phố. Tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom đạn rung chuyển mặt đất. Mẹ tôi rất lo lắng cho đến khi tiếng còi báo yên cũng là lúc cha tôi bình an trở về.

Do được báo trước về cuộc chiến tranh phá hoại ngày càng trở nên ác liệt, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác ở Hà Nội phải đi sơ tán. Cả nhà tôi sơ tán về quê ngoại ở vùng Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Tây. Để ghi lại dấu ấn lịch sử này, ba tôi có vẽ một bức tranh sơn dầu rất đẹp Cả nhà đi sơ tán. Mẹ tôi với dáng vẻ lo âu bế trên tay em tôi với gương mặt mũm mĩm xinh xắn, chị tôi với khuôn mặt có cái cằm nhọn, còn tôi thì gầy gò xanh xao đang bế trên tay con búp bê mà tôi yêu quý được mua ở Bách hoá tổng hợp. Bức tranh nhắc lại ký ức kỷ niệm một thời đã qua trong bom đạn chiến tranh.

Họa sĩ Năng Hiển bên hoa đào, 1989. Đón Xuân Kỷ Tỵ 1989 tại nhà 41 Hàng Bài. Ảnh tư liệu gia đình

 

LÊ NĂNG HIỂN – Huyền quàng khăn xanh. 1975 Phấn màu. 30x42cm

 

LÊ NĂNG HIỂN – Bé Hồng 3 tuổi. 1975 Phấn màu. 15x21cm

Sau thắng lợi của Chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử (Điện biên phủ trên không) hội nghị Pari lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết năm 1973. Gia đình chúng tôi trở về căn nhà 41 Hàng Bài. Ngôi nhà được chỉnh trang, tu sửa lại, nhà được ngăn đôi bằng một vách gỗ có cửa. Bên trong là xưởng vẽ và là nơi tiếp khách của ba tôi. Bên ngoài là khu sinh hoạt chung với bộ bàn ghế to và nhiều tranh treo trên tường… Một cửa ra vào được bịt lại để làm chỗ treo tranh.

Năm 1976, mẹ tôi chuyển cơ quan về Viện Thông tin Khoa học Xã hội cho gần nhà. Bà làm ở bộ phận sách báo ngoại ngữ, tiếng Pháp, tiếng Anh…, Trước khi sách nhập kho, mẹ tôi thường mang về cho cả nhà xem. Lúc này căn nhà của gia đình tôi thường xuyên là nơi gặp gỡ hội họp sôi nổi của các bác làm văn nghệ. Trong những người bạn của ba tôi, tôi rất ấn tượng với bác Hoàng Lập Ngôn. Với mái tóc xoăn đặc biệt, bác thường mặc những bộ quần áo rộng thùng thình bác tự may lấy, chưa vào đến cửa đã nghe tiếng bác nói rổn rảng. Bác Phái đến chơi, thường đọc sách và vẽ, bác vẽ luôn tay lên bất cứ mẩu giấy nào có trong nhà. Bác vẽ mẹ tôi, vẽ chúng tôi, vẽ các bạn bè của bác. Bác hay trò chuyện với ba tôi về những triết lý của hội hoạ, về các danh hoạ như Picasso, Vincent VanGogh… và nhiều danh hoạ khác trên thế giới. Rất tiếc, hồi đó tôi quá nhỏ chỉ biết nghe mà không hiểu hết được mọi chuyện. Bác Đặng Quốc Hùng người cao gầy, dáng lưng khòng. Bác Tạ Tấn thấp bé. Cả hai bác đều cận rất nặng, mắt rất kém, mỗi khi xem sách báo đều phải dí sát cặp kính dầy cộp mới đọc được. Bác Linh Chi có chất giọng hết sức đặc biệt, bác thường đọc và ngâm các bài thơ của mình vừa mới sáng tác cho mọi người nghe. Còn bác Mai Long, với thân hình cao to lực lưỡng như một võ sĩ đấm bốc, bác thường đến chơi với ba tôi, hai người có nhiều kỷ niệm về những buổi dạo chơi đêm Noel quanh hồ Hoàn Kiếm. Có lần ba tôi đèo chúng tôi đến chơi nhà bác trên chiếc xe đạp Thống nhất. Tôi nhớ mãi nhà bác ở trong con ngõ rất sâu, yên tĩnh phía trước ngôi nhà có các luống hoa tươi rực rỡ sắc màu. Đó là Làng hoa Ngọc Hà.

Tôi đã từng được nghe giọng đọc của bác Vũ Đình Liên – nhà thơ trong một buổi tối với bài thơ nổi tiếng Ông Đồ của bác và nghệ nhân Quách Thị Hồ với các làn điệu ca trù sâu lắng. Giọng bà được ba tôi thu vào băng cối, để mỗi khi vẽ tranh ông bật lên nghe cùng với các nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong, Phạm Duy, Hoàng Giác, Trịnh Công Sơn…

Căn nhà luôn rộng mở để đón tiếp bạn bè, trong đó có cả những lớp hoạ sĩ trẻ đàn em. Các chú Đào Trọng Lưu, Trịnh Thái… Chú Lê Huy Hoà nổi tiếng với những bức tranh hoành tráng về Ngã ba Căn nhà luôn rộng mở để đón tiếp bạn bè, trong đó có cả những lớp hoạ sĩ trẻ đàn em. Các chú Đào Trọng Lưu, Trịnh Thái… Chú Lê Huy Hoà nổi tiếng với những bức tranh hoành tráng về Ngã ba Đồng Lộc. Khi ba tôi vẽ phác thảo cho các bức tranh lụa thiếu nữ có tham khảo ý kiến chú Hoà. Chú không ngần ngại cầm bút chì than đưa một nét dứt khoát lên bức tranh Hong tóc làm đường cong hông cô gái uyển chuyển thanh thoát hơn, quyến rũ hơn.

Ba tôi thường vẽ rất nhiều người mẫu. Đó là chị Châu, chị họ tôi, chị Hương con cô Mỹ, chị Tố Anh bạn chị tôi… Tôi nhớ người đẹp Dung Hoà ở phố Nhà Thờ, bên ngoài trông chị rất ngổ ngáo, khi ba vẽ chị thì lại hiền dịu đến lạ, đó là bức tranh lụa Thiếu nữ Hà Nội (1980) được rất nhiều người yêu thích.

Sinh nhật họa sĩ Năng Hiển, 1982. Sinh nhật họa sĩ tại nhà 41 Hàng Bài. Từ trái qua phải: Nhiếp ảnh gia Nguyệt Diệu, họa sĩ Văn Khôi, nhạc sĩ – nhà điêu khắc Tạ Tấn, họa sĩ Linh Chi, họa sĩ Năng Hiển, họa sĩ Đào Huy Ngọc, họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Đặng Thế Đức. Ảnh tư liệu gia đình.

 

Đám cưới của họa sĩ Năng Hiển, 1969. Ngày cưới của họa sĩ Năng Hiển kết duyên cùng bà Lê Thị Ngoạn được tổ chức tại 41 Hàng Bài. Lúc này họa sĩ Năng Hiển đã ly dị với cô Thúy Nga, còn bà Ngoạn cũng trải qua một đời chồng, có một cô con gái riêng 9 tuổi (Diệu Ảnh). Bốn người bạn thân của họa sĩ đến chung vui: người ngồi đầu bàn là nhạc sĩ Hoàng Yến, tiếp theo là họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Đặng Quốc Hùng, họa sĩ Thế Đức. Ảnh tư liệu gia đình.

 

Sinh nhật họa sĩ Năng Hiển, 1984. Hàng năm vào ngày 17 -1, họa sĩ thường tổ chức sinh nhật tại nhà 41 Hàng Bài. Từ trái sang phải: họa sĩ Thế Đức, họa sĩ Văn Khôi, nhà điêu khắc – họa sĩ Tạ Tấn, người mẫu Mai Khanh, họa sĩ Năng Hiển, họa sĩ Thế Khang, họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Minh Mỹ, họa sĩ Thanh Ngọc và nhiếp ảnh gia Nguyệt Diệu. Ảnh tư liệu gia đình.

 

Tết 1989 mẹ tôi vào Sài Gòn chơi. Ba và hai chị em tôi ở nhà gói bánh chưng, chỉnh trang nhà cửa, mua sắm tết, 29 tết chúng tôi thức cả đêm đi lên đi xuống trông nồi bánh chưng. Bỗng dưng em Hồng kêu lên “Mẹ về” thì ra em nó bị nhầm khi nhìn qua cửa kính mờ, thấy bức tranh ba vẽ mẹ giống quá. Ba có nói đùa, bức tranh này ba vẽ mẹ thời bao cấp thời khốn khó, nên khuôn mặt mẹ có đôi chút lo âu… Dù sao chúng tôi cũng cảm ơn ba vì bức tranh mà chúng tôi đỡ nhớ mẹ hơn.

Ngày 17/1 hàng năm là ngày sinh nhật ba. Năm nào ông cũng tổ chức và mời bạn bè đến dự, mỗi năm lại có thêm những người bạn mới như vợ chồng hoạ sĩ Trần Nguyên Hiếu, bác Thanh Ngọc, nhà sưu tập trẻ Phùng Tất Thắng… cũng tới dự. Bữa tiệc có rượu ngon, các món ăn ngon, có thơ, nhạc và những tấm ảnh quý do bác Nguyệt Diệu thu vào ống kính.

Tôi còn nhớ bác Mạnh Hải nhà bác ở gần Sở thú, khi đến chơi vào tới cửa bác đã giả giọng các con vật để pha trò cho chúng tôi nghe và kể những câu chuyện vô cùng giật gân trong vườn bách thú. Bác thích uống rượu với ba tôi, mỗi lần bác tới ba thường mua một món gì đó mà bác thích…

Những lúc một mình ba tôi lại lôi kịch bản cũ ra diễn, nhiều khi kéo cả chúng tôi vào đóng kịch, vở kịch Lão Hà tiện được ba thu vào băng, rồi đem khoe với bạn bè.

Ba tôi là người am hiểu lịch sử nên các Bảo tàng thường đặt ba tôi làm mô hình các trận chiến lịch sử như: Trận Chi Lăng, Trận Bạch Đằng của Ngô Quyền, Trận Đống Đa… bằng hộp hình. Tuổi thơ tôi luôn gắn với hình ảnh những người lính nhỏ xíu, những mảng xơ mướp nhuộm xanh làm lá cây, những mảng thạch cao làm sông nước, núi đồi… trên sa bàn.

Một lần ba tôi có nhận làm hộp hình sa bàn cho bảo tàng Quân đội. Đúng hẹn họ đưa một tiểu đội đến để chở sa bàn về, ba tôi bảo “Các anh cứ từ từ để tôi thuê người đem tới, nhà tôi ở tầng 2, cửa hẹp các anh phải cẩn thận”. Nhưng họ không nghe, cứ xúm vào vác hộp hình trên vai đưa ra cửa, anh chỉ huy bắt nhịp: “Hai…ba..! Nào ! Dô ta…” cố ấn hộp hình lọt qua gầm cầu thang. Khi ra đến đường, hộp hình xộc xệch, méo mó, rơi lả tả trắng xóa khắp mặt đường. Hôm đó đã cận ngày Quốc khánh 2.9. Ba tôi bấy giờ mới từ tốn bảo: “Tôi đã bảo, các anh không nghe tôi, có phải võ biền mà làm được đâu, nhưng tôi hứa với các anh sẽ làm lại và trả cho các anh đúng hẹn”. Đêm hôm đó ba tôi thức cả đêm để làm lại mô hình, huy động cả bác Ngọc con (Ngọc Bát Sứ ), anh Thụ (Cháu gọi ba tôi bằng cậu) để làm xong mô hình. Sáng hôm sau bê xuống, đưa ra xe trả cho Bảo tàng.

Ngôi nhà 41 Hàng Bài gắn bó với ba tôi suốt 60 năm, nằm lòng trong tuổi thơ chúng tôi, với bao kỉ niệm êm đềm tuổi hoa niên, trong giấc mơ tôi luôn trở về miền thương nhớ ấy.

Nhưng, ngôi nhà cổ không thích nghi được với sự thay đổi chóng mặt của đô thị. Những tấm biển quảng cáo che chắn không gian trước mặt nhà chúng tôi, ngăn hết tầm nhìn xuống phố, nhà bên lắp máy điều hòa nhiệt độ, phả hơi nóng sang nhà, khiến các cửa sổ luôn phải đóng kín mà nhiệt độ vẫn 39, 40 độ vào mùa hè. Những hệ thống thoát nước xả thẳng vào lò sưởi khiến sinh hoạt của mọi người trong gia đình trở nên bất tiện. Ba tôi muốn yên tĩnh sáng tác, không muốn vướng vào những kiện tụng không đáng có nên rao bán ngôi nhà. Năm 2002 ba tôi bán ngôi nhà và chuyển xuống Khương Trung bắt đầu cuộc sống mới. Ông bắt tay vào viết sách và vẽ những tác phẩm mới…

Ngôi nhà 41 Hàng Bài nay đã trở thành một quán cà phê được bài trí trình bày mang hơi thở đời sống của thời bao cấp. Tôi thường trở lại đây ngồi thưởng thức cà phê để nhớ lại những kỷ niệm của một thời Hà Nội.

Lê Ngọc Huyền

 

Tin cùng chuyên mục

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Ba lần gọi họa sĩ Trần Hữu Chất

Năm 2007, khi viết cuốn “Từ điển họa sĩ Việt Nam”, tôi có mở một từ mục viết về họa sĩ Trần Hữu Chất. Đó cũng là một trong 171 từ mục tôi viết về 171 họa sĩ Việt Nam. Cuốn sách đã...

Những ký ức tháng năm

Khi tôi ra đời, ba tôi đã năm mươi tuổi. Ông vui mừng biết bao, sau bao năm ông mới có đứa con gái đầu lòng của chính mình. Ông coi tôi là viên ngọc quí và đặt tên con là Ngọc Huyền (Lấy cảm...

Một hay nhiều sự thật

Đây là câu chuyện không có gì mới, đã diễn ra ở khắp nơi từ khi có thị trường nghệ thuật. Mà thị trường nghệ thuật (hay đồ cổ nói chung) thực chất cũng có ở Việt Nam đến hai ngàn năm...

Thị trường và thẩm định

Cách đây độ mươi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn năm thì đóng cửa vì không có “đầu vào”. Tức là không có khách...

Tin cùng chuyên mục

Sôi nổi Hội thi vẽ “Tây Hồ quê hương em”

Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam (21/4), sáng 17/4 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Tây Hồ, quận Tây Hồ đã tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc quận Tây Hồ năm 2024. Phát...

“Tháng Tư hy vọng” – thắp sáng ước mơ hội họa cho trẻ tự kỷ

Triển lãm tranh của trẻ tự kỷ với chủ đề “Tháng Tư hy vọng” vừa khai mạc hôm nay (17/4) tại Hà Nội. Triển lãm mang đến cho công chúng Hà Nội hơn 60 tác phẩm của 13 “họa sĩ” là...

Đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka gặp gỡ giao lưu với các nghệ sĩ thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam

Sáng 15/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Hòa thượng Mugunghwa Anuruddha, đại diện Hội đồng Tăng – già Phật giáo toàn đảo quốc Sri Lanka đã tới Nhà Triển lãm Mỹ thuật...

Thị trường tranh Việt: Lực đã đủ mạnh

Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có...

Giới thiệu chất liệu truyền thống tại triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình”

(Chinhphu.vn) – Ngày 30/3, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Triển lãm mỹ thuật “Ngũ hình” của 5 họa sĩ đã giới thiệu tới người yêu mỹ thuật các tác phẩm bằng...

Có thể bạn quan tâm

KẾT QUẢ PHIÊN ĐẤU GIÁ "HỌA SĨ VÀ NGHỆ THUẬT VIỆT NAM" TẠI NHÀ ĐẤU GIÁ AUGTTES

  Kết quả phiên đấu giá “Họa sĩ và Nghệ thuật Việt Nam” ngày 30 tháng 9 năm 2021 tại nhà đấu giá Aguttes (Neuilly-sur-Seine, Pháp) với 6 kỷ lục thế giới mới Cuộc đấu giá dành riêng...

NGƯỜI THIẾU NỮ THỔI SÁO

  Năm 1979, sau hai mươi năm không về Việt Nam, tôi đến Hà Nội vào mùa thu. Sau năm ngày ngồi ở nhà với gia đình, tôi dè dặt bước chân ra phố. Mấy ngày đầu được em út, các chú đèo xe đạp...

Những khúc nhạc trừu tượng

(SGGPO) Họa sĩ Trần Thế Vĩnh tổ chức triển lãm cá nhân chủ đề “Nhạc khúc”, diễn ra từ nay đến hết tháng 10, tại Thi Art Space (Y1 Hồng Lĩnh, phường 15, quận 10). Nhìn lại 10 năm hội họa, từ...

Hình ảnh rồng tiên đi vào nghệ thuật và đi ra thế giới

  Bài tham luận Hội thảo Quốc tế về Di sản Văn hóa – Lịch sử và Cải biên Nghệ thuật năm 2022, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE). Cách nay tròn 10 năm, tại...

‘TENSIONS CALMÉES’, 1937 CỦA WASSILY KANDINSKY, LỜI THÁCH THỨC ‘ENTARTETE KUNST”

  (* Từ tiếng Đức, có nghĩa là Nghệ thuật suy đồi, đây là cái nhãn Đức Quốc Xã gán cho nghệ thuật mà họ không chấp nhận, với nỗ lực đặt nghệ thuật dưới sự kiểm soát của mình)...