LÊ PHỔ – BẬC THẦY HẬU ẤN TƯỢNG

 

Nhà phê bình nghệ thuật Pháp, Waldemar George, đã viết rất nhiều về những nghệ sĩ hàng đầu của thế kỷ 20, sớm xuất bản một cuốn sách về những bản vẽ của Henri Matisse vào năm 1925, và sau đó giới thiệu những bài báo cũng như sách vở về Aristide Maillol, Pablo Picasso, Maurice Utrillo, Fernard Leger, Juan Gris, Marc Chagall, Giorgio De Chirico, Amadeo Modigliani và Geogres Seurat, bên cạnh những nghệ sĩ khác. Năm 1970, trong cuốn sách của ông, Lê Phổ, Waldemar George miêu tả về nghệ sĩ người Việt Nam như là “Thánh Họa”, liên quan đến sự kiện sau khi danh họa rời Việt Nam đến Pháp năm 1931 và rồi tiếp tục hành trình tới khắp các vùng của Pháp cũng như du lịch đến Ý, Bỉ và Hà Lan, ông đã có cơ hội được tận mắt chứng kiến những kiệt tác tuyệt diệu của Fouquet hay của Master of Moulins (Jean Hey), Sandro Botticelli hay Ghirlandaio, Memling, cũng như Stephen Lochner, và ông nhận ra: những người Pháp, Ý, Hà Lan hay Đức nguyên thủy đều là những người anh em họ hàng của các họa sĩ Trung Quốc cổ đại.

Hoàn toàn chắc chắn rằng giai đoạn truyền thống trong phong cách hội họa của Lê Phổ đã kết thúc vào những năm 1944-1945, trong suốt khoảng thời gian đó ông “thực hành loại nghệ thuật có cách thể hiện giống với hội họa truyền thống Trung Quốc”, Waldemar Geogre viết.

Từ năm 1950 trở đi, bảng màu của Lê Phổ trở nên tươi sáng hơn. Ông đã đạt được sự hài hòa tổng hợp giữa hội họa Trung Quốc và chủ nghĩa Ấn tượng, hay đúng hơn là chủ nghĩa Hậu Ấn tượng. Nếu như ông giữ lại tình cảm nhung nhớ cố hương bằng hàng ngàn bông hoa, nếu những nhân vật trong tranh ông chính là mô phỏng của không khí bao bọc họ và làm nhòa mờ những đường nét của họ, nếu như ông hi sinh bản thân mình cho việc truyền đạt tinh thần ánh sáng, nếu như tất cả những việc đó tạo ra linh hồn của các bức vẽ, thì Lê Phổ không bao giờ thôi việc sống (và vẽ) là chính mình.

Lê Phổ và Nguyễn Thị Lan Hương chụp với bức “Tự họa” của họa sĩ, sáng tác cuối 1920 – đầu 1930. Ảnh chụp năm 1999.

“Chiếc thuyền lướt nhẹ trên mặt nước đầy hoa huệ. Cô gái với tấm áo vải mờ nhẹ tinh khôi hái trái cây trong vườn Eden rạng rỡ. Họ thật kiểu cách và gây ấn tượng bởi sự nhẹ nhàng, dịu ngọt. Mà nếu như những biểu hiện đó không truyền tải bất kì một suy tư nào, thì niềm vui của sự sống cũng đã tỏa ra từ tất cả việc hiện diện của họ rồi. Trong không khí của mùa Xuân vĩnh cửu, những thiếu nữ mỏng manh dùng bữa trưa trên sân thượng. Những đĩa trái cây đầy những đào và lựu, họ đứng cạnh bên nhau, bên chiếc bàn phủ vải lanh, với những bình đầy hoa cúc dại. Thế giới trong tranh Lê Phổ là thiên đường trên mặt đất”.

Vợ tôi, bà Nguyễn Thị Lan Hương, và tôi (George Belcher) bắt đầu sưu tập những bức vẽ của Lê Phổ vào khoảng giữa thập niên 90, và vào năm 1999, nhờ sự giới thiệu bởi người bạn thân thiết của chúng tôi cũng là cháu gái của ông Lê Phổ-Minh Châu Gallagher sống tại thành phố New York. Chúng tôi đã có cơ hội tuyệt vời được gặp gỡ với ngài Lê Phổ cùng người vợ thanh lịch, duyên dáng của ông ấy, Paulette, tại nhà riêng của họ tại Paris. Lê Phổ lúc này 92 tuổi, nhưng chúng tôi thấy ông ấy vẫn giàu sức sống và hoạt ngôn, đặc biệt ông ấy có vẻ rất thích thú với việc trò chuyện cùng Lan Hương bằng tiếng mẹ đẻ Việt Nam, thứ ngôn ngữ mà ông đã phải thay thế bằng tiếng Pháp hơn 50 năm qua từ khi rời quê nhà đến đây rồi kết hôn với một người phụ nữ Pháp. Nhà của Paulette và Lê Phổ treo đầy những bức tranh của ông, chúng tôi tận hưởng đặc quyền hiếm hoi được chiêm ngưỡng một bữa tiệc thị giác khi trước mắt là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời trong lúc trò chuyện cùng hoạ sĩ và vợ ông ấy. Chúng tôi cũng may mắn có cơ hội được chụp lại Lê Phổ bên cạnh vài bức tranh của ông trong căn nhà riêng của hai người, đặc biệt là bức sơn dầu tuyệt đẹp vẽ năm 1930 “Age of Happiness”, bên cạnh đó còn có bức tự hoạ của hoạ sĩ mà ông vẽ khi còn là một chàng trai trẻ tuổi.

Sau này, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với bà Paulette và Lê Phổ thông qua người bạn của mình, Minh Châu Gallagher, và chúng tôi thực sự đã rất đau buồn khi nghe tin vào tháng Mười Hai năm 2001, ông Phổ qua đời ở tuổi 94. Chúng tôi tới thăm phu nhân của ngài Lê Phổ một lần nữa vào năm 2007, và sau lời mời của bà Tuyết Nguyễn, người xuất bản cuốn sách Arts of Asia, đề nghị tôi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã sắp xếp thời gian để tới thăm phu nhân Paulette Lê Phổ một lần nữa tại Paris vào năm 2009. Rất nhiều thông tin trong bài viết cũng được cung cấp hoặc xác nhận bởi bà Paulette Lê Phổ trong suốt của những cuộc nói chuyện của tôi và phu nhân hoạ sĩ vào đầu tháng Tư năm này (năm 2009).

Từ trái sang: Nguyễn Thị Lan Hương, Minh Châu Gallagher, Lê Phổ chụp với bức tranh của Lê Phổ “Age of Happiness” vẽ năm 1930, sơn dầu trên toan, 126x177cm. Ảnh chụp năm 1999.

Lê Phổ sinh năm 1907 tại Hà Đông, một thị xã nhỏ mà nay đã trở thành một quận phát triển của Hà Nội (thành phố nằm ở phía Bắc của Việt Nam – lời người viết). Bố của ông ấy, cụ Lê Hoan, là đại thần An Nam tại tỉnh Hà Tây trong một năm ngắn ngủi cai trị của Vua Hàm Nghi (1884-1885). Khi Lê Phổ mới 3 tuổi, mẹ của ông qua đời. Bà là người vợ trẻ nhất của Lê Hoan và hạ sinh cho ông ấy ba người con trai. Năm năm sau đó, vào năm 1915, cha của Lê Phổ qua đời; vậy là Lê Phổ – ở tuổi lên tám, trở thành một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, lúc này chuyển đến sống cùng vợ của một người anh lớn hơn mình. Mặc dù được ghi lại rằng Lê Phổ đã bắt đầu vẽ tranh thành thục tại thời điểm này, chủ yếu qua ghi chép của cha ông ấy, Paulette hoàn toàn không hay biết về sự thật trên và bày tỏ nghi ngại về tính xác thực cuả nó. Phu nhân Lê Phổ miêu tả chồng mình là một cậu bé không mấy hạnh phúc vui vẻ vào thời điểm đó trong cuộc đời. Sống cùng với chị dâu lớn, người cũng có những đứa con riêng của bà, Lê Phổ thường xuyên bị đổ lỗi và trách phạt bởi lỗi lầm của những đứa trẻ đó gây ra. “(vào thời điểm đó) Khi có bất kì chuyện gì không hay xảy ra, mọi lỗi sai đều là do ông ấy. Cậu biết không, ngay cả những đứa con của chúng tôi cũng nói: Chúng con không biết gì nhiều về Cha. Ông ấy không kể nhiều về thời niên thiếu của mình. Lê Phổ là một người trầm tính, ít nói và rất kín đáo. Nhưng chắc chắn khi còn nhỏ, ông ấy không phải là một đứa trẻ hạnh phúc.”- Phu nhân Paulette giải thích về chuyện này.

Lê Phổ từng kể lại rằng vào những năm đó, có một người em gái sẽ đến thăm mỗi tháng một lần để mang quần áo mới và một vài vật dụng khác, và ông ấy vẫn còn nhớ thứ âm thanh được tạo ra từ vải của chiếc quần mới mà ông ấy có được từ những chuyến thăm này. Một trong số ít kí ức Lê Phổ vẫn nhớ là khi cha ông còn sống và hút thuốc phiện, phu nhân Paulette kể lại: “Ông ấy nhớ được là cha mình hút thuốc phiện. Ở giữa ao phía sau ngôi nhà Lê Phổ ở có một chiếc lều, đó là nơi mà cha của ông ấy đến hút thuốc phiện. Và các con là người chuẩn bị ống điếu cho ông ấy (Lê Hoan).”

Phu nhân họa sĩ Lê Phổ – bà Paulette Le Pho và Nguyễn Thị Lan Hương chụp ảnh trong studio của họa sĩ Lê Phổ. Sau lưng là những bức hình của Pierre Bonnard và Henri Matisse ghim trên tường. Ảnh chụp năm 2009.

Vào năm 1923 khi mười sáu tuổi, Lê Phổ thể hiện tài năng và đam mê dành cho hội hoạ, đầu tiên là tự học sau đó ông theo học tại một trường dành cho các nghệ sĩ ở Hà Nội, Trường Đào tạo Kĩ nghệ, do Giáo sư Gustave Hieroltzn làm giám đốc và giảng dạy. Hai năm sau đó, vào năm 1925, những vì sao đã dẫn đường chỉ lối cho chàng trai trẻ Lê Phổ khi Victor Tardieu (1870-1937), một hoạ sĩ đến Việt Nam năm 1920, bước vào cuộc đời của anh ta. Theo lời bà Paulette kể lại: Lê Phổ rất thân cận với ngài Victor Tardieu, Giáo sư giống như một người cha tinh thần của Lê Phổ. Và Victor Tardieu cũng rất gần gũi với Lê Phổ. Lê Phổ rất yêu quý và thần tượng ông ấy. Như một người hướng dẫn và một người cha, Victor Tardieu đã giúp tạo nền móng cho sự nghiệp nghệ thuật to lớn mà Lê Phổ thực hiện hơn 70 năm sau đó.

Vào năm 1921, với tư cách một hoạ sĩ cổ điển truyền thống, Victor Tardieu được trao tặng giải thưởng “Prix de LIndochine” (Giải Đông Dương) bao gồm một chuyến đi được cấp phép tới Việt Nam và tự do di chuyển miễn phí trong khu vực Đông Dương. Ông định cư ở Hà Nội và được uỷ thác vẽ hai bức tranh tường lớn, một cho Đại học Hà Nội và một cho Thư viện Trung tâm. Victor Tardieu sớm bắt đầu tình bạn lâu năm với một nghệ sĩ trẻ, ông Nguyễn Nam Sơn. Gặp nhau đều đặn mỗi chủ nhật, Tardieu trong vai trò giáo viên riêng sẽ đưa ra bình luận về những bức vẽ của Nguyễn Nam Sơn; còn Nam Sơn giúp Victor – trong vai trò một nghệ sĩ qua việc tìm người mẫu vẽ. Khi tình bạn và sự tin tưởng giữa cả hai lớn lên, Nguyễn Nam Sơn chia sẻ với Tardieu giấc mơ xây dựng một trường dạy hoạ ở Hà Nội.

Năm 1925, sau rất nhiều công việc với sự trợ lý của Nguyễn Nam Sơn và sự ủng hộ của Toàn quyền Đông Dương Merlin, Victor Tardieu cuối cùng cũng thành công trong việc thành lập một trường Mỹ thuật tại Hà Nội cho Việt Nam. Vào ngày 5 tháng 10 năm 1925, kì thi đầu tiên diễn ra nhằm tuyển chọn mười người cho lớp học đầu tiên tại Trường Mỹ thuật mới thành lập tại khu vực Đông Dương lúc bấy giờ. Hiệu trưởng mới của Trường khi đó là Victor Tardieu. Vượt lên 270 thí sinh ghi danh ứng tuyển, mười học sinh đầu tiên của Ecole des Beaux-Arts dIndochine (Trường Mỹ thuật Đông Dương) năm ấy chính là chàng trai mười tám tuổi có tên: Lê Phổ.

Trường Mỹ thuật Đông Dương lúc bấy giờ được thành lập với chương trình đào tạo ba năm và giáo trình tập trung vào lý thuyết vẽ hình, nghệ thuật trang trí và thiết kế nội thất, hội hoạ, điêu khắc, lịch sử nghệ thuật và khảo cổ học, phối cảnh và giải phẫu. Vào tháng 10 năm 1926, chương trình học tăng lên thành năm năm, qua sự chỉ đạo và giảng dạy của Giáo sư Victor Tardieu và giáo sư nghệ thuật thứ hai của Trường, Joseph Inguimberty, những học sinh khoá đầu tiên và những khoá sau đó được làm quen với kĩ thuật vẽ và phong cách của nghệ thuật hội hoạ phương Tây, nhưng họ cũng được khuyến khích để trở thành một hoạ sĩ hay nhà điêu khắc hoặc nhà kiến trúc thuần Việt hay thuần Á Châu. Tranh lụa được đưa vào giảng dạy, sơn mài được sử dụng trong hội hoạ tranh vẽ, chất liệu có niên đại muộn nhất cũng từ thế kỷ 15 nay được phát triển đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Joseph Inguimberty- giảng viên mỹ thuật trẻ 29 tuổi. Bởi đam mê của Inguimberty dành cho sơn mài, Lê Phổ bị thuyết phục sáng tác dưới dạng chất liệu nghệ thuật này trong một khoảng thời gian. Mặc dù vậy, tại Paris, phu nhân Lê Phổ thuật lại với chúng tôi: “Chồng tôi không thực sự thích cách giảng dạy của ngài Inguimberty. Lê Phổ không có ý gì chống lại Inguimberty- một hoạ sĩ tài năng, nhưng ông ấy không cho rằng với vai trò giáo viên, Inguimberty là một hoạ sư giỏi giống như ngài Tardieu”.

Victor Tardieur và các sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoảng năm 1930. Lê Phổ đứng ngoài cùng bên trái, bên cạnh là Mai Trung Thứ.

 

Lê Phổ (góc trái) cùng hai anh trai và hai người vợ cùng các con của họ, 1931, tại Sài Gòn. Một thời gian ngắn trước khi Lê Phổ thực hiện chuyến đi đến Paris lần đầu tiên.

 

Lê Phổ chụp năm 1931 gần Angkor Wat Pavilion tại Triển lãm Thuộc địa Quốc tế Paris.

Vào năm 1928, Lê Phổ có triển lãm tranh đầu tiên ở Hà Nội trưng bày chung với nhóm những người bạn học của mình tại Trường Mỹ thuật Đông Dương: Mai Thứ (Mai Trung Thứ) – học sinh khoá 1 (1925-1930), và Vũ Cao Đàm – học sinh khoá 2 (1926-1931). Theo lời phu nhân Paulette, chồng bà nhớ lại năm năm theo học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương là “những năm tháng vô cùng tươi đẹp”, và Lê Phổ rất yêu quý thầy giáo của mình – ngài Victor Tardieu cũng như kính mến người thầy thứ hai – Joseph Inguimberty. Cả hai người đã cung cấp một giáo trình đào tạo phong phú mà có sự hoà quyện giữa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam và châu Á cùng với nghệ thuật cổ điển và hội hoạ sơn dầu thế kỷ 19 và 20 ở phương Tây.

Năm 1930, Lê Phổ hoàn thành chương trình học năm năm của mình tại Trường Mỹ thuật Đông Dương và là một trong tám hoạ sĩ thuộc khoá tốt nghiệp đầu tiên. Một năm sau đó, hoạ sĩ trẻ được nhận cơ hội ra nước ngoài lần đầu khi thầy Victor Tardieu chọn Lê Phổ làm việc dưới vai trò trợ lý của ông tại Triển lãm các nước thuộc địa Quốc tế diễn ra tại Paris năm 1931. Victor Tardieu là giám đốc nghệ thuật cho toà nhà Angkor Wat Pavilion; và Lê Phổ, cùng với những người bạn học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương gồm: Lê Văn Đệ, Thang Trần Phềnh, Đỗ Đức Thuận, và Tô Ngọc Vân nhận trách nhiệm trang trí phòng Sơn mài trong toà Angkor Wat Pavilion này. Paulette Lê Phổ, lúc này là một cô gái mười ba tuổi, vẫn nhớ lần đã trông thấy đền thờ Angkor Wat khi tham quan Triển lãm vào năm 1931. Và rất có thể, cô đã tình cờ liếc thấy chàng trợ lý nghệ thuật hai-mươi-tư tuổi của Tardieu, Lê Phổ.

Năm 1932, Lê Phổ ghi danh vào Trường Mỹ thuật Paris và có cơ hội đi du lịch nước Pháp cũng như khắp Châu Âu, chiêm ngưỡng trực tiếp rất nhiều bức hoạ tuyệt vời của các bậc thầy hội hoạ thời kỳ Trung Cổ và Phục Hưng của Châu Âu. Những bức tranh luạ thời kỳ đầu của Lê Phổ phản chiếu sự ảnh hưởng và nguồn cảm hứng từ các nghệ sĩ Hà Lan, Ý và Đức, như Piero della Francesca, Fra Angelico, Benozzo Gozzoli, Master of Moulins, Sandro Botticelli, Ghirlandaio, Memling và hoạ sĩ Gothic thời kỳ sau, Stephen Lochner. Theo lời phu nhân Paulette: “Chồng tôi bị xúc động bởi những bức tranh ở Ý! Và khi Lê Phổ vào thăm (Bảo tàng) Louvre, ông ấy đã có ấn tượng với việc từng được chiêm ngưỡng tất cả các bức hoạ. Ông ấy có rất nhiều sách về nghệ thuật, và những bức tranh đó hoàn toàn quen thuộc với ông ấy rồi.” Cùng năm đó, Lê Phổ cũng có dịp du lịch đến Ai Cập và bị quyến rũ bởi nghệ thuật và các cổ vật trong Bảo tàng Cairo. Vào năm 1933, lúc này đã 26 tuổi, ông quyết định quay lại Việt Nam nơi ông được đề nghị một vị trí giảng dạy tại Trường Mỹ thuật tại Hà Nội.

Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tặng cho Lê Phổ vào tháng 8/1946,đề tặng riêng họa sĩ và ký tên bởi Chủ tịch: “Tặng chú Lê Phổ. Chào thân ái”.

 

LÊ PHỔ – Hà Nội. 1929. Sơn dầu trên toan. 205x441cm. Thuộc sưu tập: Cité Internationale Universitaire, Paris, France – Trường Đại học Quốc tế Paris, tại Paris, Pháp (trong ảnh là tác giả bài viết George Belcher và con gái, Lily, chụp ảnh trước bức họa).

 

LÊ PHỔ – Hà Nội. 1929. Sơn dầu trên toan. 205x441cm. Thuộc sưu tập: Cité Internationale Universitaire, Paris, France – Trường Đại học Quốc tế Paris, tại Paris, Pháp (trong ảnh là tác giả bài viết George Belcher và con gái, Lily, chụp ảnh trước bức họa).

Trong cuốn sách xuất bản năm 1970, Lê Phổ, Geogre Waldemar viết: “Năm 1934, Lê Phổ đến Pekin, nơi ông tới thăm các phòng trưng bày công cộng, Bảo tàng Quốc gia và Bảo tàng Hoàng gia cũng như những nơi mà những người yêu nghệ thuật sẵn sàng mở ra bộ sưu tập của mình cho ông. Hội họa Trung Quốc không còn giữ vị trí màu nhiệm hay là điều gì đó bí ẩn đối với chàng trai ham học hỏi và đầy nhiệt huyết này nữa”. Quay trở về Việt Nam, Lê Phổ tới thăm Huế, cố đô của An Nam, và ở đây, ông đã vẽ chân dung của Vua Bảo Đại và vợ của ngài, Nam Phương Hoàng Hậu. Năm 1936, Lê Phổ giảng dạy tại Trường Trung học Albert Sarraut ở Hà Nội, và vào năm sau đó, ông nhận được một cơ hội có khả năng thay đổi cuộc đời mình mãi mãi.

Được lựa chọn là giám đốc nghệ thuật cho khu trưng bày Đông Dương tại Triển lãm Quốc tế Paris năm 1937, Lê Phổ quay trở lại Paris. Và lúc này, sau bốn năm không sống ở Pháp, Lê Phổ đã đưa ra quyết định định cư ở lại đất nước thứ hai này mãi mãi. Ông ấy có thể sẽ không bao giờ quay trở lại quê mẹ Việt Nam. Theo lời bà Paulette kể với chúng tôi, “Lê Phổ yêu nước Pháp, ông ấy yêu Louvre và những bức tranh ở đó. Ông ấy cảm thấy như được ở nhà khi ở đất Pháp”.

Người học trò đồng hương và bạn thân thiết của Lê Phổ, Mai Thứ, người cũng đến Pháp vào năm 1937 để làm việc cho Triển lãm Quốc tế Paris khu vực Đông Dương cũng quyết định ở lại Pháp và không quay lại Việt Nam. Một người bạn tiếp theo của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, cũng vừa mới quyết định ở lại Pháp, và sau đó nhóm ba người đàn ông có thêm sự tham gia của một người bạn cùng lớp tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, hoạ sĩ  Lê Thị Lựu (khoá 3, 1927-1932). Nhóm bốn hoạ sĩ coi nước Pháp như quê nhà của mình, sinh sống và sáng tác trên đất nước này cho đến khi họ qua đời. Mai Trung Thứ qua đời năm 1980, Lê Thị Lựu mất năm 1988, Vũ Cao Đàm ra đi vào năm 2000 và Lê Phổ tạ thế năm 2001. Một chuyên gia tư vấn cấp cao của Sotheby’s tại Singapore và Hồng Kong đã gọi nhóm bốn hoạ sĩ này là hạt nhân của “Trường nghệ thuật Pháp- Việt tại Paris”, là “nhân chứng của một trường học đặc biệt và của một dạng thức nghệ thuật mạnh mẽ và khác thường”. Khi chúng tôi hỏi bà Paulette Lê Phổ về việc ông Phổ sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt như thế nào trong suốt khoảng thời gian sống ở Pháp, bà Paulette trả lời ông ấy vẫn nói tiếng Việt với những người bạn hoạ sĩ thân thiết sống tại Pháp của mình: Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm và Lê Thị Lựu; tuy nhiên bất kì khi nào họ tranh luận về nghệ thuật, họ luôn sử dụng tiếng Pháp.

Năm 1939, Lê Phổ tình nguyện tham gia vào lực lượng quân đội Pháp. Nhưng một năm sau đó khi Pháp đầu hàng vào ngày 25 tháng Sáu năm 1940, ông được xuất ngũ. Lê Phổ định cư tại Nice thành phố phía Nam nước Pháp và tiếp tục vẽ tranh, đây là nơi ông có cơ hội gặp gỡ cũng như chia sẻ thời gian với cả Pierre Bonnard và Henri Matisse. Paulette Lê Phổ đã cho chúng tôi xem các bản sao của tấm bưu thiệp và hai bức thư của Henri Joly- nhà phân phối nghệ thuật người Paris làm việc cho Gallery Jos Hessel, người đã viết trước cho Lê Phổ vào ngày 30 tháng 5 năm 1942 như sau: “Thưa ngài, từ khi tôi có cơ hội làm quen với ngài tại Nice, ngài đã cho tôi hi vọng sẽ chóng được gặp lại ngài ở Paris và tôi mong chúng ta sau đó sẽ sớm lên kế hoạch tổ chức một triển lãm các tác phẩm của ngài”. Henri Joly cuối cùng đã mua nhiều tranh của Lê Phổ cho phòng tranh của ông ấy ở Paris, và trong bức thư Henri gửi cho Lê Phổ ở Nice, một năm sau đó, đề ngày 12 tháng Bảy năm 1943, Henri Joly đã bày tỏ sự biết ơn với Lê Phổ vì giúp ông chuyển món quà là bơ đến Henri Matisse, ông thêm vào: “Tôi rất vui vì món quà đã đến tay Henri Matisse bình an, và ông ấy rất hài lòng với món bơ”. Đồng thời, luôn không quên trong vai trò một người kinh doanh nghệ thuật, Henri Joly tiếp tục: “Và nếu ông ấy (Henri Matisse) có một bức tranh đẹp với chất lượng tuyệt vời, ông ấy luôn có thể báo giá với tôi! Tương tự với Bonnard, nếu ngài gặp ông ấy, nhưng villa này, Le Cannet, rất khó để tìm đấy. Và Bonnard thì không hay dễ dàng đồng ý đâu, còn vợ của ông ấy thì khá cộc cằn nữa. Nhưng họ sẽ sớm thuận theo ngài và làm quen với việc này thôi”. Joly sau đó bổ sung rằng: “Việc buôn bán hiện tại hoàn toàn dừng lại rồi, nhưng sẽ chỉ một thời gian thôi trước khi tôi tổ chức buổi trưng bày cho ngài”. Joly kết thúc thư viết cho Lê Phổ với tái bút: “Nếu Matisse và Bonnard có thể vẽ riêng theo đặt hàng cho tôi mỗi người vài ba bức tranh tuyệt đẹp, tôi sẽ vô cùng vui sướng!”

LÊ PHỔ – Young Girl Picking Flowers. Oil on silk. 57.4×42.4cm. Private Collection: Courtesy of Christie’s, Singapore and Hong Kong.

 

LÊ PHỔ – Harmony in Green: The Two Sisters. 1938. Oil on silk. 54x45cm. Sưu tập: The Singapore Art Museum, Singapore.

Bức thư thứ hai của Henri Joly gửi Lê Phổ mà Paulette giữ trong lưu trữ của bà, đề ngày 04 tháng 9 năm 1943, Joly hỏi Lê Phổ có thể chờ đợi đến tháng Mười cùng năm cho triển lãm tranh của mình được không? Joly bên cạnh đó tư vấn Lê Phổ rằng: “Nhưng trên hết, đừng cho ra quá nhiều tranh nhé! Nỗ lực duy nhất ở chất lượng thôi, chỉ chất lượng, đừng quan tâm đến số lượng!”. Và có tin mừng mà Joly sau đó thông báo với Lê Phổ rằng ông ta vừa bán một bức tranh của họa sĩ cho Quý ngài Eugene Marechoux, người “rất thích tranh của ông, và tôi đã xoay vòng bán lại cho ông ấy một bức tranh mà ông để lại cho tôi với giá tương đương, tôi không thể lấy lợi nhuận từ bạn bè của mình. Hôm nay tôi nói với ngài ấy giá tranh hiện tại của ông khoảng 20.000 đến 25.000 francs. Tôi đã hình dung ông sẽ thành công lớn và lớn hơn nữa”- Joly viết. Vào năm 1939, mười lăm Francs Pháp tương đương với một dollar Mỹ. Mặc dù vậy, vào đầu thập niên 40 trong chiến tranh, đã xảy ra một cuộc khủng hoảng lạm phát trầm trọng, vì thế rất khó để định giá hàng hóa vào thời điểm này.

Ngày 30 tháng 6 năm 1943, Henri Matisse chuyển từ Nice đến thị trấn Vence, để tránh cuộc xâm lược và bắn phá Nice của quân Đồng minh được dự đoán sẽ xảy đến sau sự kiện đầu hàng của quân Đức ở Bắc Phi vừa diễn ra. Matisse, lúc này bảy mươi ba tuổi và liệt giường, chuyển đến nhà mới, Villa Le Rêve, và đang sáng tác bộ sưu tập tranh cắt dán và trổ giấy. Paulette Lê Phổ cho chúng tôi xem bức thư của Henri Matisse, ngày 17 tháng Chín năm 1943, gửi từ Vence tới Nice cho chồng bà, bố trí một chuyến thăm khác cho Lê Phổ ở nhà của ông (Matisse) ở Vence. Quả là một trải nghiệm tuyệt vời cho Lê Phổ, và mặc dù ông ấy không để lại cho chúng ta câu chuyện cụ thể nào về chuyến thăm Henri Matisse, thì Hilary Spurling, trong tiểu sử khoa học hùng hồn của cô, Henri Matisse- Bậc thầy, kể lại sự việc Annelies Nelck, một họa sĩ Hà Lan trẻ tuổi, người đã đến gõ cửa nhà Henri Matisse tại Villa Le Rêve vào tháng Hai năm 1944, miêu tả căn hộ và xưởng họa của danh họa. Đó là một “không gian kì lạ, sáng sủa, đầy hoa và cây cối, bàn ghế, những vật lượn sóng và đầy màu sắc cùng những vật thể sáng tạo kì quặc”. Ở giữa căn phòng là Henri Matisse, ngồi trên chiếc giường bằng sắt rèn, được cố định bằng rất nhiều gối trắng, trông như “Chúa Cha đang nổi lên từ những đám mây bồng bềnh tựa kem bơ đánh phồng (whipping-cream) trên ban thờ của những nhà thờ Ba-rốc nhỏ khắp đất nước”. Những người khác chỉ có thể tưởng tượng sự phấn khích và niềm vui trông thấy của Lê Phổ khi hết lần này đến lần khác được đến thăm Henri Matisse những năm đầu thập niên 40 này.

Các chuyến thăm Henri Matisse và Pierre Bonnard mang đến những ấn tượng bất diệt cho Lê Phổ, và hai danh họa có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến Lê Phổ cũng như tranh của họa sĩ trong phần còn lại của cuộc đời. Paulette Lê Phổ giải thích rằng: “Đối với Bonnard, chồng tôi luôn cảm thấy nhỏ bé khiêm nhường, và ông ấy rụt rè trước Bonnard. Ông ấy ngưỡng mộ Bonnard. Thật sự. Bonnard là thầy của ông ấy”. Trên góc nhìn lịch sử, khi Pierre Bonnard mất năm 1947, Lê Phổ 40 tuổi; và khi Matisse qua đời năm 1954, Lê Phổ 47 tuổi. Vào đầu tháng Tư năm 2009, khi Paulette Lê Phổ cho chúng tôi tham quan xưởng vẽ tại gia của Lê Phổ, phòng vẽ mà bà ấy lưu giữ mọi thứ như vốn có xưa nay, chúng tôi nhìn thấy những tấm ảnh của Pierre Bonnard và Henri Matisse mà họa sĩ đã ghim lên tường nhiều năm trước đó.

Lê Phổ sau cùng rời Nice đến sống ở Paris năm 1945, và tại một bữa tiệc diễn ra năm 1946, ông gặp Paulette Vaux, cháu gái của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Marc Vaux (1985-1971), người được biết đến với biệt danh “nhiếp ảnh gia của các họa sĩ”. Paulette Lê Phổ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện hấp dẫn về việc làm thế nào, tại bữa tiệc này, Lê Phổ đã mời tất cả mười lăm vị khách tới xưởng vẽ tại căn hộ của ông để tham gia bữa tiệc thứ hai vào tuần sau đó. Theo lời phu nhân Lê Phổ kể cho chúng tôi: “Sau đó, Lê Phổ nói với Mai Thứ về bữa tiệc mà ông ấy đã sắp xếp, nhưng ông lại không có tiền, nên Lê Phổ hỏi liệu Mai Thứ có thể cho ông ấy mượn trước một chút không”. Mai Thứ đã cho Lê Phổ vay tiền, và tuần tiếp theo trở thành cơ hội thứ hai cho Lê Phổ gặp gỡ với vợ tương lai của mình, Paulette Vaux. Phu nhân Lê Phổ kể lại câu chuyện với một nụ cười: “Và sau đó, bạn thấy đấy!”

Năm 1947, Paulette và Lê Phổ kết hôn và xây dựng gia đình tại Paris nơi họ chung sống đến khi ông qua đời vào năm 2001. Họ có hai người con trai, Alain Lê Kim, nhiếp ảnh gia, nhà quay phim và chuyên gia âm thanh điện ảnh nổi tiếng; Pierre Lê Tân, một họa sĩ có tiếng, đồng thời cũng là một nhà thiết kế nội thất, tác giả và người vẽ minh họa cho nhiều cuốn sách; những bức vẽ cho thiếu nhi của Pierre Lê Tân được xuất bản ở vô số tạp chí quốc tế, và ông được biết đến nhiều nhất qua các minh họa trang bìa cho tờ Người New York. Năm 2004, Pierre Lê Tân được vinh danh với triển lãm lớn các tác phẩm nghệ thuật của mình tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Reina Sophia tại Madrid.

LÊ PHỔ – Le Bain de Mer. Oil on silk. 89x57cm. Sưu tập: Dr Tuan Pham, Phamatech Inc., San Diego, California.

 

LÊ PHỔ – Romance. Oil on silk. 58.5×30.5cm. Sưu tập: Dr Tuan Pham, Phamatech Inc., San Diego, California.

Trong sự nghiệp cá nhân, Lê Phổ có nhiều triển lãm thành công tại nhiều phòng tranh, bao gồm cả triển lãm cá nhân đầu tiên của ông ấy vào năm 1938: buổi trưng bày tại gallery Romanet tại An-giê-ry năm 1941, tại galllery Roux-Hentschel ở Paris năm 1945, triển lãm với hai người bạn họa sĩ Vũ Cao Đàm và Mai Thứ tại Galerie De Madagascar ở Paris trong chương trình Triển lãm nghệ thuật An Nam (Exposition DArt Annamite). Nhiều triển lãm quan trọng khác diễn ra sau sự kiện kết hôn của ông năm 1947: ở Brussels năm 1948 tại Galerie de la Peinture Vietnamienne (Gallery Hội họa Việt Nam), năm 1956 tại phòng tranh mới mở Galerie Romanet ở Paris, và năm 1960 tại Galerie de Francony ở Nice. Paulette Lê Phổ xác nhận lại rằng trong sự nghiệp của chồng mình, Lê Phổ đã từng có triển lãm tại Hà Nội, Nice, Lyon, Strasbourg, Nantes, Rouen, Brest, An-giê-ry, Casablanca, Brussels, Caracas, Buenos Aires, New York, Chicago, Los Angeles và Palm Beach. Paulette Lê Phổ còn nhớ như in buổi trưng bày năm 1956 của Lê Phổ tại Galerie Romanet trên đường Matignon vì triển lãm của ông diễn ra cùng thời gian với cuộc khởi nghĩa của người Hungary với tất cả bi kịch và hỗn loạn tại Budapest. “Rất nghiêm trọng, cả châu Âu đều tập trung vào sự kiện này”.

Trong khoảng thời gian đầu của Thế chiến 2, rất nhiều cư dân bỏ châu Âu và rời đến Thủ đô của An-giê-ry (Algiers). Thành phố trở thành tổng hành dinh của Chính phủ Pháp Tự do lãnh đạo bởi Tướng Charles de Gaulle, đồng thời cũng là trụ sở chính của Quân Đồng minh tại Bắc Phi. Trong cuộc di cư này có nhiều nghệ sĩ, trong khoảng thời gian năm 1940 hoặc sớm hơn không lâu, André Romanet mở phòng tranh Galerie de Romanet tại Algiers. Năm 1941, gallery này tổ chức triển lãm tranh đầu tiên bởi Lê Phổ. Mối quan hệ công việc và tình bạn giữa André Romanet và Lê Phổ duy trì trong hai mươi ba năm cho đến năm 1964 khi Lê Phổ kí hợp đồng độc quyền với Wally Findlay Galleries của Hoa Kỳ. Romanet trở thành một người bạn thân thiết và cố vấn đối với Lê Phổ, và Paulette Lê Phổ chắc chắn rằng ông là người khuyên Lê Phổ nên sáng tác nhiều hơn trên sơn dầu và bớt vẽ lụa, đồng thời Romanet cũng khuyên Lê Phổ nên sử dụng nhiều màu sắc tươi sáng hơn. Đã từng có tài liệu ghi lại rằng Henri Matisse là người gợi ý Lê Phổ vẽ với bảng màu sáng hơn, nhưng theo lời phu nhân Lê Phổ: “Romanet đã làm việc đó! Đó là Romanet người đã khuyên chồng tôi nên làm sáng bảng màu của mình. Và cũng là Romanet người đã nói với ông ấy hãy bắt đầu sáng tác nhiều hơn bằng chất liệu sơn dầu. Khi Romanet mở phòng tranh ở Paris vào đầu những năm 50, ông ấy đã thúc giục Lê Phổ vẽ sơn dầu. Ông ấy nói với Lê Phổ rằng tranh lụa bị xem như nghệ thuật phụ trợ thôi.” Đương nhiên, kết quả từ lời khuyên này của André Romanet trở nên trớ trêu vì ngày nay, những bức tranh lụa thời kỳ đầu của Lê Phổ được các nhà sưu tầm đam mê tìm kiếm và đắt giá hơn nhiều so với các bức sơn dầu.

Lê Phổ thi thoảng vẫn sáng tác trên lụa, căng trên bảng hoặc miếng ép sợi gỗ, cho đến cuối thập niên 60. Hai trong số những bức vẽ của Lê Phổ được giới thiệu lại trong bài viết này, hai bức tranh nhỏ trên lụa, được mua vào những năm 1960 bởi Gallery Felix Vercel tại New York. Khi chúng tôi nhắc đến những bức vẽ này với phu nhân Lê Phổ, chúng tôi bị thu hút bởi câu chuyện làm thế nào hai bức vẽ trên có thể đến được New York từ Paris. “Felix Vercel đã lấy vợ của Romanet! Đó là một người phụ nữ xinh đẹp. Trong một thời gian ngắn, vợ của Romanet đã sống cùng Felix Vercel, khi bà ấy đến, chồng tôi đã đưa cho họ một vài bức vẽ. Được nhìn thấy nhiều nhất, nhưng không phải là tất cả các bức lụa được vẽ trên bảng gỗ ép vào cuối những năm 50 và trong suốt thập niên 60”.

Mặc dù Lê Phổ đã rời Hà Nội năm 1937, ông ấy vẫn cống hiến cho cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Là một người nhiệt tình ủng hộ chủ nghĩa xã hội, Lê Phổ tham gia vào các cuộc đàm phán năm 1946 tại Fontainbleau giữa Đảng Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Chính phủ Việt Nam dẫn đầu bởi ngài Phạm Văn Đồng, và Chính phủ Pháp. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các trợ lý của mình đến thăm Paris năm 1946, Lê Phổ đã gặp gỡ Chủ tịch và sau đó kiến nghị với Chính phủ Pháp về điều kiện lưu trú và làm việc tốt hơn cho phái đoàn Việt Nam. Bằng sự cảm kích, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Lê Phổ một bức ảnh với chữ viết tay dành riêng cho ông “Tặng chú Lê Phổ. Chào thân ái”.

Trong suốt cuộc đời mình, Lê Phổ hay nói về sự gắn bố sâu sắc của ông với quê hương Việt Nam nơi các thành viên trong gia đình đã và vẫn đang sinh sống, một số người là cán bộ của chính phủ, một số người là nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, giáo viên, bác sĩ, nhạc sĩ và kĩ sư.

Theo Waldemar Geogre từng miêu tả, các sáng tác của Lê Phổ có thể chia làm hai giai đoạn. Đầu tiên, là những bức tranh thời kỳ đầu trên lụa chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ các họa sĩ Phục Hưng bậc thầy người Pháp, Hà Lan, Đức kết đôi với hiểu biết và am tường của Lê Phổ về những họa sĩ cổ điển Trung Quốc xưa. Giai đoạn thứ hai là những bức tranh sơn dầu, bắt đầu vào thập niên 50, phản ánh sự phát triển, trưởng thành và tự tin của họa sĩ cũng như xác nhận rõ ràng sự am hiểu và trân trọng của ông đối với Hội họa Ấn tượng và Hậu Ấn tượng Pháp. Các bức tranh của Lê Phổ trở thành sự tổng hòa của phương Đông và phương Tây, Waldemar Geogre miêu tả một cách thơ mộng như là khi “Những con đường của Châu Á và Châu Âu giao cắt. Nghệ thuật phương Tây và phương Đông một lần nữa mở ra một cuộc đối thoại huynh đệ.”

LÊ PHỔ – Vierge à I’Enfant. Ink and gouache on silk. 55.1x46cm. Private Collection: Courtesy of Sotheby’s, Singapore and Hong Kong.

 

LÊ PHỔ – Jeune Fille aux Poppies. Oil on canvas. 80.5x99cm. Private Collection.

Corinne de Manonville, trong cuốn sách của bà, Hội họa Việt Nam- từ Truyền thống đến Hiện đại, miêu tả những giai đoạn này như sau:

“Chủ đề chung của tất cả các giai đoạn này là phụ nữ, cuộc sống gia đình họ bao quanh bởi con cái, giữa thiên nhiên; hiếm thấy các cảnh thân mật hay khỏa thân. Những người phụ nữ trong tranh thời kì đầu cao và mỏng manh, với khuôn mặt hình oval được xác định rõ ràng, nét bút nhẹ nhàng như thể đang vuốt ve các nhân vật. Họ được tiêu biểu hóa bằng sự mềm mại, dịu dàng, khiêm nhường, và thanh tao… Bên cạnh sự hỗ trợ của chất liệu lụa, những màu sắc tinh tế và đa sắc thái, những tông màu pastel giúp nhấn mạnh không khí lãng mạn trong tranh.

Giai đoạn thứ hai, sơn dầu, vẫn đặt phụ nữ vào vị trí trung tâm nhưng biểu lộ cảm xúc tự do thông qua cử chỉ và màu sắc. Việc sáng tác trên lụa đòi hỏi một thời gian dài để có được sự tinh tế và tỉ mỉ. Làm việc trên sơn dầu lại cho phép nhiều sự ngẫu hứng trong sáng tạo hơn, với nhiều chuyển động hơn và các màu sắc phong phú hơn. Dưới sự ảnh hưởng của chủ nghĩa Ấn tượng, những sáng tác thời kỳ này thể hiện sự rung động, hân hoan trong ánh sáng, hân hoan trong những nét bút nhanh, nhịp nhàng… Hoa cỏ là chủ đề bên cạnh phụ nữ. Hai đề tài này thường được đặt cạnh nhau nhưng góc nhìn của họa sĩ vẫn tập trung vào những người phụ nữ lãng mạn, tinh tế, mảnh dẻ, bao quanh là những đứa trẻ hay các thiếu nữ trẻ”.

Lê Phổ yêu hoa, và hoa gần như luôn hiện diện trong tranh ông từ sau năm 1950, cả sơn dầu và lụa, và xuất hiện thường xuyên trong những bức tranh lụa thời kỳ đầu của ông vào những năm 30 hay 40. Một bức hình được Paulette Lê Phổ cung cấp cho chúng tôi, chụp lại hoạ sĩ trong studio của ông ấy vào khoảng những năm 1970, đang nghiên cứu để có được một cái nhìn sâu sắc về hoa trong tranh. Trong tấm hình này, chúng tôi nhìn thấy một bó hoa thật được đặt trước một tấm vải trắng trong studio của Lê Phổ. Waldemar George, trong cuốn sách của ông ấy, Lê Phổ, bình luận về những bức vẽ hoa, “Những bức tranh về hoa của Lê Phổ tự thân biến đổi không gian nhà ở thông thường nhất thành một căn nhà đầy mê hoặc, quyến rũ. Trong một vài trường hợp, những đóa hoa lấy từ thiên nhiên này nhường chỗ cho những bông hoa bung nở từ giấc mơ tinh tú. Người ta liên tưởng đến những bông hoa phi thường của Redon”.

Năm 1964, Lê Phổ kí hợp đồng với Wally Findlay Galleries, một gallery liên kết tại thời điểm đó với Chicago, New York và Palm Beach. Năm 1971, Findlay tiếp tục mở các phòng tranh tại Beverly Hills và Paris. Đó là một khoảng thời gian buồn phiền đối với Lê Phổ, vì bản hợp đồng với Findlay nhấn mạnh vào tính độc quyền của nghệ sĩ đồng nghĩa với việc cấm Lê Phổ hợp tác với André Romanet, trong khi Romanet là người phân phối lâu năm những bức tranh của Lê Phổ. Họa sĩ đã gắn bó làm việc với Romanet từ đầu những năm 1940, và quyết định kết thúc với Romanet là một quyết định vô cùng khó khăn. Phu nhân Lê Phổ phản ánh về khoảng thời gian trên trong cuộc đời họ: “Trong nhiều ngày, Lê Phổ không biết phải làm gì, rời bỏ Romanet. Tất nhiên, chúng tôi không có nhiều tiền, vì thế việc đến với Findlay là một cám dỗ. Nhưng chồng tôi đã vô cùng buồn bã.”

Triển lãm đầu tiên của Lê Phổ với Findlay Galleries diễn ra ở Palm Beach, Florida. Và hoạ sĩ sau cùng có những triển lãm khác với họ tại New York, Chicago và Los Angeles. Theo lời phu nhân Paulette, phòng tranh của Findlay tại Paris chưa bao giờ treo một bức tranh nào của Lê Phổ. Trên tờ rơi cho triển lãm tranh của Lê Phổ tổ chức vào khoảng cuối thập niên 60, Findlay Gallries tự miêu tả chính họ “Chuyên về những bậc thầy Ấn tượng, Dã thú và Hậu Ấn tượng Pháp”, và thông báo họ là “Đại diện độc quyền tại Mỹ cho 30 nghệ sĩ nổi tiếng Thế giới”, bao gồm cả Lê Phổ, cùng người bạn học của ông ấy ở Hà Nội: Vũ Cao Đàm. Trong gần 25 năm làm việc với Wally Findlay Galleries, Lê Phổ hưởng thụ thành công về mặt tài chính khi Findly liên tục bán các bức tranh của ông cho các nhà sưu tập tại Mỹ và các nơi khác trên Thế giới. Lê Phổ tiếp tục bản hợp đồng với Findlay Galleries tới cuối thập niên 1980.

Vào tháng mười hai năm 1991, Lê Phổ lúc này 84 tuổi, bị một chiếc xe gắn máy đâm khi băng qua đường gần nhà  ông ở Paris. Ông bị chấn thương nhiều vùng ở đầu và phải nằm viện trong vòng năm tháng, trải qua hai cuộc phẫu thuật. Paulette Lê Phổ cho chúng tôi xem một bức tranh tĩnh vật hoa tuyệt đẹp treo trong phòng khách của gia đình, “Tôi đã khóc mỗi ngày trước nó mỗi khi trở về từ bệnh viện sau khi thăm ông ấy”. Lê Phổ không khi nào phàn nàn khi nằm tại bệnh viện, và phu nhân Lê Phổ kể rằng hai con trai đến thăm cha của họ mỗi ngày.

Những năm gần đây, tranh của Lê Phổ được quảng bá bởi Nhà đấu giá Christie’s và Sotheby’s, đặc biệt là ở Singapore và Hong Kong… Lê Phổ trở thành hoạ sĩ Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất. Trong vòng hơn mười năm qua, giá tranh của Lê Phổ tăng đáng kể do nhiều nhà sưu tầm ý thức được giá trị những bức tranh cũng như tên tuổi của hoạ sĩ. Christie’s Singapore hiện giữ kỷ lục giá tranh cao nhất (thời điểm trước 2009 – người dịch) của Lê Phổ cho bức “Thiếu nữ hái hoa”, sơn dầu trên lụa, 57,4 cm x 42,4 cm; bán tại Hong Kong ngày 24 tháng 5 năm 2008 với giá 2,647,500 dollar Hongkong (tương đương 339,797 USD) cùng với phí bảo hiểm. Vào tháng tư năm 2008, Christie’s Singapore cũng bán tại Hong Kong, một bức tranh mực và keo trên lụa của Lê Phổ, “Vệ nữ và con”   (Vierge a Lenfant), 1938; 55,1 x 46 cm, với giá 2,407,500 dollar Hongkong (tương đương 309,192 USD) với phí bảo hiểm. Trong khi những bức tranh sơn dầu của ông ấy lại không có được mức giá cao như những bức tranh lụa thời kỳ đầu, người ta hi vọng giá tranh sẽ tiếp tục tăng vì ngày càng nhiều các nhà sưu tầm nhận ra tầm quan trọng của Lê Phổ trong vai trò một hoạ sĩ Việt Nam cũng như Châu Á đồng thời là một hoạ sĩ đặc biệt của hội hoạ Pháp thế kỷ 20.

Trong hơn mười năm trở lại, tranh của Lê Phổ được tích cực sưu tầm bởi các nhà sưu tập người Pháp, Mỹ, Anh, Úc, Singapore, Hong Kong và các nhà sưu tập Việt Nam tại nước ngoài. Những năm gần nhất, các nhà sưu tập Indonesia cũng tham gia vào thị trường khi mua về các bức tranh của hoạ sĩ tại hai nhà đấu giá Christie’s và Sotheby’s tại Hong Kong và Singapore cũng như từ hai nhà đấu giá của Indonesia tại Jakarta: Larasati và Borobudur- nơi vừa đưa tranh Lê Phổ vào danh sách những bức hoạ mà họ mở bán.

Về mặt lịch sử, một nghệ sĩ được đánh giá là quan trọng khi họ được tìm kiếm và mua tích cực nhất bởi các nhà sưu tầm tại quốc gia nơi họ sinh ra, nhưng cho đến nay, rất ít nhà sưu tầm Việt Nam cạnh tranh trong thị trường mua bán tranh Lê Phổ (trước 2009 – người dịch). Nhưng điều này sau cùng cũng thay đổi khi Việt Nam tiếp tục phát triển nền kinh tế và những người thuộc tầng lớp thượng lưu sẽ nổi lên để trở thành các nhà sưu tầm nghệ thuật. Xu thế sưu tầm này đã xảy ra ở các nước Mỹ La Tinh như Mê xi cô, Ac-hen-ti-na, Brazil, Venezuela và Chi-lê hơn ba mươi năm qua. Trong thời gian gần đây, những nhà sưu tầm người Nga, Indonesia và kịch tính nhất là Trung Quốc đã bắt đầu ráo tiết tìm mua các bức tranh của những nghệ sĩ hàng đầu của đất nước họ, cả trong quá khứ lẫn tại thời điểm hiện tại, họ thường xuyên bỏ ra những con số đáng chú ý để có được những tác phẩm nghệ thuật này. Cân nhắc về vấn đề làm thế nào mà nhu cầu cho những bức tranh Trung Quốc cả thế kỷ 20 lẫn đương đại ngày càng tăng, là do ngày càng có nhiều nhà sưu tầm tham gia vào thị trường. Có thể xuất hiện một thời điểm mà các nhà sưu tầm Trung Quốc tìm thấy giá trị và niềm vui sướng trong việc sưu tập tranh của Lê Phổ – người vừa là hoạ sĩ hàng đầu thế kỷ 20 quốc tịch Việt Nam, vừa là hoạ sĩ Hậu Ấn tượng hàng đầu thế kỷ 20 của châu Á.

Các bức tranh của Lê Phổ được trưng bày cho toàn thể công chúng trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Singapore, Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Fukuoka Nhật Bản và tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội. Trong nhiều năm, điều này thường xuyên được ghi chép lại rằng, tranh của Lê Phổ nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia tại Paris; vào năm 2009 chúng tôi đã đến cả hai địa điểm của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia đặt tại Pompidou Centre và Ville de Paris, thì mọi danh sách các tác phẩm trong Bảo tàng đều không có tên tranh của Lê Phổ. Sau này, Paulette Lê Phổ cho chúng tôi xem một bức thư từ tháng Sáu năm 1944 của Chính phủ Pháp thông báo cho Lê Phổ rằng Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia đã mua một bức tranh của ông, Composition, vào năm 1944. Hiếu kỳ về sự tồn tại của bức tranh này, chúng tôi sau đó đã liên lạc với cả hai bảo tàng hiện đại tại Paris.

Chỉ ít ngày sau, Trưởng ban Bảo quản của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Quốc gia tại Ville de Paris, ngài Gerard Audinet, trả lời chúng tôi kèm một danh sách bốn bức tranh của Lê Phổ được giữ bởi Tổ chức Nghệ thuật Đương đại Quốc gia Pháp. Chỉ có một bức được ghi hiện tại vẫn nằm trong Bộ sưu tập của Bảo tàng, bức tranh lụa vẽ hai thiếu nữ xinh đẹp, Les Deux Soeurs (Hai chị em), mua năm 1944, hiện đang treo tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại tại Saint-Etienne-Metropole. Ba bức tranh còn lại, đều được mua vào đầu thập niên 1940, bao gồm cả bức Composition mà Paulette Lê Phổ nhấn mạnh cho chúng tôi với bức thư được viết năm 1944. Ba bức tranh này của Lê Phổ hiện đang được lưu giữ tại nơi nào đó trên nước Pháp và hi vọng sớm được trưng bày công khai với công chúng trong tương lai gần.

Bộ sưu tập cá nhân đẹp nhất các bức tranh của Lê Phổ mà chúng tôi biết được là nhóm các tác phẩm xuất sắc được mua bởi Tiến sĩ Tuấn Phạm, Chủ tịch và CEO của Tập đoàn Phamatech, San Diego, California. Bộ sưu tập tranh Lê Phổ và những bức tranh hạng nhất khác của Hội hoạ Việt Nam thế kỷ 20, cũng như gốm và đồng Việt Nam cổ đại của Tiến sĩ Phạm được trưng bày và có thể tham quan theo lời mời tại Trụ sở chính của Phamatech tại San Diego.

Khi chúng tôi đang ở Paris vào tháng Tư năm 2009, chúng tôi và con gái mình Lily có dịp đến thăm Đại học Quốc tế Paris và bắt gặp một bức tranh lớn của Lê Phổ đặt tại đây. Bức sơn dầu trên vải, Hanoi, cao 2,05 mét và dài 4.41 mét, vẽ tại Hanoi năm 1929 và có thể được Lê Phổ mang đến Paris trong chuyến thăm đầu tiên của ông năm 1931. Bức tranh được đặt ở Maison de lIndochine (Nhà Đông Dương), nay là Maison des Étudiants de lAsie de Sud – Est (Nhà Sinh viên Đông Nam Á) hay Trung tâm cho Sinh viên Đông Nam Á.

Mặc dù bức tranh được ghi tựa đề Hanoi bởi Trường Đại học Quốc tế Paris nhưng phu nhân Paulette Lê Phổ tin rằng nó ban đầu được đặt một cái tên khác. Bức tranh được kí tên Lê Phổ, đề năm 1929 và ghi HANOI bên cạnh thời gian đó, cho nên cái tên Hanoi đã được chọn để đặt cho tác phẩm. Mặc dù vậy, HANOI có khả năng biểu thị nơi mà Lê Phổ vẽ bức tranh chứ không phải tên của tác phẩm. Nếu bạn ở Paris, chúng tôi khuyên các bạn rất nên đến xem bức tranh trọng yếu của Lê Phổ này tại Đại học Quốc tế.

Nếu có bất kỳ bộ sự tập công khai hay cá nhân các bức tranh của Lê Phổ nào khác chưa được nhắc tới, chúng tôi xin lượng thứ vì chưa được biết về chúng, và chúng tôi rất trân quý việc được học hỏi từ các Bảo tàng, Viện hay các cá nhân đang sở hữu những tài sản giá trị đó.

Lời người dịch: Cho đến hôm nay, kỉ lục giá tranh của Lê Phổ được ghi lại cho bức Family Life (Đời sống Gia đình) với con số 1,172,080 USD bán ra tại buổi đấu giá tổ chức bởi Sotheby’s ở Hongkong đầu năm 2017. Số tiền này đã phá vỡ kỷ lục trước đó dành cho nghệ thuật Việt Nam với bức tranh “Nhìn từ đỉnh đồi” (View from the hilltop) cũng của Lê Phổ được bán ra ngày 22 tháng 11 năm 2014 tại Christies Hong Kong (giá trị tại thời điểm bán là 844.000USD).

Nguyễn Thị Lan Hương và George Belcher

Nguồn theo bài Le Pho – Post-Impressionist Master Artist đăng trên  Art of Asia Hongkong năm 2009

Dịch: Vi Tường Vi

(*) Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 301 & 302 tháng 1-2 năm 2018

Tin cùng chuyên mục

Hoạ sĩ Thái Tĩnh trong sắc thu vĩnh cửu

Lắng đọng trong tâm khảm mỗi người nghệ sĩ, khi nắm bắt được ý tưởng trong sáng tạo nghệ thuật với sự chuyển hóa của mùa luôn mang sắc thái rất riêng và rất đẹp. Ý niệm đã sẵn có...

Tiểu tự sự của Hoàng Đỗ Cường

Triển lãm cá nhân Họa sĩ và những người bạn của cố họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (18/4/1959 – 15/2/2023) sẽ khai mạc lúc 17h ngày 17/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày...

Họa sĩ Đỗ Đức: Triển lãm và bán đấu giá tranh góp tiền xây trường cho trẻ em vùng cao

NDO – 50 năm lăn lộn với các tỉnh miền núi phía bắc trong vô vàn các chuyến công tác đã để lại trong họa sĩ Đỗ Đức những ký ức và cảm hứng để đến khi về hưu, ông đã dành toàn bộ...

Hội Mỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028

Sáng 10/9, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Hội Mỹ thuật Hải Phòng đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 – 2028. Tham dự và chúc mừng Đại hội có họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ...

Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu – Những vệt màu cảm xúc!

Triển lãm tranh sơn mài Nghe kể chuyện làng mình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đang diễn ra Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kéo dài đến hết ngày 15/9, bày khoảng 65 tranh sơn mài, đa số khổ lớn. Trên địa...

Có thể bạn quan tâm

Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức triển lãm kỷ niệm 70 chiến thắng Điện Biên Phủ

Triển lãm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm,...

20 NĂM NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI, CƠN SỐT TOÀN CẦU

“Trong thế kỷ 21, nghệ thuật đương đại đã trở thành nhân tố chính dẫn đến sự tăng trưởng của thị trường nghệ thuật toàn cầu.” Về tổng thể, thị trường nghệ thuật đương đại đã...

KOSTAKI VÀ BỘ SƯU TẬP VỀ TRÀO LƯU TIÊN PHONG NGA

  Khi nói về giới sưu tập nghệ thuật Nga, chúng ta không thể không nhắc tới Georgy Dionisovich Kostaki (1913-1990), một con người mà tầm nhìn về nghệ thuật và chính trị vượt trước thời đại...

Hiện thực và Siêu thực: Hai trạng thái của vòng lặp

Trong nghệ thuật biểu hình, hiện thực và siêu thực là hai ngôn ngữ thể hiện rất rõ cách nhìn về đời sống và thế giới nội tâm của mỗi họa sĩ. Triển lãm Vòng lặp khai mạc vào ngày 30/5 vừa...

PHONG CẢNH SÀI GÒN TRÊN BÌNH PHA LÊ STEUBEN

  Đầu năm 1954, Công ty Steuben Glass, một công ty danh tiếng của Mỹ, thành lập từ năm 1903, chuyên sản xuất các sản phẩm thủy tinh và pha lê nghệ thuật, đã quan tâm đến việc thu thập bản vẽ...

CHUYỆN BIÊN TẬP Ở TẠP CHÍ MỸ THUẬT

  Tính đến năm 2022, là tròn đúng 10 năm tôi bắt đầu vào làm việc cho Tạp chí Mỹ thuật (tháng 2/2012), và cũng tình cờ là đúng dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Tạp chí Mỹ thuật (1977-2022). 10...